Người 40 năm săn rắn độc

Thứ năm - 24/03/2016 12:57 - 3495 lượt xem
Gần 40 năm theo nghề bắt rắn, 26 lần bị rắn độc cắn... nhưng bắt rắn dường như đã thành cái nghiệp gắn chặt với cuộc đời của ông Nguyễn Quý Hồng ở phường Cộng Hòa (Chí Linh).

Vừa vân vê điếu thuốc lào bằng bàn tay sần sùi, sứt sẹo với ngón áp út cong queo, biến dạng vì bị rắn độc cắn, ông Hồng vừa ngại ngần: "Thời tiết lạnh khô thế này là khó bắt đấy bởi bọn rắn chui hết vào hang rồi. Phải đợi đến khi trời mưa ẩm sau đó nắng to chúng ra phơi nắng mới dễ bắt". Tuy nhiên, sau một hồi kiên trì thuyết phục, ông Hồng đã đồng ý cho tôi theo với lời "rào" trước: "Cứ đi thôi, còn bắt được hay không lại tùy vận may. Nếu không bắt được con nào cũng đừng trách chú nhé!". Vừa nói, ông Hồng vừa mặc bộ quần áo bộ đội, đi đôi giầy vải kín lên đến cổ chân, tay vớ chiếc thuổng phăm phăm tiến ra cổng. Người đàn ông tuổi gần 60 nhưng vẫn nhanh nhẹn dẫn tôi tiến sâu vào những khu vườn hoang vu đầy lá cây, cỏ dại. Những vườn vải, vườn keo rậm rạp, đầy lá mục, tối tăm, ẩm thấp khiến tôi không khỏi rùng mình khi nghĩ đến cảnh một con rắn nào đó đang ngủ yên choàng dậy đớp vào chân khi bị tôi giẫm lên. Như đoán được ý nghĩ của tôi, ông Hồng cho biết: "Mùa này rắn độc thường chui vào hang tránh rét, nằm dưới lớp lá khô thường là những loài rắn không độc như rắn ráo hoặc hổ trâu, nên nếu có bị cắn thì cũng không sao". Vừa đi, ông Hồng vừa đưa mắt quan sát, dùng gậy vạch từng bụi cỏ, lấy đèn pin soi từng cái hang tìm dấu vết. Đối với những người cả đời bắt rắn như ông Hồng, nhìn đường đi, nhìn xác rắn, nhìn cửa hang là có thể biết được khu vực này có rắn hay không, to hay nhỏ, độc hay không độc. Mỗi loại rắn có đường đi khác nhau như rắn mang bành bò chữ chi ngắn, rắn hổ trâu bò trườn hơi thẳng... Hang rắn, hang ếch hay hang chuột, cầy, cáo đều có đặc điểm riêng để phân biệt. Ông đọc cho tôi mấy câu cửa miệng của đám thợ bắt rắn: "Hang rắn thì nhẵn hai bên. Nhẵn dưới hang ếch mà nhẵn trên hang cầy". Không phải ngày một ngày hai mà chỉ cần nhìn cửa hang là biết trong hang có rắn hay không và đó là loại rắn gì mà phải tích góp kinh nghiệm, dày công quan sát mới hiểu rõ tập tính của từng loài. Có như vậy mới bắt được rắn và không bị rắn cắn. Vừa soi đèn vào một cái hang tương đối sâu, ông Hồng vừa giảng giải: "Cháu nhìn xem, hang này không thể có rắn được vì cửa hang không có vết trườn, rễ nấm từ phân chuột mọc dày đặc, cửa hang lại rộng như thế này rắn không bao giờ ở bên trong. Cửa hang có rắn phải nhỏ, có vết trườn và không quay về phía hướng gió. Mấy tháng mùa đông, con rắn cần yên tĩnh, kín gió để nghỉ ngơi, tích độc". Không chỉ phân biệt bằng đường chạy hoặc dấu vết ở cửa hang, người thợ còn nhìn xác rắn để đoán biết khu vực nào có rắn, to hay nhỏ, độc hay không độc. Xác rắn sau khi lột sẽ bị mưa gió làm bạc màu. Vì vậy, nếu không phải là người có nghề thì không thể phân biệt được. Thợ thường cầm xác rắn soi lên ánh mặt trời. Xác rắn mang bành sẽ có vẩy hình hạt na, đuôi ngắn; xác rắn hổ trâu màu đen, vẩy hình quả trám; xác rắn cạp nong khúc đen, khúc trắng... Thông thường, rắn thường lột cách cửa hang vài mét nên tìm thấy xác rắn sẽ dễ dàng tìm thấy hang. Nếu tìm thấy xác mới lột, người thợ chỉ cần tìm chung quanh thế nào cũng thấy rắn nằm phơi nắng. Lúc đó, việc bắt rắn rất dễ dàng vì con rắn còn đang rất yếu.

“Có lẽ thấy được sự nguy hiểm, bạc bẽo của nghề nên mấy người con của tôi chẳng ai theo nghề này. Đó cũng là cái may, bởi chẳng ai biết được tính mạng có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào”.


Sau gần 2 tiếng đồng hồ lang thang nhưng vẫn chưa bắt được con rắn nào, ông Hồng cũng tỏ ra sốt ruột. Dẫn tôi đến một vườn vải bỏ hoang gần Công ty CP Trúc Thôn, ông thận trọng lật từng đám lá vải tiếp tục tìm kiếm.

- Đây rồi! - ông chợt reo lên mừng rỡ và chỉ tay vào một con rắn ráo nằm cuộn khoanh dưới lớp lá vải dầy. Mặc dù bị gạt hết lớp lá bên trên, con rắn vẫn nằm cuộn khoanh ngủ ngon lành. Chỉ đến khi ông Hồng cầm vào lưng nhấc lên, nó mới ngoe nguẩy, giẫy giụa. "Con này tầm 3 lạng, bé thế thôi nhưng không có nó là bình rượu tam xà, ngũ xà không thể hoàn chỉnh được. Có con này là vừa đủ bộ tam xà giao cho khách rồi", vừa nói ông Hồng vừa tháo miệng chiếc túi vải thả con rắn vào và cột chặt chẽ bên hông. Đã quá trưa, hy vọng bắt được một con hổ mang bành hoặc cạp nong, cạp nia ngày càng cạn dần. Tuy nhiên, việc bắt được con rắn ráo dường như tiếp thêm hy vọng cho chúng tôi. Tiếp tục men theo con suối nhỏ, chúng tôi lên một vườn keo lá tràm nằm sát chân đồi, nhìn ra cánh đồng trồng lạc tương đối rộng. 

- Lâu lắm tôi mới quay lại khu này. Năm kia ở đây tôi bắt được một con hổ trâu nặng gần 3 kg đấy! Khu vườn này vừa gần nguồn nước, gần cánh đồng lại tương đối biệt lập, ít người qua lại rất phù hợp cho rắn trú ngụ - ông Hồng giải thích và chăm chú quan sát từng cái hang chung quanh vườn. Một lát sau, ông tập trung vào một cái hang gần góc vườn, vết đất còn tương đối mới. Sau khi soi đèn pin quan sát thật kỹ, ông kết luận: "90% trong này có rắn, có thể là một con mang bành, còn to nhỏ thế nào chưa biết được!". Đào được một lúc, cầm miếng đất lên ngắm nghía, ông lấy chiếc que dài chọc nhẹ vào trong hang. Chỉ vào chiếc que, ông nói: "Cháu nhìn xem, chiếc que chọc vào thấy mềm, que lại động đậy thế này chắc chắn là có rắn rồi!". Lát sau, ánh đèn pin soi rõ một con mang bành màu vàng nằm cuộn tròn. Ông lấy thuổng moi từng miếng đất nhỏ, bàn tay nhẹ nhàng cầm vào giữa người con rắn lôi ra. Lúc này tôi không nghĩ loài rắn nổi danh hung dữ với nọc độc chết người lại ngoan ngoãn như vậy. Đặt con rắn xuống dưới đất, ông cẩn thận lấy cây gậy chẹn ngang cổ rồi dùng tay túm chặt đầu con rắn cho vào túi vải.

"Hết đời tôi là hết nghề"

 
 
Địa bàn săn bắt rắn thường là nơi rừng núi hoang vu, hiểm nguy rình rập


Thấy ông Hồng cầm con rắn nhẹ nhàng, không có vẻ gì là sợ sệt, tôi thắc mắc:

- Chú không sợ cắn à?

- Sợ chứ, nhưng nếu biết cách rắn sẽ không bao giờ cắn!

Và cái cách của ông Hồng đã được đánh đổi bằng 26 lần bị rắn cắn, có lần tưởng như mất mạng. Chỉ vào ngón tay áp út cong queo, biến dạng, ông cho biết: "Đây là lần nặng nhất trong cuộc đời bắt rắn của tôi. Lần đó tôi bị con rắn trong vườn nhà cắn. Đó là con mang bành ốm không bán được, tôi đem thả ra vườn. Vài tháng không nhìn thấy tưởng nó chết rồi. Một lần đuổi chuột, tôi chủ quan thò tay vào để bắt. Đúng lúc đó con chuột chạy vụt ra, tôi chưa kịp rụt tay về thì có cảm giác đau buốt. Biết bị rắn độc cắn, tôi vội vàng lấy thuốc xử lý. Mặc dù kịp thời xử lý, nhưng tôi vẫn phải nằm liệt giường gần 1 tuần mới nhúc nhắc đi lại được". Theo ông Hồng, con rắn đó bị ốm, nó nằm trong hang vài tháng nên lượng độc tố trong người rất lớn. Vì vậy, vết cắn đó khiến ông suýt mất mạng.

Từ tiết đông chí, rắn bắt đầu ngủ đông, không săn mồi nên nọc độc tích lại rất nhiều. Trước khi đào, người thợ phải quan sát cửa hang thật kỹ để biết bên trong là rắn gì. Nếu là hổ trâu thì yên tâm vì loài này không độc. Nếu là cạp nong, cạp nia hoặc hổ mang bành thì phải hết sức cẩn thận vì đây là những loài cực độc, có thể cướp đi sinh mạng của người thợ chỉ sau một cú đớp. Người thợ bắt rắn phải cực kỳ gan góc thậm chí liều lĩnh, bởi nhiều lúc thò tay vào hang "chạm tay vào thần chết" mà không dám rụt tay lại. Bởi vì chỉ cần rụt tay lại, ánh sáng lọt vào là con rắn sẽ lao ra theo phản xạ và mổ vào tay ngay. Lúc đó cần nhẹ nhàng xoa lên lưng nó rồi lần tìm đầu rắn túm chặt và lôi ra. Cố gắng không làm nó đau hoặc hoảng sợ. Tuy nhiên, dù cẩn thận đến đâu người thợ cũng không thể tránh được những lần bị rắn mổ. Bao nhiêu người thợ đã phải giải nghệ vì lo sợ tính mạng có thể bị rắn cướp đi bất cứ lúc nào. Nhiều người đã bỏ nghề nhưng ông Hồng vẫn kiên trì bám trụ vì tự tin gia đình có phương thuốc gia truyền 3 đời chữa rắn cắn. Sự nguy hiểm không chỉ đến từ rắn độc, tính mạng của những người bắt rắn còn bị đe dọa từ những cái bẫy trong rừng, núi như những rãnh nước sâu, những giếng nước bỏ hoang, những vách núi cao... đều có thể khiến người thợ mất mạng bất kể lúc nào. Nhưng có lẽ do giá rắn tự nhiên cao gấp nhiều lần rắn nuôi nên vì miếng cơm manh áo nhiều người vẫn bất chấp tính mạng hằng ngày đối mặt với nguy hiểm. 

Ông Hồng chia sẻ: "Có lẽ thấy được sự nguy hiểm, bạc bẽo của nghề nên mấy người con của tôi chẳng ai theo nghề này. Đó cũng là cái may, bởi chẳng ai biết được tính mạng có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào. Chắc hết đời tôi là hết nghề. Tôi cố gắng giữ và truyền lại bài thuốc gia truyền để làm phúc cho mọi người".

VỊ THỦY

Nguồn tin: nguoichilinh.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây