Không còn ngồi tiếp nhận thụ động kiến thức về khoa học, kỹ thuật (KHKT), giờ đây nhiều nông dân được đến tận nơi sản xuất để nghe, xem, nhìn, cầm trực tiếp sản phẩm.
Cách làm này giúp họ ứng dụng hiệu quả những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Nhà nông đi thực tế
Đến nay, dù đã gần 2 năm kể từ khi kết thúc đợt học tập thực tế ở xã Lê Lợi (Chí Linh) về kỹ thuật trồng cây ăn quả, ông Nguyễn Văn Tiếp ở thôn Thuần Mỹ, xã Vĩnh Lập (Thanh Hà) vẫn nhớ như in các kiến thức tiếp thu được. Năm đó, ông Tiếp cùng 34 người dân khác của xã thực sự ấn tượng về cách quy hoạch, bố trí, cải tạo vườn khoa học và những kỹ thuật cắt tỉa, chiết, ghép cây của nông dân Lê Lợi. Mặc dù Vĩnh Lập có truyền thống trồng nhiều loại cây ăn quả như vải, bưởi nhưng kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây của người dân vẫn còn nhiều hạn chế. Trước thực trạng đó, cuối năm 2015, Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) mở lớp dạy nghề, đi học tập thực tế cho nông dân. Qua đó, người dân biết được trước đây họ thường làm theo cảm tính, kinh nghiệm nên hiệu quả không cao.
Thời gian qua, ngoài cung cấp kiến thức trên lớp học, hầu hết các đoàn thể đều cho hội viên đi học tập thực tế. Từ nhiều năm nay, trong các đợt tập huấn chuyển giao KHKT, Hội Cựu chiến binh tỉnh đều dành thời gian cho cán bộ, hội viên đi thực tế ít nhất mỗi năm một lần. Hội đã tổ chức cho hội viên tới huyện Gia Lộc tìm hiểu mô hình ấp trứng gia cầm, nuôi chim trĩ đỏ, đến huyện Thanh Hà học hỏi cách trồng ổi, đến Viện Cây lương thực và cây thực phẩm nắm bắt kỹ thuật trồng cây, các loại giống mới. Để việc đi thực tế đạt hiệu quả, hội lựa chọn những hội viên tiêu biểu, có quy mô sản xuất lớn, làm ăn hiệu quả để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm.
Anh Đặng Quang Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh cho biết: "Khoảng 30% tổng số lớp chuyển giao KHKT trong năm trung tâm đưa học viên đi thực tế. Căn cứ nguyện vọng của học viên và tình hình thực tế, chúng tôi sẽ tổ chức các buổi này".
Hiệu quả tích cực
Từ những lớp chuyển giao KHKT như vậy, nhiều nông dân áp dụng ngay vào sản xuất và mang lại hiệu quả rõ nét.
Sau khi được học tập và tìm hiểu thực tế, hiện nay người nuôi thủy sản xã Tân Dân (Chí Linh) không những tự sản xuất được cá giống phục vụ nhu cầu sản xuất mà còn cung cấp cho thị trường, thay vì phải đi mua như trước đây. Các hộ nuôi thủy sản của xã đã được người dân ở xã Đại Hợp, Tân Kỳ (Tứ Kỳ) chia sẻ về cách xây dựng hạ tầng kỹ thuật ao nuôi, chọn giống, chăm sóc, phòng trừ bệnh, xử lý môi trường nước... Qua đó, nhiều hộ đã cải tạo ao nuôi theo kỹ thuật đã được học, điều chỉnh cách chăm sóc nên cá nhanh lớn, ít bị dịch bệnh. Chỉ vài tháng sau khi tham gia lớp học, các hộ cùng nhau thành lập Câu lạc bộ nuôi thủy sản nước ngọt xã Tân Dân. Ông Bùi Đình Duẩn, thành viên câu lạc bộ chia sẻ: "Từ việc đi thực tế tôi đã học được cách để luôn bảo đảm vệ sinh môi trường nước của ao nuôi. Cá thả thưa nên nhanh lớn, cá to, bán được giá. Trước đây, chúng tôi thả dầy, cá phát triển chậm, hay bị dịch bệnh, bán giá rất rẻ".
Những thay đổi ở các vườn cây ăn quả của xã Vĩnh Lập là minh chứng rõ nhất về hiệu quả của việc được dạy nghề và học tập thực tế. Hiện nay, người dân đã bố trí vườn theo hàng lối, phân khu vực riêng cho từng loại cây, không còn lộn xộn, tùy tiện như trước. Người dân nắm chắc kỹ thuật chiết, ghép cây. Từ chỗ phải đi mua, nhiều hộ đã tự tạo được giống cây. Do đó, việc chuyển đổi những loại cây có năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang cây giá trị cao cũng thuận lợi hơn. Gia đình ông Nguyễn Văn Tiếp đang chiết, ghép các giống bưởi Diễn, da xanh trên cây bưởi thường hoặc ghép cây vải sớm trên cây vải thiều. "Từ ngày đi học đến nay, kỹ thuật làm vườn của chúng tôi nâng lên rất nhiều, đúng là "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Trước đây, mảnh vườn rộng 3 sào chỉ cho thu nhập gần 10 triệu đồng/năm, nay tôi thu được 40-50 triệu đồng", ông Tiếp cho biết.