Dự án nạo vét hồ chứa nước Bình Giang: Xin đừng để 'chảy máu' tài nguyên

Thứ tư - 27/12/2017 22:15 - 5634 lượt xem
Lòng hồ được nạo vét sâu hàng chục mét so với mặt bằng.
Lòng hồ được nạo vét sâu hàng chục mét so với mặt bằng.
Thời gian gần đây, Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử lại tiếp tục nhận được phản ánh của người dân thuộc phường Phả Lại về việc khai thác trở lại của Dự án nạo vét hồ chứa nước Bình Giang (Phường Phả Lại, thị xã Chí Linh), làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Cách đây ít lâu, Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã đăng 2 kỳ liên tiếp về Công ty Cổ Phần thương mại, xây dựng Thanh Hà có trụ sở ở Chí Linh, Hải Dương đã tận thu hàng triệu m3 cát nằm ngoài Dự án nạo vét hồ chứa nước Bình Giang để đã đem bán ra ngoài địa bàn nhằm trục lợi, khiến dư luận bất bình và đặt câu hỏi: Có hay không cấp chính quyền sở tại đang “bao che” cho những sai phạm, để doanh nghiệp lộng hành, trục lợi, vắt kiệt tài nguyên khoáng sản (?!).

Trước đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đã có văn bản số: 873/BC-SNN-CCTL về việc kiến nghị với UBND thị xã Chí Linh yêu cầu Công ty CP thương mại, xây dựng Thanh Hà dừng ngay toàn bộ các công việc liên quan đến việc nạo vét lòng hồ. Đồng thời yêu cầu Công ty CP thương mại, xây dựng Thanh Hà việc di dời và vận chuyển toàn bộ máy móc, phương tiện thiết bị, đất, cát tại bãi chứa ra khỏi lòng hồ để hoàn trả mặt bằng, phục vụ cho công tác chống lũ.

Ngày 02/06/2017, UBND tỉnh Hải Dương cũng đã có công văn số : 1486/UBND –VP về việc giao cho UBND thị xã Chí Linh phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý và làm rõ những nội dung phản ánh của báo. Đồng thời trả lời bằng văn bản cho Báo chí và báo cáo Bí thư tỉnh ủy và UBND tỉnh trước ngày 10/6/2017.

Tuy nhiên đến nay, Tòa soạn vẫn không nhận được bất kỳ văn bản trả lời nào về xử lý những sai phạm của Công ty CP thương mại, xây dựng Thanh Hà từ các cơ quan, ban ngành cũng như của UBND thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Núi cát cao ngập nóc nhà được tập kết ngay trong khu 2 của khu dân cư Bình Giang

Theo thông tin phản ánh của người dân và quan sát của PV ngày 5/12, tình trạng nạo vét hồ chứa nước Bình Giang lại tái diễn công khai và rầm rộ hơn. Tại hiện trường trên một khu đất rộng khoảng trên 10ha và có rất nhiều những máy móc và xe ô tô cỡ lớn đang hoạt động.Tiếp cận gần hơn với lòng hồ, có thể thấy lòng hồ đang được nạo vét rất sâu, có chỗ sâu nhất phải lên tới khoảng một vài chục mét so với mặt bằng. Bên cạnh đó, dự án vẫn không được cắm mốc theo đúng quy định. Trong khi, những bãi tập kết vật liệu, khoáng sản đất, cát sỏi vẫn còn ngổn ngang ngay trên dự án.

Tại thời điểm nhóm PV có mặt tác nghiệp, xuất hiện những chiếc xe có trọng tải cỡ lớn chở khoáng sản ra khỏi dự án, những chiếc xe tải này được che chắn “hớ hênh” khiến cát bụi vương vãi xuống đường, gây bụi và ảnh hưởng đến tình hình trật giao thông trật tự của nhân dân.

"Mỗi khi gặp xe chở khoáng sản của dự án, là người tham gia giao giao thông lại “lĩnh đủ” bụi.", một người dân trong khu dân cư Bình Giang chia sẻ.

 
Nguồn nước ngầm của cả khu vực hội tụ hết tại đây do nạo vét quá sâu, người dân mất nước sinh hoạt.

Trao đổi với PV Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử, nhiều người dân khu dân cư Bình Giang đều bức xúc chia sẻ: “Hiện nay dân chúng tôi đang đứng trước nguy cơ mất nước để sinh hoạt và tưới tiêu cho đồng ruộng . Hàng nghìn hộ dân khu dân cư số 2 phường Phả Lại chúng tôi đang sống trong sợ hãi trước "quả bom nước" hàng triệu m3 nước có độ sâu một vài chục mét có thể gây vỡ đập bất cứ lúc nào . Cuộc sống của người dân chúng tôi lúc nào cũng nơm nớp lo sợ".

Khi hỏi về nguyên nhân xảy ra hiện tượng này, một người đàn ông trung tuổi sống ngay cạnh dự án không ngại ngần chia sẻ bức xúc: “Các anh cứ ra quay phim là thấy dự án hút sâu quá, nên nguồn nước giếng khoan và giếng đào của chúng tôi bị ảnh hưởng, nước ngầm chảy về đấy hết rồi”.

Cũng theo lời người đàn ông này: “Trước kia cái giếng này nhà tôi kể cả vào mùa khô cũng không bao giờ có hiện tượng mất nước”.

Ấy vậy mà… tiếng than thở ngao ngán ấy của người dân, khiến nhóm PV thắc mắc về độ sâu cho phép của dự án.

Chưa dừng lại ở đó, bám theo hành trình của những chiếc xe chuyên chở khoáng sản đi ra từ khu dự án, nhóm PV có mặt tại hai bãi tập kết, mà người dân cho rằng đó là hai bãi tập kết cát khai thác từ Dự án hồ chứa nước Bình Giang. Bãi khu đô thị Constrexim Hồ Mật Sơn (Sao Đỏ, thị xã Chí Linh) và bãi ở khu dân cư số 2 Bình Giang, phường Phả Lại, thị xã Chí Linh. Tại đây chính là những "núi” cát được đưa lên từ lòng đất.

Ngày 25/12/2017, PV tiếp tục có mặt tại hiện trường, chứng kiến cảnh khai thác cát diễn ra tại dự án nạo vét lòng hồ chứa nước Bình Giang một cách công khai. Đại công trường còn tấp nập, nhộn nhịp hơn trước. Theo quan sát của PV thì độ sâu của lòng hồ là rất rõ.

Được biết, dự án nạo vét lòng hồ chứa nước Bình Giang, phường Phả Lại, thị xã Chí Linh, được UBND tỉnh Hải Dương cấp phép vào tháng 3/2017 kèm theo văn bản số 673 ngày 23/3/2017.

Trong văn bản quy định rõ: Cho phép cho Công ty cổ phần xây dựng Thanh Hà, Chí Linh, Hải Dương được thu hồi đất, cát trong quá trình thi công nạo vét dự án hồ chứa nước Bình Giang, phường Phả Lại, thị xã Chí Linh. Diện tích thu hồi: 10,6 ha trong tổng số 12,8ha. Cao độ được phép thu hồi khoáng sản: Tính từ cốt hiện trạng đến cốt +8m. Phương pháp thiết bị thi công: sử dụng máy múc thủy lực gầu ngược, dung tích gầu E = 0,8m3, kết hợp với ô tô tự đổ loại 5-7 tấn. Thời gian thực hiện: 12 tháng kể từ ngày kí, và chỉ thực hiện trong giờ hành chính. Khi thi công nạo vét Công ty cổ phần thương mại, xây dựng Thanh Hà phải có trách nhiệm cắm mốc (mặt bằng, độ cao) trên khu vực được phép thu hồi khoáng sản.

Trước đó, ngày 26/5/2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cũng đã có văn bản số: 873/BC-SNN-CCTL về việc kiểm tra, giám sát thi công công trình nạo vét hồ chứa nước Bình Giang Phả Lại, thị xã Chí Linh.

Quan kiểm tra, Công ty CP thương mại, xây dựng Thanh Hà đã không thực hiện đúng với hồ sơ thiết kế đã được thẩm định và phê duyệt, cụ thể: Chưa thực hiện cắm đủ mốc giới xác định phạm vi khu vực được thực hiện nạo vét; Chưa chú trọng đến việc nạo vét lòng hồ theo yêu cầu của hồ sơ thiết kế được duyệt; Nhà thầu đã nạo vét sâu hơn so với công trình đã được duyệt là 3-5m. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương đã kiến nghị với UBND thị xã Chí Linh yêu cầu Công ty CP thương mại, xây dựng Thanh Hà dừng ngay toàn bộ các công việc liên quan đến việc nạo vét lòng hồ.

Yêu cầu Công ty CP thương mại, xây dựng Thanh Hà việc di dời và vận chuyển toàn bộ máy móc ,phương tiện thiết bị, đất, cát tại bãi chứa ra khỏi lòng hồ để hoàn trả mặt bằng, phục vụ cho công tác chống lũ.

Việc không thực hiện đúng với hồ sơ thiết kế mà UBND tỉnh Hải Dương đã thẩm định và phê duyệt, Công ty cổ phần thương mại, xây dựng Thanh Hà không những đi ngược sự chỉ đạo mà còn ngang nhiên thách thức với đối với chính quyền tỉnh Hải Dương.

Dư luận đặt câu hỏi việc Công ty cổ phần thương mại, xây dựng Thanh Hà tiếp tục “hút máu” tài nguyên nhằm trục lợi chính quyền Hải Dương có biết không ? Sự việc này, báo chí đã nêu, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo, Sở NN và PTNT đã có văn bản đề nghị dừng, di dời máy móc, trả lại nguyên trạng mà tại sao lãnh đạo UBND thị xã Chí Linh vẫn chưa phối hợp vào cuộc kiểm tra ,quyết liệt, đình chỉ các sai phạm của Công ty CP thương mại, xây dựng Thanh Hà (?!)

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục phản ánh tới bạn đọc về sự việc.

NHÓM PHÓNG VIÊN

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây