Chuyên nghiệp
Một điều quan trọng làm nên thành công của cuộc thi đến ngày hôm nay là chất lượng chuyên môn của các đội Robocon. Bằng tinh thần sáng tạo, lao động miệt mài, các đội mang đến vòng chung kết những sản phẩm tốt nhất. Hầu hết các robot đã được cải tiến, nâng cấp để di chuyển nhanh, thực hiện động tác ổn định, chính xác hơn so với vòng loại khu vực như Đại học Lạc Hồng (Đồng Nai), Đại học Sư Phạm kỹ thuật Hưng Yên, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh và chủ nhà Đại học Sao Đỏ. Các đội thiết kế việc di chuyển của robot đưa tin 2 khá phong phú khi mô phỏng kiểu đi của sâu đo, nhện, ngựa hay xe tăng. Dù là kiểu gì thì mục tiêu hướng tới của các đội là giúp robot di chuyển, thực hiện động tác tốt nhất. Trong đó, ấn tượng nhất là robot đưa tin 2 của các đội Trường Đại học Lạc Hồng. Robot được thiết kế như một chiến mã đưa tin thực thụ của người Mông Cổ. Những bước phi qua chướng ngại vật cực kỳ nhanh gọn, ấn tượng.
Chính từ sự đầu tư, tâm huyết của các đội nên chất lượng chuyên môn của cuộc thi năm nay rất cao. Mặc dù đề thi năm nay khó nhất từ trước tới nay nhưng qua kết quả vòng bảng, vòng 1/8 nhiều đội có kết quả giành chiến thắng tuyệt đối Uukhai rất nhanh với 28 - 30 giây. Đây là kết quả ngoài sự mong đợi của Ban Tổ chức. Ngoài các đơn vị có truyền thống thì những đơn vị lần đầu tiên góp mặt tại cuộc thi cũng rất nỗ lực thi đấu. Cũng chính từ chất lượng chuyên môn tốt, hầu hết các trận đấu diễn ra gay cấn, hấp dẫn đã cuốn hút đông đảo người dân Hải Dương đến cổ vũ, động viên.
Công tác đăng cai tổ chức của tỉnh Hải Dương chu đáo, không để xảy ra bất kỳ sự cố gì. Ông Tạ Tuấn Anh, thành viên tổ thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi sáng tạo Robot Việt Nam năm 2019 đánh giá: "Công tác tổ chức cuộc thi đến nay đã thành công 90%. Có được điều này là sự đóng góp không nhỏ của tỉnh Hải Dương, Nhà Thi đấu Thể dục, thể thao tỉnh Hải Dương. Công tác tổ chức được thực hiện một cách chuyên nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Ban Tổ chức. An ninh trật tự, phòng chống cháy nổ được bảo đảm; đội ngũ tình nguyện viên, cổ động viên nhiệt tình, thân thiện đã tạo tâm thế tốt cho chúng tôi".
Không chỉ tạo ấn tượng mạnh mẽ với Ban Tổ chức cuộc thi, tỉnh Hải Dương còn làm tốt việc hỗ trợ các đội về điều kiện, địa điểm tập luyện, ăn nghỉ. Anh Lê Hoàng Anh, phụ trách các đội Robocon của Trường Đại học Lạc Hồng nhận xét: "Tuy đây là năm đầu tiên tỉnh Hải Dương đăng cai vòng chung kết Cuộc thi sáng tạo Robot Việt Nam nhưng đã thực hiện mọi công việc rất tốt. Các đội về tham dự được bố trí địa điểm ăn nghỉ thuận tiện cho việc di chuyển và an toàn. Đặc biệt là việc hỗ trợ bố trí sân bãi để chúng tôi có thể tập luyện trong điều kiện tốt nhất. Từ cuối tháng 4, chúng tôi đã về làm sân bãi tập luyện tại Trường THCS Võ Thị Sáu (TP Hải Dương) và được giúp đỡ nhiệt tình, chu đáo.
Khán giả cổ vũ nhiệt tình cho các đội
Một điều vô cùng quan trọng góp phần làm nên thành cho cuộc thi từ đêm khai mạc đến nay là sự cổ vũ, động viên nhiệt tình của khán giả. Chính khán giả đã làm cho bầu không khí thi đấu luôn rực lửa, trở thành nguồn động viên rất lớn để các đội thi đấu tốt hơn. Đặc biệt, để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các bạn trẻ đến xem, cổ vũ, Ban Tổ chức không bán vé và không thu tiền trông giữ phương tiện.
Em Nguyễn Văn Hưng, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hải Dương) hào hứng nói: "Từ ngày diễn ra cuộc thi, nhóm bạn chúng em chưa bỏ một tối nào, nhất là khi có đội chủ nhà Trường Đại học Sao Đỏ thi đấu. Đến đây, chúng em học hỏi nhiều điều về tinh thần làm việc theo nhóm, không lùi bước trước khó khăn, niềm khát khao nghiên cứu khoa học, kỹ thuật".
Khả năng đi tiếp của các đội
Vòng chung kết có 32 đội của 12 trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc tham dự. Kết thúc vòng 1/8 vào đêm 11.5, cuộc thi đã xác định 8 đội mạnh nhất vào thi đấu tứ kết gồm: chủ nhà Sao Đỏ LEGEND gặp SKH5 (Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên), SPK-WIND (Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh) gặp LH-WAO (Đại học Lạc Hồng), SKH3 (Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên) gặp LH-OCEAN (Đại học Lạc Hồng) và trận cuối cùng là cuộc đấu nội bộ của Đại học Công nghiệp Hà Nội DCN-ĐT3 với DCN-ESLAB.
Ban Tổ chức không bán vé và thu tiền trông giữ phương tiện để tạo điều kiện cho nhân dân đến xem
Tối nay, vòng chung kết diễn ra buổi thi đấu cuối cùng với các trận đấu ở vòng tứ kết, bán kết và trận chung kết. Theo đánh giá của giới chuyên môn thì các đội Robocon của Đại học Lạc Hồng, Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh nhiều khả năng sẽ giành quyền đi tiếp vào vòng bán kết. Bởi trong tay họ đang sở hữu những chú robot di chuyển nhanh, thực hiện chính xác các bước vượt chướng ngại vật, trao thẻ, ném Shagai. Đặc biệt, họ có thành tích thi đấu rất ổn định và kết quả giành chiến thắng tuyệt đối Uukhai nhanh.
Đội chủ nhà Sao Đỏ LEGEND tuy đang thể hiện phong độ khá ấn tượng nhưng sẽ rất khó vượt qua SKH5 (Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên) ở trận tứ kết. Trận chung kết, nhiều khả năng sẽ là cuộc đối đầu của các đội Robocon đến từ Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên và Đại học Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn