Những điều cấm kỵ khi đi lễ chùa bạn phải nhớ rõ

Thứ bảy - 13/02/2016 19:03 - 5137 lượt xem
Du khách đi lễ đầu năm tại chùa Côn Sơn
Du khách đi lễ đầu năm tại chùa Côn Sơn
Chùa gắn liền với đời sống văn hóa và tinh thần của người Việt, vào ngày lễ Tết hay Rằm, mồng 1 hàng tháng, người dân thường hay đi chùa. Bài viết này chúng tôi xin lưu ý bạn đọc những điều cấm kỵ khi đi lễ chùa để bạn tránh phạm phải bởi đi lễ chùa như thế nào cho đúng thì không phải ai cũng biết.

1. Khi đi lễ chùa bạn nên thắp hương tại đỉnh đặt bên ngoài, hạn chế thắp hương bên trong chùa, vì có thể gây ảnh hưởng đến tượng Phật, pháp khí.

2. Không nên chụp ảnh, quay phim tùy tiện trong chùa, khi đứng khấn vái, không nên đứng thẳng ban thờ mà nên đứng chéo sang một bên.

3. Không đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện tức là chính điện, tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa. Trên hương án của chính điện chỉ được dâng đặt lễ chay, tịnh. Việc sắm sửa lễ mặn chỉ có thể được chấp nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu và chỉ dâng đặt tại ban thờ hay điện thờ mà thôi.

4. Không nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa. Nếu có sửa lễ này thì thí chủ đặt ở bàn thờ thần linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông. Tiền thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện, mà nên bỏ vào hòm công đức.

5. Không tự ý lấy sử dụng hoặc mang bất kỳ loại đồ đạc gì của nhà chùa về làm của riêng. Theo nhiều kinh sách và quan niệm truyền thống, những hành vi như vậy gọi là “đạo dụng thập phương thường trụ” (trộm dùng đồ lễ của chúng sinh cúng dàng). Phạm giới luật này khi chết sẽ bị giam vào địa ngục, chịu khổ vô kể. Phật điển ghi rõ, “nhân nhỏ, quả lớn”, thành tâm cúng dàng, lễ dù nhỏ nhưng phúc báo lớn lao; trộm của chùa,vật tuy xơ sài nhưng quả báo không gánh hết.

6. Vào Phật đường, tam bảo không nên đi giày dép, nhai trầu, hút thuốc. Tam bảo là nơi tôn nghiêm, có giới hương, định hương, chân hương, đòi hỏi phải trì giới để di dưỡng thanh tịnh, tuyệt đối không gây ồn ào, hỗn tạp. Tội náo loạn tam bảo không nhỏ.

7. Vào chùa nên đi từ cửa bên, không đi cửa chính giữa; đồng thời không dẫm lên bậu cửa khi bước vào, phải bước qua bậu cửa, nếu không chắc chắn phạm tội bất kính. Cửa chính nhà chùa từ xưa đến nay chỉ đức Phật, Ngọc đế, quốc vương một nước mới được ra vào. Vì thế nhiều ngôi chùa ngày thường không mở cửa chính.

8. Không nên ngắm tượng Phật như một tác phẩm nghệ thuật, trước tượng Phật nên cung kính nghiêm trang, không nhìn ngang ngó dọc, khệnh khạng trước tam bảo. Nếu muốn chiêm ngưỡng tượng Phật, nên đứng từ ngoài để quan sát.

9. Không chạy qua chạy lại, nói chuyện, bình phẩm, ngồi hoặc nằm trong Phật đường. Không tùy tiện hắt hơi sổ mũi, khạc nhổ… quanh khu vực Phật điện, tam bảo. Những tội này đều bị thiêu nơi địa ngục, kẻ tu hành dù chuyên chú đến mấy cũng không chính quả.

10. Vào Phật đường, đi vòng quanh tượng Phật, khu vực tam bảo, đi từ phải sang trái, niệm tên Phật “A di đà phật” sẽ được hưởng 5 điều phúc đức: Hậu sinh đoan chính, đẹp; lời ăn tiếng nói rõ ràng dễ nghe; hóa sinh thăng thiên; có thể được sinh ra trong gia đình quyền quý; siêu sinh đạo Niết Bàn.

11. Sử dụng đồ của chùa, như ăn uống, thụ lộc, nên lưu công đức, dù ít dù nhiều. Không nên coi đó là của chùa, trụ trì cho thì nhận mà không bố thí chút công đức, vì sẽ phạm tội “luân đạo thực quả báo” là căn nguyên rơi vào địa ngục.

12. Không nên mang theo mũ áo, khăn, túi xách, gậy gộc, bao tay… vào tam bảo bái Phật. Lỡ đặt những đồ đạc như vậy trên bàn, trên chiếu hoặc trong góc tam bảo để bái Phật thì mọi công quả tu dưỡng bấy lâu đều tiêu tán. Đi lễ chùa, tốt nhất không mang theo những đồ tùy thân khi vào tam bảo.

13. Không đứng hoặc quỳ chính giữa Phật đường lễ Phật. Lưu ý, đó là vị trí tối cao của trụ trì, nên quỳ lễ chếch sang bên một chút.

14. Lễ chùa phải ăn mặc giản dị, sạch sẽ, đặc biệt không mặc váy ngắn, quần cộc, áo hở lườn hở nách… Nhiều người khi lễ Phật, thậm chí nhiều vị trí nhạy cảm phơi hết ra ngoài, vừa phạm giới uế tạp Phật đường, vừa phạm giới bất kính, khẳng định công quả tiêu tán hết, quả báo vô cùng. Không để trẻ em chạy loạn tam bảo, nghịch ngợm các đồ tế khí, sờ mó tượng phật…

15. Vào chùa, nên dùng Phật danh “A di đà Phật” thay tên gọi để mở lời chào trụ trì và tăng ni trong chùa. Khi ra về cũng nên dùng câu này để bái biệt, công đức mang lại vô lượng, cho cả người vãn cảnh và nhà chùa.
===========================

Những điều phụ nữ nhất định phải biết khi đi chùa

Phụ nữ đi đền chùa rất cần lưu ý về trang phục và cách hành xử, ăn nói.

1. Không ăn mặc phóng túng có thể dễ dàng khơi dậy những tư tưởng xấu, tà niệm và dẫn đến hành vi cư xử tà dâm, vì vậy, các bạn nữ khi mặc y phục nên chú ý:

Nên mặc những y phục có màu sắc tươi sáng giản dị, tránh mặc quần áo có màu sắc sặc sỡ, loè loẹt.

Không nên mặc quần ngắn, váy ngắn hay những đồ bó sát làm lộ thân thể.

Không nên mặc áo hở ngực, hở lưng và rốn. Nếu bạn mặc quần áo như vậy đi chùa, cũng đồng nghĩa với việc bạn đang tạo nghiệp.

Không nên mặc quần áo trong suốt. Ví như có thể nhìn xuyên qua áo ngoài mà thấy màu sắc của áo lót bên trong, thậm chí đường viền của áo lót, hay thông qua những chiếc quần, bạn có thể nhìn thấy màu sắc của quần lót, và thậm chí đường viền quần lót cũng lộ ra… những điều này đều rất không tốt.

Không xức nước hoa.

2. Nguyên tắc ra, vào chùa 

Khi bước vào nhà chính của đền, chùa, mọi người không được đi vào từ cửa giữa. Khi đi qua cổng Tam quan vào chùa nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Cửa Trung quan chỉ dành cho Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng đi vào chùa và đi ra cũng theo cửa này. 

Sau đó du khách có thể gặp sư trụ trì, sở dĩ là vì chùa do sư trụ trì cai quản, có sư, tăng - ni, chùa mới được giữ gìn và Đạo Phật mới được truyền lưu nên khi vào chùa phải theo lệ. Một lưu ý nhỏ là, người đi chùa không được dẫm lên bậu cửa. 

3. Thứ tự hành lễ 

Đặt lễ vật: thắp hương và làm lễ tại ban thờ Đức Ông trước. Sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông (Đức Chúa) xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang, thỉnh 3 hồi chuông rồi làm lễ chư phật, bồ tát. Sau khi đặt lễ ở chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban thờ khác của nhà bái đường.

Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ.

Nếu chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ Phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo ý nguyện. 

Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ tổ (nhà hậu). Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tùy tâm công đức.

4. Không được tùy ý làm ồn hoặc nói những lời bất kính đối với Phật, Thánh, cũng không được có thái độ thiếu cung kính như tùy tiện dùng tay chỉ trỏ vào tượng Phật.

Không nên nói chuyện cười đùa trong đền chùa, cười lớn tiếng, hoặc cố tình hiển lộ giọng nói của mình dù giọng bạn tinh khiết hay thánh thót như trẻ con… đều nên tránh.

Khi bước đi không nên cắt ngang qua mặt những người đang quỳ lạy. Muốn làm lễ thì không nên quỳ phía sau những người đang đứng thắp hương. Tùy vào từng môn phái, có thể đứng/quỳ khi làm lễ nhưng cần phải lên trước. 

5. Không nên lấy lộc để ban thờ tại nhà

Nhiều người có thói quen mang các đồ ở đình chùa về đặt lên ban thờ nhà mình, là không nên. Đồ đã cúng rồi không thể cúng lại; hơn nữa nhiều đồ có chứa trường khí âm, ảnh hưởng xấu đến ban thờ.

Chỉ cần đặt tiền vào hòm công đức, không cần lấy giấy công đức. Nếu có lấy cũng không nên mang đặt lên ban thờ nhà mình để báo công.

Không lấy cành lộc mang về đặt lên ban thờ nhà mình. Cành lộc chứa nhiều trường khí âm, bất lợi cho gia tiên, thần linh tại gia.

Có thể lấy lộc là bánh kẹo, bao diêm, bật lửa nhưng đều không mang về đặt lên ban thờ. Bùa, phù chú... đa phần có trường khí âm, không nên mang về nhà, càng không nên đặt lên ban thờ hay nhét vào ví.

Đặt bùa chú vào ví, cũng như luôn mang một trường khí âm, hỗn loạn theo người.

6. Không nên đi gần hay sát cạnh các nhà sư, tuyệt đối không được chạm vào thân thể hay bàn tay của nhà sư, ngay cả với những vị sư già và rất quen thuộc, đều tuyệt đối không được động đến. Đừng tạo thêm nghiệp, đừng tự biến mình thành minh chứng xấu.

Tuyệt đối không được ở chung phòng đơn độc cùng với người xuất gia, nhất là với cửa ra vào và cửa sổ đóng kín, đặc biệt kỵ nhất là ở am sư, đó không phải là nơi mà phụ nữ có thể vào.

7. Đừng nói những điều vô nghĩa và chuyện phiếm, hoặc nói chuyện đùa tếu với các sư thầy. Đừng nên tạo nghiệp, đừng hại họ và cũng đừng tự hại mình.

Vậy những lời nói như thế nào được gọi là “vô nghĩa”? Khi bạn kể một câu chuyện, người nghe ở đây là bậc tu hành. Với cả hai thì câu chuyện ấy không giúp ích gì cả; ngay cả với chính bạn cũng như mục đích giải thoát nhân sinh của người tu hành đều không hề có ích. Ý nói vô nghĩa ở đây chính là như vậy.

8. Không nên chụp ảnh chung cùng người xuất gia tu hành một cách tuỳ tiện thoải mái. Ngay cả khi chụp ảnh để thể hiện mối quan hệ giữa mình và nhà sư… thì đều không nên.

Nếu như bạn thật sự tôn trọng những người tu hành thì hãy cố gắng tìm hiểu và học tập tu luyện Phật Pháp, đó mới là điều cơ bản.

9. Khi người xuất gia có biểu hiện tình cảm đối với bạn, bạn cần lập tức kiểm tra lại mình, và lập tức rời đi!

Khi bạn là một người giản dị, trang nghiêm, thanh tịnh, điều đó sẽ giúp bạn có được một người chồng không tham mê sắc dục. Anh ấy không phải là người yêu mỹ sắc và sẽ có thể mãi mãi chung thuỷ với bạn.

Điều này cũng đúng đối với phái nam, nếu người đàn ông bước vào ngôi chùa ni cô, thì cần chú ý không mặc quần áo thu hút sự chú ý của các ni cô, đừng làm phiền tâm cầu đạo của các nữ tu.

“Ninh giảo thiên giang thuỷ, phi nhiễu đạo nhân tâm” – tạm dịch là: Thà rằng khuấy động nghìn sông, còn hơn quấy nhiễu tâm người tu đạo.

Nguồn tin: nguoichilinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây