Thị xã Chí Linh quan tâm đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích
Thứ ba - 05/09/2017 21:11 - 2408 lượt xem
Thị xã Chí Linh là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi di dưỡng tinh thần của nhiều danh nhân, danh sư, danh tướng kiệt xuất của lịch sử nước ta như: Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Bà chúa sao sa Nguyễn Thị Duệ, Đệ nhị, Đệ tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm… với các di tích lịch sử văn hóa Côn Sơn – Kiếp Bạc, đền Chu Văn An, đền Cao, chùa Thanh Mai, đền Sinh, đền Hóa, đền thờ Nguyễn Thị Duệ… Trong các di tích kể trên, trừ cụm di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc do tỉnh quản lý, các di tích còn lại đều do thị xã Chí Linh quản lý. Nét đặc biệt của các di tích là đều nằm ở những vùng danh lam thắng cảnh của thị xã nên từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách về dâng hương chiêm bái, thưởng ngoạn cảnh sắc. Tuy nhiên, những năm trước đây do những biến động về xã hội, chiến tranh và thời gian, nhiều di tích đã bị xuống cấp, thậm chí có di tích bị xuống cấp nghiêm trọng, nhiều nghi lễ, nghi thức và các nét văn hóa đặc trưng của từng di tích bị mai một, vì vậy không phát huy hết giá trị của các di tích.
Những năm gần đây, do sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Hải Dương nhiều di tích trên địa bàn thị xã Chí Linh đã được quan tâm, đầu tư trùng tu, tôn tạo với kinh phí từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng như: đền thờ Chu Văn An, đền Nguyễn Thị Duệ, đền Cao, chùa Thanh Mai, đền Sinh, đền Hóa… đã giúp cho các di tích này được bề thế, khang trang, uy nghi xứng tầm với các danh nhân, danh tướng, danh sư và các đức thánh đối với lịch sử nước nhà. Vì vậy các di tích này đã được bảo vệ và phát huy các giá trị của di tích trong việc thu hút du khách thập phương về thưởng ngoạn, chiêm bái.
Cùng với mục tiêu của thị xã chú trọng phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, năm 2017, thị xã Chí Linh tiếp tục quy hoạch, đầu tư, nâng cấp các hạng mục của một số di tích trên địa bàn. Cụ thể thị xã Chí Linh đã triển khai công trình trùng tu tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đền Cao ở xã An Lạc. Đền Cao là nơi thờ 5 vị Thánh họ Vương. Các đức Thánh này là những vị tướng đã có nhiều công lao trong việc giúp vua Lê Đại Hành trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Di tích đã có hơn 1000 năm tuổi. Trải qua thời gian, nhiều hạng mục đã xuống cấp. Vì vậy, thị xã Chí Linh đã kêu gọi nguồn xã hội hóa để trùng tu tôn tạo một số hạng mục của di tích. Công trình bao gồm các hạng mục Nghi môn, đường bậc đá lên đền, mở rộng sân đền, hệ thống chiếu sáng, nhà giải vũ… Công trình được khởi công từ tháng 2 đến tháng 6 thì hoàn thành với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Hiện nay, công trình đã được đưa vào sử dụng trong hoạt động tín ngưỡng, tâm linh và đón du khách về tham quan, chiêm bái thánh tích đền Cao.
Trước đây, mặc dù đền Chu Văn An (phường Văn An) đã được ngành giáo dục, tỉnh Hải Dương và thị xã Chí Linh đầu tư xây dựng với quy mô lớn, đã khôi phục được nhiều hạng mục công trình của di tích. Hằng năm, đền Chu Văn An đã thu hút một lượng lớn du khách thập phương, trong đó phần lớn là giáo giới, học sinh, sinh viên trong cả nước về dâng hương chiêm bái. Tuy nhiên, do đoạn đường vào di tích xuống cấp nghiêm trọng và bãi đỗ xe tạm bợ, chật hẹp gây bất tiện cho du khách về tham quan chiêm bái. Vì vậy đến tháng 5, thị xã Chí Linh tiếp tục triển khai công trình làm đường và bãi xe vào đền Chu Văn An, phường Văn An. Công trình với các hạng mục đường dài 356 m, bề mặt đường đổ bê tông, rộng 7 m; lề đường rộng 2,5 m lát gạch block, hệ thống thoát nước, hệ thống đường điện chiếu sáng, hạng mục phụ trợ về trang trí, bãi đỗ xe. Công trình có tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng. Đến nay, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Mặt khác, thị xã cũng đang tích cực triển khai các bước quy hoạch, xây dựng đề án xây dựng trùng tu, tôn tạo, nâng cấp đền thờ Nguyễn Thị Duệ và chùa Huyền Thiên… Điều đáng chú ý trong các dự án trùng tu, tôn tạo và nâng cấp hạ tầng cho các di tích, ngoài nguồn ngân sách nhà nước, thị xã Chí Linh đã tích cực tranh thủ, kêu gọi, huy động các nguồn lực để xã hội hóa tham gia đầu tư trùng tu, tôn tạo di tích.
Bên cạnh việc quan tâm đầu tư trùng tu, tôn tạo và hoàn thiện cơ sở hạ tầng của các di tích, lãnh đạo thị xã Chí Linh còn quan tâm đến công tác quản lý nhà nước về di tích với việc kiện toàn bộ máy Ban Quản lý Di tích thị xã Chí Linh. Ban Quản lý di tích là đơn vị giúp thị xã Chí Linh quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn thuộc phạm vi thị xã quản lý. Trước hết, thị xã quan tâm kiện toàn lại đội ngũ cán bộ, nhân viên Ban Quản lý. Sau khi thay đổi, kiện toàn đội ngũ cán bộ, nhân viên Ban Quản lý di tích Chí Linh đã có nhiều hoạt động để tạo sự chuyển biến trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Các cán bộ, nhân viên cơ bản đều có trình độ, chuyên môn, tuy nhiên để đáp ứng tốt công việc, Ban quản lý vẫn tiếp tục chú trọng việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên thông qua việc tổ chức các buổi tập huấn về nghiệp vụ du lịch, hướng dẫn viên, thuyết minh viên; tổ chức các cuộc thi cắm hoa nghệ thuật, sắp lễ để các cán bộ, nhân viên dịp nâng cao công việc chuyên môn; tham gia các cuộc tập huấn về công tác đoàn, đội do tỉnh đoàn tổ chức để các nhân viên nâng cao kỹ năng hoạt náo, tổ chức các trò chơi dân gian để phục vụ tốt hơn các đoàn khách là những trường học về dã ngoại; tích cực tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm về nghiệp vụ với các ban quản lý các di tích trong và ngoài tỉnh.
Đặc biệt để phát huy giá trị của di tích, Ban Quản lý đã khôi phục, nâng cấp các nghi lễ, nghi thức, các trò chơi dân gian, các hoạt động trong việc tổ chức lễ hội tại các di tích như lễ khai bút đầu xuân tại đền thờ thầy giáo Chu Văn An đã được Ban Quản lý di tích Chí Linh làm ngày càng hấp dẫn thể hiện được không khí trang trọng, linh thiêng và thành kính đối với Đức Vạn Thế Sư Biểu, đồng thời tái hiện, duy trì được nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của cha ông ta trong việc tôn sư trọng đạo. Hay như lễ hội đền Cao cũng đã được Ban Quản lý phục dựng, nâng cấp lễ ban Khước Thánh; duy trì nâng cao hội thi giã bánh giầy nấu chè kho, đấu vật… là những nét văn hóa đặc sắc của lễ hội đền Cao. Hay lễ hội đền chùa Thanh Mai năm 2017, Ban Quản lý cũng cho thực hiện lễ đàn mông sơn… Ngoài ra, nhiều hoạt động về dịch vụ tại các lễ hội, các di tích cũng được đẩy mạnh.
Vì vậy, những năm gần đây, các di tích do Ban Quản lý Di tích Chí Linh quản lý ngày càng hấp dẫn và thu hút đông đảo nhân dân, du khách thập phương về thưởng ngoạn, chiêm bái. Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, các di tích đã thu hút hàng chục vạn lượt khách, tăng hơn nhiều so với những năm trước đây.
Với sự quan tâm của lãnh đạo thị xã, cùng với nỗ lực của cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Di tích thị xã Chí Linh trong việc nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn trong công tác quản lý, đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di tích. Hiện nay, các di tích lịch sử văn hóa này đã trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch tâm linh và danh thắng.