Chăm sóc vải: Còn nhiều nan giải

Thứ sáu - 22/07/2016 16:57 - 2756 lượt xem
Vụ vải năm nay được đánh giá là ổn định, thuận lợi về đầu ra nhưng so với mọi năm, chất lượng quả vải kém hơn nên khó cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ.
 
Nông dân cần quan tâm hơn nữa tới việc tỉa cành, tạo tán cho cây vải để "trẻ hóa" cây và hạn chế sâu bệnh


Ngoài những tác động xấu của thời tiết thì nhiều người trồng vải vẫn chưa nhận thức đúng, đầy đủ về khâu chăm sóc.

Năm nay, Chí Linh có 2 vùng vải theo tiêu chuẩn xuất khẩu ở xã Hoàng Hoa Thám và phường Bến Tắm với diện tích gần 20 ha. Thế nhưng khi thu hoạch, các hộ tham gia mô hình này vẫn phải bán vải trôi nổi và phụ thuộc chủ yếu vào thương lái. Nguyên nhân do quả vải không đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu. Tuy không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật nhưng quả vải bé, mẫu mã xấu nên các doanh nghiệp từ chối thu mua. Ông Vũ Chí Mạnh, đại diện tổ hợp tác sản xuất vùng vải xuất khẩu phường Bến Tắm thừa nhận: "Vải chất lượng thấp không thể đổ lỗi do thời tiết mà cái chính là phương pháp chăm sóc. Nhiều người vẫn quan niệm đợi cây ra hoa, đậu quả mới tập trung chăm sóc. Như vậy, cây sẽ phát triển mất cân đối và nhiều sâu bệnh hơn".

Huyện Thanh Hà năm nay cũng mở rộng diện tích vùng vải xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, EU... với gần 90 ha. Tuy nhiên, khi thu hoạch vải chỉ đủ tiêu chuẩn xuất sang các nước ở khu vực châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, khu vực Trung Đông và một số ít sang Australia, EU chứ không xuất khẩu được sang Mỹ. Mặc dù xưởng sơ chế vải của Công ty TNHH Phúc Cường (Thanh Hà) đặt ở vựa vải của tỉnh nhưng công ty vẫn phải sang Bắc Giang thu mua. Lý giải về điều này, bà Phạm Thị Mười, Giám đốc công ty cho biết: "Mặc dù vải Thanh Hà có vị ngọt đậm, không chát nhưng lại không to đẹp bằng vải Bắc Giang nên khó bán hơn. Thị trường tiêu thụ vải hiện đã mở rộng hơn nhưng phần lớn vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong khi đó, người Trung Quốc rất chuộng hình thức. Do vậy, vải Thanh Hà luôn bị thua thiệt về giá bán. Năm nay, vải Trung Quốc mất mùa nên thương lái người Trung Quốc về Thanh Hà đông hơn mọi năm. Tuy nhiên, do mẫu mã vải xấu nên họ lại tìm lên Bắc Giang thu mua". Qua tìm hiểu, bà Mười nhận ra không phải nông dân Thanh Hà bỏ bê cây vải mà do cách chăm sóc vẫn còn theo kinh nghiệm cá nhân, chưa bài bản. Theo bà Mười, tỉa cành, tạo tán sau thu hoạch là việc làm cần thiết để cây phục hồi, kháng sâu bệnh, tạo đà  phát triển. Nông dân Bắc Giang làm rất tốt việc này còn nhiều người trồng vải Thanh Hà vẫn giữ suy nghĩ nếu chặt bỏ cành, cây sẽ khó ra quả vào vụ sau. Vì vậy, cây ngày càng còi cọc, khó hấp thụ dưỡng chất và ra quả không đồng đều. Hơn nữa, người dân vẫn có thói quen "chữa bệnh hơn phòng bệnh" nên dẫn tới lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, vừa lãng phí tiền bạc mà ít thu được kết quả.

Vải năm nay thu hoạch muộn hơn mọi năm nên chịu ảnh hưởng của gió Lào khô nóng. Nhiều diện tích vải thiều sắp cho thu hoạch của tỉnh bị cháy vỏ, thương lái ép giá. Còn tại Bắc Giang, mặc dù điều kiện khí hậu tương đồng nhưng quả vải vẫn mỡ màng và bán được giá, có thời điểm giá bán gấp đôi so với vải thiều Thanh Hà. Theo anh Đỗ Văn Thắng, người có nhiều kinh nghiệm trồng vải ở xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), sản xuất nông nghiệp không thể tránh khỏi tác động của thời tiết nhưng nếu có kỹ thuật thâm canh tốt, phù hợp thì sẽ hạn chế tối đa được bất lợi do thiên nhiên gây ra. Anh Thắng so sánh: Nông dân Bắc Giang chăm sóc vải thiên về các biện pháp thủ công thì người dân Thanh Hà lại xử lý dịch hại hoặc các tình huống phát sinh do thời tiết bằng phương pháp hóa học. Biện pháp thủ công dù không cho kết quả ngay nhưng lại an toàn, lâu dài để có thể canh tác bền vững. Như năm nay, nắng nóng kéo dài trong thời kỳ vải chuẩn bị báo mã 3, người dân Lục Ngạn đã chủ động tưới nước giữ ẩm cho rễ cây nhằm tăng độ đàn hồi cho vỏ quả và giữ cây không bị sốc nhiệt bởi sau nắng nóng thường là mưa lớn. Vì vậy, vải Bắc Giang ít bị cháy, quả to đều, mẫu mã đẹp. Còn nông dân Thanh Hà lại sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để khắc phục nên hiệu quả đạt được không cao.

Trước thực tế này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương tập trung chăm sóc vải ngay sau khi thu hoạch, nhất là chú trọng tới việc đốn, tỉa cành và tạo tán cho cây theo kỹ thuật. Đồng thời hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất an toàn, đồng bộ để cây phát triển đồng đều, kháng bệnh tốt.

Tác giả bài viết: PV

Nguồn tin: www.baohaiduong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây