Tìm hiểu về Chí Linh bát cổ

Thứ năm - 29/10/2015 13:30 - 7199 lượt xem
Thượng Tể cổ trạch
Thượng Tể cổ trạch
Nhắc đến Chí Linh, người ta thường tự hào về một vùng đất " địa linh nhân kiệt" với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như Côn Sơn, Kiếp Bạc, Đền Cao...nhưng chắc hẳn ít người biết đến tám di tích nổi tiếng gắn liền với nhiều nhân vật lịch sử và sự kiện quan trọng của đất nước của Chí Linh thường được gọi là " Chí Linh bát cổ".

Nhắc đến Chí Linh, người ta thường tự hào về một vùng đất " địa linh nhân kiệt" với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh như Côn Sơn, Kiếp Bạc, Đền Cao...nhưng chắc hẳn ít người biết đến tám di tích nổi tiếng gắn liền với nhiều nhân vật lịch sử và sự kiện quan trọng của đất nước của Chí Linh thường được gọi là " Chí Linh bát cổ". Theo sử sách để lại thì " Chí Linh bát cổ" bao gồm:

          1- Trạng Nguyên cổ đường
          2- Tiều Ẩn cổ bích
          3- Dược Lĩnh cổ viên
          4- Nhạn Loan cổ độ
          5- Thượng Tể cổ trạch
          6- Phao Sơn cổ thành
          7- Huyền Thiên cổ tự
          8- Tinh Phi cổ tháp
         
1. Trạng Nguyên cổ đường tức trường học cổ của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1273-1346). Ông người thôn Long Động, con cháu Trạng nguyên Mạc Hiển Tích. Tương truyền ông có dáng người xấu xí nhưng là nhân vật kỳ tài trong lịch sử văn học nước nhà, niềm tự hào của trí thức Việt Nam. Ông đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Dần, năm Hưng Long thứ 12(1304). Bản tính ông ngay thẳng, cần mẫn, liêm khiết, được người đương thời trọng vọng, làm quan đến chức Tả bộc xạ, Nhập nội hành khiển thời Trần Hiến Tông, tức Tể tướng, quan đầu triều. Khi được cử đi xứ sang nhà Nguyên, Trung Quốc ông thể hiện tài ứng đối và ngoại giao kiệt xuất, được vua quan nhà Nguyên kính nể, Vua Nguyên phong là Lưỡng quốc Trạng nguyên. Cuối đời, Mạc Đĩnh Chi về tại quê nhà mở trường dạy học gần gò Hạc, xã Linh Khê (nay là xã Thanh Quang, huyện Nam Sách).    
         
2. Tiều Ẩn cổ bích ( bức tường bao quanh nhà của tiều ẩn) tức là nơi ở ẩn của thầy giáo Chu Văn An. Chu Văn An là người thông kinh bác sử, danh lợi không màng, tài danh đức độ hơn hẳn các nho sĩ đương thời. Đời vua Minh Tông, ông mới ngoài 20 tuổi đã được mời làm Tư nghiệp quốc tử giám dạy thái tử và con quan lại học tập. Năm 1341 Trần Dụ Tông lên làm vua năm mải vui chơi, trễ nải chính sự, ông nhiều lần khuyên vua sửa trị nhưng vua không nghe. Ông bèn dâng sớ chém 7 tên nịnh thần đều là những kẻ có thế lực trong triều được vua yêu quý, đương thời gọi là Thất trảm sớ. Tuy thế vua vẫn bỏ qua không xét. Ông trao trả mũ áo từ quan về núi Phượng Hoàng, xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, dựng nhà dạy học, tìm cây thuốc chữa bệnh, làm thơ, viết sách lưu cho hậu thế và mất tại đây.
         
Nơi ẩn dật của ông được học trò dựng đền thờ, có tên là Phượng Hoàng linh từ. Đền xây bằng đá khối, gồm 3 gian hậu cung và 5 gian tiền tế. Hàng năm, sỹ tử khắp trong và ngoài nước, các nhà giáo và các thế hệ học sinh, sinh viên thường về dâng hương, trồng cây lưu niệm.
         
3- Dược Lĩnh cổ viên ( vườn cổ Dược Lĩnh)  chỉ vườn cây thuốc trên Dược Sơn. Sau cuộc kháng chiến chống Nguyên lần thứ nhất (1258), Trần Hưng Đạo đóng đaị bản doanh tại Vạn Kiếp, sai Phạm Ngũ Lão trồng cây thuốc trên núi phía nam thung lũng Vạn Kiếp, sau gọi đó là Dược Sơn, tức núi trồng cây làm thuốc để chữ bệnh và vết thương cho quân sĩ. Trên Dược Sơn có một vườn cổ, nhiều cây thuốc quý, đời sau gọi là Dược Lĩnh cổ viên. Nay là khuôn viên trước chùa Nam Tào, khu di tích Kiếp Bạc, thuộc xã Hưng Đạo, thị xã Chí Linh.
         
4- Nhạn Loan cổ độ tức bến cổ Nhạn Loạn, nay là bến Triều Dương, thuộc xã Nhân Huệ. Đây là một bến đò có tích từ thời Hùng Vương. Chí Linh phong vật chí cho biết, Thục An Dương vương bị quân Triệu Đà truy đuổi, ông đã chạy qua bên đò này. Trần Khánh Dư khi thất sủng cũng từng bán than tại đây. Đối ngạn với Nhạn Loan qua sông Lục Đầu là bến Bình Than, nơi Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản bóp nát quả cam trong tay vì còn ít tuổi không được dự bàn đánh giặc.
           
5- Thượng Tể cổ trạch tức Nhà cổ Thượng Tể - Trần Quốc Chẩn. Ông là em vua Trần Minh Tông, sinh khoảng những năm 70 của TK XIII. Ông là người có tài đức, được triều đình nể phục, từng giữ nhiều trọng trách trong đời vua Anh Tông và Minh Tông. Năm Khai Thái thứ nhất (1324) được phong chức Nhập nội Quốc phụ Thái tể, chức quan đầu triều. Ông có thái ấp ở Kiệt Đặc (Chí Linh) rộng tới 72 mẫu, có nhà riêng ở giữa cánh đồng, cách sông Kinh Thầy khoảng 100m về phía bắc. Do tranh chấp ngôi vị thái tử trong cung Trần Quốc Chẩn bị vu oan là phản loạn, bắt phải tự tử. Vài năm sau khi ông mất, vụ án được minh oan vua Minh Tông cho sửa lại căn nhà cũ của ông lập thành đền thờ ông. Trải qua bảy thế kỷ, đền đã nhiền phen hư hại. Năm 1997, theo chỉ đạo của ngành văn hoá, nhân dân địa phương tái tạo đền thờ, năm 2003 được nhà nước xếp hạng Quốc gia. Di tích nay thuộc thôn Nẻo, phường Chí Minh, thị xã Chí Linh.
         
6. Phao Sơn cổ thành, nay thuộc khu vực nhà máy nhiệt điện Phả Lại. Thành này có từ thời Trần. Khi quân Minh xâm lược, chúng cố thủ ở đây đến khi thất bại hoàn toàn (1428). Thời Mạc (TK XVI), thành được gia cố và trở thành căn cứ quân sự quan trọng cho các thời đại sau, trấn giữ khu vực Đông Bắc Thăng Long và vùng núi Chí Linh- Đông Triều. Khi Pháp xâm lược, chúng biến đây thanh khu quân sự, có trường đào tạo hạ sĩ quan. Tuy nhiên khi xây dựng nhà máy Nhiệt điện Phả Lại thành cổ Phao Sơn đã bị san lấp, hiện không để lại nhiều dấu tích.
         
7. Huyền Thiên cổ tự hay còn gọi là Vân Tiên cổ động, tức Chùa cổ Huyền Thiên: Là một ngôi chùa lớn nổi tiếng thời Lý- Trần, thuộc địa phận làng Kiệt Đặc, phường Văn An. Trong chùa có Động Cổ Vân Tiên nổi tiếng. Đây là nơi tam tổ thiền phái Trúc Lâm đã từng tu luyện. Kiến trúc chùa và động đã hỏng nát, mất từ lâu, chỉ còn một ngôi tháp cổ, một bia nhỏ cùng các phế tích, bậc nền tảng hoa sen và các loại vật liệu xây dựng như gạch hoa, ngói mũi hài... minh chứng cho di tích ngôi chùa to đẹp một thời. Gần đây nhân dân địa phương mới xây một ngôi chùa nhỏ và chính quyền địa phương đang tiến hành quy hoạch để bảo tồn, phục hồi lại một khu di tích nổi tiếng thời xưa.
         
8. Tinh Phi cổ tháp Là Tháp cổ mộ của Tinh Phi Nguyễn Thị Duệ. Bà quê ở Kiệt Đặc (phường Văn An, thị xã Chí Linh), là người con gái hiếu học, thông minh, có bản lĩnh và quyết đoán. Khi nhà Mạc thất thế, Bà cùng cha chạy theo nhà Mạc lên Cao Bằng. Vua Mạc mở khoa thi chọn nhân tài, Bà giả trai đi thi và đỗ đầu khoa thi, đỗ tiến sỹ. Khi uống ngự tửu vua ban trong yến tiệc mừng Tân khoa, Bà bị vua Mạc phát hiện là gái, nhưng vì cảm mến tài sắc, vua đã không bắt tội mà đã lấy bà làm vợ. Trong lịch sử nước nhà, Bà là người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam thi đỗ tiến sỹ. Khi vua Mạc thua trận, Bà bị bắt về Thăng Long. Biết Bà là người phụ nữ có tài, chúa Trịnh tôn Bà là Đức lão lễ sư. Tương truyền Bà là người có công lớn mở mang nền giáo dục, thường tham gia chấm các kỳ thi tiến sỹ, Bà khởi xướng phương pháp đào tạo giáo dục từ xa. Cuối đời, Bà về quê dựng am tu hành gần chùa Huyền Thiên. Khi Bà mất, nhân dân xây trên mộ của Bà một ngôi tháp đât nung màu hồng, cao nhiều tầng, gọi là Tinh Phi cổ tháp. Sau này tháp bị đổ, chỉ còn phế tích, ngôi mộ của Bà được xây dựng lại thành một lăng nhỏ. Đến năm 2008, tỉnh Hải Dương tổ chức tôn tạo khu vực này thành ngôi đền thơ hoành tráng phía trước lăng mộ để thờ Bà.
         
Chi Linh bát cổ lừng lẫy một thời đã trở thành phế tích trong hai cuộc chiến tranh giữ nước. Tuy ngày nay được sự quan tâm của Nhà nước một số di tích đã được phục hồi được xếp hạng Quốc gia và cấp tỉnh để tôn tạo và bảo vệ nhưng vẫn còn một số di tích chỉ còn trong sử sách với những dấu vết mơ hồ rất cần được khôi phục và phát triển. Nằm trên vùng đất địa linh nhân kiệt ấy, các cán bộ, kiểm sát viên VKSND thị xã Chí Linh càng tự hào bao nhiêu lại càng cần phải trân trọng, tìm hiểu và bảo vệ những di tích truyền thống lịch sử đó. Nếu một ngày bạn có dịp đến thăm Chí Linh, chúng tôi - những cán bộ, kiểm sát viên sẽ là những hướng dẫn viên không chuyên nhưng vô cùng nhiệt tình và mến khách, sẽ giới thiệu những di tích lịch sử, kiến trúc, nguồn gốc, những câu chuyện thú vị liên quan... để bạn đọc gần xa hiểu và yêu hơn mảnh đất và con người nơi đây, để "tình yêu làm đất lạ hóa quê hương".

 Đỗ Thị Loan

Nguồn tin: VKSND thị xã Chí Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây