Hải Dương: Làng nghề "tàn phá" môi trường

Thứ năm - 19/05/2016 09:39 - 3135 lượt xem
Hiện nay, nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang gây ô nhiễm môi trường. Đến các làng nghề tỉnh Hải Dương, chúng tôi càng “thấu” nỗi khổ của người dân, đang ngày ngày sống chung môi trường bị “tàn phá”, bị “hành” với bụi bẩn, tiếng ồn, nước thải… nhưng không biết “tỏ cùng ai”.
Chúng tôi đến làng nghề mộc Đức Minh, phường Thanh Bình, TP Hải Dương, đang vào mùa cao điểm nên khắp nơi cả đường làng, ngõ xóm gỗ và các sản phẩm mộc đã hoàn thiện bày la liệt. Đường làng bụi mù mịt bởi mạt gỗ và mùi sơn PU phun các sản phẩm và tiếng cưa máy như “xé” tai.  

Mở đầu câu chuyện với bằng tiếng thở dài, ông Nguyễn Đức Vang, Bí thư Chi bộ khu 5, phường Thanh Bình than thở: Làng nghề mộc tồn tại nhiều năm, gây bức xúc trong nhân dân nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Ở đây, mọi người về đến nhà là phải đóng chặt cửa. Tường bao phải xây thật cao hoặc che kín để ngăn bụi và mùi sơn. Nhiều trường hợp mâu thuẫn, kiện cáo kéo dài cũng từ ô nhiễm môi trường mà ra. Nếu không giải quyết tận gốc ô nhiễm môi trường, thì chẳng có tiền nào mua được, sức khỏe của người dân. Nhiều gia đình và nhất là các nhà có trẻ nhỏ thường xuyên bị ốm đau, bệnh tật. Các bệnh chuẩn đoán, điều trị đều liên quan đến môi trường.

Ao hồ làng nghề rượu Phú Lộc, huyện Cẩm Giàng là nơi trú ngụ “lý tưởng” cho ruồi, muỗi
Ao hồ làng nghề rượu Phú Lộc, huyện Cẩm Giàng là nơi trú ngụ “lý tưởng” cho ruồi, muỗi

Còn tại làng nghề nấu rượu Phú Lộc, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, đường ngõ xóm, rãnh thoát nước đã được xây dựng hoàn chỉnh. Không còn cảnh nước thải tràn lên đường mỗi khi mưa xuống như trước kia. Toàn bộ nước thải của gần 200 hộ làm nghề nấu rượu, bánh đa và chất thải chăn nuôi được xả thẳng xuống ao, rồi đổ ra kênh trung thủy nông chảy ngang qua thôn, không qua bất cứ công đoạn xử lý nào. Nước của hệ thống kênh mương luôn có màu trắng đục. Nhiều ao trong làng trở thành nơi chứa nước thải, rác thải cùng với bùn, cỏ dại và bèo tây ken dày đặc. Những ao này, trở thành nơi trú ngụ “lý tưởng” của ruồi, muỗi. Với mùi hôi thối nồng nặc, luôn là nỗi ám ảnh của người dân sống xung quanh. Những thửa ruộng gần làng của xóm Chằm do nước thải tràn ra nên không thể cấy lúa. Bởi khi cấy, lúa tốt bời bời mà chẳng thể làm đòng, cho hạt. các gia đình có ruộng phải chuyển sang trồng rau để nuôi lợn.

Mương thoát nước làng nghề mộc Đông Giao luôn đen đặc, bốc mùi nồng nặc
Mương thoát nước làng nghề mộc Đông Giao luôn đen đặc, bốc mùi nồng nặc

Tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề tỉnh Hải Dương trong nhiều năm qua luôn “nhức nhối” chưa có giải pháp nào giải quyết triệt để. Theo đánh giá tác động môi trường của cơ quan chuyên môn, nhiều làng nghề có mức ô nhiễm không khí cao như Mật Sơn, Trại Mới, Làng Tường, thị xã Chí Linh; An Thủy, Dương Nham (huyện Kinh Môn) Dưỡng Thái Bắc (huyện Kim Thành); Tráng Liệt, Trại Như, Phương Độ (huyện Bình Giang); Đông Giao, Lê Xá (huyện Cẩm Giàng); Lấu Khê (huyện Nam Sách); Đức Minh (TP. Hải Dương)... Cùng với ô nhiễm không khí, nước mặt và nước ngầm do nước thải phát sinh từ quá trình sản xuất, nhất là ở các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm đáng báo động.

Một số làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng như làng nghề sản xuất bún ở xã Tân Tiến (huyện Gia Lộc), bánh đa Lộ Cương (TP. Hải Dương), chế biến nông sản (huyện Kinh Môn), sản xuất vật liệu xây dựng Trại Mới, Làng Tường (thị xã Chí Linh), chế tạo đồ mộc Đông Giao, sản xuất rượu Phú Lộc (huyện Cẩm Giàng)... ô nhiễm môi trường đất do các chất thải rắn sinh ra trong quá trình sản xuất như các làng nghề sản xuất giày, dép da ở xã Hoàng Diệu (huyện Gia Lộc) đang trở nên nghiêm trọng.

Theo thống kê hiện nay, tỉnh Hải Dương có 65 làng nghề, thì có gần 55% số làng ảnh hưởng đến môi trường. Nhiều làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng. Hiện chưa có làng nghề nào sử dụng hệ thống xử lý nước thải, kể cả các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm. Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, chế biến thực phẩm như bún, bánh đa chưa triển khai thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo đúng quy định mà thải ngay ra ao hồ, kênh mương, các khu đất trống trong làng… Nhiều làng nghề có các thông số môi trường như: TSS, COD, BOD5, N-NH3... đều vượt quy chuẩn cho phép.

Những con đường bụi mù mịt ở làng nghề làm đồ gỗ thủ công mỹ nghệ
Những con đường bụi mù mịt ở làng nghề làm đồ gỗ thủ công mỹ nghệ

Ô nhiễm làng nghề là nguyên nhân gây ra các dịch bệnh cho người dân, làm giảm năng suất nông nghiệp, tác động xấu tới phát triển kinh tế - xã hội, kìm hãm sự phát triển du lịch làng nghề, gây ra các tổn thất kinh tế không nhỏ và dẫn tới xung đột môi trường. Nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm làng nghề ở Hải Dương, là: Doanh nghiệp, hộ sản xuất ở làng nghề thiếu ý thức bảo vệ môi trường, áp dụng triệt để các biện pháp bảo vệ môi trường. Các cụm công nghiệp làng nghề triển khai chậm, không đồng bộ về hạ tầng, chi phí cao, chưa tạo thuận lợi cho việc chuyển dịch cơ sở ô nhiễm, bố trí lại các doanh nghiệp làng nghề…

Để làng nghề Hải Dương không “đầu độc” môi trường và “hành” dân như hiện nay thì không những cần vào cuộc quyết liệt, giải pháp của chính quyền địa phương. Người làm nghề cũng cần có ý thức, trách nhiệm việc bảo vệ môi trường; đầu tư khoa học, kỹ thuật vào sản xuất thay đổi cách làm thủ công, lạc hậu.

Nguồn tin: vea.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây