Vẻ độc đáo của ngôi chùa chốn rừng sâu, núi cao ở Chí Linh

Thứ sáu - 21/02/2020 22:04 - 3544 lượt xem
Quang cảnh ở chùa Thanh Mai
Quang cảnh ở chùa Thanh Mai
Nằm ẩn mình giữa bạt ngàn cây lá, bảng lảng khói sương, chùa Thanh Mai thuộc xã Hoàng Hoa Thám, TP. Chí Linh, Hải Dương hiện ra với vẻ cổ kính, uy nghi, thu hút đến lạ lùng. Đây cũng chính là nơi gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm Tam tổ - người đã có công rất lớn trong việc xây dựng và phát triển chùa Thanh Mai.

Trung tâm Phật giáo thời Trần

Chùa Thanh Mai là ngôi chùa nằm trong hệ thống những ngôi chùa thuộc Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, trên lộ trình Thăng Long – Chí Linh – Yên Tử. Đây cũng là nơi tu thiền, thuyết pháp, trụ trì của các vị tổ Trúc Lâm.

Chùa được khởi dựng từ thế kỷ XIV trên sườn núi Thanh Mai. Đệ nhị tổ Pháp Loa và Đệ tam tổ Huyền Quang đã từng trực tiếp trụ trì chùa. Đặc biệt, sau khi được Đệ nhị tổ Pháp Loa tu tạo và mở rộng, chùa Thanh Mai đã phát triển và trở thành những chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm.

Trải qua sự vần vũ của thời gian, biến thiên của lịch sử, ngôi chùa ngày nay không chỉ thu hút du khách bởi bề dày lịch sử, giá trị văn hóa đặc sắc mà còn từ phong cảnh hoang sơ, cổ kính giữa núi rừng.Đây cũng là một trong những trung tâm Phật giáo nổi tiếng của nước ta dưới thời nhà Trần và còn là nơi gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm Tam tổ, khi ngài tu hành, biên soạn kinh, sách về đạo Phật lúc sinh thời.

Để đến vãn cảnh nơi đây, du khách phải vượt qua chặng đường chừng hơn 10km từ quốc lộ 18A đi vào xã Hoàng Hoa Thám. Qua những con đường uốn lượn với một bên là rừng thông, rừng keo xanh ngát, bên kia là non nước hữu tình cùng nhiều dốc cao, du khách mới tới được điểm đến tâm linh bao phủ màu sắc huyền bí này.

Chùa xây dựng ở trên sườn núi, bên một con suối nhỏ, nhìn về phía nam. Ở trước chùa chính là núi Bái Vọng, nơi có phần mộ cụ Nguyễn Phi Khanh, thân phụ của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Nội tự là một rừng cây cảnh và cây ăn quả lâu đời như đại, thị, nhãn, quéo, vải…Mỗi di vật ở chùa Thanh Mai giống như những chứng tích của lịch sử, đều như mang trong mình những câu chuyện mà mỗi khi tìm về, đều khiến ta phải ngỡ ngàng, muốn tìm tòi, khám phá.

Người dân nơi đây cho biết, trước kia chùa còn có những cây tùng, cây bách lớn nhưng trải qua các biến cố lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên, con người, ngôi chùa cổ đã sụp đổ, nhiều cổ vật bị mất và hư hại gần hết, di tích trở thành hoang phế gần như bị lãng quên.

Là một di tích lịch sử quan trọng, năm 1980, chùa Thanh Mai đã được đầu tư khôi phục dần dần theo từng hạng mục. Năm 1992, chùa được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Nhưng quy mô còn nhỏ hẹp, lại ở nơi heo hút, đường sá đi lại khó khăn nên ngôi chùa vẫn bị chìm trong lãng quên.

Điểm đến thu hút của các du khách thập phương

Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đến nay, chùa Thanh Mai vẫn giữ được nét uy nghi của kiến trúc thời Trần. Hiện tổng thể kiến trúc ngôi chùa gồm các hạng mục chính như tam quan, lầu bia, điện Phật, nhà Tổ, nhà mẫu, nhà khách, tăng đường và các công trình phụ trợ. Toàn bộ tượng tại ngôi chùa này đều được tạc bằng gỗ.

Trong đó, tấm bia “Thanh Mai Viên Thông tháp bi” được khắc, dựng năm 1362 được đánh giá là vô cùng quý giá. Có thể nói đây là một bảo vật của quốc gia với cách viết văn ngắn gọn, hàm ý sâu xa và giầu hình tượng.Đặc biệt ở chùa Thanh Mai ngày nay vẫn còn lưu giữ được nhiều di sản, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh như: tháp Phổ Quang được xây dựng năm 1702 và tháp Linh Quang được xây dựng năm 1703, cùng 7 tấm bia thời Trần, Lê ghi lại quá trình trùng tu, tôn tạo chùa.

Bia được tạc bằng đá xanh nguyên khối, đặt trên lưng rùa đá. Hai mặt bia được khắc khoảng 5.000 chữ, ghi lại chi tiết, thân thế, sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa. Nhưng qua đó có thể thấy được tình hình chính trị, tôn giáo, ruộng đất đương thời và những hoạt động của Trúc Lâm Tam tổ như: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Văn bia còn cho thấy thời gian xây dựng những công trình lớn, địa danh và hành trạng của nhiều nhân vật đương thời.

 Viên Thông bảo tháp ở chùa Thanh Mai.

Vậy là, từ một phế tích gần như bị lãng quên, với sự nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành, ngày nay, chùa Thanh Mai đã có được một cơ ngơi khang trang, uy nghi, bề thế có quy mô kiến trúc độc đáo, trở thành nơi có sức cuốn hút nhiều du khách thập phương về chiêm bái, lễ cầu.

Không chỉ vào ngày hội của chùa (từ ngày mùng 1 đến mùng 3/3 Âm lịch) mà kể cả ngày thường, ngôi chùa không khi nào thấy vắng khách tham quan. Du khách về đây, sẽ được tham dự nhiều nghi lễ tôn nghiêm trong ngày hội như: giảng kinh, mộc dục, chay đàn… cùng thiên nhiên kỳ vĩ.

Đến với Thanh Mai hôm nay, không chỉ là tìm về nơi chốn Phật, mà còn là tìm về với cỏ cây thiên nhiên. Nơi rừng dẻ nguyên sinh, rừng phong chuyển mùa thay màu lá mới, xanh ngát vào xuân – hạ và nhuộm vàng khi thu đến, đỏ rực khi đông về…

Với giá trị lịch sử lâu đời cùng thiên nhiên phong phú, kỳ vĩ, chùa Thanh Mai cùng các di tích khác của tỉnh Hải Dương đang ngày càng góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa xứ Đông xưa kia của Việt Nam.

Dương Tươi (Báo điện tử Pháp luật Việt Nam)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây