“Chỉ cần có đất là không chết đói”

Thứ năm - 17/08/2017 12:04 - 8028 lượt xem
Nguyễn Đình Tuấn và mẹ
Nguyễn Đình Tuấn và mẹ
Sinh ra là một đứa trẻ lành lặn, sau một vụ tai nạn khủng khiếp, Nguyễn Đình Tuấn (phường Cộng Hòa, thị xã Chí Linh, Hải Dương) trở thành người tàn tật. Tay phải của anh cụt đến tận nách, tay trái mất cả bàn, chân trái mất hoàn toàn, chân phải bị róc sạch phần cơ đùi. Trong những ngày cơ cực tưởng chừng đi vào bế tắc, anh đã bám đất, nỗ lực phủ xanh hơn 4ha đất đồi gần nhà thành rừng keo, lim trị giá hàng tỷ đồng.

Tưởng mình vô ích

Tuấn vẫn còn nhớ như in tiếng nổ xé tai đã cướp đi chân tay anh, biến anh thành một đứa trẻ tật nguyền. Năm 12 tuổi, anh đi chăn bò trên khu đồi Cầu Ván cùng nhóm bạn. Cả nhóm đang chơi trốn tìm thì nhặt được một quả bom bi còn sót lại sau chiến tranh. Tuổi nhỏ, chưa một lần nhìn thấy quả bom bi có hình dáng như thế nào, Tuấn cùng ba người bạn nữa rủ nhau xem xét. Một người vừa lấy đá ghè vào quả bom, thì quả bom phát nổ. Tiếng nổ vang khắp xóm, rung cả núi rừng. Mọi người vội vã lên xem, khiếp đảm trước cảnh tượng kinh hoàng diễn ra trước mắt. Bốn đứa trẻ nằm bất tỉnh, bê bết máu. Ba đứa chết tại chỗ, còn mỗi mình Tuấn ngoi ngóp thở, nhưng chân tay đã bị những mảnh bom cắt đứt.

Tỉnh dậy trong bệnh viện, Tuấn thấy xung quanh một màu trắng xóa. Toàn thân chi chit vết thương được băng bó. Những ngày đầu biết mình bị tật nguyền là những ngày Tuấn rơi vào bế tắc. Trong khi các bạn tung tăng chạy nhảy thì Tuấn nằm liệt giường. Mọi cử động đều đau đớn. Ăn uống, vệ sinh cá nhân, Tuấn đều nhờ mẹ và chị.

Có những lúc, mặc cảm khiến Tuấn chán nản. Không ít lần Tuấn nghĩ đến cái chết và tự tử bằng cách lấy dao cắt cổ… Nhưng chính khi đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết, lòng ham sống càng trỗi dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết. Tuấn nhớ những lần mẹ vừa khóc vừa bón cháo, nhớ mùi mồ hôi trên vai áo chị vẫn còn nguyên vẹn để cõng em từ nhà đến bệnh viện thay băng, rửa vết thương… Đôi mắt trầm tư của cha và tiếng thở dài của mẹ… thôi thúc anh có niềm tin để sống tiếp.

Anh bắt đầu lại cuộc đời như một đứa trẻ bắt đầu chập chững tập đi. Đầu tiên là học lẫy, học lật. Nằm trên giường, Tuấn dùng sức lật nghiêng người lại. Không có tay, các vết thương trên ngực vẫn chưa lành bị chà mạnh xuống giường, rớm máu. Mẹ Tuấn vừa khóc, vừa mắng con: “Thôi, không làm được thì đừng cố con ơi. Con cứ nằm để mẹ chăm sóc”.

Không nản lòng, đợi vết thương gần lành hẳn, Tuấn tập lại. Khi đã lật được rồi, Tuấn tập ngồi thắng, rồi tập đứng, tập đi. Có lúc ngã vào đống gai bồ kết, đau điếng người. “Khi tập nhảy, bố tôi mua cho một đôi nạng chống nách để đi. Tôi phải học cách làm quen với có nạng. Tôi mất hơn 1 tháng để tập đứng, vài tháng để nhảy cò và gần nửa năm để tập đi vài bước trong nhà”. Ba năm trời đằng đẵng, Tuấn bắt đầu đi lại được trong nhà, rồi bước ra sân. Sau đó, anh tự đi ra đường và hòa nhập cộng đồng.

Hóa ra có thể chăn trâu, trồng rừng và lấy vợ

Được đi lại, trò chuyện với mọi người, tinh thần Tuấn cũng khá lên, mặc cảm bản thân đã bắt đầu vơi dần. Sau một thời gian nỗ lực, Tuấn tự đi lại, ăn uống và vệ sinh cá nhân mà không cần sự trợ giúp của bố mẹ, anh chị. Thậm chí, Tuấn còn có thể quét nhà, thổi cơm và chăn trâu.

Đi chăn trâu, Tuấn buộc đầu dây thừng vào khuỷu tay, dùng sức để kéo. Người tập tễnh đi trước, con trâu thấy giật dây cũng ngoan ngoãn theo sau. Có đôi ba lần, trâu ngửi mùi bầy đàn, giật dây hất văng Tuấn ra xa mấy mét rồi chạy theo đàn. Tuấn xuýt xoa vết thương, rồi lủng lẳng theo trâu đến tối mịt mới dắt được về nhà. “Sống dần rồi quen riết với việc dùng cùi tay để cầm, nắm, bám, dùng 1 chân để chạy nhảy lò cò” – anh chia sẻ.

Năm 17 tuổi, Tuấn xin nhận thầu mảnh đất đồi rộng khoảng 4 ha để làm kinh tế, phủ xanh đồi trọc.

Tròn 18 tuổi, Tuấn “chuyển” vào ở trong rừng. Lúc đó, rừng hoang vu, chỉ lác đác vài cây bạch đàn tái sinh, sống thưa thớt do để lâu năm, dân trong vùng lên chặt phá nhiều. Với Tuấn, con nhà nông, không có gì hơn là dựa vào đất để sống. Người dân nghèo, chỉ cần có đất là không sợ đói.

 

“Chỉ cần có đất là không chết đói” - ảnh 1

Cuốc đất không còn là chuyện khó khăn với Tuấn


Lúc đầu, bố mẹ anh sợ con trai tật nguyền, sống một mình trong rừng không ai chăm sóc nên ra sức cản. Nhưng rồi, ông bà xây cho anh một căn nhà đá rộng chừng 10m2, đặt cái giường và góc nhà làm bếp để bắt đầu cuộc sống một mình nơi rừng vắng, heo hút và cô đơn, cách biệt với thế giới bên ngoài.

Đường lên rừng phải qua một khe núi rộng chừng 4km chỉ bắc hai cây thông để đi. Bàn chân tập tễnh, Tuấn cứ đi về qua cây cầu đó một cách  thành thạo. Tuấn bắt đầu những nhát cuốc đầu tiên khai hoang. Trồng rừng là một việc vô cùng vất vả, nhất là với một người như anh. Mỗi nhát cuốc bổ xuống, chân trái anh run lên, toàn thân chấp chới. Nhát cuốc đầu tiên trượt vào chân, chảy máu. Những nhát cuốc tiếp theo, anh cẩn thận hơn. Tuấn mua thêm bạch đàn, cây vải để phủ xanh đồi trọc. “Buổi sáng tôi cho mấy chục cây vào gùi hoặc vào xô để xách lên rừng. Cuốc từ sáng đến tận tối mịt. Tuần đầu, hai chân đau nhức, hai người như kiến đốt, nhưng ngày nào cũng dậy đi. Thế rồi, chẳng mấy chốc, trong 3 tháng đã bắt đầu có mấy nghìn cây trồng mới”.

Năm 2002, một người phụ nữ lên rừng nhặt củi khô tình cờ gặp Tuấn. Thấu hiểu hoàn cảnh và nghị lực vươn lên của người đàn ông cụt tay, chị đồng ý về làm vợ anh. Một năm sau, một bé trai chào đời, hai vợ chồng đặt tên là Nguyễn Đình Thuận, mang theo mơ ước về cuộc sống hòa thuận, ấm cúng và hạnh phúc suốt cả cuộc đời trong gia đình nhỏ… Hai vợ chồng nuôi gà, nuôi trâu và trồng rau qua ngày.

Ngày Tuấn hạnh phúc nhất cũng là lúc hạnh phúc bỏ anh ra đi...

Năm 2007, anh Tuấn thu hoạch lứa bạch đàn đầu tiên và vay mượn thêm để xây nhà. Vừa xây xong nhà, một loạt bão tố ập xuống. Tiền vay mượn chưa trả hết, con trâu – gia tài lớn nhất bỗng lăn đùng chết. Một tuần sau, cả đàn lợn giống gần chục con của gia đình cũng rủ nhau chết theo. Bao vốn liếng hai vợ chồng chắt bóp đổ ra sông. Kinh tế gia đình kiệt quệ. Vì không chịu được nỗi cực khổ, người vợ dứt áo ra đi, bỏ lại anh cùng đứa con trai vừa mới lên 5 tuổi.

 

“Chỉ cần có đất là không chết đói” - ảnh 2
Không có tay nhưng Tuấn vác cây rất thành thạo


Thương con, quyết tâm trở thành chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất cho con trai. Tuấn nén đau, bắt đầu lại sự nghiệp bằng cách nuôi gà đồi. Từ 500 con đầu tiên, đến 4.000 con gà mỗi vụ, mỗi năm, Tuấn thu hoạch đến 3 vụ gà đồi, thu nhập bình quân 50 triệu đồng/năm. “Mấy năm đầu nuôi gà không hiệu quả do dịch bệnh mà không biết cách phòng tránh, lại bị mất cắp. Nhưng vài năm trở lại đây thì bắt đầu có lợi nhuận” – anh chia sẻ.

Rồi anh bắt đầu chuyển hướng từ bạch đàn và vải sang trồng cây keo và lim để tăng hiệu quả hơn. Anh lặn lội lên tận Bàn cờ Tiên trên đỉnh núi Côn Sơn để học cách trồng keo. Đường xa đến gần chục cây số, lại phải leo núi, vượt dốc, anh vẫn miệt mài đi, xem từng cây keo, tán lá, gốc rễ… Từ 20 cây keo trồng thử, anh chặt hết bạch đàn, trồng hơn 2 vạn keo, xen kẽ trồng thêm lim. Dọc con suối ở ven rừng, anh trồng thêm măng vừa chống xói mòn đất, vừa cho thu nhập mỗi năm hơn chục triệu đồng.

Chiều đã muộn, đến giờ cho gà lên chuồng, Tuấn khoác thêm áo, đi nhanh về phía đồi gà. Anh bảo, cuối năm nay, bố con anh sẽ “sung túc” hơn bởi rừng đã xanh, đàn gà hơn 4.000 con cũng đang sắp thu hoạch... 

 

Các bạn rất hay trêu con là “con ông cụt”. Lúc đầu con giận các bạn, còn đánh nhau. Nhưng bây giờ, con trêu lại chúng nó. Bố con cụt mà còn giỏi hơn nhiều người khác. Con tự hào về bố của mình! Con thương bố lắm. Tay bố không còn mà vẫn phải làm hết tất cả mọi việc như người khác. Bố có thể trồng rừng, nhổ cây, bê gạch. Có lần, con thấy bố cuốc đất rất mệt, con lại đến bóp vai cho bố...”.

Con trai anh Tuấn - bé Nguyễn Đình Thuận

Tác giả bài viết: MINH ANH - Báo điện tử Ngày nay

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây