Chí Linh, Hải Dương: Dân bỏ ruộng có phải vì ô nhiễm?

Thứ ba - 14/11/2017 17:56 - 3008 lượt xem
Theo người dân nước Kênh T6 có màu đen ngòm, ô nhiễm nghiêm trọng là do hoạt động xả thải của Cụm công nghiệp Tân Dân
Theo người dân nước Kênh T6 có màu đen ngòm, ô nhiễm nghiêm trọng là do hoạt động xả thải của Cụm công nghiệp Tân Dân
Những năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ nguồn nước Kênh T6, đã kiến năng suất lúa của nhiều hộ gia đình xã Tân Dân, thị xã Chí Linh và Đồng Lạc, huyện Nam Sách (Hải Dương) bị sụt giảm nghiêm trọng. Không những vậy, có hộ gia đình phải “ngậm ngùi” bỏ ruộng hoang, nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nguồn nước theo người dân là do xả thải của Cụm công nghiệp Tân Dân, thị xã Chí Linh gây ra.

Xả thải gây ảnh hưởng sản xuất

Đã nhiều năm qua, gia đình ông Nguyễn Văn Đốc, thôn Kỹ Sơn, xã Tân Dân, thị xã Chí Linh (Hải Dương) đã phải bỏ hoang gần 400m2 ruộng phía sau Cụm công nghiệp Tân Dân, do nguồn nước phục vụ gieo cấy lúa ô nhiễm nghiêm trọng. Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Đốc than thở: “Không chỉ gia đình tôi mà gần chục hộ khác trong thôn cũng phải bỏ ruộng nhiều năm qua. “Tấc đất, tấc vàng” bỏ thì tiếc,  nhưng có cấy thì không được thu hoạch. Không chỉ lúa mà gia đình đã thay thế các loại cây khác cũng không thể phát triển. Nguyên nhân chính có thể khẳng định, chính là nguồn nước từ kênh T6 dẫn vào tưới tiêu bị ô nhiễm nghiêm trọng. Bởi trước đây, chúng tôi dẫn nước từ kênh T6 vào mương xương cá để sản xuất đều không có vấn đề gì, nhưng từ khi Cụm công nghiệp Tân Dân đi vào hoạt động, các nhà máy xả thải vào dòng kênh làm nước trong kênh đổi màu, bốc mùi hôi tanh. Chúng tôi phải lấy nước ngay tại điểm xả thải nên ô nhiễm càng nặng hơn. Lúa khi đẻ nhánh thì lá vàng rồi lụi dần. Gia đình đã cố canh tác thêm vài vụ nhưng lúa vẫn chết, nên không chỉ có gia đình tôi mà nhiều hộ đành phải để ruộng hoang. Đất bỏ hoang không thể gieo cấy mà vẫn phải đóng thuế đầy đủ, khiến nhiều hộ gia đình đã rất bức xúc phản ánh, khiến nghị chính quyền… Nhưng tình trạng ô nhiễm từ Cụm công nghiệp không thuyên giảm mà ngày thêm gia tăng”.

Nước của một số Công ty Cụm công nghiệp Tân Dân chảy ra môi trường có màu đục như nước gạo, bốc mùi hôi thối
Nước của một số Công ty Cụm công nghiệp Tân Dân chảy ra môi trường có màu đục như nước gạo, bốc mùi hôi thối

Cũng phải sử dụng nguồn nước tưới phục vụ sản xuất, nuôi trồng thủy sản… không thể đánh giá được chất lượng nguồn nước kênhT6 nhưng ông Lê Văn Lý, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách vẫn có thể cảm nhận được mức độ ảnh hưởng của nó tới hoạt động sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của gia đình. Theo ông Lý, gần 3.000 m2 lúa của nhà ông năng suất ngày một kém. Không những vậy, nhiều ao cá trong xã lấy nước từ kênh, cá cũng bị chết nhiều. Màu nước kênh thay đổi bất thường, lúc thì đen ngòm, lúc lại ngả vàng, khi thì trắng đục như nước vo gạo. Vào mùa cạn, dòng kênh không được thau rửa, ô nhiễm càng trầm trọng. Nước trong kênh đặc quánh, tanh ngòm, ruồi bọ lúc nhúc khiến cho mọi người cảm thấy ngột ngạt, khó chịu. Ông Lý bức xúc, nói: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị chính quyền địa phương, doanh nghiệp cũng cam kết sẽ khắc phục nhưng đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, trong khi tình trạng ô nhiễm không những không giảm mà ngày càng trầm trọng hơn”.

Cần nhanh chóng có giải pháp

Theo số liệu thống kê của ông Lê Văn Thành, Trưởng thôn Kỹ Sơn, xã Tân Dân thì hiện nay trong thôn có 7.000 m2 ruộng lúa canh tác 2 vụ phải bỏ hoang do nguồn nước và ô nhiễm môi trường, từ các Công ty ở Cụm công nghiệp Tân Dân. Thôn đã nhiều lần kiến nghị chính quyền cơ sở, tiếp xúc cử tri… nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn không được khắc phục, nên người dân đành bỏ ruộng hoang hóa. Không riêng người dân thôn Kỹ Sơn, mà cả người dân trong xã và các xã lân cận đang hết sức lo ngại, nước Kênh T6 không những ảnh hưởng đến sản xuất mà còn ngấm vào mạch nước nguồn, đổ ra sông lớn đang được bơm lên làm nước sinh hoạt cho nhiều xã của thị xã Chí Linh và huyện Nam Sách.

Được biết, Kênh T6 dài hơn 2 km, là kênh dẫn tưới cho trạm bơm Kỹ Sơn, Hoàng Trà, kênh dẫn tiêu cho trạm bơm Vạn Thắng, có nhiệm vụ bảo đảm tiêu, cấp nước thường xuyên cho 250 ha đất canh tác tại các xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách và xã Tân Dân, thị xã Chí Linh. Chính vì, Kênh T6 là đầu mối xả thải của Cụm công nghiệp Tân Dân nên chất lượng nước ngày càng xuống thấp, trở thành dòng kênh “chết”. Theo kết quả quan trắc mới đây nhất của liên sở: Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tài nguyên & Môi trường, chất lượng nước mặt Kênh T6 đang ở mức đáng báo động, các thông số kỹ thuật như NO2-N, NH4+-N, COD, E.coli đều vượt xa so với quy chuẩn cho phép. Thậm chí, đây là tuyến kênh có chất lượng nước thấp nhất trong số 17 tuyến kênh được khảo sát ở tỉnh Hải Dương.

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước kênh T6 diễn ra từ lâu, song vẫn chưa được khắc phục triệt để. Vào mùa mưa, nước trong kênh được lưu thông liên tục nên chất lượng nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không đáng lo ngại. Tuy nhiên, vào mùa khô thì vấn đề này trở nên cấp bách, nhức nhối hơn. Để cải thiện tình hình, Xí nghiệp khai thác công trình thủy lợi thị xã Chí Linh phải điều tiết nước từ kênh xả Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, đồng thời đưa nước từ sông Thiên qua cống Vạn Thắng dẫn vào kênh để làm giảm mức độ ô nhiễm. Mặc dù vậy, đây chỉ là giải pháp tình thế. Nếu thời gian tới, nguồn nước kênh T6 không được cải thiện sẽ gây ra hậu quả lớn đối với sản xuất nông nghiệp, làm giảm năng suất và chất lượng nông sản của nhiều hộ dân thị xã Chí Linh và huyện Nam Sách.

Nhiều hộ gia đình thôn Kỹ Sơn, xã Tân Dân bỏ hoang hóa ruộng
Nhiều hộ gia đình thôn Kỹ Sơn, xã Tân Dân bỏ hoang hóa ruộng

Theo đại diện lãnh đạo, Chi cục Thủy lợi tỉnh Hải Dương, hiện nay, tình trạng ô nhiễm nguồn nước kênh T6 đang ở mức trầm trọng, chất lượng nước mặt không đáp ứng được yêu cầu cho sản xuất. Trước thực trạng này, Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ban hành văn bản đề nghị thị xã Chí Linh tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ nguồn nước của người dân. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp xả thải không theo quy định, gây ô nhiễm nguồn nước nhưng đến nay, ô nhiễm nguồn nước kênh T6 vẫn không được xử lý dứt điểm.

Kênh T6 hiện nay là điểm “đen” về chất lượng nước phục vụ nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Nguyên nhân, được người dân trên địa bàn chỉ rõ là do một số Công ty ở Cụm công nghiệp Tân Dân, thị xã Chí Linh gây ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường; thiệt hại sản xuất, đời sống, sức khỏe… nhiều hộ gia đình. Để có thể khắc phục được triệt để ô nhiễm, xác định rõ nguyên nhân cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp, ban, ngành tỉnh Hải Dương, không thể người dân mãi kiến nghị, nhưng vẫn gánh hậu quả như nhiều năm đã qua.

Bài, ảnh: Phạm Hoàng (Báo điện tử Tài nguyên & Môi trường)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây