Nhọc nhằn cào hến mưu sinh

Thứ hai - 09/11/2015 08:32 - 3154 lượt xem
Đã thành thông lệ, sau mùa nước lớn, nhiều hộ dân ven sông Thương, sông Lục Nam ở thị xã Chí Linh lại tất bật chuẩn bị vào vụ thu hoạch hến.
 
 


Anh Hưng phấn khởi với mẻ hến đầu tiên trong ngày

Chìm nổi nơi sông nước
 
"Bữa cơm trưa chóng vánh kết thúc bằng tiếng máy nổ inh tai của gần 100 chiếc thuyền cào hến ngược xuôi".
 
Gần 4 giờ sáng, bờ đê sông Thương đoạn qua xã Hưng Đạo đã nháo nhác người qua lại. Ai nấy vội vã kiểm tra đồ nghề cẩn thận để bắt đầu cào hến. Anh Đỗ Quang Hưng ở thôn Ngọc Tân, xã Hưng Đạo theo nghề cào hến từ thuở đôi mươi đến bây giờ mái tóc đã ngả màu sương gió. Anh Hưng kể, thông thường cào hến phải có 2 người thì mới bớt nhọc nhằn. Nhưng vài năm nay, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ anh đi xuất khẩu lao động nên anh chỉ đi làm có một mình. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, anh cho hay, nếu trước đó lũ về càng lớn thì hến càng nhiều bởi sông được bồi lắng thêm một lượng phù sa mới, là môi trường lý tưởng cho hến sinh sôi. Hến có thể đánh bắt quanh năm, nhưng thời điểm nước cạn từ tháng 9 âm lịch năm trước đến tháng 3 năm sau là rộ nhất. Vào buổi sáng sớm, khi trời tranh tối, tranh sáng là lúc hến đi kiếm ăn, sẽ bắt được những con hến "đầy miệng", bán được giá, nên mọi người phải đi làm từ sớm thì mới mong có hến ngon để bán. "Ngày trước, chúng tôi bì bõm ngụp lặn mò hến. Nhà nào khá khẩm hơn thì có mủng chèo dọc hai bên bờ sông để cào. Còn bây giờ, người ta chủ yếu dùng thuyền máy, không phải dùng sức nên đỡ vất vả hơn nhiều", anh Hưng cho biết. Hơn 20 năm trong nghề nhưng phải đến 3 năm trước anh Hưng mới mua được chiếc thuyền máy nhỏ trị giá 30 triệu đồng. Trong mái lán chưa đầy 2 m2, mọi vật dụng sinh hoạt như chăn, gối, bát, đũa... đều đủ cả. Đặc biệt là chiếc đài nhỏ đã làm bạn với anh từ nhiều năm nay.

Mặt trời vẫn còn lấp ló sau núi nhưng khúc sông đã bắt đầu nhộn nhịp. Anh Hưng mang hai chiếc cào ra chỉnh lại cho chắc chắn. Trước kia, cào làm bằng tre cật, các nan tre đan vào nhau giống như cái gầu nhưng cứng cáp hơn, có độ thưa vừa phải để cho đất cát dễ dàng rơi ra và giữ lại hến. Còn hiện nay, người dân sử dụng cào sắt, bền và hữu dụng hơn nhiều. Chiếc cào được nối với đoạn dây thừng dài, chắc chắn. Sau khi thuyền nổ máy, anh Hưng quăng cào xuống đáy sông, mỗi lần quăng xuống, kéo lên mất 5-7 phút và cào được hơn 50 m tùy vào lòng sông nhiều cát hay bùn. Khi nhấc cào lên cũng phải thật khéo léo để hến không rơi ra ngoài và cào không vướng vào bất cứ vật gì dưới đáy sông. Nếu may mắn, mỗi cào sẽ mang về từ 1-2 kg hến. Nhanh tay đổ hến vào thúng, anh Hưng nói: "Làm bằng thuyền máy không nặng nhọc như trước nhưng thao tác phải nhanh, nhịp nhàng không thì mất cào như chơi vì có máy kéo nên mình không thể biết được cào có bị vướng phải cái gì hay không. Vừa mới đầu vụ nhưng tôi đã mất 2 đôi cào vì sơ ý, thế là "đi tong" cả tuần bắt hến". Thường anh Hưng thả 2 cào so le nhau để khi nhặt xong sỏi đá, vỏ hến từ cào kia để riêng ra, đổ hến vào thúng thì kéo cào tiếp theo lên là vừa. Những người cào hến bảo nhau, nếu kéo lên có sỏi đá cũng không vứt xuống sông cho người cào sau được thuận lợi. Với lại để lòng sông thông thoáng, họ làm nghề cũng tiện hơn. Chưa đầy 30 phút, anh Hưng đã cào được 1 thúng hến đầy. Những ngày như thế, anh cào được 2-3 tạ hến, hôm ít cũng ngót nghét 1 tạ. Với giá bán tùy thời điểm, lúc đắt là 600.000 đồng/tạ, khi xuống thấp còn 350.000 đồng/tạ, anh cũng đủ tiền trang trải sinh hoạt hằng ngày và việc học hành của các con.

Anh Chu Đình Tư ở thôn Phượng Sơn, xã Hưng Đạo sử dụng thuyền chèo tay cào hến đã hơn 15 năm nay. Anh Tư cho biết: "So với cào máy thì cào tay mất sức, mất thời gian hơn nhiều. Do chưa có điều kiện nên tôi vẫn phải cố gắng, kiếm được đồng nào hay đồng ấy. Vì cào tay nên tôi không thể làm cả ngày cả đêm, và cũng không thể ra giữa sông cào như những người cào máy. Mỗi ngày, gắng gượng lắm tôi cũng chỉ được 50 kg". Theo anh Tư, trước kia, sông Thương là "vựa hến", nhưng vài năm trở lại đây, nước sông bị ô nhiễm, hến bị chết nhiều chỉ còn trơ lại vỏ. Hơn nữa, "cát tặc" hoành hành khiến khúc sông từ bao đời nay nước chảy hiền hòa thì giờ có những xoáy sâu rất nguy hiểm. Có khi cào mắc phải hố sâu, không kéo lên được, tiếc của, anh phải lặn xuống để mò. "Thà kéo cào lên không được con nào còn hơn là cả cào đầy nhưng toàn là vỏ hến. Xót xa lắm. Miếng cơm manh áo của chúng tôi đang bị hủy hoại dần", anh Tư giãi bày.

Cơ cực để vươn lên

Mặt trời đứng bóng cũng là lúc những người cào hến nghỉ ngơi, tiếng động cơ từ thuyền máy không còn, trả lại mặt sông yên tĩnh. Những ai nhà gần thì neo thuyền vào bờ, về ăn vội bát cơm trưa, chợp mắt ít phút lấy sức để chiều tiếp tục công việc. Còn những người ở xa như vợ chồng chị Nguyễn Thị Lộ ở phường Phả Lại phải mang cơm theo, ăn tại thuyền. Các thuyền ghé sát nhau, mọi người vừa ăn cơm, vừa trò chuyện. Họ kể cho nhau nghe về thành quả cả buổi sáng làm việc, chia sẻ kinh nghiệm cào hến và bảo nhau đoạn nào nước sâu để tránh. Tiếng cười giòn tan trong cái nắng mùa thu hanh hao như xoa dịu đi những vất vả, cực nhọc của những người dân chài chất phác. Tranh thủ lúc chồng là anh Nguyễn Văn Ất uống nước, nói chuyện với người ở thuyền bên cạnh, chị Lộ mang hến vừa cào được dùng xảo để sàng, phân loại hến to, bé rồi cho vào bao. Chỉ trong buổi sáng 2 vợ chồng chị đã cào được gần 2 tạ hến. Chị Lộ phấn khởi: "Nhọc nhằn thật đấy nhưng có nhiều hến mang về lo cho bọn trẻ ở nhà là tôi quên hết mệt mỏi. Hơn 20 năm, hai vợ chồng lặn lội trên khắp các khúc sông cào hến, chỉ mong  các cháu có cuộc sống đủ đầy hơn, được ăn học tử tế. Không phụ sự mong mỏi của chúng tôi, các con đều học hành giỏi giang. Chỉ cần có thế, vất vả tới đâu vợ chồng tôi cũng chịu được".

Cũng chung nỗi niềm với chị Lộ, ông Chu Đức Sự ở thôn Ngọc Tân, xã Hưng Đạo ngoài công việc chính là thả lưới bắt cá cũng tận dụng thời gian chờ giữa hai mẻ lưới để đi cào hến kiếm thêm tiền nuôi 2 con nhỏ ăn học. "Tôi đã ngoài 60 tuổi nhưng cháu lớn nhà tôi mới học lớp 7. Sức tôi cũng không còn nhiều, giờ chỉ làm được đến đâu hay đến đấy. Cả đời làm bạn với sông nước, nhiều lúc hiểm nguy cận kề, tôi chỉ hy vọng các con được hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn, không phải suốt ngày lọ mọ, trên nắng, dưới nước như bố nó", ông Sự trải lòng.

Bữa cơm trưa chóng vánh kết thúc bằng tiếng máy nổ inh tai của gần 100 chiếc thuyền cào hến ngược xuôi. Công việc cào hến lại tiếp tục, nhọc nhằn, vất vả cứ nối tiếp từ ngày này qua ngày khác. Những khoang thuyền đầy ăm ắp hến như đang chở ước mơ, khát vọng của người lao động nghèo. Đó cũng là động lực cho họ tiếp tục cố gắng cho mai sau.

 
MƠ NGUYỄN

Nguồn tin: baohaiduong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây