Ngậm ngùi di tích về Nguyễn Phi Khanh

Thứ sáu - 29/07/2016 21:10 - 5976 lượt xem
Lễ an vị tôn tạo lăng mộ Nguyễn Phi Khanh
Lễ an vị tôn tạo lăng mộ Nguyễn Phi Khanh
Là người cha có ảnh hưởng quan trọng đến con đường cứu nước của Nguyễn Trãi nhưng công lao của Nguyễn Phi Khanh vẫn chưa được nhìn nhận xứng đáng.

Từng đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ), giữ chức Hàn lâm viện Học sĩ, là người cha có ảnh hưởng quan trọng đến con đường cứu nước của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi nhưng đến nay công lao của Nguyễn Phi Khanh vẫn chưa được nhìn nhận xứng đáng.
Đau đáu vì vận nước

Ở khu dân cư Chi Ngãi, phường Cộng Hòa (Chí Linh) có một nhà thờ nhỏ nằm bên những vườn vải ngút ngát. Đây chính là từ đường của dòng họ Nguyễn Quy, hậu duệ của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Ngôi từ đường được con cháu dòng họ Nguyễn Quy lập nên để hương khói tổ tiên từ hàng trăm năm nay. Cụ tổ của dòng họ là Nguyễn Phi Khanh và ngày mất của ông cũng chính là ngày giỗ họ. Theo phả hệ trong nhà thờ, từ đời cụ Nguyễn Phi Khanh đến nay, họ Nguyễn Quy đã trải qua 22 đời. Mỗi thế hệ kế tiếp lại được các cụ cao niên trong dòng họ ghi chép cẩn thận truyền lại cho đời sau.

Tộc phả dòng họ Nguyễn Quy ở Chi Ngãi ghi: Nguyễn Phi Khanh huý là Nguyễn Ứng Long, quê gốc ở làng Chi Ngãi, huyện Phượng Sơn (nay là phường Cộng Hòa, Chí Linh). Ông là nhà nho có thực tài, được quan Tư đồ Trần Nguyên Đán mời vào phủ dạy học cho con gái Trần Thị Thái, sau kết duyên cùng bà sinh ra Nguyễn Trãi. Năm Giáp Dần (1374), ông thi đậu Thái học sinh nhưng không được trọng dụng vì là con nhà thường dân, lại lấy con gái tôn thất nhà Trần. Năm 1400, Hồ Quý Ly đoạt ngôi nhà Trần, Nguyễn Phi Khanh cho Nguyễn Trãi đi thi khoa thi đầu tiên của nhà Hồ và đậu Thái học sinh. Bản thân ông nhận chiếu chỉ của triều Hồ ra giúp nước. Hồ Quý Ly cho ông đổi tên là Phi Khanh, đồng thời cử giữ chức Hàn lâm viện Học sĩ, rồi lần lượt thăng lên Thống chương Đại phu, Đại lý tự khanh kiêm Trung thư Thị lang, Tư nghiệp Quốc tử giám. Đến năm 1406, quân Minh xâm lược nước ta, Phi Khanh cùng nhà Hồ kháng chiến, sau bị bắt giải về Trung Quốc. Nguyễn Trãi định cùng theo phụng dưỡng cha cho trọn chữ hiếu nhưng Nguyễn Phi Khanh bảo con trở về tìm cách rửa thẹn cho nước, phục thù cho cha, thế mới là đại hiếu. Nguyễn Trãi nghe theo, tìm vào Thanh Hóa giúp Lê Lợi lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đánh thắng quân Minh, giải phóng đất nước. Năm Mậu Thân (1428), Nguyễn Phi Khanh mất ở Trung Quốc, Nguyễn Phi Hùng (con út của cụ) đem hài cốt cha về táng tại núi Tam Tiêu (nay thuộc xã Hoàng Hoa Thám, Chí Linh). Từ đó, núi Tam Tiêu được đổi tên thành núi Báo Đức. Sau này, khi Nguyễn Thiện Thuật bị thua trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, trước khi lên đường sang Trung Quốc sống lưu vong, ông có đến đây lập bàn thờ bái vọng tổ tiên dưới chân núi. Vì vậy, núi còn có tên là Bái Vọng Sơn. 

Ông Nguyễn Quy Tuấn, trưởng tộc họ cho biết: Sở dĩ dòng họ lấy tên Nguyễn Quy vì sau vụ án Lệ Chi Viên, dòng họ Nguyễn Trãi ở Chi Ngãi, Nhị Khê gần như bị thảm sát hết. Bà Phạm Thị Mẫn vợ thứ tư của Nguyễn Trãi có mang ba tháng, được người học trò cũ đưa trốn vào Thanh Hóa sinh ra Nguyễn Anh Vũ. Để tránh sự truy sát của triều đình, Nguyễn Anh Vũ đổi sang họ mẹ. Mặc dù khó khăn, Nguyễn Anh Vũ vẫn nối chí cha ông, dùi mài kinh sử, thi đỗ hương cống. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông ban một đạo chế "phong tặng tước văn hầu cho Lê Trãi" (ban họ vua cho Nguyễn Trãi) và còn làm một bài thơ có câu: "Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo". Sau đó, Nguyễn Anh Vũ được phong chức Đồng tri phủ Tĩnh Gia - Thanh Hóa. Nhớ ơn ông cha tổ tiên, ông cử người con thứ hai là Nguyễn Đám trở về Nhị Khê (Hà Nội) để khởi dựng lại dòng họ. Cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, dòng họ Nguyễn ở Nhị Khê lại cử cụ Nguyễn Thung về chốn tổ là thôn Chi Ngãi để chấn hưng dòng họ và trông coi phần mộ tổ. Vì vậy chi họ Nguyễn ở Chi Ngãi lấy đệm là Nguyễn Quy hàm ý quy tụ, quay trở lại gốc tổ tiên.

Di tích chưa xứng tầm

Không chỉ là bậc hiền sĩ đau đáu vì vận nước, Nguyễn Phi Khanh còn là bậc văn sĩ được nhiều danh sĩ đương thời đánh giá cao. Ông viết khá nhiều tác phẩm văn, thơ thể hiện tâm tư của tầng lớp sĩ phu trước tình cảnh của đất nước, nhân dân. Các tác phẩm còn lại của ông có: "Nhị Khê thi tập", "Nguyễn Phi Khanh thi văn tập". Do thất lạc, tác phẩm văn học của Nguyễn Phi Khanh chỉ còn lẻ tẻ 77 bài được Lê Quý Đôn sưu tập vào "Toàn Việt thi lục thế kỷ XIX". Thơ văn của Nguyễn Phi Khanh dù không còn nhiều, nhưng những phần còn lại cũng đủ minh chứng ông là ngôi sao của văn học Việt Nam thời trung đại.

Mặc dù là bậc văn nhân, hiền sĩ hết lòng vì dân, vì nước song công lao cũng như những di sản liên quan đến ông hiện nay vẫn chưa được nhìn nhận xứng tầm. Đến thăm mộ ông trên núi Báo Đức, ai nấy đều ngậm ngùi. Trước kia ngôi mộ được xếp bằng đá rộng bằng hai gian nhà, có bia chí. Năm 1992, ngôi mộ bị người trong xã đào bới tìm của cải. Khi nhân dân địa phương phát hiện báo chính quyền ngăn cản thì ngôi mộ đã bị phá hủy. Sau đó, mộ được con cháu trong dòng họ xếp tạm lại bằng đá... 

Ông Nguyễn Quy Bảng, 75 tuổi, trưởng ban gia tộc dòng họ Nguyễn Quy cho biết: Cũng đã có rất nhiều đoàn về khảo cứu, địa phương, con cháu cũng nhiều lần đề đạt nguyện vọng bảo tồn khu mộ cụ Nguyễn Phi Khanh song chưa nhận được bất kỳ sự quan tâm nào. Từ đường của dòng họ ở Chi Ngãi cũng chỉ là ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, xập xệ. Mỗi năm, thân nhân dòng họ từ nhiều nơi trong nước, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa về đền thờ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn rồi ghé vào Chi Ngãi thăm từ đường hay lên núi Báo Đức viếng mộ cụ Nguyễn Phi Khanh đều không khỏi băn khoăn. Mặc dù điều kiện kinh tế eo hẹp song tháng 8-2015, con cháu dòng họ Nguyễn Quy cùng chi họ Nguyễn Trãi ở các địa phương đã kêu gọi nguồn công đức, đóng góp kinh phí xây dựng lại ngôi từ đường và lăng mộ cụ Nguyễn Phi Khanh. Công trình nhà thờ tổ dự kiến kinh phí 1,3 tỷ đồng được xây dựng trên nền nhà thờ cũ với kiến trúc 3 gian tiền tế, một gian hậu cung kết cấu bê tông giả gỗ. Dự kiến công trình sẽ hoàn thiện vào khoảng tháng 8 năm nay. Cùng thời điểm, lăng mộ cụ tổ Nguyễn Phi Khanh cũng được triển khai xây dựng. Để xây dựng phần lăng mộ, dòng họ đã cho phát cây mở một đường khoảng 1.500 m từ chân núi lên đỉnh. Trong mấy tháng trời, đơn vị thi công phải dùng các thiết bị chuyên dụng đưa từng khối đá nặng hàng tạ lên đỉnh. Sau nhiều tháng thi công, đến nay phần mộ Nguyễn Phi Khanh đã hoàn thành giai đoạn I với kinh phí trên 600 triệu đồng. Giai đoạn II, dòng họ dự kiến hoàn thiện các hạng mục còn lại gồm đường lên, sân hè, tường bao, cổng… nhưng kinh phí đã cạn, đành bất lực. Mong muốn công trình được sự quan tâm của các cấp chính quyền, vừa qua, đại diện dòng họ Nguyễn Quy đã báo cáo đồng chí Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận đề nghị của dòng họ và giao các cơ quan chức năng phối hợp cùng đại diện dòng họ nghiên cứu đề xuất.

Hy vọng tới đây công trình nhà thờ tổ dòng họ Nguyễn Trãi và phần mộ cụ Nguyễn Phi Khanh sẽ được các cấp chính quyền quan tâm thỏa đáng cho hài hòa với công trình đền thờ Nguyễn Trãi. Đồng thời, công lao cũng như những di sản liên quan đến cụ Nguyễn Phi Khanh cũng sẽ được nghiên cứu, nhìn nhận xứng tầm.

Tác giả bài viết: NGỌC HÙNG

Nguồn tin: baohaiduong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây