Quy hoạch Đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ thành điểm du lịch hấp dẫn

Thứ ba - 05/09/2017 20:59 - 2828 lượt xem
Quy hoạch Đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ
Quy hoạch Đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ
Đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ là một trong những Di tích LSVH quan trọng không chỉ của tỉnh mà của cả quốc gia, nơi tôn vinh đạo học của Hải Dương cùng cả nước. Tiếp nối nhiều việc làm những năm qua, gần đây thị xã Chí Linh đã có phương án quy hoạch kiến trúc khu di tích Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, để nơi này ngày càng trở thành điểm du lịch văn hóa hấp dẫn.

Liên quan tới Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ có Tháp mộ của bà tức “Tinh Phi cổ tháp” , là một trong “Chí Linh bát cổ” nổi tiếng thời phong kiến ở Chí Linh, nhưng đã bị phá hủy hoàn toàn. Vì vậy, ngay từ những năm 2006- 2008, nơi đây đã được UBND tỉnh lập dự án và xây dựng các công trình Đền chính, Tả vu, Hữu vu, 2 am hoá vàng, đồng thời nâng cấp ngôi mộ của bà. Sau này, Đền tiếp tục được tu bổ tôn tạo hệ thống đường vào, bãi đỗ xe và bậc lên xuống đền chính bằng đá, quy hoạch khuôn viên để trồng cây bóng mát và cây trang trí...

Theo phương án quy hoạch mới đây, khu đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ tiếp tục được mở rộng, tu bổ và nâng cấp, đồng thời gắn với chùa Huyền Thiên-đền thờ Thầy giáo Chu Văn An là chuỗi các di tích trọng điểm trong quy hoạch phát triển du lịch Thị xã Chí Linh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công trình tu bổ, tôn tạo gồm 22 hạng mục, với tổng diện tích quy hoạch 2,8ha. Tổng kinh phí dự kiến 30 tỷ đồng.

Điều đáng chú ý trong các dự án trùng tu, tôn tạo và nâng cấp các di tích, trong đó có quần thể di tích liên quan tới Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, ngoài nguồn ngân sách nhà nước, thị xã Chí Linh luôn coi trọng và tích cực kêu gọi, vận động từ nguồn xã hội hóa. Cán bộ và nhân dân địa phương có di tích trên địa bàn luôn đồng tình cao và tích cực đóng góp công sức bằng những việc làm thiết thực.

Bà Nguyễn Thị Duệ (tức Tinh Phi-Bà chúa Sao Sa) là nữ Tiến sĩ đầu tiên và duy nhất trong Lịch sử khoa bảng phong kiến Việt Nam. Bà là người rộng xem kinh sách, thông suốt đạo Phật, hưởng bổng lộc nhưng sống rất thanh đạm. Bà có nhiều công lao đóng góp với việc lựa chọn, đào tạo nhân tài cho đất nước qua các kỳ thi lúc đương thời…Khi tuổi đã cao, bà vẫn được Hoàng tổ Dương Vương Trịnh Tạc vời về triều chuyên tâm dạy cung nhân và được tôn kính gọi là Đức lão Lễ sư.

Với việc tiếp tục được quy hoạch mở rộng, tôn tạo...sẽ giúp cho di tích Đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ ngày càng khang trang, bề thế, xứng đáng với thân thế sự nghiệp của bà. Để nơi đây trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn, thu hút du khách trong nước và quốc tế.


Phạm Chức - HDTV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây