Bất cập hệ thống hồ đập ở Chí Linh

Thứ năm - 21/07/2016 08:44 - 2237 lượt xem
Mặc dù hệ thống hồ đập ở Chí Linh có vai trò quan trọng trong cấp nước sản xuất và sinh hoạt của người dân nhưng hầu hết các công trình hạ tầng ở đây đều đã xuống cấp...
 
Lòng nhiều hồ chứa nước bị bồi lắng, xâm lấn

Chí Linh hiện có hệ thống hồ đập cấp nước khá lớn phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt, du lịch và cắt lũ cho hạ lưu. Tuy nhiên, hầu hết các công trình hạ tầng đều đang xuống cấp nghiêm trọng.

Thiếu nước

Quan sát các hồ Hố Sếu, Hố Giải (xã Hoàng Hoa Thám), Chín Thượng (xã Bắc An)... chúng tôi dễ nhận thấy, lòng hồ đang bị lấn chiếm, đáy hồ bị bồi lắng quá nhiều nên lượng trữ nước không còn đáng là bao. 

Ông Nguyễn Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Bắc An cho biết: "Hồ Chín Thượng trước đây thường cấp nước tưới cho khoảng 150 ha canh tác của các thôn Chín Thượng, Chín Hạ, Trại Sắt và 1 phần Lộc Đa, nay không biết có đủ 1 đợt tưới lúa không. Chỗ sâu nhất có thể đạt hơn 6 m nhưng nay chỉ còn khoảng 2 m. Lượng trữ nước hiện chỉ đạt 20% thiết kế. Nguyên nhân do lòng hồ không được nạo vét trong hơn 40 năm qua, bờ đập bằng đất không được gia cố. Hồ chưa có hệ thống kênh tiêu và cống điều tiết giữ nước nên mưa lớn nước tràn ra các khu đồng ruộng xung quanh không kiểm soát được. Tình trạng thừa nước rồi lại thiếu nước cứ luân phiên diễn ra". 

Ông Trần Văn Thành, một người dân ở gần hồ Chín Thượng than thở: "Nếu trời không mưa, lúa gieo cấy chỉ cắt để nuôi trâu bò. Nhưng nếu mưa to, nước hồ tràn thì cánh đồng Dộc lại trắng băng"... 

Theo ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Chí Linh, trên địa bàn thị xã có 70 hồ chứa nước đang được khai thác và sử dụng, trừ 2 hồ Côn Sơn và Mật Sơn chuyển mục đích phục vụ du lịch, còn lại 8 hồ chứa do xí nghiệp quản lý, 60 hồ chứa nhỏ do các cơ sở quản lý, với tổng dung tích chứa nước khoảng 8 triệu m3. Một số hồ có thiết kế dung tích khá lớn như Phú Lợi, Láng Trẽ, Bình Giang, Suối Găng, Vễn. Tuy nhiên, các hồ chứa hầu hết được xây dựng từ những năm 1955 đến năm 1975. Qua nhiều năm khai thác đến nay nhiều hồ chứa đã bị bồi lắng làm giảm dung tích chứa. Hiệu quả hoạt động của hầu hết hồ chứa hiện khó đạt 50% thiết kế. Lòng các hồ Chín Thượng, Trại Sen (phường Văn An), Vễn (xã Lê Lợi)... bị bồi lắng, các mái đập ở phía thượng lưu đều bị sạt lở cục bộ, các tràn xả lũ bị biến dạng, các vai, van cống lấy nước vào hồ nhiều chỗ bị hư hỏng... Hồ Miễu Sơn (phường Thái Học) chuyển sang mục đích sử dụng khác cho sân gôn Ngôi sao Chí Linh quản lý. Khi mưa lớn, hồ xả tràn lũ không theo quy trình và hệ thống tràn, kênh tiêu của hồ không phù hợp nên thường gây ngập úng nhiều diện tích của khu dân cư liền kề. Liên hồ Suối Găng, Láng Trẽ vừa được đầu tư nạo vét lòng, xây lại tràn, cống điều tiết, nhưng hiệu quả hoạt động chưa bảo đảm do kênh tiêu chính cũng đã bị biến dạng do khai thác cát vàng trái phép.

Cần nâng cấp

Hệ thống hồ, đập ở Chí Linh có vai trò quan trọng trong cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, góp phần làm phong phú môi sinh, điều hòa khí hậu, tăng khả năng bảo đảm an toàn cho các công trình thủy lợi và phòng chống lũ. Hạ tầng hồ đập xuống cấp không chỉ làm lãng phí tài nguyên nước mà còn tiềm ẩn hệ lụy khôn lường. Do vậy, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình bảo đảm an toàn hồ chứa, khôi phục năng lực trữ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh là rất cần thiết. 

 
Kênh tiêu sau hồ Suối Găng đã bị biến dạng do khai thác cát vàng trái phép

Qua kiểm tra của ngành chức năng, trên địa bàn thị xã Chí Linh có 11 dự án hồ đập cấp bách cần cải tạo, nâng cấp với tổng kinh phí 445 tỷ đồng. Tuy nhiên, địa phương không có khả năng bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp các hồ đập trên nên UBND tỉnh đã đề nghị và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận 11 dự án này tham gia vào Dự án Nâng cấp và cải thiện an toàn đập (DRASIP/WB8) trong giai đoạn từ nay đến năm 2022. 

Theo ông Trương Mạnh Tiến, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương, để thay đổi thực trạng trên phải tính đến cả 2 giải pháp: công trình và phi công trình. Trước hết, cần tập trung nguồn lực nạo vét lòng hồ, kênh dẫn nhằm tăng khả năng trữ nước phục vụ sản xuất; gia cố ngay các đập, cống ngầm, đường tràn, bờ hồ nhằm chống sạt lở, rò rỉ gây thất thoát nước và mất an toàn của hồ chứa đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Trong điều kiện cho phép thì vừa cải tạo cái cũ đang có, vừa tranh thủ nâng cấp, làm mới hệ thống điều tiết để chủ động cả khi lấy và xả nước. Tăng cường đào tạo quản lý, vận hành hồ chứa cho lực lượng chuyên môn, nhất là cấp cơ sở. Nâng cao nhận thức của người dân trong sử dụng và bảo vệ hệ thống hồ đập; quản lý và bảo vệ, phát triển rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ để giữ nước, giữ ẩm, chống xói mòn góp phần bảo vệ và cải tạo đất. Cần bố trí các thiết bị quan trắc lún, nứt, thấm… để cảnh báo nguy cơ mất an toàn đối với sản xuất, sinh hoạt của người dân ven hồ; đồng thời có phương án bảo vệ, khắc phục sự cố một cách chủ động và hiệu quả.

Về lâu dài, các cấp, các ngành liên quan phải xây dựng được kế hoạch sử dụng nước cụ thể từ hệ thống hồ đập Chí Linh cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt; bảo đảm hợp lý, tránh lãng phí tài nguyên nước và gây ô nhiễm môi trường. Kiên cố hóa kênh mương nhằm giảm tổn thất nước khi lưu chuyển tránh hiện tượng xâm lấn lòng kênh. Bổ sung tràn xả lũ bảo vệ công trình. Xây dựng đường giao thông quanh hồ để quản lý và bảo vệ hành lang hồ chứa. Quan trắc, kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống hồ chứa nhằm kịp thời phát hiện các hư hỏng để có kế hoạch sửa chữa phù hợp. Lập sổ tay vận hành, chính sách an toàn hồ chứa.

Tác giả bài viết: THÀNH LONG

Nguồn tin: baohaiduong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây