Sôi nổi, hiệu quả
Bắt đầu giờ học tiếng Anh tăng cường ở lớp 3G (Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, TP Hải Dương), cô giáo Deidre Mary Kelly cho học sinh khởi động bằng một bài hát. Cả lớp hào hứng đứng lên vừa hát vừa thực hiện một số động tác theo tiếng nhạc. Kết thúc màn khởi động bằng một tràng vỗ tay, cả lớp bắt đầu bài học mới với những gương mặt tươi vui. Trong suốt giờ học, cô Kelly liên tục thay đổi các phương pháp dạy, bắt buộc học sinh sử dụng liên tục các kỹ năng: nghe, nói, viết. Toàn bộ bài giảng được truyền đạt bằng tiếng Anh, chỉ đôi khi có những câu dài có từ mới, cô giáo trợ giảng mới phải dịch lại cho học sinh hiểu. Phải tư duy nhanh và liên tục như vậy song các học sinh trong lớp đều rất sôi nổi xung phong được nói và làm bài tập. Em Nguyễn Đình Nam Sơn vui vẻ cho biết: “Em rất thích những giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài. Các thầy cô dạy hay, sôi động, có nhiều trò chơi, bài hát khiến chúng em rất thích thú. Từ khi được học như thế này, về nhà em thích xem thêm các kênh tivi tiếng Anh như Disney Channel, Cartoon Network, Starmovie, thấy mình nghe tốt hơn”.
Những giờ học tiếng Anh tăng cường với giáo viên nước ngoài như vậy đã được thực hiện đều đặn 2 tiết/tuần ở Trường Tiểu học Lý Tự Trọng từ đầu năm học này (tháng 8-2015). Thầy giáo Bùi Quang Huyên, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đưa giáo viên nước ngoài vào dạy tiếng Anh ở trường là một biện pháp nhằm nâng cao kỹ năng nghe, nói cho học sinh, vốn là điểm yếu trong dạy tiếng Anh ở trường phổ thông từ nhiều năm nay. Đây là năm đầu tiên trường thực hiện thí điểm mô hình này nên rất thận trọng. Trước khai giảng, nhà trường đã xin ý kiến phụ huynh sau đó mới cho đăng ký học. Trường chỉ triển khai mô hình ở những lớp có 100% phụ huynh đăng ký cho con học tăng cường và trong năm học này chỉ triển khai ở 10/17 lớp. Giáo viên nước ngoài tới dạy ở trường là giáo viên của Trung tâm Ngoại ngữ Victoria đã được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp phép hoạt động trên địa bàn tỉnh ta. Nhà trường đã cho các giáo viên dạy thử một số tiết học và lựa chọn 3 giáo viên phù hợp nhất để thường xuyên giảng dạy. Bài giảng phải bám sát vào chương trình học chính khóa môn tiếng Anh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
“Từ khi có giáo viên nước ngoài dạy, học sinh thích học tiếng Anh hẳn lên. Các em không còn ngại nghe, nói bằng tiếng Anh. Vào giờ ra chơi, các em thường xúm quanh giáo viên nước ngoài để hỏi chuyện. Nhiều hôm tôi phải nói các em để thầy cô nghỉ ngơi một chút, giờ học sau lại tiếp tục”, cô giáo Phạm Thị Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng cho biết. Trong kỳ thi Olympic tiếng Anh trên internet cấp thành phố vừa diễn ra, học sinh của trường đạt kết quả cao hơn hẳn những năm trước. Tất cả 35 học sinh dự thi đều đoạt giải, trong đó có tới 3 học sinh giành giải nhất, 28 học sinh được chọn đi thi cấp tỉnh, đông nhất trong toàn thành phố. Không chỉ học sinh có kết quả học tiếng Anh tốt hơn trước mà chính các giáo viên tiếng Anh trong trường cũng có điều kiện và động lực nâng cao trình độ của mình. Cô giáo Nguyễn Thị Mai Phương tâm sự: “Tham gia trợ giảng trong những tiết của giáo viên nước ngoài cũng giúp tôi học thêm được một số phương pháp sư phạm trong giảng dạy tiếng Anh cho học sinh. Có người bản địa để giao tiếp tiếng Anh, các giáo viên trong trường đều rất vui vì có cơ hội sử dụng kỹ năng nghe - nói nhiều hơn”. Đây thực sự là một "làn gió mới" đầy hào hứng thổi vào không khí học tập môn tiếng Anh ở Trường Tiểu học Lý Tự Trọng trong năm học này.
Nhân rộng toàn tỉnh
Từ mô hình giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh đã được thực hiện thành công bước đầu ở Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, Sở Giáo dục và Đào tạo đã quyết định tiếp tục triển khai thí điểm tại 32 trường phổ thông trong toàn tỉnh từ tháng 2-2016. Đối tượng học sinh tham gia ở cấp tiểu học là lớp 3, 4, 5; ở cấp THCS là lớp 6, 7, 8; ở cấp THPT là lớp 10, 11. Học sinh có nhu cầu học được xếp lớp theo trình độ năng lực tiếng Anh, mỗi lớp không quá 35 học sinh. Có 4 trung tâm ngoại ngữ tham gia giảng dạy bao gồm: Atlantic Hải Dương, E-connect Hải Dương, Phonic Smarts Hải Dương, Victoria Hải Dương. Kinh phí thực hiện hoàn toàn do "xã hội hóa" giáo dục, thỏa thuận giữa phụ huynh, nhà trường và đơn vị tổ chức. Chỉ những học sinh có nhu cầu đăng ký học mới được xếp lớp học tiếng Anh tăng cường do giáo viên nước ngoài giảng dạy.
Việc triển khai rộng rãi mô hình giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh trong trường phổ thông sẽ tạo điều kiện cho nhiều học sinh cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài để trau dồi kỹ năng nghe - nói, nhất là những học sinh ở các huyện vốn không có các trung tâm ngoại ngữ có người nước ngoài giảng dạy. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự có hiệu quả lâu dài thì các trường tham gia thí điểm cần quản lý sâu sát chất lượng giảng dạy, đồng thời tăng cường đầu tư các phương tiện, thiết bị hỗ trợ như máy tính, máy chiếu, bảng tương tác, phòng học bộ môn.
VIỆT HÒA