Gắn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo với đấu tranh PCTN
Phó Chánh Thanh tra phụ trách Thanh tra tỉnh Hải Dương Nguyễn Trọng Điều cho biết, trong 10 năm qua, các ngành, các cấp trong tỉnh đã tổ chức được 1.771 lớp tuyên truyền, quán triệt các quy định của pháp luật về PCTN với 601.445 lượt cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân. Đồng thời, triển khai thực hiện việc giảng dạy nội dung PCTN tại các trường THCS, qua đó đã nâng cao nhận thức cho giáo viên và học sinh về mục đích, yêu cầu của cuộc đấu tranh PCTN cũng như xây dựng được thái độ, ý thức đấu tranh, bài trừ tệ nạn tham nhũng trong xã hội.
Việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về PCTN được quan tâm thực hiện, tiến độ xây dựng và chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ yêu cầu công tác PCTN có tiến bộ rõ nét; các cơ quan thanh tra, điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án đã có quy chế phối hợp trao đổi thông tin về tình hình tham nhũng.
Bên cạnh đó, Hải Dương cũng tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa tham nhũng như cải cách hành chính; thực hiện công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bố trí, quy hoạch đào tạo, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ; chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức; thực hiện quyền tự chủ về tài chính, biên chế và giao khoán kinh phí hoạt động cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có đủ điều kiện; thực hiện việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước…
Qua đó, kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh biện pháp chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN; nâng cao nhận thức đúng đắn hơn về Luật PCTN, các cấp, ngành thường xuyên nâng cao và làm tốt công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về PCTN tới cán bộ và nhân dân trong tỉnh để hiểu về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện Luật PCTN; các cơ quan, đơn vị, địa phương được thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đã phát huy những ưu điểm và khắc phục được những tồn tại, từ đó thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác PCTN.
Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng cũng như công khai, minh bạch, kê khai tài sản, thu nhập, xây dựng quy tắc ứng xử được triển khai cơ bản toàn diện; công tác thanh tra, kiểm tra giải quyết các vụ việc tham nhũng từng bước được nâng cao chất lượng; vai trò, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị trong công tác đấu tranh PTCN tiếp tục được đề cao và tăng cường; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo được gắn với công tác đấu tranh PCTN góp phần vào việc ổn định tình hình địa phương, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Cần sửa đổi các quy định pháp luật
Ông Điều cho biết, những kết quả đạt được trong công tác PCTN thời gian qua mới chỉ là bước đầu, hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện, nhất là trong quản lý sử dụng đất đai, đấu thầu, đầu tư xây dựng cơ bản, sử dụng vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước, đăng ký cấp phép và một số lĩnh vực có liên quan đến nhu cầu cần được giải quyết công việc của công dân và tổ chức.
Do vậy, cần sớm sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến công tác PCTN để đạt hiệu quả cao hơn. Đơn cử, Nghị định số 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ hiện nay mới quy định chế tài xử lý cá nhân, đơn vị chậm kê khai; chưa có quy định tỉ lệ phải được kiểm tra, xác minh việc kê khai tài sản thu nhập còn mang tính hình thức, chưa có chế tài xử lý rõ ràng. Do vậy, cần có chế tài xử lý cá nhân, đơn vị không thực hiện việc kê khai tài sản, thu nhập; quy định tỉ lệ % phải được kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập hàng năm; quy định thêm phần phải kê khai “nguồn thu nhập” trong mục phải kê khai “tổng thu nhập” như hiện nay.
Hay như Thông tư số 08/2013/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ quy định cụ thể và rộng về các loại tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên thuộc diện bắt buộc phải kê khai. Tuy nhiên, việc xác định giá trị đối với từng loại tài sản kê khai trên hoàn toàn không phải là việc dễ làm. Ví như, để xác định giá trị một cây cảnh sẽ cần một loạt các tiêu chí có thể định lượng, chưa kể đến tình trạng không có hóa đơn khi giao dịch mặt hàng này; hay những món đồ cổ, bộ bàn ghế lâu đời… cần phải có những tiêu chí cụ thể để tham chiếu, qua đó mới xác định được giá trị nhũng tài sản đó. Do đó, cần bổ sung các tiêu chuẩn cụ thể để xác định giá trị tài sản kê khai…
Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp điều tra đặc biệt để đấu tranh phát hiện và xử lý tham nhũng hiệu quả hơn. Quy định rõ hơn vai trò lãnh đạo của cấp uỷ trong mối quan hệ chỉ đạo xử lý các vụ án tham nhũng cụ thể có liên quan đến cán bộ lãnh đạo thuộc diện cấp uỷ quản lý.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển, qua hoạt động thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả bước đầu khả quan, hạn chế quan liêu, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động, củng cố niềm tin của nhân dân và Đảng và Nhà nước…
Trong thời gian tới, các cấp ngành thuộc tỉnh Hải Dương cần gắn công tác PCTN với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Các cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục tạo sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác PCTN. Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp phòng ngừa tham nhũng; nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, giải quyết tố cáo, xử lý tố giác, tin báo tội phạm; đẩy mạnh công tác truyền thông về công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng…
Trong 10 năm, thanh tra các cấp, các ngành đã tiến hành 699 cuộc thanh tra trách nhiệm thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Luật PCTN. Trong đó, Thanh tra tỉnh tiến hành 71 cuộc thanh tra trách nhiệm chủ tịch UBND cấp huyện, giám đốc các sở, ngành của tỉnh; thanh tra các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố tiến hành 628 cuộc đối với thủ trưởng đơn vị trực thuộc.
Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã phát hiện và chuyển cơ quan điều tra 7 vụ việc. |