Sự đổi mới toàn diện của quê hương, đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đang đặt ra yêu cầu cho người phụ nữ phải không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Ðây là một việc làm vừa mang tính truyền thống, vừa mang tính hiện đại, có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với gia đình, xã hội mà ngay cả đối với chính bản thân người phụ nữ. Là người cùng làm chủ gia đình, người phụ nữ lại phải thể hiện trách nhiệm cao cả của mình trong duy trì nòi giống. Người phụ nữ luôn phải trả lời được các câu hỏi: Khi nào sinh con là tốt nhất? Cần làm những gì để có thể sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, thông minh? Làm thế nào để KHHGÐ... Với cách nhìn "gia đình là hạt nhân của xã hội", phụ nữ có trách nhiệm quan trọng trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái, đặc biệt là trong 3 năm đầu đời của trẻ. Ðể làm tốt nhiệm vụ này, người mẹ phải thường xuyên cập nhật kiến thức, mở rộng tầm nhìn, nắm bắt được những tác động tích cực và tiêu cực của môi trường xã hội, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, sở trường của con cái, trên cơ sở đó có các biện pháp giáo dục thích hợp. Thực tế cho thấy, vì quá chú trọng công việc mà không ít bà mẹ đã lơ là việc chăm sóc con cái, phó mặc cho nhà trường, dẫn đến tình trạng con cái hư hỏng, đua đòi, trộm cắp, lười biếng. Với vai trò là trung tâm của sự đoàn kết, người phụ nữ có trách nhiệm gắn kết các thành viên của gia đình thành một khối thống nhất, biết tổ chức cuộc sống gia đình một cách khoa học; ngăn ngừa những ảnh hưởng xấu tới các thành viên gia đình. Là người giữ lửa trong tổ ấm gia đình, người phụ nữ phải biết lấy các giá trị bền vững của gia đình làm nền tảng để tiếp nhận những giá trị mới, làm cho gia đình ngày càng hạnh phúc hơn. Người phụ nữ còn thể hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội thông qua sự đóng góp của họ vào các mặt hoạt động kinh tế, văn hóa, khoa học, công nghệ, an ninh, quốc phòng... Có thể nói, trong bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào cũng có sự tham gia tích cực của người phụ nữ từ nông thôn đến thành thị, từ biên giới đến hải đảo. Ðiều này do phụ nữ ngày nay đã gạt bỏ được quan niệm lệch lạc cho rằng hoạt động xã hội là công việc của nam giới để vươn lên giữ quyền bình đẳng giới không chỉ trong phạm vi gia đình mà cả ngoài xã hội. Họ đã thường xuyên cập nhật kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong lao động, sản xuất. Nhiều phụ nữ đã làm ra những sản phẩm mang tính sáng tạo, rất đáng tự hào. Trong bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, phụ nữ Việt Nam cũng có những tấm gương tiêu biểu phát huy được những phẩm chất công - dung - ngôn - hạnh, luôn vươn tới những đỉnh cao với phương châm tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang. Tiếp nối truyền thống của các bà, các chị, trên quê hương Hải Dương ngày nay cũng có nhiều tập thể, cá nhân nữ đang say sưa với công việc của mình. Ðể xứng đáng với niềm tin của Ðảng và nhân dân, phụ nữ Việt Nam ngày nay cần phải thường xuyên nhớ lời căn dặn của Bác Hồ: "Chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà, phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm tròn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội". TS. PHẠM TRUNG THANH (Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn