Vài nét cơ bản về Tiều Ẩn cổ bích

Thứ năm - 29/10/2015 13:40 - 4014 lượt xem
Phượng Hoàng linh từ
Phượng Hoàng linh từ
Chu Văn An là một nhà giáo lớn thời Trần, quê ở xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ông học giỏi, tính tình thẳng thắn trong sạch, không màng công danh. Sau khi thi đỗ tiến sỹ, ông ở nhà dạy học, tính nghiêm khắc nhưng biết tôn trong tài năng của học trò, nhiều người theo học ông thành tài nổi tiếng như Lê Quát, Phạm Sư Mệnh. Vua Trần Minh Tông nghe tiếng cho mời ông ra làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy dỗ Thái Tử.
Trần Dụ Tông là học trò của ông, lên làm vua ham thích vui chơi, chính sự suy đồi, bọn gian thần lộng hành làm nhiều điều sai trái. Ông nhiều lần khuyên ngăn nhưng vua không nghe, ông bèn dâng sớ xin chém 7 tên nịnh thần, đều là những kẻ có thế lực trong Triều đang được vua yêu quý. Nhà vua bỏ qua không xem xét, ông thất vọng, trao trả mũ áo từ quan về quê tiếp tục dạy học và đi du ngoạn. Một lần, Chu Văn An đến thăm vùng núi Chí Linh, nơi có nhiều di tích lịch sử và danh thắng. Đến núi Phượng Hoàng thuộc xã Kiệt Đặc, thấy rừng thông bát ngát, suối trong, đá núi lô xô, ông liền dựng nhà dạy học, làm thuốc chữa bệnh, làm thơ viết sách, tiêu dao cùng năm tháng và lấy hiệu là Tiều ẩn. Tuy ở chốn núi rừng xa kinh thành nhưng Chu Văn An vẫn không quên vận mệnh quốc gia, và Triều đình cũng không quên một nhân tài mẫu mực và thẳng thắn. Khi Triều đình có việc đại sự ông đều được mời về tham dự. Năm 1370, sau khi từ kinh đô trở về sức khỏe yếu dần và ông mất vào cuối năm đó. Nhà vua lệnh cho các quan đến tế lễ chu đáo và ban cho tên thụy là Văn Trinh, lại ban tên hiệu Khang Tiết Tiên sinh. Học trò làm nhà, ở bên mộ hàng năm để tỏ lòng thương tiếc. Nơi ông sống ẩn dật được dựng lên một ngôi đền thờ gọi là Đền Phượng Hoàng. Đền được trùng tu tôn tạo vào thế kỉ XVIII -XIX và trở thành một trong bát cổ của Chí Linh.
 

Đền thờ Chu Văn An
 
Căn cứ vào các tư liệu lịch sử, bia kí thì tại khu vực núi Phượng Hoàng thời Trần có các công trình: Huyền thiên cổ tự, Cung tử cực, Điện Lưu Quang, Am Lệ Kì, Tiều ẩn cổ bích, Miết Trì (ao ba ba), giếng Son. Sau khi Chu Văn An qua đời có thêm khu lăng mộ và đền Phượng Hoàng.
Tất cả công trình đã đổ nát do thiên tai và chiến tranh tàn phá. Cuối những năm 80 của thế kỉ XX chỉ còn lại phần tường hậu cùng một số tấm bia nằm rải rác. Năm 1989, một gia đình ở thông Hàm Ếch, xã Cộng Hòa (Chí Linh) đã bỏ tiền và vận động nhân dân công đức sửa lại ngôi đền gồm ba gian nhỏ cùng phần hậu cung. Theo nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương, năm 1997 Bảo tàng tỉnh đã kết hợp với ủy ban nhân dân xã Văn An tiến hành khảo sát toàn diện khu vực núi Phượng Hoàng phục vụ cho công tác trùng tu tôn tạo. Kết quả xác định được hầu hết các di tích đã mất.
 * Khu vực mộ Chu Văn An nằm trên khu đất bằng phẳng, dựa lưng vào dãy núi Phượng Hoàng, mặt trước nhìn xuống thung lũng và khu vực đồng bằng trù phú. Tiến hành đào thám sát, khai quật khảo cổ học ở đây đã phát hiện ra khu mộ phần được xếp đá có kích thước 6m x 5m, ở đây cũng tìm thấy các mảnh ngói và một số mảnh gốm có men và gốm không men thời Trần. Ngay gần khu mộ có một con suối chảy xuống khu vực đền, một giếng nước trong quanh năm đầy. Đây cũng là một điều kiện để học trò ở lại làm nhà trông mộ thầy suốt cả năm. Hiện tại khu mộ đã được tu bổ và kè đá xanh, giếng nước được xây lại và đường lên mộ cũng được tu tạo.
* Khu điện Lưu Quang: Cách đền chính 100m về phía nam có một hệ thống công trình kiểu chữ quốc rộng khoảng 600m2, vương vãi trên mặt đất gồm nhiều gạch ngói và tảng đá hoa sen thời Trần. Đào thám sát khảo cổ học đã phát hiện được dãy đá chân tảng phân chia các gian của một công trình kiến trúc bị cháy đổ. Ngoài ra còn nhiều gạch ngói, mảnh gốm thời Trần, tượng đá xanh…Căn cứ vào tư liệu lịch sử và hiện trường khai quật có thể khẳng định đây là khu vực điện Lưu Quang được xây dựng vào thời Trần. Trần Nguyên Đán đã có bài thơ ca ngợi điện này:
Lưu Quang điện hạ tùng thiên thụ
Tận thị kính thiên nhất thủ tài
Dịch là:
Dưới điện Lưu Quang thông ngàn gốc
Cao vút trời xanh một người trồng
 
                        
 Năm 1998, điện Lưu Quang được khôi phục lại, kiến trúc theo kiểu chồng diêm cổ các tám mái gồm năm gian và hai dĩ chất liệu gỗ tứ thiết. Cùng với việc khôi phục điện Lưu Quang, Miết Trì (ao ba ba) trước của điện cũng được tu sửa, sân vườn được quy hoạch tạo cho khu vực điện Lưu Quang khang trang đẹp đẽ.
* Chùa Kỳ Lân: nằm ở phía nam chân núi Kì Lân, đối diện với đền thờ Chu Văn An, cách đền 150m. Kết quả đào thám sát cho thấy có nhiều gạch ngói vỡ lẫn tro than cùng một số tảng đá hoa sen thời Trần. Căn cứ vào vị trí các chân tảng đã xác định được đầy đủ 16 chân tảng của gian hậu cung còn nguyên vị trí. Phía ngoài là khu vực tiền đường cùng khoảng sân rộng. Tại khu vực này còn phát hiện được dấu vết của các tháp sư, mảnh bia vỡ nhưng còn 8 chữ Hán: “Hội chủ trùng tu Kỳ Lân tự bi”. Đây là cứ liệu khẳng định chắc chắn rằng khu vực này chính là nơi có ngôi chùa Kì Lân và Am Lệ Kì mà trong lịch sử thường nhắc tới. Khi Chu Văn An về làm nhà ở đây, ngôi chùa đã có các tăng ni và phật tử đông đúc. Hiện tại chùa Kì Lân chưa được phục hồi.
* Đền Phượng Hoàng: Đền thờ Chu Văn An nằm ở phía đông nam núi Phượng Hoàng, sử cũ có ghi lại rằng: Sau khi Chu Văn An mất nơi ông ở được xây thành đền thờ. Đến nay chúng ta cũng chưa tìm được cứ liệu cho biết ngôi đền được xây dựng chính xác vào năm nào, căn cứ vào văn bia còn lại thì đền được trùng tu vào các năm 1837, 1841, 1857, trong đó đợt trùng tu năm 1841 được nói kĩ trong văn bia, có lẽ đây là đợt trùng tu lớn. Theo nhân dân địa phương cho biết, năm 1919 đền còn có đợt trùng tu nữa. Trong kháng chiến chống Pháp, giặc đã dùng đại bác bắn vào đền làm đền bị sập, bia kí bị sứt mẻ, ngôi đền chỉ còn lại ba gian tường hậu cung được xây bằng đá xanh. Năm 1989 đền được sửa lại gồm ba gian tiền tế, ba gian hậu cung quy mô bé nhỏ. Năm 1997, đền được trùng tu lại với việc làm lại năm gian tiền tế, sắm sửa đồ tế tự hoàn chỉnh, làm sân vườn kè phía trước đền, dựng lại nhà che bia và các công trình phụ trợ khác. Tuy nhiên, quy mô của đền chưa đáp ứng được nhu cầu tham quan, chiêm bái của nhân dân và du khách. Ngày 15 tháng 2 năm 2004, Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đã long trọng tổ chức lễ khởi công công trình tu bổ tôn tạo đền thờ nhà giáo Chu Văn An. Ngôi đền mới được xây dựng khang trang lùi về phía sau 100m, tựa lưng vào sườn núi tạo khoảng sân lớn phía trước, hai dãy hành lang cùng với hai nhà bia cũng được xây dựng mới. Nội thất có tượng Chu Văn An bằng đồng, hoành phi câu đối sơn son thiếp vàng, nhiều đồ tế tự khác cũng được mua sắm. Công trình hoàn thành giai đoạn I, khánh thành vào ngày 4 tháng 1 năm 2008 tức ngày 26 tháng 11 âm lịch đúng vào dịp kỉ niệm ngày mất của ông, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân cùng các nhà giáo và học sinh khắp cả nước. Để hoàn thành được ngôi đền mới khang trang, ngoài ngân sách nhà nước còn có sự đóng góp của ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, các thầy cô giáo và học sinh khắp mọi miền đất nước, các nhà hảo tâm cùng toàn thể nhân dân.
Hơn 600 năm trước, về sống ở vùng rừng núi Phượng Hoàng chí Linh, muốn làm người tiều ẩn, mảnh đất Phượng Hoàng đã dung dưỡng và hun đúc khí phách cho Chu Văn An, nhưng với tài năng, đức độ của mình, Chu Văn An đã làm cho vùng đất này vẻ vang, trở thành một trong tám địa danh cổ nổi tiếng của Chí Linh. Ngày nay, khu di tích và thắng cảnh Phượng Hoàng là một trong những di tích nổi tiếng thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, chiêm bái. Với truyền thống tôn sư trong đạo của dân tộc Việt Nam, nhất định khu di tích tiếp tục được tu bổ ngày càng khang trang to đẹp hơn, xứng đáng là một trong bát cổ của Thị xã chí Linh.

Nguyễn DuyCương                                                                                               
PGĐ Bảo tàng Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây