Đầu năm người người nô nức về đền Cao xin tài lộc cầu may

Thứ bảy - 08/02/2020 21:19 - 3137 lượt xem
Đền thờ vua Lê Đại Hành
Đền thờ vua Lê Đại Hành
Đền Cao thuộc KDC Đại, phường An Lạc, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương vốn là một ngôi đền rất linh thiêng, nằm trong quần thể khu di tích Đền Cao thờ 5 vị tướng họ Vương đã có công lớn giúp vua Lê Đại Hành giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược năm 981.

Trải qua hơn 1000 năm với bao thăng trầm của lịch sử, ngôi đền vẫn tọa cùng “tuế nguyệt” và trở thành một địa chỉ tâm linh không chỉ của người dân An Lạc mà còn của bao du khách thập phương.

Đến với Chí Linh, từ cầu Thiên trên quốc lộ 37 bắc qua dòng sông Nguyệt Giang đi vào khoảng 300m, du khách sẽ được đến với miền đất nhiều sử thoại với một quần thể khu di tích lịch sử đền Cao đang trầm mặc soi mình bên dòng Nguyệt Giang thơ mộng – một cảnh quan đặc biệt của vùng đất Chí Linh.

Dấu ấn lịch sử oanh liệt hào hùng thời Tiền Lê cùng những chiến công hiển hách của 5 vị tướng họ Vương đến nay còn hiện diện qua những ngôi đền cổ tại vùng đất An Lạc làm nên dấu thiêng cho vùng đất Chí Linh.

Cổng vào đền Cao

Hàng năm, cứ từ ngày 18/2 đến ngày 20/2 (tức ngày 22 tháng Giêng đến 24 tháng Giêng Âm lịch) sẽ diễn ra lễ hội đền Cao. Nhưng ngay từ những ngày mồng 1, mồng 2, mồng 3 Tết Nguyên đán… dòng người thập phương lại nô nức đổ về đền Cao tấp nập, nhộn nhịp. Ai cũng áo quần xốn xang với gương mặt háo hức, phấn khởi đến đền Cao để cầu mong một năm mới vạn sự như ý, làm ăn tốt lành.

Tết Canh Tý năm nay cũng vậy, người người khắp nơi đã đổ về đền Cao ngay từ đêm giao thừa để xin tài xin lộc. Trước khi vào thắp hương ở đền Cao, ngay từ đền Trình người dân đã tấp nập thắp hương, khấn vái.

 Người dân vào thắp hương ở đền Trình trước khi vào đền Cao

Vào đến đền Cao, ngoài thắp hương, khấn vái, mọi người đều chuẩn bị cho mình một chút hoa lễ để bày tỏ lòng thành dâng lên các vị thánh thần ở đây. Tuy dòng người đông đúc, phấn khởi nhưng cũng không quên sự trang nghiêm, thành kính mỗi khi vào thắp hương tại các ban thờ tự. Bởi từ lâu, đền Cao đã được lưu truyền trong dân gian về sự linh thiêng và bí ẩn mà người đời sau chưa thể lý giải.

Cổ nhân Lạc Đạo ở An Lạc thường có câu: “Biết không nói, không biết không hỏi” hay “không được mở khám thờ” nên gian câm đền Cao còn là cả một sự bí ẩn mà không ai được vào ngoài năm quan đám.

Theo đó, khi vào nơi đây, các quan đám phải tuân theo những quy định rất khắt khe như: không được ăn mặn, không có táng tóc, phải tắm rửa sạch sẽ, phải mang khăn bao hàm, qua cửa vào cung cấm phải bước chân phải vào trước và khi ra phải bước chân trái ra trước… Vì sự linh thiêng và bí ẩn như vậy mà đền Cao đã và sẽ còn lưu giữ được nguyên vẹn nhiều giá trị văn hóa tâm linh, thu hút được đông đảo du khách đến thăm quan, tìm hiểu, chiêm bái.

Người dân thắp hương, lễ bái ở đền Cao

Được biết, đền Cao tọa lạc trên đỉnh núi Thiên Bồng thờ Thiên Bồng Đại tướng quân Đại Vương Vương Đức Minh. Đền dựa lưng vào dãy núi Voi, trước mặt là dòng Nguyệt Giang.

Đây là một ngôi đền rất độc đáo, được xây dựng từ thế kỷ X và được trùng tu lại nhiều lần. Hiện nay đền mang kiến trúc thời Nguyễn. Kiến trúc theo kiểu chữ Đinh gồm 3 gian tiền tế, 2 gian trung từ, một gian hậu cung, mái ngói rêu phong với những đầu đao cong vút. Trên mái có bức phù điêu lưỡng long chầu mặt trời. Trước sân đền có thờ voi đá, ngựa đá rất uy linh. Bên phải đền về phía tây là khu Từ Chỉ, nơi diễn ra các nghi lễ linh thiêng và độc đáo như: lễ xin Trùm, lễ dâng hương Thập nhị gia tiên, lễ rước truyền thống.

 Đường lên đền thờ vua Lê Đại Hành

Ngoài ra, trong khu di tích đền Cao còn có đền Cả thờ phụng đức Thành hoàng Dương Tôn Linh và 2 vị nữ tướng họ Vương là Đào Hoa Trinh Thuận Công chúa Vương Thị Đào và Liễu Hoa Linh ứng Công chúa Vương Thị Liễu.

Đền Bến Tràng thờ Dực Thánh Linh ứng Đại vương Vương Đức Xuân. Đền Bến Cả thờ Anh Vũ Dũng Lược Đại vương Vương Đức Hồng và đền vùa Lê Đại Hành.

Đền thờ vua Lê Đại Hành

Đứng trên đỉnh núi Bàn Cung phóng tầm mắt ra phía trước du khách còn được tận hưởng một không gian khoáng đạt, giúp du khách tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Trong không gian ấy dòng Nguyệt Giang như một nét vẽ của tạo hóa, mềm mại uống lượn như ôm ấp lấy miền quê trù phú này.

Khu di tích đền Cao đã được hình thành và phát triển hơn 1000 năm nay. Tuy quy mô của các ngôi đền tại đây không lớn nhưng được xem là đã hội tụ được linh khí của đất trời.

Trải qua bao thăng trầm, biến đổi của lịch sử nhưng ngày nay các ngôi đền vẫn rất linh thiêng, ngạo nghễ, hiên ngang hòa quyện cùng đất trời và được các thế hệ đời sau luôn luôn chứng nghiêm, tôn kính thành khẩn.

Dương Tươi (Báo điện tử Pháp luật Việt Nam)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây