Thấy gì qua quy hoạch tượng đài, đài kỷ niệm?

Thứ ba - 12/04/2016 07:16 - 2148 lượt xem
Tượng đài Trần Hưng Đạo tạo điểm nhấn cho khu di tích đền Cao An Phụ (Kinh Môn)
Tượng đài Trần Hưng Đạo tạo điểm nhấn cho khu di tích đền Cao An Phụ (Kinh Môn)
Với quy hoạch hệ thống tượng đài, đài kỷ niệm đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 tỉnh vừa ban hành, sẽ có nhiều công trình mỹ thuật được xây dựng.
Nâng cấp, xây mới 20 tượng đài

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 khu tượng đài là tượng đài Trần Hưng Đạo trên núi An Phụ (Kinh Môn), tượng đài Bác Hồ ở xã Hiệp Lực (Ninh Giang), tượng đài Anh hùng Mạc Thị Bưởi (TP Hải Dương). Trong đó xây dựng sớm nhất là tượng đài Bác Hồ ở xã Hiệp Lực  được nhà điêu khắc Phước Sanh cùng các sinh viên mỹ thuật thực hiện khi sơ tán về đây. Công trình làm từ bê tông cốt tre, được hoàn thành năm 1972, ghi lại dấu mốc Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm cán bộ và nhân dân xã Hiệp Lực ngày 26-7-1962. Tượng đài Trần Hưng Đạo được khởi công năm 1993, hoàn thành năm 1998, mang ý nghĩa văn hóa, lịch sử to lớn. Chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã đặt phiến đá đầu tiên xây dựng công trình. Tượng đài cao 12,7 m tọa lạc trên một vùng đồi núi, tạo điểm nhấn cho khu di tích đền Cao An Phụ. Sau khi công trình hoàn thiện, nhiều địa phương đã đến học hỏi, lấy mẫu. Ngành văn hóa cũng đã thu mẫu với kích thước nhỏ để đúc tượng làm quà tặng. 

Hải Dương là nơi sinh ra và nuôi dưỡng nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, nhân vật lịch sử nổi tiếng. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều sự kiện chính trị, lịch sử, cách mạng tiêu biểu của đất nước. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống tượng đài, đài kỷ niệm hiện nay chưa tương xứng với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử của tỉnh cũng như những chiến công bảo vệ quê hương của nhân dân. Còn nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân và các sự kiện lịch sử tiêu biểu chưa được tôn vinh, phát huy xứng tầm bằng các công trình nghệ thuật có chất lượng cao, bền vững. Vị trí, địa điểm xây dựng một số tượng đài chưa phù hợp, do đó không phát huy được giá trị nghệ thuật, ý nghĩa của tượng đài. 

UBND tỉnh đã giao cho ngành văn hóa phối hợp với các bên liên quan lập đề án quy hoạch hệ thống tượng đài, đài kỷ niệm. Triển khai từ năm 2010, sau 3 lần hội thảo, nhiều lần chỉnh sửa lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn ở trung ương và các địa phương, “Quy hoạch hệ thống tượng đài, đài kỷ niệm tỉnh Hải Dương đến năm 2025, định hướng tới năm 2035” đã được UBND tỉnh ký quyết định ban hành vào đầu năm nay. Cho đến nay không nhiều địa phương trong cả nước làm được quy hoạch về lĩnh vực này. 

Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2035, tỉnh sẽ nâng cấp và xây dựng mới 20 tượng đài, đài tưởng niệm. Tổng diện tích quy hoạch 20 ha. Tổng kinh phí dự toán khoảng 381 tỷ đồng. Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2017, xây dựng và tu bổ 4 công trình gồm: tượng đài Bác Hồ với Hải Dương (TP Hải Dương), tượng đài Bác Hồ về thăm Hiệp Lực (Ninh Giang), tượng đài "Tiếng sấm đường 5" và tượng đài nữ du kích Lai Vu (Kim Thành). Giai đoạn 2 từ năm 2018 đến năm 2025, xây dựng 4 công trình gồm đài biểu tượng tỉnh Hải Dương (TP Hải Dương), tượng đài Huyền Quang tôn giả, đài chiến thắng Vạn Kiếp, tượng đài Nguyễn Trãi (Chí Linh). Giai đoạn 3, định hướng đến năm 2035, triển khai 10 dự án xây dựng mới gồm: tượng đài nhà giáo Chu Văn An, Pháp Loa, Khúc Thừa Dụ, Đốc Tít, Phạm Sư Mạnh, Tuệ Tĩnh, Yết Kiêu, Trần Quốc Toản, Mạc Đĩnh Chi và tượng đài tôn vinh làng tiến sĩ Mộ Trạch. Ông Phạm Sĩ Cẩn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Quy hoạch lần này chỉ rõ quy mô, ý nghĩa, cơ chế chính sách và các quy định trong việc xây dựng, khai thác, bảo quản, tôn tạo tượng đài, đài kỷ niệm, tôn vinh các danh nhân, giá trị văn hóa, lịch sử, phục vụ mục tiêu quảng bá du lịch, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. 

Giải bài toán quỹ đất, nguồn vốn 

Quy hoạch hệ thống tượng đài, đài kỷ niệm đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 được ban hành là căn cứ pháp lý quan trọng để giải bài toán quỹ đất mà các địa phương phải đối mặt. Với vị trí chiến lược, gắn với trục quốc lộ 5 và tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, huyện Kim Thành là địa phương gắn với nhiều dấu mốc lịch sử quan trọng của đất nước. Tại huyện này có 2 tượng đài được tỉnh phê duyệt xây dựng là tượng đài "Tiếng sấm đường 5" ở khu vực ga Phạm Xá (xã Tuấn Hưng) và tượng đài nữ du kích Lai Vu (gần đầu cầu Lai Vu). Ông Trịnh Công Huân, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Kim Thành cho biết: Ngoài ra còn 3 vị trí khác mà huyện dự kiến xây dựng thành các điểm di tích lịch sử cách mạng. Đó là khu vực ga Lai Khê (xã Cộng Hòa), nơi Bác Hồ dừng chân năm 1946; điểm tập kết 300 ngày trong kháng chiến chống Pháp (xã Kim Xuyên); chiến thắng trại mía Liên Hòa (xã Liên Hòa) trong kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên đến nay chưa công trình nào được xây dựng. Nguyên nhân vì quy hoạch vị trí, đất đai dành cho xây dựng tượng đài, di tích lịch sử cách mạng quá chậm nên hầu hết các vị trí diễn ra các sự kiện lịch sử trên đã cấp thành đất ở cho người dân hoặc xây dựng các công trình kinh tế, trường học… Quy hoạch lần này là căn cứ để địa phương giữ lại quỹ đất cần thiết cho xây dựng các công trình trên trong tương lai. Cũng vậy, TP Hải Dương giữ lại sân vận động thành phố và khu nhà máy bơm cũ làm địa điểm xây dựng tượng đài Bác Hồ với Hải Dương.

Quy hoạch còn giúp các địa phương giải bài toán về nguồn vốn cho các công trình, tạo tiền đề cho việc đầu tư, xây dựng, khai thác các nguồn tài nguyên du lịch... theo hướng xã hội hóa. Các công trình có quy mô lớn và vừa sẽ được thực hiện chủ yếu bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Còn các công trình, tượng đài kỷ niệm quy mô nhỏ, nguồn kinh phí hỗ trợ của trên sẽ là vốn mồi để các địa phương huy động đóng góp từ nhân dân, các ngành, tổ chức xã hội, doanh nghiệp. 

Quy hoạch còn quan tâm cải tạo các công trình hiện có đã bị xuống cấp để bảo quản, khai thác lâu dài. Ông Nguyễn Thái Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang cho biết: "Trải qua mấy mươi năm, đến nay tượng đài Bác Hồ ở xã Hiệp Lực đã bị hư hại. Các mảng bê tông bong tróc, lộ cả cốt tre, nhiều chi tiết bị rơi rụng có thể đổ bất cứ lúc nào. Theo quy hoạch, công trình sẽ được làm mới bằng đá hoa cương, bổ sung hệ thống phù điêu, công trình phụ trợ, nâng cấp không gian khuôn viên, cây xanh". Đây cũng là tình trạng chung của nhiều công trình tượng đài, đài kỷ niệm hiện nay, đó là chất liệu một số tượng đài, đài kỷ niệm chất lượng chưa cao, vật liệu không bền vững, đến nay đã xuống cấp cần được thay thế hoặc chuyển chất liệu.

Tác giả bài viết: NGỌC HÙNG

Nguồn tin: baohaiduong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây