Từng được biết đến là “vựa gà Tết” của tỉnh nhưng do nhiều nguyên nhân, số hộ nuôi gà ở thị xã Chí Linh đã giảm đáng kể. Hiện nay, những hộ còn nuôi gà Tết đang băn khoăn, lo lắng không biết giá bán gà Tết năm nay thế nào.
Đầu tư mạo hiểm
Đưa chúng tôi đi thăm một số gia trại chăn nuôi trên địa bàn, chị Nguyễn Thị Thủy, cán bộ Trạm Thú y thị xã Chí Linh chia sẻ: “Gà Tết được chia làm 2 loại. Đó là gà Ri lông màu phục vụ cúng lễ ông Công, ông Táo hoặc thắp hương vào đêm giao thừa. Hiện nay, số hộ nuôi loại gà này còn rất ít. Loại thứ hai là gà thịt bán vào dịp gần Tết, phục vụ hội nghị, tổng kết, tất niên cuối năm, số lượng hộ nuôi giờ cũng giảm so với những năm trước”.
Ông Đỗ Trọng ở thôn Tiên Sơn (phường Cộng Hòa) là một trong số ít hộ vẫn còn nuôi gà Ri lông màu. Ông vừa mới đầu tư gần 80triệu đồng mua 1.000 con gà giống Babaco. Giống gà này có ưu điểm màu lông đẹp, ít gà mái nên ông đã nuôi nhiều năm nay. Trước khi quyết định mua gà, ông Trọng phải tìm hiểu, “nghe ngóng” khắp trong làng ngoài xã. Thấy rất ít nhà nuôi nên ông mới đầu tư nuôi số lượng lớn. Do thời tiết đã chuyển lạnh nên để gà đạt tỷ lệ sống cao, ông Trọng đang “úm” gà trong chuồng, phải một tháng nữa mới thả vườn. Dự kiến sau khi nuôi 3 tháng rưỡi, mỗi con gà sẽ nặng 1,5-1,7 kg. Theo ông Trọng, để một con gà đạt trọng lượng như vậy thì từ lúc nuôi đến lúc xuất bán, tổng chi phí hết khoảng 65.000- 70.000 đồng. Ông Trọng phấp phỏng: “Nuôi gà Tết như đánh bạc. Năm trước, tôi khảo sát thấy ít người nuôi nên cũng đầu tư nuôi 1.000 gà lông màu. Nhưng khi xuất chuồng, giá xuống thấp, chỉ 52.000 đồng/kg nên lãi chẳng đáng là bao. Năm nay tôi cứ nuôi thôi chứ chưa biết thế nào”.
Phấp phỏng, lo âu là tâm trạng chung của người nuôi gà Tết ở Chí Linh hiện nay. Chị Trần Thị Ngân ở thôn Thanh Tân (xã Lê Lợi) chia sẻ: “Tết trước, xã có khoảng 10 hộ nuôi gà lông màu nhưng đều bị lỗ vốn nên năm nay không hộ nào dám nuôi. Vì thế, năm nay tôi chuyển sang nuôi gà thịt thông thường bởi thị trường tiêu thụ rộng hơn, có thể bán được cả trước, trong và sau Tết. Tôi cũng phải giảm số lượng xuống còn 500 con, bằng một nửa năm trước để đỡ rủi ro”.
Anh Lục Văn Nhàn, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi gà đồi Chí Linh cho biết: “Hai năm gần đây, số người nuôi gà Tết ở thị xã Chí Linh, nhất là nuôi gà lông màu đã giảm đáng kể. Trong hiệp hội không còn ai chọn nuôi gà để bán đúng vào dịp Tết. Những người đầu tư vào lứa gà này đều là những người mạo hiểm, 5 ăn 5 thua”.
Giá khó tăng
Mấy năm gần đây, nguồn thực phẩm trên thị trường khá phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Ngoài các loại thực phẩm trong nước còn có cả thực phẩm nhập ngoại. Mặc dù là ngày Tết nhưng ngay từ sáng mùng 2 Tết, ở nhiều chợ, người bán thực phẩm đã mở hàng nên người dân không còn tích trữ thực phẩm nhiều. Do nhu cầu sử dụng ít nên người dân có xu hướng chọn thực phẩm tươi, sạch phục vụ gia đình vào các dịp quan trọng. Ngoài ra, không ít gia đình, thậm chí ngay cả ở thành phố cũng có thể nuôi một vài con gà để cúng lễ... Nhiều người lại chuyển sang sử dụng các loại thủy sản, hải sản... trong những ngày Tết, vì dễ ăn, không bị ngấy. Do vậy nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, nhất là các loại thịt gia súc, gia cầm trong dịp Tết giảm đáng kể.
Điều đáng lo hơn đối với những hộ nuôi gà Tết là trong suốt năm2017, giá các loại thực phẩm như thịt lợn, thủy sản đều xuống thấp. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến giá gà Tết. Theo ông Nguyễn Văn Luật, Trạm trưởng Trạm Thú y thị xã Chí Linh, thời điểm cao nhất là năm 2014-2015, người nuôi gà ở thị xã Chí Linh duy trì khoảng 3 triệu con, hiện nay giảm còn khoảng 2 triệu con. Lúc cao điểm nhất giá gà lên đến 75.000 đồng/kg, còn hiện nay giảm chỉ còn 52.000 đồng/kg. Với giá bán này, phải những người nuôi thật khéo, tỷ lệ gà sống cao, chăm sóc tốt thì mới có lãi. Thị trường gà Tết năm nay chưa biết sẽ thế nào. Do tác động của giá các loại thực phẩm khác nên năm nay nhiều khả năng giá gà sẽ khó tăng.
Cuối năm là thời điểm thời tiết thường có rét kèm mưa phùn. Trong khi các hộ nuôi gà ở Chí Linh thường tận dụng vườn đồi làm nơi chăn nuôi, ít quan tâm đầu tư cho chuồng trại nên các loại dịch bệnh dễ xuất hiện và bùng phát trên diện rộng. Để tránh thiệt hại, người chăn nuôi cần chú ý các biện pháp phòng tránh dịch bệnh cho đàn gà. Trước khi tái đàn cần thực hiện phơi vườn, khử trùng bằng vôi bột và các loại thuốc khử trùng. Tiêm phòng vắc-xin các loại bệnh đúng quy định. Thường xuyên nắm bắt giá cả thị trường để điều chỉnh số lượng nuôi cho phù hợp. Chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tránh quá phụ thuộc vào thương lái như hiện nay.