Giúp đỡ phạm nhân và người mãn hạn tù trẻ: Chương trình phối hợp chưa hiệu quả
Thứ ba - 07/11/2017 21:37 - 2905 lượt xem
Đã qua 7 năm thực hiện nhưng chương trình phối hợp giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng sau khi mãn hạn tù giữa Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh với Trại giam Hoàng Tiến (Cục V26, Bộ Công an) chưa rõ hiệu quả.
Ít hoạt động
Trại giam Hoàng Tiến có hơn 4.000 phạm nhân, trong đó khoảng 40% ở độ tuổi thanh niên. Năm 2010, Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh và Trại giam Hoàng Tiến triển khai chương trình phối hợp giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng sau khi mãn hạn tù. Theo đó, hai bên sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý, tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống và chăm sóc sức khỏe, cai nghiện ma tuý cho phạm nhân. Tổ chức các hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân, phấn đấu đa số người sau khi mãn hạn tù, tái hòa nhập cộng đồng sẽ có việc làm và cuộc sống ổn định. Phối hợp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao nhằm tạo môi trường thân thiện giữa thanh niên ngoài xã hội với phạm nhân.
Mục tiêu, kế hoạch thì rất hay nhưng đến nay chương trình chủ yếu vẫn nằm trên giấy chứ chưa có hoạt động cụ thể, thiết thực. Phạm nhân Nguyễn Duy C. (sinh năm 1987) ở thị xã Chí Linh phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Năm 2016, C. bị giam tại Trại giam Hoàng Tiến với mức án 15 năm tù. Ân hận vì cái giá đắt phải trả cho những việc mình đã gây ra, C. mong muốn sau này trở về sẽ được người thân, cộng đồng đón nhận, không bị kỳ thị. C. cho biết từ khi vào trại đến nay chưa từng nghe hay tham gia bất cứ hoạt động nào liên quan tới chương trình phối hợp giữa Hội Liên hiệp thanh niên với trại giam.
Vào trại từ năm 2014, phạm nhân Vũ Thị D. (sinh năm 1999) ở huyện Cẩm Giàng cũng mong muốn trại có nhiều hoạt động hỗ trợ giúp phạm nhân bớt đi mặc cảm, sau này có thể hòa nhập tốt hơn khi trở về cộng đồng. Nhưng phạm nhân D. cũng chưa biết đến chương trình hỗ trợ nói trên.
Nhiều vướng mắc
Năm 2016, hai đơn vị tổng kết chương trình phối hợp giai đoạn 2010-2015. Theo đánh giá tổng kết, chương trình chưa mấy hiệu quả. Hai bên đã ký tiếp chương trình phối hợp giai đoạn 2016-2020. Nhưng từ đó đến nay cũng chưa có hoạt động nào giúp đỡ phạm nhân trong trại và giúp những người mãn hạn tù hòa nhập cộng đồng. Anh Nguyễn Duy Thiển, Phó Đội trưởng Đội Giáo dục (Trại giam Hoàng Tiến) thừa nhận nhiều nội dung trong chương trình còn hình thức.
Anh Nguyễn Hồng Sáng, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho rằng chương trình phối hợp này khó thực hiện hiệu quả. Cán bộ Đoàn, Hội tại địa phương mỏng nên việc theo dõi, giúp đỡ người đã mãn hạn tù rất khó, chưa làm được. Năm2011, Tỉnh đoàn đã ký kết với Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh để giúp đỡ, tạo việc làm cho người mãn hạn tù. Nhưng sau khi doanh nghiệp nhận một số người vào làm, họ lại tiếp tục phạm tội nên chương trình cũng đổ bể. Nhiều gia đình có người mãn hạn tù không phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp cho họ đi làm mà bắt buộc ở nhà để dễ quản lý. Nhiều người vì mặc cảm nên không chịu giao tiếp với cộng đồng...
Để giúp đỡ phạm nhân và người mãn hạn tù hiệu quả, ngoài tổ chức Đoàn, Hội, thời gian tới các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với gia đình quản lý, giáo dục những thanh niên mãn hạn tù trở về. Cần xây dựng mô hình làm điểm như chọn một nhóm thanh niên từng lầm lỗi để giáo dục, định hướng, giải quyết việc làm ngay tại địa phương, sau đó rút kinh nghiệm để nhân rộng. Họ có thể làm vườn, nuôi thủy sản, gia cầm nhưng phải có sự hỗ trợ của các đoàn thể bằng cách giúp cho họ vay vốn, hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật... để có việc làm và cuộc sống ổn định. Có như vậy, họ mới không quay lại con đường cũ.