Linh thiêng Lễ Khai ấn đền Kiếp Bạc

Thứ năm - 20/09/2018 20:57 - 2973 lượt xem
4 phù ấn linh thiêng của đền Kiếp Bạc
4 phù ấn linh thiêng của đền Kiếp Bạc
Trong khuôn khổ Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc hằng năm, Lễ Khai ấn, ban ấn tại đền Kiếp Bạc đáp ứng được lòng ngưỡng vọng của nhân dân đối với Đức Thánh Trần Hưng Đạo đã có công giữ nước và trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, giáo dục truyền thống lịch sử đối với thế hệ trẻ.

Nằm cách Hà Nội 80 km, Côn Sơn - Kiếp Bạc, quần thể di tích thuộc địa bàn thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương từ lâu vốn nổi tiếng với những di tích lịch sử gắn liền với cuộc đời của nhiều vị anh hùng và danh nhân đất Việt, gắn liền với những chiến công lẫy lừng trong các cuộc kháng chiến lịch sử của dân tộc ta.

Cứ vào tháng 8 âm lịch, Côn Sơn - Kiếp Bạc trở thành điểm hẹn lý tưởng của du khách đến tham quan, trẩy hội, khám phá, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử nguồn cội và tham dự Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc, trong đó có Lễ Khai ấn, ban ấn đền Kiếp Bạc.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà cứ mỗi dịp “Tháng 8 giỗ Cha”, hoặc mỗi khi “lâm sự”, người dân lại thành tâm về Kiếp Bạc làm lễ và xin phù ấn của Đức Thánh, cầu Ngài phù hộ.

Nghi lễ Khai ấn, ban ấn đã gắn liền với đời sống tâm linh cộng đồng, bởi lẽ nó gắn với một triều đại rực rỡ võ công: Nhà Trần và tên tuổi Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Từ một nhân vật lịch sử lỗi lạc, Đức Thánh Trần đã trở thành một nhân vật huyền thoại khởi nguồn cho những tín ngưỡng dân gian ở những địa phương có di tích thờ Ngài.

Khác với ấn Đền Trần (Nam Định) là ấn của vua Trần, trên tấm phù ấn có 2 ấn, cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc đền Trần, cầu mong mọi người bước sang năm mới mạnh khỏe, lao động, sản xuất hăng say, học tập, công tác tốt và Lễ Khai ấn, ban ấn đền Trần diễn ra vào giữa đêm 14 và mở đầu cho ngày 15 tháng Giêng hàng năm; còn ấn Đền Kiếp Bạc là ấn của Đức Thánh Trần Hưng Đạo, trên tấm phù ấn thường có 4 ấn khác nhau thể hiện riêng từng ý nghĩa như: Quyền uy, sức mạnh, sức khỏe, trừ tà.  

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết rõ hơn, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là một thiên tài quân sự, vị anh hùng dân tộc kiệt xuất, được vua phong Quốc Công Tiết Chế, thống lĩnh ba quân, đánh tan giặc Nguyên Mông, bảo vệ giang sơn Đại Việt. Vì có tài đức phi thường và công lao vĩ đại, nhân dân đã tôn vinh Ngài là Thánh, là Đức Phật, là “ Cửu Thiên Vũ đế” từ trên trời xuống giúp dân, giúp nước. Ngài luôn hiển linh cứu giúp chúng sinh, diệt trừ yêu ma, giặc giã. Đền Kiếp Bạc trở thành đền thiêng, “ai lòng thành khẩn cầu liền ứng nghiệm”. Điều đó đã trở thành đức tin, thành tâm linh tôn giáo của nhân dân.

PGS. TS Tống Trung Tín nhắc lại lời của nhà sử học Phan Huy Chú từng nói: “Mỗi khi trong nước có đại sự, triều đình đến làm lễ cầu đảo; các tướng tá, vương công mỗi khi có việc chinh chiến cũng đến đền bái yết rồi mới xuất quân…”. Bởi vậy, cứ mỗi dịp “Tháng Tám giỗ Cha”, hoặc mỗi khi lâm sự, người dân lại về Kiếp Bạc xin phù ấn của Đức Thánh, cầu Ngài phù hộ.
 
PGS.TS Tống Trung Tín cho biết thêm, Đền Kiếp Bạc còn lưu giữ bốn phù ấn của Đức Thánh Hưng Đạo Đại vương.

 

- Ấn thứ nhất, hình vuông, kích thước 10 x 10cm, văn khắc gồm bảy chữ “Trần triều Hưng Đạo Vương chi ấn” (ấn của Hưng Đạo Vương triều Trần). Đây là ấn quan trọng nhất, cũng là lớn nhất, nội dung thể hiện quyền uy và sức mạnh mà Đức Thánh Trần ban cho.

- Ấn thứ hai, hình vuông, kích thước 5,5 x 5,5cm, văn khắc gồm bốn chữ “Quốc pháp Đại Vương” (ấn phù của Quốc pháp Đại Vương), cầu Đức Thánh ban sức mạnh uy quyền, bắt mọi thế lực phải tuân theo những phép tắc pháp luật.

- Ấn thứ ba, hình vuông, kích thước 4,3 x 4,3 cm, văn khắc gồm bốn chữ “Vạn Dược linh phù” (phù ấn linh thiêng của đền Vạn Dược). Dược là thuốc chữa bệnh. Là phù ấn linh thiêng cứu giúp mọi người trường sinh, sinh sôi, phát triển...

- Ấn thứ tư, hình chữ nhật, kích thước 5,2 x 7,8 cm, văn khắc gồm sáu chữ: “Phi thiên thần kiếm linh phù” (Phù ấn linh thiêng của Phi thiên thần kiếm), cầu bình an, sát qủy trừ tà…

Cầu việc lớn, việc quan tước, thăng thưởng, cầu phải  trái phân minh … thì xin dấu “Trần triều Hưng Đạo Vương chi ấn”, hoặc ấn “Quốc pháp Đại Vương”; cầu sinh con, tài lộc dồi dào, sự tốt lành phát triển thì xin “Vạn Dược linh phù”; còn xin “Phi thiên thần kiếm linh phù” là để cầu tránh tà ma, bệnh tật, giặc giã… thông thường, khách thập phương xin được ban tấm lụa vàng in cả bốn phù ấn nơi đền thiêng về treo tại nhà hoặc mang theo bên mình, mong cầu được Phúc, Lộc, Thọ và vạn sự tốt lành.

Bộ phù ấn đền Kiếp Bạc là những di vật quý hiếm, gắn liền với sinh hoạt văn hoá tâm linh, thể hiện niềm tin yêu tôn kính bậc Thánh nhân cứu quốc, đồng thời thể hiện khát vọng được sống yên lành, hạnh phúc của nhân dân. Đó là tâm nguyện chân chính, thiêng liêng được lưu truyền hơn 7 thế kỷ qua ở lễ hội đền Kiếp Bạc.

Theo UBND tỉnh Hải Dương, năm nay, nghi lễ Khai ấn, ban ấn đền Kiếp Bạc (diễn ra vào tối ngày 25/9/2018-tức 16/8 âm lịch) sẽ được tổ chức trang trọng, tôn nghiêm và linh thiêng. Nghi lễ này được phục dựng thành công trong Đề án nâng cấp Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc giai đoạn 2006 - 2010. Đây là một trong những sự kiện đặc biệt nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc luôn thu hút rất đông nhân dân và du khách tham gia.

Bà Nguyễn Thị Thùy Liên - Trưởng Ban Ban Quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết, công tác chuẩn bị Lễ Khai ấn và ban ấn năm nay đã hoàn tất. Ban Quản lý Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã chuẩn bị 3 vạn ấn cùng hàng nghìn túi ngũ cốc để phục vụ du khách. Ban Tổ chức Lễ hội cũng đã phân công cho Tiểu ban an ninh trật tự xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn cho buổi lễ. Dự kiến lượng khách kỳ Lễ hội năm nay khoảng 25 vạn khách so với năm ngoái là 20 vạn khách.

Trao đổi về những điểm mới của Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay so với mọi năm, bà Nguyễn Thị Thùy Liên cho biết, Lễ Khai ấn, ban ấn sẽ diễn ra vào buổi tối 25/9/2018 (tức ngày 16/8 âm lịch). Cùng thời gian trên, Lễ tưởng niệm 718 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn sẽ được tổ chức và được truyền hình trực tiếp trên Đài truyền hình Hải Dương, thay vì diễn ra vào sáng 17/8 âm lịch như những năm trước. Lễ rước bộ mọi năm thường được tổ chức vào ngày 17/8 âm lịch năm nay chuyển sang ngày 29/9/2018 (tức ngày 20/8 âm lịch).

Từ khi phục dựng Lễ Khai ấn, Ban ấn ở Đền Kiếp Bạc chưa xảy ra tình trạng chen lấn xô đẩy. Công tác tổ chức Lễ Khai ấn, Ban ấn thay đổi theo từng năm và ngày càng chặt chẽ, mở rộng quy mô. Năm 2017, Lễ Khai ấn, Ban ấn được tổ chức rất linh thiêng, trang trọng và văn minh. Ban Tổ chức bố trí thành 3 làn đường, đi vào 3 điểm ban ấn. Dòng người nối đuôi vào một đường và ra một đường nên không có tình trạng chen lấn xô đẩy.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng đổi mới trong công tác tổ chức, bảo đảm an toàn an ninh Lễ hội đến phương thức Khai ấn, ban ấn sẽ hứa hẹn một mùa Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc thành công, để cho thấy phù ấn đền Kiếp luôn có vị trí xứng đáng trong đời sống tâm linh cộng đồng đúng với ý nghĩa nhân văn là cầu mong cho thiên hạ thái bình, thịnh trị, mọi nhà chung hưởng lộc ấn đền Kiếp Bạc/.

P.V (Báo điện tử Công Luận)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây