Tháng 5-2005, Bộ Giao thông vận tải khởi công dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân với tổng mức đầu tư 7.665 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Là tuyến đường sắt đầu tiên có tốc độ thiết kế 120km/h được triển khai thi công ở Việt Nam, dự án được kỳ vọng trở thành một trong những tuyến động lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tham gia kết nối hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.
Toàn bộ dự án có chiều dài 131km, bắt đầu từ ga Yên Viên đi qua địa bàn Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh và kết thúc tại cảng Cái Lân thuộc TP Hạ Long, trong đó có 43km đường sắt được xây dựng mới, 88km còn lại được nâng cấp, cải tạo từ tuyến đường sắt Kép - Hạ Long.
Khi dự án hoàn thành, tàu không phải chạy ngược từ ga Yên Viên (Hà Nội) lên Kép (Bắc Giang) để tới Hạ Long (Quảng Ninh) với hành trình 7 tiếng rưỡi như hiện nay nữa. Tuyến đường sắt mới sẽ rút ngắn thời gian chạy tàu từ Yên Viên tới Hạ Long còn 1,5-2 tiếng với tàu khách, 3-4 tiếng với tàu hàng.
Dự kiến hoàn thành năm 2011 nhưng trên thực tế, đến năm 2011 dự án vẫn dang dở và bị tạm đình hoãn theo chủ trương cắt giảm đầu tư công tại Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP của Chính phủ.
7 năm từ đó đến nay, nhiều hạng mục của dự án đã nhuốm màu rêu. Đầu tháng 7-2018, khi chúng tôi trở lại công trường dự án, nơi đây vắng vẻ, hoang vu như phế tích.
Cầu vượt đường sắt bắc qua đường cao tốc Hà Nội - Bắc Giang cụt hai đầu đứng chơ vơ giữa khoảng không khiến bao người thắc mắc.
Cách đó không xa, phần nền đường băng qua cánh đồng đi vào phường Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh trông như con đê nhỏ cây cỏ đã phủ xanh.
Cầu vượt đường sắt qua quốc lộ 38 ở khu Tiên Xá, phường Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh vẫn trống toác hai đầu.
Các cống chui dân sinh chưa được kết nối với nền đường thì loang lổ rêu đen như những cổng thành hình thù kì dị.
Điểm đáng buồn nhất trong bức tranh vẽ dở của dự án này là hạng mục cầu đường sắt Phả Lại bắc qua sông Lục Đầu Giang.
Cây cầu dài hơn 1km nối xã Đức Long, Quế Võ, Bắc Ninh với thị xã Phả Lại, Hải Dương đã thi công xong, chỉ chờ lắp đường ray. Nhưng do chưa có đường dẫn, cây cầu giờ cụt một đầu ở phía thị xã Chí Linh.
"Tôi nghe nói dự án đường sắt này dừng thi công vì thiếu tiền. Người dân chúng tôi hay nói đùa với nhau là ‘thui chó nửa chừng thì hết rơm’. Đáng tiếc là bỏ nhiều tiền của vào đây rồi lại bỏ hoang", người bán quán nước gần cầu đường sắt ở khu Tiên Xá ví von chua chát.
Khu nhà một thời sôi động công nhân giờ cỏ phủ kín sân
7 năm qua không ai qua lại nơi công trường này, khu nhà ở của công nhân đã bị tháo dỡ chỉ còn lại vài gian phòng cấp 4. Khu nhà một thời đông đúc giờ cỏ phủ kín sân, mấy con bò thong dong gặm cỏ.
Người công nhân của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 trông coi khu nhà ngạc nhiên khi thấy chúng tôi - những vị khách hiếm hoi tới đây. Ông cho biết đơn vị thi công cầu đã rút quân cách đây mấy năm nhưng cầu chưa bàn giao nên ông vẫn phải ở đây trông coi, một mình giữa bãi sông cô quạnh.
Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được chia làm 4 tiểu dự án: Yên Viên - Lim (Bắc Ninh) dài 10,77km; Lim - Phả Lại dài 36,194km; Phả Lại - Hạ Long dài 78,355km; và Hạ Long - cảng Cái Lân dài 5,669km.
Sau 5 năm thi công, đến tháng 10-2010, chỉ có tiểu dự án Hạ Long - cảng Cái Lân được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, do tàu vẫn phải đi vòng qua Kép (Bắc Giang), thời gian từ Hà Nội đến Hạ Long trên quãng đường khoảng 165 km với nhiều đoạn xuống cấp vẫn mất đến 7,4 tiếng, tuyến đường sắt mới không hút được khách.
Đến đầu năm 2017, Công ty CP đường sắt Hà Nội chỉ còn khai thác một đôi tàu chạy từ Yên Viên đến Hạ Long và ngược lại vào thứ Sáu hàng tuần. Đoàn tàu cũng chỉ có 1 toa chở khách, 1 toa chở hàng phục vụ vài chục hành khách, y hệt tàu chợ ngày xưa.
Ngày 2-9-2018, ngành đường sắt đã khôi phục lịch chạy tàu hàng ngày với đôi tàu mang số hiệu 51501 và 51502 trên tuyến đường sắt Yên Viên - Hạ Long.
Tàu 51501 xuất phát tại ga Yên Viên lúc 4h55, đến ga Hạ Long lúc 11h41. Tàu 51502 xuất phát tại ga Hạ Long lúc 13h50, đến ga Yên Viên lúc 20h31.
Đôi tàu này đỗ đón, trả khách tại các ga Yên Viên, Từ Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phố Tráng, Kép, Bảo Sơn, Lan Mẫu, Đông Triều, Mạo Khê, Uông Bí, Yên Cư, Hạ Long trong hành trình dài gần 9 tiếng, giá vé 20.000-80.000 đồng
Nghĩa là mỗi ngày chỉ có hai đoàn tàu đến và đi tại ga Hạ Long - nhà ga được xây mới với thiết kế hiện đại theo chuẩn quốc tế, có phòng đợi, phòng ăn, phòng trông giữ trẻ… Hệ thống 6 đường chạy trong sân ga có thể đón, gửi 6-7 đôi tàu/ngày đêm cho giai đoạn hiện nay và 10-11 đôi tàu/ngày đêm cho giai đoạn đến năm 2020.
Hiện nay sân ga là nơi họp chợ nhiều hơn là nơi đón tàu.
Tiểu dự án Lim - Phả Lại có tổng mức đầu tư 2.012 tỉ đồng, đã bố trí 1.970 tỉ, đã giải ngân 1.856 tỉ. Khối lượng công việc mới đạt 54%, hiện chỉ thi công đến điểm dừng kỹ thuật trong phạm vi nguồn vốn được bố trí.
Tiểu dự án Phả Lại - Hạ Long có tổng mức đầu tư 3.851 tỉ đồng, đã bố trí 1.269,1 tỉ, đã giải ngân 1.211 tỉ. Khối lượng công việc mới đạt 25%, chủ yếu là mua sắm ray, tà vẹt, phụ kiện và nâng cấp cải tạo một số cầu yếu.
Tiểu dự án Yên Viên - Lim có tổng mức đầu tư 290 tỉ đồng, đã được bố trí 3,8 tỉ, đã giải ngân 3,2 tỉ, vẫn đang ở giai đoạn tư vấn thiết kế kỹ thuật.
Theo tính toán của Bộ Giao thông vận tải, để dự án có thể tiếp tục, cần thêm 6.000 tỉ đồng bên cạnh 4.556,4 tỉ đã được bố trí. Như vậy, để hoàn thành dự án, tổng mức đầu tư đã "đội" lên thành 10.556 tỉ đồng so với 7.665 tỉ được phê duyệt năm 2004. Lý do tăng là thay đổi về giá nguyên vật liệu, nhân công, kinh phí giải phóng mặt bằng...
Trong khi đó, Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch phát triển tổng thể giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đều đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào khai thác toàn tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân - Hạ Long trong giai đoạn đến năm 2020.
Ưu thế lâu dài của tuyến đường sắt này, theo Bộ Giao thông vận tải, là chuyên chở hàng hóa khối lượng lớn từ Quảng Ninh đến Vân Nam (Trung Quốc), cũng như hàng hóa từ nhóm cảng biển phía Bắc và khách du lịch đến Quảng Ninh.
Những năm qua, Bộ Giao thông vận tải đã nhiều kiến nghị Chính phủ cấp vốn cho dự án. Nhưng khả năng cân đối vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 đang rất khó khăn.
Khó trông vào vốn đầu tư công, Bộ Giao thông vận tải đã xin Thủ tướng chấp thuận kêu gọi đầu tư với hình thức xã hội hóa các hạng mục dang dở của dự án. Đầu năm 2018, Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) đã mời một số đơn vị trong và ngoài nước như Posco E&C (Hàn Quốc), công ty TNHH Cảng container quốc tế Cái Lân, công ty CP Cảng Quảng Ninh… đầu tư nhưng chưa thành công.
Do đó Bộ Giao thông vận tải báo cáo Chính phủ tiếp tục đình hoãn dự án này, theo trao đổi của thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông với Tuổi Trẻ Online.
Các hạng mục đã xây dựng được nghiệm thu đến điểm dừng kỹ thuật, quyết toán khối lượng hoàn thành, bảo quản những hạng mục đã thi công, vật tư đã mua sắm để tránh hư hỏng, thứ trưởng cho biết.
Trong lúc đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân - Hạ Long còn mịt mờ ngày hoàn thành, từ tháng 9-2018 đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đã hoàn thành kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, rút ngắn thời gian đi đường bộ từ Hà Nội đến Hạ Long xuống chỉ còn 1,5 tiếng. Sự cạnh tranh của đường bộ khiến bài toán thu hút vốn cho dự án đường sắt trên càng thêm khó khăn.
Nội dung và hình ảnh: TUẤN PHÙNG - NAM TRẦN - NGỌC QUANG;
Thiết kế: KIỀU NHI; Concept: BẢO SUZU
(Báo Tuổi trẻ)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn