Vua Trần mắc kế hiểm ác, xử nhạc phụ chết oan

Thứ tư - 24/07/2019 16:50 - 3490 lượt xem
Đền Quốc phụ (Thưởng Tể cổ trạch) ở phường Chí Minh. Ảnh: Du lịch Chí Linh
Đền Quốc phụ (Thưởng Tể cổ trạch) ở phường Chí Minh. Ảnh: Du lịch Chí Linh
Sách Việt án lần theo trang sử cũ (tác giả Trần Đình Ba) kể lại những vụ án nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Được sự đồng ý của NXB Tổng hợp TP.HCM, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách. Chí Linh quê tôi xin chia sẻ lại cùng bạn đọc

Thời nhà Trần (1225 - 1400) lệ kết hôn đồng tộc được thực hiện để duy trì ngai vàng dòng họ, ngăn ngừa nạn ngoại thích (mà sau nào có ngăn được đâu) chiếm ngôi. Anh em, tôn thất nhà Trần thân như môi, răng. Ấy mà có lúc vì quyền bính, vua khép án tử luôn cả nhạc phụ, cũng là người trong họ. Để rồi sau này, có hối hận thì người đã hàm oan nơi chín suối rồi. [...]

Tranh quyền đoạt vị, nhạc phụ chết khát

Thời vua Trần Minh Tông (1315 - 1329) là vị vua thứ năm của nhà Trần. Vua được sử cũ khen ngợi là “đem văn minh sửa sang đạo trị nước, làm rạng rỡ công nghiệp của người xưa, giữ lòng trung hậu, lo nghĩ sâu xa, trong yên ngoài phục, kỷ cương đủ bày”. Để có được ít lời xưng tụng của hậu thế như vậy, công nghiệp trị nước của vua Minh Tông, xét ra đã là thành. Ấy vậy, quân quốc trọng sự rạng rỡ, nhưng việc tư gia xem ra lại có tì vết đáng chê trách. Thế nên Việt giám thông khảo tổng luận mới bình rằng: “Nhẹ dạ tin mưu gian của Khắc Chung đến nỗi Quốc Chẩn phải chết. Há chẳng phải vết xấu của người thông minh ư?”.

Vua Tran mac ke hiem ac, xu nhac phu chet oan hinh anh 1
Sách Việt án lần theo trang sử cũ

Nguồn cơn sự thể việc ấy ra sao? Việc này, phải xét rõ tông tích của nó về đời vua Trần Anh Tông (1293 - 1314), cha vua Minh Tông. Thời vua Trần Anh Tông, Huệ Võ vương Trần Quốc Chẩn (1281 - 1328) là người tôn thất, được vua tin dùng, biệt đãi.

Để chuẩn bị tương lai cho vua nối nghiệp, vua Anh Tông đã có ý ký thác ấu chúa Minh Tông (tên thật là Mạnh, con trai thứ tư) cho Quốc Chẩn. Mỗi lần Thái tử Mạnh vào bệ kiến, vua Anh Tông lại cho ngồi cạnh Quốc Chẩn để được dạy dỗ, làm cho tình nghĩa thêm khăng khít, gắn bó.

Về đường hôn sự, con gái của Quốc Chẩn sau làm chính thất của Thái tử Mạnh. Dĩ nhiên lúc Thái tử lên làm vua, nàng cũng trở thành Hoàng hậu. Còn nhạc phụ Trần Quốc Chẩn thì được trọng dụng. Trong thời vua Trần Minh Tông, ông từng được sai cầm quân đánh Chiêm Thành năm Mậu Ngọ (1318). Năm Giáp Tí (1324) được phong làm Nhập nội quốc phụ thượng tể, tức Tể tướng trong triều.

Với người xưa, đường con cái là việc trọng. Ai không có con bị xem là kẻ bất hiếu với cha mẹ, huống hồ vua mà không có con, nhất là con trai, thì có tội lớn với dòng tộc, với quốc gia. Năm Mậu Thìn (1328), vua Trần Minh Tông ngồi bệ rồng đã 15 năm, tuổi đã cao mà hoàng hậu chưa có con trai để lập người kế vị, nên lấy làm bồn chồn lắm. Thượng tể Quốc Chẩn thì muốn đợi hoàng hậu có con trai rồi sẽ lập Thái tử. Việc này được Thiên Nam ngữ lục có đôi câu ghi lại:

Quốc Chẩn lòng chẳng chuyển dời,

Cứ trong gia pháp đại người chính thê .

Nhưng éo le ở chỗ, bà phi của vua Trần Minh Tông là Lê thị đã sinh được Hoàng tử Vượng (là vua Trần Hiến Tông sau này) bấy giờ tuổi đã lên 9 rồi. Bà Lê thị lại thuộc phe của Cương Đông Văn Hiến hầu (là con của Thái sư Trần Nhật Duật). Văn Hiến hầu muốn lật đổ Hoàng hậu để lập Hoàng tử Vượng. Từ đó mới nên cơ sự.

Để làm được việc chiếm vị trí Đông cung về tay Hoàng tử Vượng, Văn Hiến hầu nghĩ ra một kế hiểm ác. Ông đem 100 lạng vàng đút lót cho gia thần của Trần Quốc Chẩn là tên Trần Phẫu, xui tên này vu cáo Trần Quốc Chẩn âm mưu làm phản. Lời vu cáo đến tai vua, không suy xét thấu đáo, vua Trần tưởng nhạc phụ nổi loạn thật, thì tức giận lắm, ra lệnh bắt giam nhạc phụ vào chùa Tư Phúc .

Lý ra, vua phải điều tra kỹ càng để luận được sự đúng sai, xem có gì khuất tất hay chăng. Nhưng tiếc rằng vì sa cơ mà lỡ bước, vua Trần Minh Tông đã gây nên án tử oan nghiệt cho chính bố vợ của mình:

Tiếc không biện biệt ngư châu,

Để cho tà nịnh ở đầu giai ban.

Khắc Chung thêm dệt lời gian,

Quốc Chẩn mắc phải tiếng oan thiệt mình.

Vua Tran mac ke hiem ac, xu nhac phu chet oan hinh anh 2
Sai lầm lớn nhất trong đời vua Trần Minh Tông là xử oan bố vợ. 

Sau khi giam bố vợ, vua đem việc ấy hỏi Thiếu bảo Trần Khắc Chung. Nào hay, Trần Khắc Chung lại cùng một phe với Văn Hiến hầu. Chẳng những thế Khắc Chung lại từng là thầy dạy của Hoàng tử Vượng thì làm sao mà nhận xét, đưa ra lời khuyên khách quan cho được. Được vua hỏi ý kiến, Khắc Chung trả lời rằng: “Tâu bệ hạ, bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó”. Lời ấy gián tiếp khuyên vua nên loại trừ Quốc Chẩn mà thôi.

Nghe lời khuyên, vua Trần Minh Tông băn khoăn lắm, không nỡ khép án chém cha vợ, nhưng lại cấm tuyệt không cho Quốc Chẩn ăn uống, bắt ông phải tự tử. Hoàng hậu vào chùa Tư Phúc thăm cha, xót xa lắm nhưng không làm gì được, chỉ còn cách mặc áo tẩm nước rồi vắt cho cha uống. Uống nước xong, cũng là lúc hồn vị nhạc phụ xa rời dương thế. Chẳng những vậy, Trần Quốc Chẩn chết rồi, hơn 100 người liên quan đến ông cũng bị bắt đem ra xử. Phần nhiều trong số đó bị khép tội oan cả. Việc xảy ra tháng 3 năm Mậu Thìn (1328).

Di họa của án oan Quốc Chẩn

Những tưởng vụ án oan theo thời gian chìm vào quên lãng, nhưng sự đời “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Vài năm sau, tên gia thần phản chủ Trần Phẫu kia, vì vợ cả, vợ lẽ của hắn ghen ăn tức ở với nhau, bèn cáo giác chuyện năm xưa Văn Hiến hầu đút lót vàng bạc cho hắn lên vua. Tên Phẫu ngay sau đó bị tống giam và xét xử, khép vào tội đại ác, phải chết bởi hình phạt lăng trì đau đớn.

Sử cũ cho biết, xác tên phản phúc này “chưa kịp hành hình thì gia nô của Thiệu Võ là con của Quốc Chẩn đã ăn sống hết thịt của nó”. Thế mới thấy sự căm giận đối với kẻ phản chủ chất chứa ra sao. Về phần Văn Hiến hầu dù chủ mưu, nhưng là người tôn thất nên vua miễn cho tội chết, giáng xuống làm dân thường, xóa tên trong sổ hoàng tộc. Vua Trần Minh Tông thì từ đó lấy làm ăn năn vì giết oan bố vợ, nên:

Đem về Kiệt Đặc phong thần,

Lập từ chốn ấy, khiến dân phụng thờ .

Đây vốn là thổ trạch cũ của Trần Quốc Chẩn, ở liền bên sông, nay thuộc đất thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Vua Tran mac ke hiem ac, xu nhac phu chet oan hinh anh 3
Đền thờ Trần Quốc Chẩn ở Hải Dương. Ảnh: Kiến thức

Nói về vị Thượng tể bị chết oan Quốc Chẩn, trong Kiến văn tiểu lục có cho biết đôi chút về ông, dẫu có tính hoang đường phần nhiều. Theo đó, Quốc Chẩn có thuật lạ, “cứ ba ngày một lần vào triều, buổi tối còn ở nhà, buổi sáng hôm sau đã ở kinh sư. Bởi vì lúc ấy đường thủy sông Thiên Đức thường lưu thông, ông dùng thuyền nhỏ chèo mau, nên đi một đêm có thể đến kinh được”.

Về phần vua Trần Minh Tông, ân hận với việc mình làm, nên tháng 8 năm Bính Thân (1356), lúc này đã lên làm Thượng hoàng, ngài đến núi Kiệt Đặc thăm đền thờ nhạc phụ. Ấy nhưng “khi trở về, trong thuyền ngự có con ong vàng đốt vào má bên trái của Thượng hoàng, rồi Thượng hoàng bệnh” . Đến tháng 2 năm Đinh Dậu (1357) thì Trần Minh Tông băng hà. Cứ theo quan điểm duy tâm của người Việt thì chẳng biết con ong vàng kia có liên quan đến Trần Quốc Chẩn hay chỉ là sự trùng hợp. Nhưng rõ là như cha ông ta vẫn răn, cái gì cũng có căn nguyên của nó. Mà người phương Đông ta thì tính tâm linh cao lắm.

Trích sách "Việt án lần theo trang sử cũ"

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây