Chí Linh, Hải Dương: “Cát tặc” núp bóng nạo vét lòng sông Kinh Thầy

Chủ nhật - 10/01/2016 06:18 - 2646 lượt xem
Thuyền nạo hút cát ngay sát nhà dân
Thuyền nạo hút cát ngay sát nhà dân
Chính quyền và nhân dân xã Kênh Giang ngày đêm xua đuổi tàu hút cát ngang nhiên, hết chiếc này đến chiếc khác thi nhau “xẻ thịt” dòng sông Kinh Thầy.

Nhiều nhà dân ven sông có nguy cơ sạt lở.

Từ ngày 22/6/2015 “ồ ạt” kéo về tiến hành hút cát trên sông Kinh Thầy khiến nhân dân lo lắng cho ngôi làng vốn đã nhỏ bé, chật hẹp, làm ăn trên sông tích cóp được ít tiền xây nhà ven sông theo chủ trương, chính sách của nhà nước nay nạn khai thác cát hoành hành, gia đình họ có nguy cơ trôi tụt xuống lòng sông. Chính quyền địa phương thì “bó tay” vì có muốn cũng không đủ thẩm quyền ngăn cản hay can thiệp.

Từ tháng 6/2015 đến nay, người dân thôn Tân Lập, thôn Nam Hải và một số thôn khác ven sông thuộc xã Kênh Giang, TX Chí Linh (Hải Dương) luôn sống trong nỗi lo lắng bị mất đất, sụt đất ở, nhà ở vì tình trạng khai thác cát trái phép xuất hiện trên sông Kinh Thầy.

Ngày 28/12/2015, Phóng viên PhapluatPlus có mặt trên bờ sông Kinh Thầy tận mắt chứng kiến gần chục chiếc tàu dàn hàng dài hút cát bên bờ phía xã Kênh Giang.

Tiếng  động cơ hoạt động hết công suất ầm ầm, xé toang bầu không gian yên tĩnh của một vùng quê yên ả bấy lâu. Các tàu hút cát này hoạt động liên tục, nhiều chiếc tải trọng lớn, khi hút “no” cát mới chịu nhổ neo, từ từ di chuyển. 

Ông Bùi Văn Lợi, 81 tuổi, Trưởng ban Công tác Mặt trận cơ sở thôn Tân Lập, xã Kênh Giang cho biết: Có thời gian các tàu hút cát trái phép khoảng 22 giờ hằng ngày, hoạt động cho tới tận sáng. Khi người dân chìm vào giấc ngủ, cũng là lúc “cát tặc” hoạt động mạnh nhất.

Các tàu khai thác cát ở xã Kênh Giang rất gần bờ
Các tàu khai thác cát ở xã Kênh Giang rất gần bờ

Thời gian gần đây, các tàu hút cát ngang nhiên hoạt động giữa “thanh thiên bạch nhật”, thường từ 5-6 giờ sáng cho tới 13-14 giờ chiều hằng ngày, thách thức nhân dân, coi thường chính quyền các cấp.

Nhưng nỗi lo lớn nhất của bà con có nhà ở chỉ cách bờ sông hơn chục mét, nếu tình trạng này kéo dài, không chỉ mất đất sản xuất, mà còn có nguy cơ sạt lở, mất cả đất ở.

Qua tìm hiểu của phóng viên, hoạt động khai thác cát trái phép chủ yếu ở 3 điểm trên đoạn sông Kinh Thầy, mỗi điểm khoảng chục tàu thường xuyên tiến hành hút cát. Khi người dân tập trung ra đuổi thì họ cho tàu đi, nhưng ngay trong đêm hôm đó, các tàu lại quay lại hút cát.

Hiện nay có nhiều diện tích bãi của nhân dân ở thôn Tân Lập bị sạt lở hàng chục mét vuông, cây cối cũng bị kéo hết xuống sông.

Theo phản ánh của người dân thường mỗi tàu cắm một ống hút xuống lòng sông (có 5-6 đoạn ống được nối vào nhau, mỗi đoạn dài 6m) để hút cát. Những người dân có kinh nghiệm “sông nước” cho biết, sau vài tháng bị hút cát, đáy sông đã sâu xuống tới hơn 20m, từ đó kéo theo việc sụt lún hai bên bờ sông.

Kể từ khi “cát tặc” xuất hiện, nhân dân đã có đơn kêu cứu gửi khắp nơi nhưng, việc giải quyết của các cơ quan chức năng còn rất hạn chế, không hiệu quả.

Khai thác cát trái phép “núp bóng” nạo vét dòng sông.

Nguyên nhân chính được người dân và cán bộ chính quyền nơi đây “chỉ mặt” được bắt nguồn từ Dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia, kết hợp tận thu sản phẩm (cát) trên sông Kinh Thầy đoạn Km 13+00 đến Km 21+500. Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Việt Sơn là đơn vị thực hiện dự án trên đoạn sông Kinh Thầy.

Đơn của người dân xã Kênh Giang gửi PhapluatPlus.
Đơn của người dân xã Kênh Giang gửi PhapluatPlus.

Người dân nơi đây rất hoang mang vì họ chẳng được biết ai cho phép, cơ quan nào kiểm tra giám sát hoạt động của các tàu hút cát. Các tàu hút cát cứ ngang nhiên thọc vòi xuống lòng sông hút tài nguyên thiên nhiên, rồi bình tĩnh chở đi.

Các hộ gia đình ven sông phản ánh gọi là Dự án nạo vét luồng đường, nhưng các tàu lại chỉ tập trung chủ yếu vào vài điểm có cát, chứ không rà hút toàn tuyến như cái tên của dự án.

Nhân dân còn cho biết, theo dự án, độ sâu của đáy sông được nạo vét chỉ là 2,7m – 2,8m. Thế nhưng, ở những chỗ có tàu hút cát, độ sâu lên tới hàng chục mét dẫn đến tình trạng sụt lở hai bên bờ, khiến đất đai của bà con dần bị “hút” xuống lòng sông.

Một điểm sạt lở tại thôn Tân Lập
Một điểm sạt lở tại thôn Tân Lập

Các cơ quan chức năng từ tỉnh, huyện đến xã ban đầu cũng xử lí rất quyết liệt, nhưng càng về sau càng chùng xuống. Lí do được đưa ra, hoặc là không đủ thẩm quyền giải quyết, hoặc không đủ lực lượng giám sát, cũng có lí do có giấy tờ được cơ quan Nhà nước cho phép.

Hằng ngày chứng kiến cảnh hai bờ sông sạt lở nguy cơ quấn theo bao công sức, tài sản của mình có nguy cơ cứ từ từ chìm xuống dòng sông Kinh Thầy.

Nhân dân các thôn ven sông có lúc đã phải dùng gậy gộc, đứng trên bờ sông la ó, xua đuổi tàu hút cát; có khi chuẩn bị bình ga, xăng dầu, máy cắt dự định cắt ống hút cát… để đe doạ các tầu khai thác cát nhưng đâu vẫn đóng đấy khiến họ mang nhiều cảm giá mất niềm tin, bất an và bức  xúc.

Tác giả bài viết: Sơn Hùng

Nguồn tin: www.phapluatplus.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây