Đi chợ hội Kiếp Bạc (*)

Thứ hai - 17/09/2018 21:32 - 2333 lượt xem
Đi chợ hội Kiếp Bạc (*)
Côn Sơn - Kiếp Bạc là nơi thờ phụng những anh hùng trong lịch sử dân tộc: Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Đán. Nơi đây còn là chốn tổ của dòng thiền Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử gắn liền với hành trạng của Đệ tam tổ Huyền Quang Tôn giả... Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc tự cổ chí kim vốn nổi tiếng với rất nhiều nghi trình, nghi lễ thiêng liêng và phần hội phong phú với nhiều nét văn hóa riêng. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, lễ hội mùa Thu ở đây còn có CHỢ HỘI, nơi hội tụ phong phú nhất những nét văn hóa của chợ truyền thống vùng Bắc bộ.

Chẳng biết chính xác hình thành từ bao giờ, nhưng theo các cụ cao niên ở làng Vạn Yên - Dược Sơn (xã Hưng Đạo - thị xã Chí Linh) cho biết, chợ có từ khi ra đời lễ hội đền Kiếp Bạc vào tháng 8 âm lịch hằng năm, dịp ngày hóa của Đức Thánh Trần, cách đây khoảng trên 700 năm.

Chợ hội Kiếp Bạc chỉ họp vào dịp hội đền khoảng từ mồng 10 đến 20/8 âm lịch. Tương truyền xưa chợ chỉ là nơi buôn bán, trao đổi hàng nông sản, nông cụ, đồ dùng sinh hoạt của người dân... nay có thêm những sản phẩm mới, nhưng vẫn mang đậm yếu tố tâm linh, tín ngưỡng với những phong tục hiếm có vẫn được bảo tồn. Ai đến chợ cũng đều cảm nhận được cảnh chợ giao thoa, hòa quyện trong một không gian văn hóa vừa linh thiêng, vừa bình dị. Khu vực họp chợ chỉ diễn ra trên một đoạn, dọc bờ đê sông Thương phía trước cổng đền. Người buôn bán, ngoài dân bản địa còn đến từ nhiều tỉnh trong khu vực phía Bắc như Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên... Họ mang tới chợ những sản vật riêng của quê mình: chum vại, chiếu, nón, rổ, rá, thừng chão, vải vóc, dao liềm, cuốc xẻng cùng các sản vật từ đủ mọi vùng miền như thuốc Nam đã được chế biến hoặc vừa khai thác, những chiếc sáo trúc, những chiếc điếu cày… bày bán ngay trên bờ đê, ai thích mua thứ gì thì mua, thoải mái chọn lựa.

Nét đặc biệt của chợ hội Kiếp Bạc đến nay vẫn duy trì, đó là bán các nông cụ, đồ dùng sinh hoạt gia đình, Trong đó có đôi chiếu cói mộc hoặc in hoa, được dệt thủ công từ các làng dệt chiếu nổi tiếng ở Thanh Hà - Hải Dương, các làng chiếu cói ở Thái Bình, Thanh Hóa... Người ta chẳng ngại đường sá xa xôi để mang những chiếc chiếu thấm đẫm mồ hôi công sức lao động về chợ hội Kiếp Bạc bán, chẳng mong kiếm lời, chỉ mong bán được nhiều. Đó là cách để những người nông dân góp vào không khí chung cho lễ hội. Tìm hiểu tại sao lại có hàng nghìn, hàng vạn người tới chợ hội Kiếp Bạc mua chiếu và chiếu ở đây sao lại đắt hàng như vậy. Bất kỳ ai ở làng Vạn Yên và Dược Sơn, xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh đều có thể trả lời. Tục mua chiếu đền Kiếp Bạc gắn với câu chuyện dân gian khá lý thú, đó là: Tướng giặc Nguyên Mông là Phạm Nhan có nhiều yêu phép, song bị Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo dùng gươm báu chém chết. Uất hận, Phạm Nhan hóa làm tà thần, quỷ quái đi khắp nơi quấy nhiễu dân lành, nhất là đàn bà, con gái, trẻ con... Ai bị giặc này quấy rối đều khó trị vì không rõ nguyên nhân. Dân gian gọi đó là bệnh Phạm Nhan và đến Vạn Kiếp cầu cứu Trần Hưng Đạo. Khi Quốc công Tiết chế mất, những người bị bệnh với những biểu hiện như thế vẫn tìm về đền Kiếp Bạc làm lễ cầu xin Đức Thánh Trần giải trừ. Người nhà của bệnh nhân thường mua chiếu mới mang đến đền Kiếp Bạc lễ rồi đổi lấy chiếu cũ về, sau đó bí mật trải cho người bệnh nằm và đều khỏi bệnh. Đối với trẻ con cũng vậy, người ta thường mua những chiếc chiếu nhỏ (loại thường lót võng) mang tới đền cầu khấn, rồi mang về trải cho trẻ nằm để hết sài đẹn… Sau này, nhiều người quan niệm, chỉ cần mua chiếu ở chợ hội Kiếp Bạc về dùng cũng sẽ tránh được tai ách, bệnh tật, khỏe mạnh...

Từ đó chiếu là một trong những mặt hàng bán chạy nhất ở hội đền Kiếp Bạc. Và cùng từ giai thoại này, tục mua chiếu hoặc đổi lấy chiếu cũ tại đền Kiếp Bạc đã trở thành nét văn hóa tâm linh tín ngưỡng của người dân trong vùng. Bộ sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết: “Trong nước hễ có đàn bà bị Bá Linh ám ảnh, gọi là ma Phạm Nhan, người ta thường đem chiếu đổi lấy chiếu của đền về trải giường cho bệnh nhân nằm thì khỏi ngay”. Điều này lý giải cho việc, dù trong những ngày lễ hội có mưa hay dưới cái nắng rát của cuối Thu, nhưng chợ hội vẫn thu hút hàng chục nghìn người tìm về. Cũng từ tục lệ này mà người ta còn quan niệm, mua tất cả những đồ dùng, thuốc Nam ở Kiếp Bạc về sử dụng đều tốt. Điều đó có lý, bởi ngay tại Dược Sơn (tức núi thuốc - nơi có đền chùa Nam Tào) ở Kiếp Bạc cũng có nhiều cây thuốc quý, vì vậy nhiều người còn mua những loại thuốc Nam này vào lễ trong đền rồi mang về uống với mong muốn mau khỏi bệnh và mạnh khỏe… Tục đổi chiếu đến nay vẫn được nhiều người thực hiện, ngoài ra mỗi năm nhà đền cũng tặng cho hàng nghìn du khách khi về lễ hội Thu.

Câu chuyện chợ hội Kiếp Bạc với những yếu tố linh diệu được truyền đời kể như vậy. Chẳng biết có linh ứng vậy không nhưng người dân quanh vùng đều mong muốn các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, khôi phục lại chợ hội để bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống, đồng thời tạo thêm điểm nhấn cho du khách khi về dự hội.

 (*) Bài dự thi cuộc thi viết về Du lịch Hải Dương
Báo Du lịch - Tổng cục Du lịch - Bộ VHTTDL

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây