Độc đáo đền Bến Cả

Thứ tư - 26/02/2020 21:58 - 2806 lượt xem
Đền Bến Cả nằm lộ thiên, không có mái che
Đền Bến Cả nằm lộ thiên, không có mái che
Tọa lạc trong quần thể khu di tích đền Cao, xã An Lạc (TP Chí Linh), được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia, đền Bến Cả có nét độc đáo riêng biệt.

Đền Bến Cả thờ ngài Vương Đức Hồng, là một trong năm anh em họ Vương có công giúp vua Lê Đại Hành đánh quân Tống xâm lược vào thế kỷ X.

Di tích cách đền Cao khoảng 400 m, mặt tiền quay hướng đông nam, phía trước là dòng sông Nguyệt Giang trong xanh, thoáng đãng. Theo truyền thuyết, trước đây đền cứ xây lại đổ, cho đến một đêm cụ thủ từ của đền được báo mộng: “Nếu xây cho ta phải xây đủ 100 gian, không thì để thờ trần và nếu thờ trần thì làm một bát hương đá, một hộp trầu bằng đá và một cây đèn đá”. Hiện đền nằm lộ thiên, không có mái che, trung tâm thờ tự được kết cấu tường bao quanh, tựa như chiếc long ngai lớn, phía trước là hai sập thờ bằng đá xanh nguyên khối, đặt ở hai gian khác nhau. Gian phía trong có nền cao hơn gọi là gian cung cấm, gian ngoài có nền thấp hơn gọi là gian tiền tế. Trên sập trong gian cung cấm được bài trí đồ thờ bằng đá như mô tả trong truyền thuyết. Trên sập của gian tiền tế đơn giản hơn, gồm một bát hương đá và hai lọ hoa. Nối liền với gian tiền tế là sân gạch đỏ chạy ra tận tường bao ngoài cùng. Hai bên tả, hữu trước đền là gác chuông, gác trống, phía bên tả theo hướng bắc là nhà bia, bên trong có đặt tấm bia hình trụ chóp nón, đỉnh bằng, mái chạm vân xoắn, trán chạm cánh sen kép nổi, diềm xung quanh trơn dựng vào năm Nhâm Tuất - Khải Định (1922) có nội dung: “... Bản xã tu tạo đền thiêng Bến Cả, dân xã đóng góp công đức rất nhiều. Công việc hoàn thành, khắc ghi họ tên những người đóng góp công đức tiền bạc để lưu truyền mãi mãi...”.

Trong thời kỳ chống thực dân Pháp, đền Bến Cả là địa điểm dừng chân của bộ đội trước khi qua sông Nguyệt Giang sang Kinh Môn đánh bốt Sấu, đồng thời cũng là nơi phát chẩn cứu đói cho dân nghèo.

Hằng năm, tại đền Bến Cả và các di tích khác trong quần thể khu di tích đền Cao cùng tổ chức một kỳ lễ hội chính diễn ra từ ngày 22-24 tháng giêng. Lễ hội được phục dựng lại gần như nguyên vẹn so với trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đặc biệt là phần lễ tuân thủ các nguyên tắc biểu lộ lòng thành kính với thần linh; dùng nến, nhang, âm thanh của trống chiêng, nhạc lễ làm phương tiện; kính cẩn khi hành lễ; lúc cử hành, các chấp sự chỉ dùng động tác, không được phát ngôn. Phần hội có nhiều hoạt động để người dân tham dự và sinh hoạt như lễ dâng hương (chỉ được đốt hương đen), đọc chúc văn, tế lễ, rước bộ, vật, kéo co, cờ người, thi làm bánh giầy, chè kho...

Đền Bến Cả cùng với các đền Cao, Bến Tràng... tạo thành một quần thể di tích có mối liên quan mật thiết với nhau về không gian văn hóa, lịch sử, nhân vật thờ, sinh hoạt tín ngưỡng...

ĐẶNG THU THƠM (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây