Từng là "vựa" gà Tết lớn của tỉnh, nhưng những năm gần đây do nhiều yếu tố tác động nên số người nuôi và lượng gà bán vào dịp Tết ở thị xã Chí Linh đã giảm đáng kể, thậm chí có người đã bỏ hẳn lứa gà này. Tỷ lệ rủi ro cao, giá cả bấp bênh... là những nguyên nhân chính khiến nông dân Chí Linh không còn hứng thú với gà Tết.
Giá cả bấp bênh
Cách đây khoảng chục năm, do gà bán vào dịp Tết có thị trường tiêu thụ rộng và được giá nên số người đầu tư nuôi lứa gà này ở Chí Linh khá lớn. Có gia đình chỉ cần nuôi một vụ gà Tết là có thể bỏ túi cả trăm triệu đồng. Có thời điểm, người dân Chí Linh nuôi cả triệu con gà để bán vào dịp Tết. Cũng vì quá nhiều người đầu tư nuôi gà Tết dẫn đến cung vượt cầu, không ít người nuôi phải nhận “quả đắng”. Khoảng 4 năm trước, thương lái không thu mua hết nên một số hộ nuôi gà ở đây đã phải tự mang lên chợ đầu mối gia cầm ở Hà Nội để tiêu thụ. Từ đó, nhiều hộ không còn chú trọng nuôi gà Tết như trước đây.
Gắn bó với nghề nuôi gà gần chục năm nay nhưng 2 năm trở lại đây, anh Nguyễn Đình Tuấn ở phường Cộng Hòa không nuôi gà bán dịp Tết. Thông thường chỉ sau khoảng 4 tháng nuôi là được xuất bán nhưng nuôi gà Tết phải mất đến 5 tháng. Các hộ phải nuôi thời gian dài gà mới trổ mã, thịt săn chắc, mào đỏ, chân có cựa, lông mượt, màu đẹp thì bán mới được giá. Thời gian nuôi dài đồng nghĩa với chi phí cao và tốn nhiều công chăm sóc. Thế nhưng giá gà Tết lại bấp bênh, năm được năm mất nên anh Tuấn không muốn nuôi gà Tết. "Hơn nữa, làm ăn vất vả quanh năm, đến gần Tết tôi cũng muốn nghỉ ngơi sớm, dọn dẹp vườn tược, nhà cửa cho gọn gàng để đón xuân", anh Tuấn nói.
Trung bình mỗi năm anh Nguyễn Duy Tân ở thôn An Mô, xã Lê Lợi nuôi 3 lứa gà; mỗi lứa anh nuôi từ 2.000-3.000 con. Khoảng 4 năm gần đây, anh không còn hứng thú với gà Tết. "Nuôi gà Tết tỷ lệ rủi ro rất cao bởi vụ nuôi thường bắt đầu từ cuối tháng 9 âm lịch. Gà nhỏ thì còn giữ bằng cách "úm" trong chuồng, nhưng được khoảng 1 tháng tuổi phải thả ra vườn. Lúc đó trời đã chuyển lạnh sâu, trong khi chuồng trại còn thô sơ nên gà dễ bị rét và mắc các loại bệnh. Tính đi tính lại, gia đình tôi không đầu tư vào lứa nuôi này nữa", anh Tân nói.
Mỗi người dân ở Chí Linh có một lý do để không còn mặn mà với nuôi gà Tết, nhưng quan trọng nhất do giá gà Tết bấp bênh. Anh Lục Văn Nhàn, Chủ tịch Hiệp hội Gà đồi Chí Linh cho biết: "Nuôi gà Tết như "đánh bạc" với trời bởi mấy năm gần đây giá bán xuống thấp, không bằng những lứa khác. Năm kia gà xuống còn 50.000-55.000 đồng/kg, năm ngoái cao hơn một chút nhưng cũng không đáng là bao trong khi công chăm sóc vất vả. Trong hiệp hội của chúng tôi gần như mọi người đã bỏ nuôi gà Tết".
Điều tiết lứa nuôi, nâng cao hiệu quả
Trên địa bàn thị xã Chí Linh hiện có hàng nghìn hộ nuôi gà với số lượng khoảng 2,5 triệu con, tăng khoảng 0,5 triệu con so với năm trước, tập trung ở 5 xã, phường: Lê Lợi, Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám, Bắc An và Bến Tắm. Để đáp ứng nhu cầu thị trường và tránh tình trạng gà quá nhiều không tiêu thụ hết, người dân Chí Linh đã biết điều tiết, luân phiên lứa nuôi hợp lý. Vì thế, người dân ở đây luôn có gà để bán, song tập trung nhiều vào tháng 8-11 (âm lịch), là thời điểm diễn ra nhiều đám cưới, đám sang cát và các cơ quan, đơn vị tổ chức liên hoan tổng kết cuối năm.
Người nuôi gà Chí Linh cũng luôn quan tâm giữ gìn và phát triển nhãn hiệu tập thể "Gà đồi Chí Linh". Anh Lục Văn Nhàn cho biết thêm: "So với gà những nơi khác, chất lượng gà Chí Linh cao hơn hẳn. Người chăn nuôi tuân thủ nghiêm việc dùng thuốc, vaccine, thời gian ngừng dùng thuốc trước khi bán. Trên thị trường hiện có rất nhiều giống, song người dân chủ yếu nuôi loại gà lai chọi do thịt rắn chắc, bán được giá". Là người gắn bó lâu năm với nghề nuôi gà, anh Nguyễn Đình Tuấn cho rằng để nuôi được lứa gà đạt tỷ lệ sống cao, chất lượng thịt tốt, người nuôi cần vệ sinh chuồng trại, khử trùng sạch sẽ, phơi chuồng sau khi bán. Hạn chế người vào khu chăn nuôi để tránh bị lây nhiễm dịch bệnh.
Những thay đổi về thời gian nuôi, xuất bán gà của người chăn nuôi ở Chí Linh phù hợp với quy luật điều tiết của thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.