Tự hào công dân thành phố Chí Linh

Chủ nhật - 24/02/2019 15:09 - 5713 lượt xem
Biểu tượng (logo) dự kiến của thành phố Chí Linh
Biểu tượng (logo) dự kiến của thành phố Chí Linh
Từ hôm nay, ngày 01/03/2019, Chí Linh chính thức trở thành thành phố thuộc tỉnh Hải Dương. Năm 2010, huyện Chí Linh đã được Chính phủ nâng cấp thành thị xã và đến ngày 10 tháng 1 năm 2019, thị xã Chí Linh chính thức trở thành thành phố thứ hai của tỉnh Hải Dương theo Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thành phố Chí Linh nằm trên quốc lộ 18 và quốc lộ 37, là nơi hội tụ của sáu con sông thuộc hệ thống sông Thái Bình (sông Lục Đầu), cách thành phố Hải Dương 40 km về phía bắc. Địa giới hành chính thành phố Chí Linh:
+ Phía bắc giáp huyện Lục Nam; tây bắc giáp huyện Yên Dũng, đều thuộc tỉnh Bắc Giang
+ Phía đông giáp thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh
+ Phía nam giáp các huyện Kinh Môn và Nam Sách
+ Phía tây giáp các huyện Lương Tài, Gia Bình và Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

Địa danh Chí Linh gắn với nhiều nhân vật lịch sử và anh hùng dân tộc như Dương Huy, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thị Duệ, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Thái Học,...

Chí Linh được hình thành từ lâu đời, đến thời Hậu Ngô Vương vùng núi Côn Sơn với lợi thế về vị trí địa lý đã trở thành căn cứ quân sự lớn của Dương Huy mà đích thân vua Ngô Xương Văn phải đem quân đánh dẹp. Thu phục được Dương Huy, Ngô Xương Văn vẫn cho ông giữ chức thứ sử cũ và cai quản vùng đất châu Vũ Ninh. Năm 965, vua Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn mất, các tướng ở khắp nơi nổi lên để cùng tranh giành ngôi Vua. Lịch sử gọi đó là loạn 12 sứ quân. Tuy nhiên, cánh quân của Dương Huy không nằm trong danh sách 12 sứ quân. Vì cánh quân của ông và địa bàn của ông bị cánh quân của Nguyễn Thủ Tiệp đánh bại, vùng đất của ông bị Nguyễn Thủ Tiệp chiếm và tự xưng Vũ Ninh Vương. Thời điểm xảy ra loạn 12 sứ quân, vùng đất Chí Linh nằm trong địa phận quản lý của sứ quân Nguyễn Thủ Tiệp.

Năm 981 vua Lê Đại Hành đã chọn An Lạc là cơ sở chỉ huy chống quân xâm lược Tống. Tại An Lạc, Vua Lê Hoàn cho lựa chọn chỗ đất bằng rộng 25 – 30 mẫu để dựng đại bản doanh Đồng Dinh, đặt Nội Xưởng làm nơi rèn vũ khí, khí giới, đặt Bàn Cung trên núi Bàn Cung để làm nơi bàn bạc việc quân cơ với các tướng lĩnh, núi Cao Hiệu được chọn để cắm cờ hiệu, núi Sơn Đụn là nơi tích trữ, cất giấu lương thực nuôi quân… Từ đại bản doanh này, cuối tháng 4 năm 981, Vua Lê Hoàn đã chỉ huy quân Đại Cồ Việt đánh thắng trận Bạch Đằng, giết chủ tướng giặc Hầu Nhân Bảo cùng hàng vạn quân giặc vùi xác dưới đáy Bạch Đằng giang và giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược cuối mùa xuân năm 981.

Đến thế kỷ XIII, vùng đất Chí Linh lại một lần nữa được lựa chọn trở thành đại bản doanh chống quân Nguyên Mông và là chiến trường nơi diễn ra trận đánh Vạn Kiếp nổi tiếng trong lịch sử thời nhà Trần, dưới sự chỉ huy Trần Quốc Tuấn. Đại bản doanh và chiến trường Vạn Kiếp năm xưa, nay thuộc xã Hưng Đạo, nằm phía tây bắc của thành phố. Trong 3 cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Vạn Kiếp có vai trò lớn trong 2 cuộc kháng chiến lần 2 năm 1285 và lần 3 cuối năm 1287 đầu năm 1288. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2 năm 1285, Vạn Kiếp diễn ra một trận đánh lớn khi quân Nguyên theo đường bộ từ Lạng Sơn kéo về Thăng Long, làm tiêu hao sinh lực địch. Tổng cộng quân số của Vua tôi nhà Trần do Vua Trần Nhân Tông và Trần Hưng Đạo chỉ huy ở chiến trận Vạn Kiếp lên tới gần 30 vạn quân, còn quân của Thoát Hoan lên tới gần 50 vạn quân. Tại Vạn Kiếp, Trần Hưng Đạo đã bài binh bố trận sẵn để đợi địch. Trần Hưng Đạo lựa chọn các tướng dũng mãnh Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái giao chỉ huy đạo quân này. Vùng Vạn Kiếp có địa thế đồi núi giáp đường giáp sông, quân ta chiếm địa thế đánh cắt ngang vào đội hình địch khiến đầu cuối không cứu được nhau. Tiền quân của địch bị đánh ở Vạn Kiếp còn trung quân của địch cũng vẫn chưa qua được sông Lục Đầu cũng bị quân ta đánh mạnh khiến địch hoảng loạn dẫm đạp lên nhau khiến cầu phao bị đứt khiến rất nhiều quân lính bị chết dưới sông.

Trải qua các thời kỳ phong kiến Chí Linh đã được nhiều triều đại chọn là nơi xây dựng cung thành, tỉnh lỵ như thành Phao (Phả Lại) – đời nhà Mạc, thành Vạn (Tân Dân) Chí Linh còn có tên gọi là Bằng Châu hay Bằng Hà sau đó đổi tên là Phượng Hoàng và sau này là Chí Linh. Tháng 6 năm 1886, thực dân Pháp thành lập Nha Chí Linh thuộc phủ Nam Sách. Sau Cách mạng tháng 8, chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đặt thành huyện Chí Linh. Tháng 4 năm 1947, huyện Chí Linh thuộc tỉnh Quảng Hồng; tháng 11 năm 1948, Chí Linh thuộc tỉnh Quảng Yên; từ tháng 2 năm 1955, Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương, ban đầu gồm thị trấn Phả Lại, thị trấn nông trường Chí Linh và 20 xã: An Lạc, Bắc An, Cẩm Lý, Chí Minh, Cổ Thành, Cộng Hòa, Đan Hội, Đồng Lạc, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Tân, Hoàng Tiến, Hưng Đạo, Kênh Giang, Lê Lợi, Nhân Huệ, Tân Dân, Thái Học, Văn An, Văn Đức, Vũ Xá.

Ngày 21 tháng 1 năm 1957, chuyển 3 xã: Vũ Xá, Cẩm Lý, Đan Hội về huyện Lục Nam của tỉnh Bắc Giang quản lý.

Ngày 27 tháng 3 năm 1978, thành lập thị trấn Sao Đỏ - thị trấn huyện lị của huyện Chí Linh.

Ngày 14 tháng 1 năm 2002, giải thể thị trấn nông trường Chí Linh và thành lập thị trấn Bến Tắm trên cơ sở 412,88 ha diện tích tự nhiên và 5.703 nhân khẩu của xã Bắc An.

Từ đó, huyện Chí Linh có 20 đơn vị hành chính gồm 3 thị trấn: Sao Đỏ (huyện lị), Phả Lại, Bến Tắm và 17 xã: An Lạc, Bắc An, Chí Minh, Cổ Thành, Cộng Hòa, Đồng Lạc, Hoàng Hoa Thám, Hoàng Tân, Hoàng Tiến, Hưng Đạo, Kênh Giang, Lê Lợi, Nhân Huệ, Tân Dân, Thái Học, Văn An, Văn Đức.

Ngày 12 tháng 2 năm 2010, huyện Chí Linh được Chính phủ nâng cấp thành thị xã Chí Linh, đồng thời thành lập 8 phường: Bến Tắm, Phả Lại, Sao Đỏ, Chí Minh, Cộng Hòa, Hoàng Tân, Thái Học, Văn An trên cơ sở 3 thị trấn và 5 xã có tên tương ứng.

Ngày 25 tháng 6 năm 2015, thị xã Chí Linh được công nhận là đô thị loại III.

Ngày 10 tháng 1 năm 2019, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 623/NQ-UBTVQH14 về việc nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường thuộc thị xã Chí Linh và thành lập thành phố Chí Linh thuộc tỉnh Hải Dương. Theo đó chuyển 5 xã: Hoàng Tiến, An Lạc, Đồng Lạc, Tân Dân, Cổ Thành thành các phường có tên tương ứng; hợp nhất 2 xã Kênh Giang và Văn Đức thành phường Văn Đức.

Sau khi thành lập, thành phố Chí Linh có 19 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 14 phường: An Lạc, Bến Tắm, Chí Minh, Cổ Thành, Cộng Hòa, Đồng Lạc, Hoàng Tân, Hoàng Tiến, Phả Lại, Sao Đỏ, Tân Dân, Thái Học, Văn An, Văn Đức và 5 xã: Bắc An, Hoàng Hoa Thám, Hưng Đạo, Lê Lợi, Nhân Huệ.

Phát huy truyền thống quê hương, chính quyền và nhân dân các dân tộc thành phố Chí Linh nỗ lực, phát triển kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị quyết tâm xây dựng thành phố Chí Linh sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa.

BAN QUẢN TRỊ NGƯỜI CHÍ LINH

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây