4 phù ấn của Đức Thánh Trần
Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn là một thiên tài quân sự, vị Anh hùng dân tộc kiệt xuất, được vua nhà Trần phong Quốc Công Tiết Chế, thống lĩnh ba quân đánh tan giặc Nguyên Mông, bảo vệ giang sơn Đại Việt. Vì có tài đức phi thường và công lao vĩ đại nên ngài được nhân dân tôn vinh là Đức Thánh, Đức Phật, là "Cửu Thiên Vũ Đế" từ trên trời hiển ứng xuống cứu nước, giúp dân, diệt trừ giặc giã.
Đền Kiếp Bạc thờ Đức Thánh Trần là tôn miếu linh thiêng của đất nước. Nhà sử học Phan Huy Chú từng viết: "Mỗi khi trong nước có đại sự, triều đình đến làm lễ cầu đảo; các tướng tá, vương công mỗi khi có việc chinh chiến cũng đến đền bái yết rồi mới xuất quân...". Bởi vậy, cứ mỗi dịp "Tháng tám giỗ cha" hoặc mỗi khi có việc hệ trọng, người dân lại thành tâm về Kiếp Bạc làm lễ và xin phù ấn của Đức Thánh, cầu ngài phù hộ.
Đền Kiếp Bạc còn lưu giữ 4phù ấn của Đức Thánh Hưng Đạo Đại vương được làm bằng đồng. Ấn thứ nhất có hình vuông (kích thước 10 x 10 cm), trên khắc chữ "Trần triều Hưng Đạo vương chi ấn" (được hiểu là ấn của Hưng Đạo vương triều Trần). Đây là ấn phù quan trọng nhất, nội dung thể hiện quyền uy và sức mạnh mà Đức Thánh Trần ban cho. Ấn thứ 2 hình vuông (kích thước 5,5 x 5,5 cm), trên khắc chữ "Quốc pháp Đại Vương" (được hiểu là ấn phù của Quốc pháp Đại vương hoặc Đại vương giữ phép nước), cầu Đức Thánh ban sức mạnh uy quyền, bắt mọi thế lực phải tuân theo luật pháp. Ấn thứ 3 cũng có hình vuông (kích thước 4,3 x 4,3cm), trên khắc chữ "Vạn Dược linh phù" (được hiểu là phù ấn linh thiêng của đền Vạn Dược). Dược là thuốc chữa bệnh. Đây là phù ấn linh thiêng cứu giúp mọi người được sống mạnh khỏe, không bệnh tật... Ấn thứ 4 là ấn duy nhất có hình chữ nhật (kích thước 5,2 x 7,8 cm), trên khắc chữ "Phi thiên thần kiếm linh phù" (được hiểu là phù ấn linh thiêng của Phi thiên thần kiếm), cầu bình an, sát quỷ trừ tà.
Các cụ cao tuổi ở địa phương cho rằng 4 chiếc ấn trên có từ khi lập đền Kiếp Bạc. Theo lệ cổ, trước ngày đại kỵ của ngài (ngày giỗ của Đức Thánh Trần), chính quyền sở tại cùng với thủ từ làm lễ đóng ấn vào một tấm lụa màu vàng để đến hội ban cho nhân dân và du khách thập phương. Dân gian cho rằng muốn cầu việc lớn, việc quan tước, thăng thưởng, cầu phải trái phân minh... thì xin phù ấn "Trần triều Hưng Đạo vương chi ấn" hoặc ấn "Quốc pháp Đại vương"; cầu trường thọ, sinh con, tài lộc dồi dào, sự tốt lành phát triển thì xin phù ấn "Vạn Dược linh phù"; cầu tránh tà ma, bệnh tật, giặc giã xin "Phi thiên thần kiếm linh phù".
Theo từ điển Hán - Việt của Thiều Chửu, chữ "phù" có nghĩa là điềm tốt lành, là cái bùa bằng giấy mà các thầy cúng vẽ son mực vào để trừ ma. Như vậy, 4 phù ấn ở đền Kiếp Bạc thiên về nghĩa là điểm tốt lành, là bùa dùng để chữa bệnh, trừ tà... Bộ ấn này là những bảo vật quý hiếm, gắn liền với sinh hoạt văn hóa tâm linh, thể hiện niềm tin yêu tôn kính bậc Thánh nhân cứu quốc; khát vọng được sống yên lành, hạnh phúc của nhân dân. Đó là tâm nguyện chân chính, thiêng liêng được lưu truyền hơn 7 thế kỷ qua ở Lễ hội đền Kiếp Bạc.
Thông thường, người dân xin tấm lụa vàng có in cả 4 phù ấn của đền Kiếp Bạc về treo tại nhà hoặc mang theo bên mình. Khi in phù ấn vào tấm lụa, nhà đền thường in ấn "Phi thiên thần kiếm linh phù" 2 lần, ý tứ muốn tránh số 4 (sinh, lão, bệnh, tử). Như vậy, ấn đền Kiếp Bạc khi ban cho người dân sẽ được in 5phù ấn, ngầm ý cầu mong cho mọi người luôn được vinh hiển, sống lâu, giàu có, yên lành...
Tổ chức chu đáo, trang nghiêm
Cách đây mấy chục năm, lễ ban ấn tại đền Kiếp Bạc không thực sự phổ biến vì một bộ phận người dân cho rằng việc này mang yếu tố mê tín dị đoan. Nhờ những chủ trương, chính sách, nhận thức mới, đúng đắn về vấn đề tín ngưỡng, từ năm 2006, được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tổ chức Lễ hội bắt đầu tổ chức lễ khai ấn và ban ấn theo bài bản mới. Theo đó, đêm 16 sang ngày 17.8 âm lịch hằng năm, lễ khai ấn và ban ấn đền Kiếp Bạc được tổ chức trọng thể, trang nghiêm với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân và du khách thập phương.
Từ 23 giờ đến 23 giờ 30 ngày 16.8 âm lịch, đoàn đại biểu Trung ương, tỉnh Hải Dương cùng các nhà sư sẽ tiến vào hậu cung đền Kiếp Bạc làm lễ khai ấn. Sau khóa lễ Mật niệm (tắt điện) do các nhà sư thực hiện, các đồng chí lãnh đạo tỉnh sẽ đóng 15 ấn rồi đặt lên bàn thờ làm lễ. Làm lễ xong, các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh ban ấn cho các đại biểu.
Lễ ban ấn diễn ra ngay sau đó tại sân phía trước đền Kiếp Bạc với sự tham dự của các thành viên Ban tổ chức lễ hội, pháp sư, ban khánh tiết, nhân dân và du khách thập phương. Khu vực cổng đền, trong sân, trước cửa tiền tế... bố trí lực lượng hàng trăm người gồm công an, sinh viên tình nguyện, đội võ Nhất Nam cùng lan can, barie để bảo đảm an ninh trật tự. Từ cửa phụ bên phải cổng đền vào trước cửa tòa tiền tế được trải thảm màu đỏ, hai bên có đội tiêu binh gồm 250 người tạo thành 1 đường thẳng rộng 1,5 m cho người dân vào xin ấn. Nhân dân tập kết ở cổng đền, sau khi Ban tổ chức tuyên bố và nổi hồi chiêng, trống là lúc lễ ban ấn Đức Thánh Trần triều bắt đầu. Tất cả lần lượt đi vào nhận ấn theo thứ tự cho đến khi kết thúc.
Nhờ sự chuẩn bị, sắp xếp chu đáo nên lễ phát ấn ở đền Kiếp Bạc luôn diễn ra rất trang nghiêm, trật tự, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng người tham dự. Nhiều du khách thập phương từng tham dự lễ ban ấn ở đền Kiếp Bạc đều có chung nhận xét khâu tổ chức rất nghiêm túc, an ninh trật tự được bảo đảm, không bị thương mại hóa... như ở một số lễ ban ấn khác.
Tại Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay, Ban tổ chức sẽ phát miễn phí 10.000 ấn đền Kiếp Bạc cho người dân và du khách thập phương.
TIẾN MẠNH - Báo Hải Dương