Khám phá Thanh Hư Động

Thứ bảy - 08/02/2020 20:30 - 3020 lượt xem
Cảnh quan khu vực cầu Thấu Ngọc hấp dẫn du khách
Cảnh quan khu vực cầu Thấu Ngọc hấp dẫn du khách
Nằm trong quần thể di tích Côn Sơn (TP Chí Linh), Thanh Hư Động mang vẻ đẹp thiên nhiên lôi cuốn đến kỳ lạ.
Tựa chốn bồng lai tiên cảnh

Khi nói tới Côn Sơn, có lẽ trong tiềm thức của nhiều du khách sẽ nghĩ ngay tới Bàn Cờ Tiên, chùa Côn Sơn, núi Ngũ Nhạc... mà ít người nhắc tới Thanh Hư Động. Vài năm trở lại đây, khu vực này được cải tạo, có biển chỉ dẫn to đẹp nên người dân mỗi khi về đây hành lễ mới đến dâng hương, tham quan, chụp ảnh lưu niệm.

Thanh Hư Động nằm giữa sườn núi Côn Sơn và Ngũ Nhạc, thuộc phường Cộng Hòa (TP Chí Linh). Theo tài liệu của Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Thanh Hư Động gắn liền với quan Tư đồ Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi.

Trần Nguyên Đán (1325 - 1390) hiệu là Băng Hồ. Ông là tướng quốc của 3 triều vua Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông. Khoảng năm 1373 - 1374, Trần Nguyên Đán xin vua một khu đất ở sườn núi Côn Sơn xây dựng động phủ làm nơi nghỉ ngơi.

Động dựng xong, vua Trần Duệ Tông về thăm, cảm khái trước tình cảm của ông cũng như cảnh đẹp của núi rừng Côn Sơn tựa chốn bồng lai tiên cảnh đã ngự bút đề tặng 3 chữ lớn vào bia đá là “Thanh Hư Động” để đặt tên cho khu động phủ. Thượng hoàng Trần Nghệ Tông cũng làm một bài minh khắc ở lưng bia. Năm 2015, bia “Thanh Hư Động” được công nhận là bảo vật quốc gia, hiện bia đặt tại sân chùa Côn Sơn.

“Thanh Hư” có nghĩa là thanh trong, thoát tục và hư không. “Động” là một khu vực, không phải hang động. Sử sách ghi về Thanh Hư Động như sau: “Chỗ cao khoáng khoát, chỗ thấp bằng phẳng, đứng xa trông chỉ thấy một màu xanh, khu động vây bọc những cảnh kỳ lạ và đẹp đẽ, các nơi nghỉ ngơi, chơi ngắm đều đặt tên riêng, nhưng tất cả khu đó gọi chung là Thanh Hư Động”.

Cảnh đẹp của Thanh Hư Động được miêu tả: “… khói ngàn ráng đỏ như gấm cuốn, như lụa giăng, cỏ rừng hoa suối hoặc màu biếc đung đưa hoặc màu hồng rực rỡ. Cảnh mát dịu trong lành, thơm đến muốn nuốt, xinh đến muốn ăn. Phàm những cái gọi là hình trạng trong mát, tiếng xa xa mà vẳng không, sâu thẳm mà lặng lẽ hợp với sự mong mỏi của tai mắt và tinh thần đều hầu như đã hòa với bầu trời mênh mông mà vui chơi ra ngoài cõi vật…”.

Năm 1385, Trần Nguyên Đán cùng phu nhân đưa cháu ngoại Nguyễn Trãi về sống tại Côn Sơn trong Thanh Hư Động. Ông cùng phu nhân trồng rừng thông, bãi rễ và nuôi dạy Nguyễn Trãi trưởng thành. Năm 1390, quan Tư đồ Trần Nguyên Đán tạ thế tại Côn Sơn. Vua Trần nhớ công đức của ông, sắc chỉ cho nhân dân lập đền, tạc tượng thờ tại Côn Sơn. Trải qua năm tháng, Thanh Hư Động và đền thờ Trần Nguyên Đán xưa không còn.

Điểm tham quan hấp dẫn

Năm 2005, Nhà nước đầu tư khôi phục đền Thanh Hư trên nền nhà cũ của Trần Nguyên Đán giữa rừng Côn Sơn. Đền Thanh Hư kiến trúc chữ Đinh, tựa núi Ngũ Nhạc, hướng đông nam có hồ Côn Sơn. Trong đền, hệ thống hoành phi, câu đối, đồ thờ bài trí theo cách truyền thống. Tượng Trần Nguyên Đán toát lên thần thái uy nghiêm, nhân từ.

Thanh Hư Động hiện nay bao gồm đền Thanh Hư, đền Nguyễn Trãi, suối Côn Sơn, cầu Thấu Ngọc… Những năm gần đây, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc tích cực cải tạo cảnh quan Thanh Hư Động, hấp dẫn du khách đến tham quan.   
     
Tiến sĩ Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích cho biết cảnh quan khu vực Thanh Hư Động hiện nay đã được trả lại tương đối giống với những gì được ghi chép trong lịch sử. Mới đây, đơn vị đã cho mở một con đường làm bằng đá xanh dài 250m từ lầu Phật Bà Quán Thế Âm Bồ Tát (phía sau chùa Côn Sơn) sang Thanh Hư Động.

Hai bên đường trồng hoa cỏ, phía dưới có suối Côn Sơn. Đơn vị cho lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn vị trí, sơ đồ tham quan và giới thiệu về Thanh Hư Động. Du khách khi dâng hương ở chùa Côn Sơn có thể thong dong đi bộ ngắm cảnh, hít hà không khí thiên nhiên trong lành của núi rừng rồi sang chiêm ngưỡng khu đền Nguyễn Trãi, đền Trần Nguyên Đán, cầu Thấu Ngọc.

Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đang phối hợp với các nhà khoa học, đơn vị chuyên môn nghiên cứu khôi phục suối nước Côn Sơn. Nếu chương trình này thành công, suối Côn Sơn sẽ có nước quanh năm, tôn thêm cảnh đẹp của Thanh Hư Động.

Khu vực đền Nguyễn Trãi và cầu Thấu Ngọc đã được tích cực cải tạo trong 2 năm trở lại đây. Hàng nghìn m2 hoa với đủ loại sắc hương, cây cảnh được trồng biến nơi đây thành khu vực tham quan, chụp ảnh lưu niệm hấp dẫn với rất nhiều du khách. Chị Lưu Thị Hằng (Hà Nội) lần đầu về thăm Côn Sơn nói: "Thiên nhiên khu vực Thanh Hư Động thật yên tĩnh, trong lành. Tới đây, chúng tôi không chỉ được đắm mình trong không gian cổ kính, giàu giá trị lịch sử văn hóa mà còn được trải nghiệm, ngắm cảnh thiên nhiên tuyệt vời".

TIẾN MẠNH (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây