Khi sinh viên cuồng phim

Thứ hai - 30/05/2016 18:03 - 2501 lượt xem
Một số bạn trẻ bị mắc bệnh cuồng phim một cách thái quá đến mức quên ăn, quên ngủ, quên cả học hành lại đang gây ra những hệ lụy khó lường.
Khi xem phim, các bạn sinh viên cần chọn lọc để tránh lợi bất cập hại

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, ngày nay người ta chỉ cần một chiếc máy tính hay ti vi kết nối internet hoặc một chiếc điện thoại thông minh là có thể thỏa sức khám phá rất nhiều bộ phim với dung lượng dài, ngắn khác nhau thuộc đủ thể loại. Tuy nhiên, việc nhiều sinh viên bị mắc bệnh cuồng phim lại đang gây ra những hệ lụy xấu.

Xem bất kể ngày đêm

Trần Nguyên Khôi, sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ cho biết: "Trước đây, khái niệm xem phim đối với em chỉ đơn thuần là xem trên ti vi. Từ khi đỗ đại học, được gia đình mua cho một chiếc máy tính xách tay có kết nối internet để học tập, em có thể tự lựa chọn cho mình những bộ phim tùy theo sở thích. Ban đầu, em chọn phim theo giới thiệu của bạn bè, sau đó em tự tìm cho mình những bộ phim mới". Thời gian mà Khôi dành cho phim ảnh ngày càng nhiều, mới đầu chỉ khoảng 2 buổi/tuần sau đó tăng lên 4-5 buổi/tuần. Mỗi buổi cũng mất khoảng 2 tiếng đồng hồ tùy theo dung lượng phim. Thể loại phim mà Khôi lựa chọn cũng rất đa dạng, từ những bộ phim hành động với các màn võ thuật công phu cho đến những bộ phim tình cảm Hàn Quốc. Những bộ phim hấp dẫn khiến Khôi không thể rời mắt và chỉ đi ngủ khi đôi mắt đã nặng trĩu.

Tự nhận mình là một “mọt phim”, em Phạm Mỹ Linh, sinh viên Trường Đại học Sao Đỏ sưu tập hình ảnh và viết lời giới thiệu về từng bộ phim rồi đăng lên mạng xã hội Facebook để giới thiệu cho bạn bè. Đến nay, album sưu tập phim của Linh có gần 200 bộ phim (phần lớn có đường dẫn đi kèm) với đủ thể loại từ hành động, võ thuật, kinh dị, tình cảm và thậm chí không khó để bắt gặp những bộ phim có nội dung nhạy cảm gắn mác 18+. Với thể loại phim này, Linh cũng không ngại ngần viết suy nghĩ, đánh giá của mình với những lời lẽ khá thô tục. Phim ảnh đã ngốn quá nhiều thời gian của Linh bởi lẽ trong số gần 200 bộ phim mà em đã xem có không ít bộ phim dài tập. Thời gian qua, khi bộ phim truyền hình Hàn Quốc “Hậu duệ mặt trời” gây ra cơn sốt đối với các bạn trẻ cuồng phim Hàn thì Linh cũng không phải là ngoại lệ. Linh mong mỏi thời điểm từng tập phim mới được ra mắt, thậm chí em không kịp chờ tới lúc phim có phụ đề tiếng Việt mà vừa xem vừa... đoán nội dung. Linh thường xem phim sau khi ăn cơm tối cho đến 2-3 giờ sáng. Không chỉ xem bằng máy tính xách tay, nhiều khi Linh chuyển qua xem trên điện thoại thông minh. Khi nói về chủ đề phim ảnh, Linh có thể say sưa kể thao thao bất tuyệt về những bộ phim mà em đã xem. 

Xem phim có lúc quên ăn, quên ngủ là cách miêu tả chính xác đối với trường hợp của em Nguyễn Thị Thúy, sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương. Vì không dứt ra khỏi những câu chuyện tình lãng mạn trong phim nên nhiều lúc em chỉ ăn uống cho qua bữa. Khác với Khôi và Linh, Thúy không xem phim ngay khi chúng mới ra mắt mà em sẽ chờ ra trọn bộ để "cày" một thể. Thúy thường xem phim vào buổi tối. Riêng hai ngày cuối tuần em dành trọn thời gian để xem phim thỏa thích. Không ít lần Thúy sử dụng ngôn từ trong các bộ phim Hàn Quốc như oppa (anh) để xưng hô trong giao tiếp hằng ngày. 

Chọn lọc thế nào?

Chọn xem phim để giải trí sau thời gian học tập mệt mỏi, căng thẳng là nhu cầu hoàn toàn chính đáng của sinh viên. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết lựa chọn loại hình giải trí này một cách phù hợp. Xem một bộ phim thú vị, hấp dẫn tạo cho chúng ta cảm giác thoải mái nhưng khi dành quá nhiều thời gian để xem thì sẽ lợi bất cập hại. 

Vì thường xuyên xem phim trong điều kiện thiếu ánh sáng, đôi mắt phải làm việc với máy tính trong thời gian dài nên mức độ cận thị của Linh ngày càng nặng. Ngay cả trong những đợt thi cử với nhiều bài vở phải ôn tập nhưng Linh vẫn vô tư xem phim mà chẳng mấy bận tâm đến học hành. Kể cả sáng hôm sau có tiết học đầu giờ nhưng Linh vẫn "cày" phim đến 2-3 giờ sáng, chỉ kịp chợp mắt một lúc rồi lên lớp trong tình trạng ngáp ngắn, ngáp dài, đầu óc không tỉnh táo, khiến việc học tập không hiệu quả. Thức đêm nhiều, Thúy cũng thường trong tình trạng uể oải, mệt mỏi, kết quả học tập giảm sút. 

Theo anh Nghiêm Xuân Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên tỉnh, xem phim là nhu cầu cá nhân, nhưng trước khi xem một bộ phim nào đó, các bạn sinh viên nên trả lời những câu hỏi như "Bộ phim này liệu có thực sự bổ ích?", "Sau khi xem, bên cạnh yếu tố giải trí, bộ phim chuyển tải đến người xem thông điệp gì?". Việc tự đặt những câu hỏi như thế trước khi xem sẽ góp phần loại bỏ nhiều bộ phim có nội dung nhảm nhí, thậm chí dung tục, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Thông qua phim ảnh, chúng ta cũng có thể tìm hiểu về văn hóa, con người của một đất nước, tuy nhiên không nên xa rời nền văn hóa truyền thống, chạy theo phong cách, sử dụng ngôn từ không phù hợp với nền văn hóa Việt Nam. Hiện nay, Hội Sinh viên tỉnh tiếp tục thực hiện phong trào "Sinh viên 5 tốt" để giúp sinh viên tự nỗ lực, rèn luyện "đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, kỹ năng tốt, hội nhập tốt". Khi phấn đấu rèn luyện theo 5 tiêu chí này, các bạn sinh viên sẽ có lựa chọn sáng suốt, phân biệt những yếu tố, tác động tốt, xấu từ xã hội. Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng đều có các câu lạc bộ, tổ, nhóm sinh hoạt theo chuyên môn học tập hoặc các phong trào văn nghệ, thể thao, câu lạc bộ theo sở thích. Các câu lạc bộ, tổ, nhóm nên định hướng cho sinh viên không chỉ trong học tập mà cả trong sở thích, lựa chọn giải trí.

(*) Tên nhân vật đã được thay đổi

Tác giả bài viết: HUYỀN TRANG

Nguồn tin: baohaiduong.vn

 Từ khóa: thái quá, học hành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây