Nhân dân hãy tham gia bình chọn biểu trưng (logo) tỉnh Hải Dương

Thứ ba - 16/07/2019 07:57 - 2264 lượt xem
Người dân bình chọn biểu trưng tỉnh tại trụ sở UBND TP Hải Dương
Người dân bình chọn biểu trưng tỉnh tại trụ sở UBND TP Hải Dương
Ngày 15.7, các trang thông tin bình chọn và hòm phiếu đặt tại 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh để lấy ý kiến nhân dân về biểu trưng (logo) của tỉnh đã chính thức hoạt động.

Ban Tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng tỉnh đã chọn 5 mẫu logo từ gần 200 mẫu của các tác giả gửi về để người dân bình chọn ra 1 mẫu được yêu thích nhất. Ban Tổ chức sẽ dựa vào kết quả bình chọn của nhân dân cùng với ý kiến của Ban Giám khảo để trình lãnh đạo tỉnh xét chọn ra biểu trưng tỉnh Hải Dương.

Người dân có thể bình chọn theo 2 phương thức:

Một là, bình chọn trực tiếp bằng phiếu, hòm phiếu đang được đặt ở UBND 12 huyện, thành phố của tỉnh. 

 

Hai là, truy cập trực tiếp vào trang thông tin bình chọn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: http://binhchonlogo.haiduong.xyz.


Từ ngày 15.7, Báo điện tử Hải Dương và các trang thông tin điện tử của tỉnh đăng baner dẫn đến đường link bình chọn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phục vụ việc bình chọn của bạn đọc.

Đợt bình chọn diễn ra từ ngày 15 -30.7.


5 mẫu logo biểu trưng để người dân bình chọn

Báo điện tử Hải Dương xin giới thiệu ý tưởng các tác giả gửi gắm trong mỗi mẫu Logo để người dân bình chọn như sau:

Mẫu M79: 

Lấy ý tưởng từ cổng Thành Đông là hình tượng tiêu biểu, đặc trưng đã ăn sâu trong tiềm thức của nhân dân cả nước - khẳng định tỉnh Hải Dương vẫn mãi là một trong “tứ trấn” của kinh thành Thăng Long xưa với vai trò là “Vùng thủ đô”, “Trung tâm kinh tế trọng điểm vùng Bắc Bộ” đang trên đà phát triển.

Điểm nhấn của biểu trưng là hình tượng cổng Thành Đông kết hợp với hình ảnh 12 cánh hoa nối liền nhau như ánh mặt trời tỏa sáng, tượng trưng cho 12 huyện, thành phố của tỉnh đoàn kết cùng chung tay xây dựng quê hương.

Mẫu M89:

Lấy hình ảnh trọng tâm là Văn miếu Mao Điền (huyện Cẩm Giàng), biểu tượng truyền thống văn hóa, văn hiến và khoa bảng của xứ Đông. 

Trên nền đỏ là ngôi sao vàng 5 cánh, hình ảnh Quốc kỳ - Hải Dương nằm trong lòng Tổ quốc Việt Nam. Hình ảnh những tòa nhà cao tầng biểu tượng cho một đô thị hiện đại, văn minh trong tương lai gần của tỉnh Hải Dương. Ta còn thấy đây là bông sen lớn, một loài hoa thanh cao tượng trưng cho tinh hoa văn hóa lúa nước, đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Qua đó, có sự liên tưởng đến “bông hoa công nghiệp” hay “đôi bàn tay” nâng niu chung sức cho sự phát triển đi lên của Hải Dương.

Mẫu M104:

Hình ảnh chủ đạo được khắc họa trong logo là Thành Đông, một trong 4 "Thăng Long tứ trấn", một biểu tượng của vùng đất địa linh nhân kiệt, là phên dậu phía Đông của kinh thành Thăng Long xưa. Bao quanh là vòng tròn thể hiện hình ảnh mặt trời rực rỡ, tỏa sáng.

Hình ảnh Thành Đông được tạo bởi những nét kỷ hà thể hiện nổi bật tinh thần của vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử. Những đường nét sắp đặt trong biểu trưng tầng tầng lớp lớp thể hiện sự kế thừa và phát triển bền vững, gắn kết lịch sử và hiện đại.

Sự sắp xếp đường nét khoa học, đơn giản, ấn tượng trong biểu trưng còn gợi hình ảnh của sự đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Mẫu M133:

Cũng lấy hình ảnh Văn miếu Mao Điền làm chủ đạo, kết hợp với nét cong của những trang sách nhằm nhấn mạnh ý nghĩa về sự học. Những đường thẳng từ cổng tam quan tượng trưng cho ánh sáng của đạo học. Ngôi sao vàng trên nền đỏ vừa có ý nghĩa là cờ Tổ quốc, đồng thời cũng là ngôi sao tượng trưng về các danh nhân, nhân vật lịch sử, những ngôi sao sáng trên bầu trời văn hóa truyền thống của đất nước như: Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Tuệ Tĩnh, Phạm Sư Mệnh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vũ Hữu, Nguyễn Thị Duệ.

Văn hóa là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội, logo với hình biểu tượng văn hóa là đặc trưng cơ bản nhất để khắc họa nên biểu tượng tỉnh Hải Dương trong quá khứ và tương lai.

Mẫu M171:

Trung tâm logo miêu tả tam quan đền Kiếp Bạc, gắn với hình tượng người anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Phía dưới gợi ý những dòng sông đem lại màu mỡ, phì nhiêu cho ruộng đồng Hải Dương, nhưng cũng là nơi làm cho quân xâm lược khiếp sợ, tiêu biểu là dòng Lục đầu giang.

Đền Kiếp Bạc cũng là công trình kiến trúc độc đáo, riêng biệt không trộn lẫn với bất kỳ công trình kiến trúc nào ở Việt Nam. Bên ngoài là 2 cánh sen, gợi ra trang sách nói về truyền thống hiếu học của người dân xứ Đông xưa, Hải Dương nay. 2 cánh sen đồng thời tượng trưng cho 2 thành phố lớn, kết hợp với 10 tia sáng tượng trưng cho 10 huyện trong tỉnh, tạo thành ánh sáng bình minh của mặt trời đang lên ở phía Đông, biểu trưng của tỉnh Đông - Hải Dương.

Chữ Hải Dương phía trên các tia sáng là 12 huyện, thành phố như đang tỏa sáng, nói về Hải Dương ngày nay đang tiếp tục phát triển trên nền tảng truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của đất và người Hải Dương từ xa xưa.

HUYỀN ANH (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây