Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2018: Thành công nhưng vẫn còn "sạn"

Thứ năm - 04/10/2018 21:35 - 3026 lượt xem
Lượng du khách về trẩy hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay tăng hơn 10.000 lượt người so với cùng kỳ năm ngoái
Lượng du khách về trẩy hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay tăng hơn 10.000 lượt người so với cùng kỳ năm ngoái
Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc tuy thành công trên nhiều phương diện nhưng vẫn còn một số hạn chế.
Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay phải điều chỉnh quy mô, thời gian tổ chức một số nội dung quan trọng nhưng vẫn thành công trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, lễ hội còn một số hạn chế.

Lượng khách tham quan tăng

 Quốc tang Chủ tịch nước Trần Đại Quang diễn ra trong 2 ngày 26 và 27.9 nên Ban Tổ chức lễ hội đã quyết định điều chỉnh quy mô, thời gian tổ chức một số nội dung. Theo đó, bỏ chương trình văn nghệ tại các buổi lễ, không truyền hình trực tiếp Lễ tưởng niệm 718 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, không tổ chức tái hiện Hội quân trên sông Lục Đầu, bỏ nội dung đốt pháo bông trong Lễ cầu an và hội hoa đăng...

Tuy quy mô lễ hội đã giảm đi so với kế hoạch nhưng cơ bản vẫn bảo đảm mục tiêu đã đề ra. "Các buổi lễ trong chương trình lễ hội được tổ chức chu đáo, trang nghiêm, an toàn, lành mạnh theo đúng nghi thức truyền thống. Hình ảnh cũng như các giá trị của 2 khu di tích tiếp tục được quảng bá. Lễ hội còn thu hút đông du khách về tham dự", Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc Nguyễn Thị Thùy Liên cho biết.

Công tác bảo đảm an ninh trật tự tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc 2018được chú trọng. Lượng khách về trẩy hội đông hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Do làm tốt việc quản lý bến bãi, điều tiết giao thông nên tình trạng ùn tắc không xảy ra như mọi năm. Một số ít đối tượng trộm cắp, móc túi đã bị lực lượng công an phát hiện, xử lý. Các hàng quán dịch vụ cơ bản kinh doanh trong phạm vi cho phép. Tình trạng chèo kéo khách đã giảm nhiều so với những mùa lễ hội trước, không xảy ra cháy nổ, ngộ độc thực phẩm...

Trong thời gian diễn ra lễ hội (từ ngày 10-29.9, tức 1-20.8 âm lịch), khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đón khoảng 25 vạn lượt khách đến tham quan, tăng hơn 1 vạn lượt khách so với Lễ hội mùa thu năm ngoái. Ngoài du khách các tỉnh lân cận, lễ hội năm nay có thêm nhiều đoàn khách đến từ các địa phương phía Nam. Lượng khách quốc tế cũng tăng. Đây là một trong những thành công lớn tại lễ hội vừa qua. Năm nay, nhân dân và du khách về trẩy hội ấn tượng khi cảnh quan ở 2 khu di tích được quy hoạch, chỉnh trang gọn gàng, sạch đẹp.

Anh Tráng ở Ninh Bình lần đầu tham dự Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc chia sẻ: "Lễ hội đẹp về không gian, phong phú về nội dung. Tôi cảm nhận được sự linh thiêng của khu di tích qua việc tham dự các nghi lễ và nghe thuyết minh viên giới thiệu. Mọi người ở đây ai cũng vui vẻ, nhiệt tình cung cấp thông tin cho tôi. Đây là lễ hội hấp dẫn và chắc chắn tôi sẽ còn quay lại".

Có được thành công trên là do công tác chuẩn bị cho Lễ hội mùa thu Côn Sơn- Kiếp Bạc năm nay tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của tỉnh. Cùng với đó là sự vào cuộc tích cực của thành viên Ban Tổ chức lễ hội, các tiểu ban giúp việc và các sở, ngành, địa phương có liên quan. Công tác tuyên truyền được thực hiện tốt. Không chỉ mở rộng quy mô tuyên truyền trực quan, nội dung lễ hội còn được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội Facebook, Zalo... Điều này làm cho hình ảnh, giá trị của lễ hội và khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc được nâng lên.     
             
 Tại Lễ cầu an và hội hoa đăng xuất hiện cảnh người dân và du khách trèo lên đàn tháp cướp lộc 

Tranh nhau lấy lộc

Tình trạng chèo kéo khách tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay vẫn còn diễn ra. Anh Trần Minh Tuấn ở TP Hải Dương cho biết vừa vào bến xe tại khu di tích Kiếp Bạc đã có một phụ nữ ra chèo kéo mời uống nước, viết sớ, mua lễ phẩm. Vào sân đền Kiếp Bạc lấy mâm sắp lễ, anh Tuấn gặp một phụ nữ khác ra xin 10.000 đồng chi phí thuê mâm. Vừa hóa sớ xong, anh Tuấn tiếp tục gặp một phụ nữ ra xin tiền. Lúc ra về, anh giật mình khi gặp một phụ nữ từ trong quán chạy ra xưng là "cô", phán anh sắp có chuyện chẳng lành và phải vào làm lễ, hóa giải. "Đền, chùa là chốn linh thiêng nên không thể để tồn tại những hoạt động theo kiểu như vậy. Mong sao lần sau tới đây tôi không còn thấy những cảnh tượng này nữa", anh Tuấn nói.

Bà Nguyễn Thị Thùy Liên cũng đánh giá tình trạng chèo kéo khách ở khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã giảm nhiều nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Mặc dù thường xuyên được tuyên truyền, nhắc nhở nhưng có một số người dân vẫn bán hàng dọc hai bên đường vào khu di tích Côn Sơn, làm ảnh hưởng đến cảnh quan. Một số du khách khi về trẩy hội chưa chấp hành nghiêm các quy định, còn vứt tiền lẻ xuống giếng, cài tiền lẻ vào mâm lễ, lên tượng và xả rác bừa bãi. Tại Lễ cầu an và hội hoa đăng, khi các nhà sư vừa kết thúc khóa lễ, hàng trăm người dân và du khách đã ùa lên tranh nhau lấy lộc, nhiều người trèo lên cả đàn tháp để lượm hoa quả, bánh kẹo... Cảnh tượng chen lấn, xô đẩy của du khách rất phản cảm, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm, linh thiêng của buổi lễ.

PV (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây