Đặc sắc lễ hội quân trên sông Lục Đầu

Thứ bảy - 07/10/2017 01:20 - 2542 lượt xem
Toàn cảnh lễ hội quân trên sông Lục Đầu
Toàn cảnh lễ hội quân trên sông Lục Đầu
Đặc sắc của lễ hội quân là đã thể hiện được hào khí Đông A hào hùng một thuở; nhắc nhớ cho thế hệ sau này về những chiến công hiển hách của quân dân nhà Trần.
Lễ hội quân trên sông Lục Đầu là sự kết hợp giữa nghi thức rước nước cổ truyền và tái hiện cuộc hội quân của Trần Hưng Đạo tại đại bản doanh Vạn Kiếp cách đây hơn 700 năm. Đây là nghi lễ độc đáo, đặc sắc được duy trì nhiều năm nay tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc.

Khôi phục nghi lễ cổ

Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Tháng 2 năm 1284, Hưng Vũ Vương Nghiễn, Minh Hiến Vương Uất, Hưng Nhượng Vương Tảng, Hưng Trí Vương Hiện đốc xuất 20 vạn quân các xứ Bàng Hà, Na Sầm, Trà Hương, Yên Sinh, Long Nhãn đến hội quân ở Vạn Kiếp theo quyền điều khiển của Hưng Đạo Vương để chống quân Nguyên”. Tháng 6 năm 1285, Hưng Đạo Vương chỉ huy lực lượng đánh tan đạo quân của Thoát Hoan, kết thúc cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai.

Theo các cụ cao niên ở xã Hưng Đạo (Chí Linh), để con cháu thế hệ sau này cảm nhận, tự hào và được sống trong không khí hào hùng của cha ông thuở trước, trước kia vào mỗi dịp lễ hội đền Kiếp Bạc, địa phương đều tổ chức lễ hội quân trên sông Lục Đầu (còn gọi là lễ rước nước). Nghi lễ được duy trì cho đến đầu thế kỷ XX. Sau này do chiến tranh và biến động xã hội nên lễ rước nước không còn được tổ chức tại lễ hội đền Kiếp Bạc. Nhằm khai thác, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cổ truyền, trong đó có nghi lễ rước nước, tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2006, được sự đồng ý của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tỉnh ta đã phục dựng lại lễ hội quân trên sông Lục Đầu.

Ban Quản lý di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đã mời các ngư dân huy động hàng chục chiếc thuyền lớn, nhỏ ở các làng chài Yết Kiêu (Gia Lộc), Thanh Hải (Thanh Hà), Kênh Giang (Chí Linh), Trà Cổ, Móng Cái (Quảng Ninh), Cát Bà, Cát Hải, Thủy Nguyên (Hải Phòng)về tham gia lễ hội quân. Riêng 2 làng Vạn Yên và Dược Sơn mỗi làng chuẩn bị hai thuyền rước lễ phẩm tiến thánh.Trên bờ, Ban tổ chức cắm hàng trăm chiếc hồng kỳ, cờ đứng và hàng nghìn người reo hò cổ vũ. Ban Quản lý còn mời đội múa lân, sư rồng, môn phái võ Nhất Nam, đội võ gậy ở Hội Xuyên (Gia Lộc) - quê hương của danh tướng Nguyễn Chế Nghĩa, một tướng tài của Trần Hưng Đạođể biểu diễn võ thuật…

 
Đoàn thuyền tái hiện cảnh tướng lĩnh, binh sĩ nhà Trần trong lễ hội quân

Nghi lễ rước thủy và hội quân trên sông Lục Đầu là nghi thức quan trọng tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc. Toàn bộ lễ rước là một cuộc diễu hành phô trương lực lượng mạnh mẽ với quy định nghiêm ngặt của việc tuyển chọn người đi rước. Nghi lễ trang nghiêm của đám rước, số lượng người đông đảo và các loại tàu thuyền, khí trượng màu sắc tạo nên sự uy linh, long trọng. Đó chính là hình bóng của cuộc hội quân năm xưa với nhiều tướng lĩnh và các đạo quân đủ thành phần. Sự hùng hậu và rực rỡ của đám rước tạo nên một không khí tưng bừng của ngày lễ hội quân, làm sống lại những chiến công hiển hách của Hưng Đạo Đại Vương, đồng thời góp phần giáo dục, khích lệ thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời kỳ mới.

Hoành tráng, rực rỡ

Lễ hội quân trên sông Lục Đầu được tổ chức vào ngày khai hội mùa thu Côn Sơn – Kiếp Bạc, ngay sau lễ rước bộ, lễ tưởng niệm ngày mất Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Qua mỗi năm, nghi lễ lại được chuẩn bị kỹ càng, chu đáo với quy mô hoành tráng, sắc màu rực rỡ, lôi cuốn, hấp dẫn hàng trăm người dân, du khách thập phương về theo dõi.Trên đê, dưới bến, cờ xí rợp trời, tiếng trống vang lên thôi thúc lòng người. Cảnh múa lân, rồng truyền thống khai màn lễ hội quân được biểu diễn trước sự cổ vũ của hàng vạn người xem. Ở dưới bãi bồi ven sông, hàng trăm võ sĩ đội đánh gậy Gia Lộc trong bộ võ phục biểu diễn đánh côn tái hiện khí thế hào hùng, thượng võ của ông cha xưa từng theo tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa cùng với những cánh quân khác dưới sự chỉ huy của Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ra đi sát Thát, diệt giặc Nguyên Mông thuở nào. Tiếp đó là các màn biểu diễn võ cổ truyền dân tộc do các võ sinh phái võ Nhất Nam thể hiện, gợi lại hình ảnh quân tướng nhà Trần đang hăng say tập luyện để đánh giặc cứu nước.

 
Lễ hội quân trên sông Lục Đầu diễn ra hoành tráng, hấp dẫn du khách

Dưới sông, hàng chục chiếc thuyền được chia thành 2 đoàn. Mỗi thuyền được trang trí bằng những dải vải đỏ lượn sóng 2 bên mạn. Trên mỗi thuyền bố trí 10 thuyền mặc quần áo thủy binh nhà Trần đứng dàn xung quanh. Những chiếc thuyền to được treo những tấm phướn lớn, mỗi tấm phướn là một bức đại tự bằng tiếng Hán, thuyền nào không treo phướn thì sẽ treo cờ hội (loại cờ đại). Đoàn thứ nhất từ phía đền Nam Tào, tên thuyền chủ là “Nhạc Độc Chung Linh” xuất phát từ vị trí Cồn Kiếm. Đoàn thứ 2 tập kết bên sông trước đền Bắc Đẩu, tên thuyền chủ là “Âm Dương Hợp Đức”, 5 thuyền mang biển Thanh Long, Bạch Hổ và các thuyền sau mang biển chữ câu đối: “Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí; Lục Đầu vô thủy bất thu thanh”. Hai đoàn thuyền sẵn sàng đợi lệnh hội quân. 

Pháo hiệu vang lên, hai đoàn thuyền từ vị trí xuất phát tiến về quãng sông chính giữa lễ đài và giao nhau 3 lần gắn với 3 chủ đề lần lượt là: “Hào khí Đông A”, “Hùng khí Lục Đầu”, “Ca khúc khải hoàn”. Gắn với mỗi chủ đề, trên bờ các đội rồng, lân, đội võ, đội gậy lại biểu diễn theo đúng ý tưởng cốt lõi của chủ đề đó. Trên bờ, tràn ngập tiếng chiêng trống, cổ vũ, hò reokhiến cho người xemphấn chấn. 

Lễ hội quân trên sông Lục Đầu đã giúp nhân dân và du khách thập phương hiểu phần nào về cuộc duyệt binh biểu dương lực lượng chuẩn bị kháng chiến ở Đông Bộ Đầu tháng 8 năm Giáp Thân (1284) và cuộc hội quân với 20 vạn quân ở Vạn Kiếp năm 1285 với sức mạnh ba quân hừng hực ý chí chiến đấu và quyết tâm sát Thát át cả sao Ngưu, hào khí Đông A hùng tráng ngất trời ở ngay trên bến Vạn Kiếp năm xưa.

Các chuyên gia nghiên cứu văn hóa và lịch sử đánh giá nét độc đáo, đặc sắc của lễ hội quân trên sông Lục Đầu là đã thể hiện được hào khí Đông A hào hùng một thuở; nhắc nhớ cho thế hệ sau này về những chiến công hiển hách của quân dân nhà Trần, những đặc trưng sở trường trong cách dụng binh, đánh trận dưới nước của Trần Hưng Đạo. Bởi vậy, người dân coi ông là thủy tổ của nghề sông nước và hải quân Việt Nam.

 
TIẾN MẠNH - Báo Hải Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây