Thiếu nữ sát hại em trai và câu chuyện buồn của đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi

Thứ hai - 06/06/2016 07:48 - 20518 lượt xem
Lần đầu tiên trong hơn chục năm làm báo, tôi thực sự choáng váng khi tiếp xúc với một thiếu nữ chưa tròn 16 tuổi nhưng sự lì lợm và ngang bướng được sánh ngang với những ả giang hồ cộm cán.

Thiếu nữ "đổ bê tông" trước người lạ, cúi gằm mặt xuống đất, không biết cô ta ân hận hay đơn giản chỉ là trốn tránh không muốn trả lời về những gì đã gây ra. Nguyễn Thị Thư - tên thiếu nữ - khiến những người tiếp xúc cảm thấy có gì đó thật bất lực và xót xa, khi biết nguyên nhân dẫn đến tội lỗi tày trời của cô ta vô cùng đơn giản…

Oan nghiệt

Suốt đêm 22-5, không thấy con trai là cháu Nguyễn Văn Hưng, SN 2006 về nhà, vợ chồng anh Nguyễn Văn Trường, SN 1983, trú tại khu dân cư Bến Tắm, phường Hoàng Tân, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương lo lắng đứng ngồi không yên.

Thieu nu sat hai em trai va cau chuyen buon cua dua tre bi me bo roi - Anh 1
Nguyễn Thị Thư tại cơ quan điều tra.

Cả nhà huy động anh em, bà con, hàng xóm tỏa ra đi tìm cháu Hưng nhưng không có kết quả. Hỏi cô chị Nguyễn Thị Thư có biết em ở đâu không, Thư lắc đầu không biết. Khi trời vừa hửng sáng, anh Trường vội vã lên Công an thị xã Chí Linh trình báo về việc cháu Hưng "mất tích".

Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an thị xã Chí Linh đã tiến hành điều tra, xác minh rà soát xung quanh khu vực đập Bến Tắm và phát hiện tại khu vực ven đường đi, sát mép nước bờ đập có một số tư trang của cháu Hưng.

Gần nơi phát hiện một số đồ vật này, cơ quan Công an còn phát hiện nhiều vết máu. Ngay lập tức, Công an thị xã Chí Linh đã thông tin tới Phòng cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Hải Dương và sau đó, các lực lượng chức năng đã tổ chức mò tìm quanh khu vực lòng hồ đập Bến Tắm vì nghi vấn cháu Hưng đã bị sát hại rồi ném xác xuống hồ.

Đến 17h cùng ngày, lực lượng tìm kiếm đã phát hiện xác một cháu bé trôi qua cửa xả nước số 1 nên đã tiến hành trục vớt.

Vợ chồng anh Trường khóc ngất khi xác định đó chính là con trai mình. Loại trừ tất cả các nguyên nhân do mâu thuẫn với bố mẹ mà thủ phạm giết con trả thù hoặc cướp tài sản, cơ quan điều tra tập trung nghi vấn vào Nguyễn Thị Thư - chị gái của cháu Hưng.

Gia đình cháu Hưng cho biết, trước thời điểm cháu Hưng "mất tích", hai chị em Hưng có dẫn nhau lên bờ đập chơi. Ngay sau đó, Nguyễn Thị Thư được gia đình đưa đến Công an thị xã Chí Linh đầu thú, với sự giám hộ của người thân thiếu nữ này.

Một điều tra viên kể lại, đấu tranh với Nguyễn Thị Thư có lúc "vã mồ hôi" vì sự lì lợm của cô ta. Thư khai nhỏ giọt, đến tận 2 ngày thì hồ sơ mới được gọi là tương đối đầy đủ. Vì Thư vẫn là một đứa trẻ, nên các chú Công an phải dùng những lời lẽ dịu dàng, như trò chuyện với con gái mình thì mới có thể lấy lời khai được của "sát thủ" đang ở độ tuổi "khủng hoảng thiếu nữ" này.

Nguyên nhân dẫn tới hành động bột phát, dại dột của Thư không thể đơn giản hơn: Thư và Hưng là chị em cùng cha khác mẹ, ở cùng nhà ngay tại khu vực đập Bến Tắm.

Trong cuộc sống thường ngày, giữa hai chị em thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, tuy nhiên đó chỉ là những chành chọe trẻ con, xong lại đâu vào đấy chứ không có gì nặng nề khiến cô chị phải đem lòng thù hận mà sát hại em trai. Khoảng 19h ngày 22-5, sau khi xem tivi, chị em Thư rủ nhau lên đập Bến Tắm chơi (cách nhà khoảng 50m).

Quá trình chơi ở đây, giữa Thư và em trai xảy ra mâu thuẫn khiến hai chị em đánh nhau. Vì lớn hơn, Thư đẩy em trai mình ngã từ trên đường xuống sát mép nước đường bờ đập. Thấy em ngã, Thư đi xuống chỗ Hưng để xem em trai có bị làm sao không thì cậu em nhặt viên đá gần đó đập vào tay chị gái chảy máu rồi bỏ chạy.

Thư túm áo em lại khiến Hưng bị ngã. Bực tức vì bị em đánh chảy máu tay, Thư đè lên người em trai rồi dùng viên đá đập liên tiếp vào đầu cậu bé. Cho đến khi biết cháu Hưng tử vong, Thư đẩy xác em trai xuống hồ nước để phi tang sau đó bỏ về nhà ngủ.

Thủ phạm được mẹ kế rất yêu quý

Khác với cảnh dì ghẻ con chồng ở đa số các gia đình khiếm khuyết, Nguyễn Thị Thư lại nhận được tình cảm yêu thương của người mẹ kế. Không hiểu vì lý do gì, mẹ Thư bỏ đi khi cô bé mới được 1 tuổi, còn chưa biết nói.

Thieu nu sat hai em trai va cau chuyen buon cua dua tre bi me bo roi - Anh 2
Nguyễn Thị Thư được dẫn giải về buồng giam.

Đến năm con gái được 4-5 tuổi thì anh Trường gặp chị A và hai người về ở với nhau, sinh ra cháu Hưng. Tính đến nay, đã chục năm nuôi con chồng, nhưng giữa chị A và Thư chưa khi nào xảy ra mâu thuẫn, trái lại, hai mẹ con thường trò chuyện rất vui vẻ, bao nhiêu bí mật tuổi mới lớn, Thư kể hết với mẹ.

Quần áo Thư mặc trên người cũng đều do chị A chọn mua và định hướng cho cô con riêng của chồng cách ăn mặc. Thậm chí, Thư còn thân thiết, gần gũi mẹ kế hơn là với người bố đẻ của mình.

Hàng xóm cho biết, họ không bao giờ thấy hai mẹ con to tiếng, càng không thấy cảnh mẹ ghẻ hắt hủi con chồng. Anh Trường làm nghề thợ xây, còn chị A ở nhà nội trợ. Cuộc sống không khá giả nhưng cũng tương đối yên ổn so với mặt bằng chung ở vùng quê này.

Khi vụ án xảy ra, có người ác khẩu cho rằng, do bị mẹ kế phân biệt đối xử, yêu quý con đẻ hơn con chồng nên Thư mới nảy sinh thù hận, dẫn tới việc sát hại em trai để trả thù. Đó là thông tin không chính xác, đơn giản chỉ là mâu thuẫn bột phát của thiếu nữ đang tuổi mới lớn với cậu em trai được nhận xét là tương đối đành hanh mà thôi.

Và cũng theo thông tin chúng tôi nhận được, dù rất đau buồn trước cái chết của cậu con trai, nhưng chị A - mẹ của cháu Hưng đã viết đơn xin cơ quan điều tra giảm nhẹ tội cho Nguyễn Thị Thư. Đó là một việc làm cực kỳ nhân văn mà không phải người mẹ kế nào cũng làm được.

Cũng sau khi vụ án xảy ra, có thông tin cho rằng, vì lo sợ em trai sẽ mách với bố mẹ việc mình ăn trộm tiền, nên Thư mới rủ em trai lên đập chơi rồi sát hại để bịt đầu mối, nhưng qua điều tra của cơ quan Công an, đó không phải là nguyên nhân.

Thực tế là cách đây vài năm, có lần Thư bị phát hiện lấy trộm tiền, nhưng đó là chuyện quá khứ, và thời điểm này, thiếu nữ đã đi làm công nhân may, thu nhập mỗi tháng 2,5-3 triệu đồng và đều mang về đưa hết cho mẹ trang trải chi tiêu sinh hoạt trong gia đình.

Thieu nu sat hai em trai va cau chuyen buon cua dua tre bi me bo roi - Anh 3
Luôn cúi gằm mặt.

Chưa khi nào tôi thấy trò chuyện với một trẻ vị thành niên phạm tội lại khó khăn như với Nguyễn Thị Thư. Cô bé có dáng người dong dỏng cao, gương mặt dễ nhìn, tóc tai cũng không nhuộm xanh đỏ, móng tay móng chân cũng giữ màu nguyên bản, không giống như mốt thường thấy ở đa số những thiếu nữ đang tuổi lớn, hóa ra lại không "lành" như vẻ bề ngoài vốn có.

Nếu như không biết Thư vừa gây ra một vụ án đau lòng, thì ai dám tin, gương mặt còn rất măng tơ kia, lại là gương mặt của một đứa trẻ tội lỗi. Không biết có phải vì đang tuổi mới lớn, tâm sinh lý chưa ổn định nên nói chuyện với cô ta thật khó.

Chỉ cần hỏi hơi khó một chút, ngay lập tức Thư cúi gằm mặt, mềm rắn kiểu gì cũng không mở miệng. Nhưng dù có thế nào thì Thư vẫn chỉ là một đứa trẻ, và phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tôi cứ tự hỏi, phải chăng, từ trong sâu thẳm tâm hồn đứa trẻ ấy, luôn thấy mình khiếm khuyết khi không nhận được tình yêu thương từ người mẹ đẻ nên mọi hành động, suy nghĩ và cả lối sống của cô bé này có điều gì đó bất thường, giống như kết cục thường thấy ở những đứa trẻ không nhận được đầy đủ tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ. Và, trước những trường hợp như thế này, tôi lại muốn đổ lỗi cho câu chuyện số phận:

- Thư học hết lớp mấy?

- Tám.

- Cháu đừng nói cộc lốc như vậy? Là con gái, phải ăn nói dịu dàng dễ nghe chứ!

- Lớp tám.

- Sao lại bỏ học sớm thế? Sau khi nghỉ học thì cháu làm gì?

- May.

- Công ty may có cách xa nhà cháu không? Đi lại có vất vả không?

- Bình thường.

- Ở nhà, Thư hay nói chuyện với ai hơn? Bố hay mẹ?

- Bình thường.

- Bình thường là như thế nào? Cô đang hỏi cháu hay trò chuyện với ai trong nhà cơ mà.

- Mẹ.

- Bố thì sao?

- Bình thường.

- Bộ quần áo cháu đang mặc là ai mua cho?

- Mẹ.

- Thư này, cháu ngẩng mặt lên nói chuyện với cô nào. Mỗi tháng thì lương tháng của cháu được bao nhiêu?

- 3 triệu.

- Cháu giữ chi tiêu cá nhân hay đưa cho mẹ?

- Đưa mẹ.

- Mẹ kế có yêu quý cháu không?

- Bình thường.

- Có bao giờ mắng hay đánh không?

- Không.

- Cháu đang nghĩ gì thế?

Im lặng.

- Mấy hôm ở trong này, Thư ăn uống thế nào?

- Bình thường.

- Cháu có thương em trai không? Có thấy hối hận việc mình làm không?

Im lặng.

- Cháu có muốn nhắn gì về gia đình hay người bạn thân thiết của mình không?

- Không.

Tác giả bài viết: Đinh Hiền - Xuân Mai

Nguồn tin: Theo Công an Nhân dân

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây