Lễ tưởng niệm 647 năm ngày mất của Vạn thế sư biểu Chu Văn An
Thứ sáu - 12/01/2018 21:30 - 3856 lượt xem
Sáng 12/1 (tức 26/11 âm lịch), tại đền thờ Chu Văn Văn, Ban tổ chức lễ hội về nguồn tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm 647 năm (1370 – 2017) ngày mất của Vạn thế sư biểu Chu Văn An. Dự lễ dâng hương có các đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư thị ủy Chí Linh; Nguyễn Văn Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã; Nguyễn Văn Huỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, Phó Chủ tịch UBND thị xã Chí Linh; Nguyễn Minh Thắng, Thị ủy viên, Trưởng Ban Quản lý Di tích Chí Linh; lãnh đạo các phòng, ban, ngành của thị xã; lãnh đạo các xã, phường trên địa bàn thị xã. Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc có bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Phó Trưởng Ban, Đại biểu HĐND tỉnh; ông Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban cùng đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Sau khi đọc văn tế Vạn Thế Sư Biểu Chu Văn An, các đồng chí lãnh đạo thị xã, cùng các đại biểu, nhân dân và du khách thập phương đã vào đền và lên mộ thầy để dâng hương trước anh linh thầy và cầu mong quốc thái dân an.
Vạn Thế Sư Biểu Chu Văn An, hiệu là Tiều Ẩn, sinh năm 1292 tại làng Văn Thôn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là xóm Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Thuở nhỏ ông thông minh, học giỏi, lớn lên đi thi và đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên kia sông Tô Lịch, học trò theo học rất đông. Ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo vào Việt Nam. Biết tiếng ông, Vua Trần Minh Tông mời ông ra làm Tư nghiệp Quốc tử giám, dạy học cho Thái tử, hoàng tử và con các quan.
Là người chính trực nên ông rất căm ghét bọn quyền thần làm nhiều điều vô đạo. Ông đã từng dâng Thất trảm sớ xin chém đầu 7 tên quan nịnh thần nhưng vua không nghe. Chán nản ông từ quan về ở ấn tại núi Phượng Hoàng (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) mở lớp dạy học, viết sách. Cuộc đời thanh bạch, tiết tháo của ông là tấm gương sáng của thời phong kiến Việt Nam. Ông là một trong số ít bậc hiền nho được thờ ở Văn Miếu, tên ông còn được đặt cho nhiều đường phố trên khắp cả nước.
Lễ hội về nguồn là lễ hội truyền thống ở đền Chu Văn An. Lễ hội về nguồn năm nay được tổ chức trong 3 ngày từ 24 đến 26/11. Tại lễ hội diễn ra nhiều hoạt động lễ cáo yết, lễ tế, giao lưu câu lạc bộ thơ tỉnh Hải Dương.