Xem bói ẩn mình ở di tích

Thứ bảy - 09/03/2019 21:07 - 1967 lượt xem
Hoạt động xem tay, tướng số diễn ra công khai tại đền Kiếp Bạc
Hoạt động xem tay, tướng số diễn ra công khai tại đền Kiếp Bạc
Tại các di tích, nhiều đối tượng núp dưới hình thức bán hàng, viết sớ để xem bói. Chính quyền, cơ quan chức năng dù biết rõ điều này nhưng chưa kiên quyết xử lý.
Núp bóng người bán hàng

Trong vai người đi hành hương dịp đầu xuân, chúng tôi về khu di tích Kiếp Bạc. Vừa tới cổng đền, chúng tôi đã bị 3người phụ nữ vây xung quanh, đeo bám, liên tục mời chào viết sớ, sắm lễ và xem tử vi, tướng số. Chúng tôi đồng ý và được một phụ nữ khoảng 40 tuổi dẫn vào cửa hàng chăng biển viết sớ, bán tiền vàng, hoa tươi... cách đó vài chục mét. Trong cửa hàng có tới 2 "thầy" ngồi đợi sẵn. Một người khoảng 65-70 tuổi ngồi bàn phía ngoài, một người trẻ hơn ngồi bàn bên trong. Nghe chị kia giới thiệu 2người tên là Minh và Chính. Sau màn chào hỏi xã giao, chúng tôi được mời ngồi xuống ghế và cung cấp một số thông tin cơ bản về bản thân theo yêu cầu của 2 người này như tên, tuổi, quê quán, công việc, gia đình... Khoảng 2 phút xem tay, đồng nghiệp của tôi được thầy phán: "Được lộc, được tài lắm đây. Năm nay, cháu về đây cầu gì được nấy. Ông viết cho cháu sớ. Cháu sắm mâm tiền vàng, hương, hoa... vào đền làm lễ mà xin lộc". Người còn lại xem cho tôi bảo: "Năm nay con sao xấu, tháng 3, tháng 9 phải đi lại cẩn thận. Giờ thầy viết sớ, sắp cho con mâm lễ để vào dâng thánh che chở".

Chỉ vài lời phán chung chung, mỗi thầy bỏ túi 20.000 đồng. Mâm lễ gồm tiền vàng, hoa, bánh, trầu, cau... trị giá chỉ vài chục nghìn đồng nhưng được đẩy lên từ 120.000 - 250.000 đồng. Chúng tôi không mua mâm lễ, một người liền mở trong chiếc túi màu đen đưa ra túi nilon, bên trong có tấm vải màu vàng nói: "Không mua lễ thì mua túi lộc, ấn đền Kiếp Bạc cho tai qua nạn khỏi".

Tại những cửa hàng xung quanh cũng có du khách đang ngồi xem tay. Không biết thầy phán thế nào nhưng một cặp vợ chồng sau khi xem xong mặt tươi hớn hở, trên tay bưng mâm lễ đầy đi vào đền. Một thanh niên khác xem xong bỏ cả trăm nghìn mua 2 túi lộc như trên.

Trở lại khu vực cổng đền Kiếp Bạc, chúng tôi gặp mấy người phụ nữ lúc đầu. Đứng nói chuyện cùng chúng tôi nhưng hễ có khách đến là họ lại chạy ra chèo kéo. Một trong số phụ nữ này cho biết hầu như cửa hàng nào chăng biển viết sớ ở đây cũng có người có thể xem bói. Mỗi lần dẫn được khách vào xem bói họ đều được trả tiền hoa hồng. Những người hành nghề mê tín dị đoan đều là người dân bản địa.

Tại đền Cao ở xã An Lạc (Chí Linh) không có người chèo kéo, mời gọi xem bói. Tuy vậy, khi vào trong khuôn viên di tích, chúng tôi vẫn được một người bán hàng gạ bóc quẻ xem vận mệnh đầu năm với giá 10.000đồng/quẻ. Một xấp quẻ được đựng cẩn thận trong túi nilon, để ở trong hòm kín, chỉ khi có khách mới bỏ ra. Chúng tôi mua 3 quẻ và nhận thấy một điểm chung là đoạn kết của mỗi quẻ đều nói có tài, lộc, may mắn. Thắc mắc về điều này, người bán hàng nói một câu ngắn gọn: "Tất cả chỉ là mang tính chất tham khảo, tương đối thôi".

Tại đền Đoan - di tích chưa được xếp hạng nằm ở ven sông Luộc thuộc thị trấn Ninh Giang có thầy tên Lương chuyên xem tay, xem tướng, xem bài công khai. Về đây xem tay, đồng nghiệp của tôi được thầy phán: "Có nhiều cơ hội thành công. Khung tài lộc tương đối tốt. Có lộc thiên phú, chịu khó kêu cầu...". Như để tạo lòng tin cho đồng nghiệp của tôi, thầy Lương quả quyết: "Sau tuổi 37 mà con không phát tài thì thầy nghỉ xem tướng luôn...". Thầy bảo mỗi lần xem, người khác thường đưa thầy một vài trăm nghìn, nhưng vì đồng nghiệp tôi còn trẻ nên đưa bao nhiêu thì tùy.

 
Một phụ nữ (ngoài cùng bên phải) đeo bám, gạ gẫm du khách mua sớ, xem bói tại cổng đền Kiếp Bạc

Chưa xử lý kiên quyết

Mặc dù đã bị pháp luật cấm nhưng xem bói vẫn đang tồn tại ở một số di tích trong tỉnh và đến nay vẫn chưa được xử lý tận gốc. Những người hành nghề mê tín dị đoan vẫn có "đất sống" ở di tích trước hết do một bộ phận không nhỏ người dân còn mê muội, tin vào bói toán. Bên cạnh đó, việc chính quyền một số nơi chưa sâu sát, thiếu kiên quyết trong xử lý cũng là một nguyên nhân. Khi được hỏi về thực trạng xem bói ở đền Đoan, ông Bùi Sơn Giang, Bí thư Đảng ủy thị trấn Ninh Giang trả lời rằng: "Chúng tôi chưa nhận được phản ánh, nếu có thì sẽ nhắc nhở, uốn nắn".

Mới đây, một trường hợp trưng biển xem tướng ở khu vực đền Kiếp Bạc đã bị các cơ quan chức năng lập biên bản, xử phạt hành chính. Đại diện Công an xã Hưng Đạo (Chí Linh) thừa nhận mặc dù đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ ký cam kết nhưng người dân vẫn lén lút hành nghề bói toán. Do lực lượng mỏng, quá trình kiểm tra, giám sát không rõ bằng chứng nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng những giải thích này từ phía Công an xã Hưng Đạo là chưa thực sự thuyết phục. "Nếu phát hiện trường hợp vi phạm thì ngoài việc lập biên bản xử phạt thật nặng nên cấm vĩnh viễn không cho kinh doanh ở đây nữa xem ai còn dám hành nghề xem bói không", một người dân xã Hưng Đạo nêu ý kiến.
 
BÌNH MINH (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

 Từ khóa: di tích, cơ quan, kiên quyết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây