Lễ giỗ Mẫu - tưởng niệm 729 năm ngày mất của Đức Nguyên Từ Quốc Mẫu - Thiên Thành Thái Trưởng công chúa (1288 - 2017)

Thứ bảy - 18/11/2017 21:25 - 4248 lượt xem
Lễ rước bộ của 3 làng Dược Sơn, Bắc Đẩu và Vạn Yên. Ảnh: Chí Linh Flycam+
Lễ rước bộ của 3 làng Dược Sơn, Bắc Đẩu và Vạn Yên. Ảnh: Chí Linh Flycam+
Sáng ngày 16/11/2017 (tức ngày 28/9 Âm lịch) tại đền Kiếp Bạc, UBND xã Hưng Đạo phối hợp với Ban QLDT Côn Sơn - Kiếp Bạc cùng nhân dân làng Vạn Yên, Dược Sơn, Bắc Đẩu long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 729 năm ngày mất của Đức Nguyên Từ Quốc Mẫu - Thiên Thành Thái Trưởng công chúa, phu nhân của Đức Đại Vương Trần Hưng Đạo.
Tham dự lễ tưởng niệm có ông Nguyễn Thành Trung - Tỉnh ủy viên, Phó giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hải Dương; đại diện lãnh đạo các phòng, ban Sở VHTT&DL tỉnh Hải Dương; ông Nguyễn Khắc Minh - Trưởng ban QLDT Côn Sơn - Kiếp Bạc; đại diện lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND xã Hưng Đạo; Bí thư, trưởng các thôn cùng cán bộ, nhân viên Ban QLDT Côn Sơn - Kiếp Bạc và đông đảo du khách thập phương và nhân dân đia phương tham dự. 

Chương trình buổi lễ gồm lễ dâng hương tưởng niệm; lễ rước bộ của làng Dược Sơn, Bắc Đẩu và Vạn Yên; lễ tế của ba làng. 

Theo sự lệ truyền thống lễ rước bộ của làng Dược Sơn, Bắc Đẩu và Vạn Yên được cử hành lúc 7h30, từ đền Nam Tào, đền Bắc Đẩu rước lễ về đền Kiếp Bạc. Lễ phẩm rước gồm các ông Lợn và đủ các sản vật địa phương. Lễ rước được cử hành trong không khí trang nghiêm, lộng lẫy cờ hoa, nghi trượng cùng tiếng trống chiêng, đàn sáo rộn rã của phường bát âm… 

Sau lễ rước diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm. Ông Vũ Duy Đăng - Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo đại diện Ban tổ chức đọc diễn văn Lễ tưởng niệm nêu rõ về tiểu sử, công đức của Đức Quốc Mẫu Trần Triều. 

Trần triều Nguyên Từ Quốc Mẫu huý là Anh, hiệu là Thiên Thành Thái Trưởng công chúa; con gái vua Trần Thái Tông. Năm Tân Hợi (1251) công chúa Thiên Thành sánh duyên cùng Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo. 

Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông Nguyên ở thế kỷ 13, Quốc Mẫu đã lập được nhiều chiến công to lớn. Trong kháng chiến, Quốc Mẫu được vua Trần giao việc quản lý, hướng dẫn các gia đình quý tộc và vận động nhân dân rút lui chiến lược làm kế “Thanh Dã” (vườn không, nhà trống), phát động chiến tranh du kích, tiêu hao sinh lực địch. 
Tại đại bản doanh Vạn Kiếp, Quốc Mẫu trực tiếp phụ trách hậu phương, tổ chức sản xuất, bố trí cắt đặt kho lương, tận dụng địa thế núi, rừng, sông, ngòi hiểm yếu để bố phòng, tích trữ lương thảo, phục vụ quân doanh trong mọi tình thế. Đặc biệt tại Vạn Kiếp, Đức Quốc Mẫu cho trồng và làm thuốc nam trên núi Dược Sơn để chữa bệnh cho nhân dân và vết thương cho quân sỹ. Vườn thuốc nam của Đức Quốc Mẫu đã chữa bệnh, trị thương cho nhiều binh sĩ, góp phần vào chiến thắng chống giặc ngoại xâm. Vườn thuốc quý của Đức Quốc Mẫu cho đến nay vẫn là “độc nhất vô nhị”, có công dụng kỳ lạ, không có thứ thuốc nào sánh kịp. 
“Dược lĩnh hoa thơm cỏ lạ thường 
Biết chăng chăng biết thuốc thần tiên” 

 
Hơn 7 thế kỷ qua, ngày giỗ Đức Quốc Mẫu, con dân đất Việt có tục đến đền Kiếp Bạc xin thuốc của Quốc Mẫu về chữa bệnh, mong cầu trường thọ. Các loại thuốc do Quốc Mẫu bào chế được dân gian coi là tiên dược. Nghề làm thuốc Nam ở Dược Sơn cũng có nguồn gốc từ đây và được lưu truyền đến ngày nay. 

Ngày 28, mùa thu tháng 9 năm Mậu Tý (1288), Đức Quốc Mẫu từ trần tại tư dinh Vạn Kiếp. Với công lao to lớn trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm bảo vệ giang sơn, đất nước, Vua Trần sắc phong tước hiệu Trần triều Nguyên Từ Quốc Mẫu, Thiên Thành Thái Trưởng công chúa, sắc chỉ cho nhân dân tạc tượng, phụng thờ tại đền Kiếp Bạc. Tri ân công đức của Đức Quốc Mẫu, hơn 7 thế kỷ qua, con dân đất Việt về trảy hội đền Kiếp Bạc mỗi dịp giỗ cha thì đều thành tâm kính thỉnh ngày tiệc mẹ vào dịp tháng 9 âm lịch hàng năm. Đã thành truyền thống vào ngày giỗ của Đức Quốc Mẫu nhân dân địa phương tổ chức các lễ nghi truyền thống, làm các loại bánh cổ truyền dâng cúng để thể hiện tấm lòng thơm thảo với Đức Quốc Mẫu. Đồng thời xin Quốc Mẫu ban thuốc để vạn bệnh tiêu tán, sức khỏa dồi dào, ấm no hạnh phúc. 

Lễ giỗ Mẫu năm nay được tổ chức theo nghi thức truyền thống. Sau lễ rước và diễn văn khai mạc diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm của đại biểu và nhân dân thập phương. Kết thúc buổi lễ diễn ra lễ tế của 2 làng tại nội tự đền Kiếp Bạc trong không khí trang nghiêm, thành kính. Lễ giỗ hàng năm được tổ chức trang trọng thể hiện sự tri ân của hậu thế đối với Quốc Mẫu và các bậc thánh nhân, đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử của Khu thể di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc. 

Theo: Ban QLDT Côn Sơn - Kiếp Bạc.

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây