Bài học quý trong công tác bảo tồn di sản

Thứ năm - 04/01/2018 21:34 - 3023 lượt xem
Tòa Trung từ đền Kiếp Bạc được trùng tu đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân.
Tòa Trung từ đền Kiếp Bạc được trùng tu đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân.
Năm 2017, công tác khôi phục và tôn tạo các di tích không còn nguyên vẹn đã diễn ra đa dạng cả về nội dung, quy mô và hình thức. Viện Bảo tồn di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa tổ chức cuộc hội thảo về vấn đề này với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, kiến trúc sư tên tuổi. Hội thảo rút ra nhiều bài học quý trong bảo tồn di sản của cha ông khi lấy trường hợp chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc làm ví dụ thực tiễn.

Chính xác nhưng cũng rất sáng tạo

Khu Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Côn Sơn-Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương), được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt, mấy năm gần đây đều có hoạt động chỉnh trang, xây dựng, trùng tu, phục dựng. Thợ vẫn bận rộn làm, dân vẫn tấp nập viếng thăm, thưởng ngoạn. Theo thống kê, năm qua có khoảng 2 triệu lượt khách đến tham quan khu di tích. Ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng ban Quản lý Khu di tích cho biết: “Con số đó có sự góp phần của công tác trùng tu. Từ lúc phục dựng được tòa Cửu phẩm liên hoa ở chùa Côn Sơn lại có thêm nhiều lễ hội khác, như rước đèn hoa, xoay cửu phẩm đài… Có thêm lễ hội là có thêm khách, có thêm khách là có thêm nguồn thu”.

Trong đoàn khảo sát của chúng tôi hôm đó có PGS Trần Lâm Biền, người luôn có những phát ngôn thẳng thắn đối với việc bảo tồn di tích. Ấy thế nhưng hôm đó ông bỗng trở nên dễ tính đến lạ. Nguồn cơn của sự “dễ tính” ấy là do sự phối hợp chặt chẽ của đơn vị thi công với đại diện giới khoa học mà trong đó có ông, trong suốt 13 năm thực hiện dự án (từ năm 2004 đến nay). Hai bên gần như trao đổi hết từ chi tiết của dự án cho đến tâm tư, tình cảm, ước mong. Kể ra mới thấy hết sự mẫu mực và tính chất cần thiết của việc trao đổi ấy. Ví như việc xây một hành lang phân định giữa cõi thực với cõi thiền đều có ý tứ sâu xa cả. Và thực tế thì cha ông ta đều đã tính đến, xây dựng và ghi chép lại. Các nhà khoa học giờ chỉ làm công việc thuyết minh, lý giải lại, vậy thôi.

Việc tìm những nguồn tài liệu và áp dụng nhiều phương pháp khoa học hiện đại để phục dựng một công trình đã mất từ khá lâu cần nhiều thời gian nghiên cứu cẩn trọng, thực hiện một cách sáng tạo. Rõ ràng, nếu không có sự trao đổi chặt chẽ giữa chủ đầu tư, đơn vị thi công, nhà khoa học thì công việc khó có thể thành công như mong muốn.

Không nên quá máy móc

Theo thống kê của Viện Bảo tồn di tích, hiện cả nước có 3.415 di tích đình, đền, chùa được xếp hạng di sản cấp quốc gia. Một bộ phận trong đó vẫn thực hiện công năng là thiết chế tín ngưỡng và tôn giáo hiện hành. Ở đây dễ thấy việc bảo tồn để tránh xuống cấp là cần làm. Nhưng bên cạnh đó còn một vấn đề khá nan giải, đó là bảo tồn kết hợp với việc đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng gia tăng về tín ngưỡng và tâm linh. Thật vậy, thực tế thời gian qua đã có khá nhiều vụ trùng tu, bảo tồn bỗng trở thành xây mới, mà xây mới lại rất hoành tráng, khác xa với cái gốc ban đầu.

Câu trả lời của giới khoa học khá tương đồng về vấn đề này. GS, KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng phải làm rõ khái niệm “nguyên vẹn”. Nguyên vẹn so với mốc thời gian công trình được khởi dựng, nguyên vẹn về phong cách kiến trúc và nguyên vẹn trong một tổng thể. Ông nói: “Là di tích trước hết chúng phải được bảo tồn, đồng thời chúng phải đảm đương tiếp tục chức năng ban đầu là phục vụ nhu cầu tín ngưỡng và tâm linh. Mà đã là vậy, chúng đòi hỏi phải được kiện toàn, tức là khôi phục những cái đã mất, khắc phục tình trạng phế tích và tôn tạo để đáp ứng nhu cầu thời nay”. Ý kiến này nhận được sử ủng hộ của nhiều nhà khoa học. Trong đó quan điểm của Viện Bảo tồn di tích cũng cho rằng, việc khôi phục, bổ sung các thành phần đã bị mất mát hay còn khuyết thiếu cũng là một đòi hỏi chính đáng.  

Quan điểm về phục dựng, bảo tồn như vậy là khá rõ ràng. Theo đó, những di tích muốn thực hiện dự án phục hồi, tôn tạo phải dựa trên sự vào cuộc, tham gia chặt chẽ của các nhà khoa học và đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước. Riêng ở việc cấp phép này hiện nay thủ tục hành chính còn rất nhiều phức tạp, chồng chéo giữa nhiều bộ, ban, ngành. Ví như trường hợp của chùa Côn Sơn phải xin giấy phép của khá nhiều cơ quan liên quan. Có trường hợp cho thấy dấu hiệu chồng chéo trong quản lý Nhà nước gây ra những kết quả đáng tiếc, khó xử như trường hợp cùa chùa Thắng Nghiêm (Quốc Oai, Hà Nội). Vậy nên việc bảo đảm chặt chẽ trong phục hồi, tôn tạo là chặt chẽ trong khâu lập dự án, phác thảo kiến trúc; chứ đừng máy móc trong quản lý hành chính dẫn đến thủ tục lòng vòng để rồi chủ đầu tư xây không phép, công trình lâm vào bế tắc.

Bài và ảnh: LÊ ĐÔNG (Báo Quân đội Nhân dân)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây