Tìm về Thượng tể Cổ trạch xưa

Thứ bảy - 24/10/2015 13:44 - 1745 lượt xem
Thượng tể Cổ trạch là ngôi đền thờ Nhập nội Quốc phụ Thượng tể Trần Quốc Chẩn, được làm trên nền nhà cũ của ông. Hơn 700 năm đã qua, vùng đất này vẫn in hằn những dấu tích xưa.
 


Đền Quốc Phụ tọa lạc trên một gò đất rộng nhìn ra sông Kinh Thầy 

 
Dấu xưa

Ngôi đền có tên Quốc Phụ, thuộc khu dân cư Nẻo, phường Chí Minh (Chí Linh). Từ xa có thể nhìn thấy di tích nằm biệt lập ngoài cánh đồng bị cây cối um tùm bao bọc, tọa lạc trên một gò đất cao nhìn ra sông Kinh Thầy. Đường đến đây tuy đã được trải nhựa nhưng ngoằn ngoèo, khó đi. Cổng đền uy nghi với tam quan cùng án thư án ngữ. 

 
“Với những giá trị lịch sử to lớn, ngành văn hóa và địa phương cần quan tâm khai thác Thượng tể Cổ trạch, kết hợp với các danh thắng Côn Sơn -  Kiếp Bạc, Chu Văn An để phát huy thế mạnh du lịch”.  
Đền Quốc Phụ có kiến trúc kiểu chữ nhị gồm 5 gian tiền tế, 3 gian hậu cung chất liệu gỗ lim. Từ ngoài nhìn vào, tiền tế đắp nổi lưỡng long chầu nguyệt, mang phong cách nghệ thuật tạo hình thời Nguyễn. Trong tiền tế bày một nhang án và ngai thờ thời Nguyễn thế kỷ 19 cùng bát hương đồng. Phía trên treo 3 đại tự ca ngợi Quốc Chẩn trong đó có bức “Thượng tể Cổ trạch” (Nhà cũ của Thượng Tể). 

Hậu cung được bài trí trang nghiêm với khám thờ và tượng Trần Quốc Chẩn đặt chính giữa. Hai bên còn có ban thờ phụ mẫu. 

Qua khảo sát, nghiên cứu của ngành văn hóa, đền Quốc Phụ được xây sau khi Quốc Chẩn qua đời trên cơ sở sửa lại nhà cũ, bởi vậy mới có tên “Thượng tể Cổ trạch”. Qua các triều đại, nhà nước phong kiến đều sắc phong cho Quốc Chẩn và giao cho dân bản xã phụng thờ. Thời Lê, Thượng tể Cổ trạch được xếp là một trong bát cổ đất Chí Linh. 

Đền từng được trùng tu nhiều lần vào các thời hậu Lê và thời Nguyễn. Năm 1951, đền bị quân Pháp bắn phá hư hại, đổ nát. Năm 1958, nhân dân trong thôn đã dựng lại gian hậu cung là nơi hương khói. Đến năm 1997, ngôi đền được chính quyền và nhân dân góp công, của phục dựng với hiện trạng như ngày nay. 

Anh Mạc Văn Tăng, cán bộ văn hóa phường Chí Minh cho biết: Ngày trước, đền có 48 mẫu công điền, giao cho dân địa phương cày cấy thu hoa lợi chi dùng cho lễ hội và hương đăng hằng tháng. Sau này, ruộng được chia cho dân, khuôn viên đền còn gần 3 mẫu. Đền đã được Nhà nước công nhận di tích lịch sử quốc gia năm 2003. Năm 2014, được sự hỗ trợ của trên, nhân dân đã công đức 37 triệu đồng sửa lại hậu cung. Lễ hội đền diễn ra từ ngày 5-8 tháng 3 âm lịch. Hiện di tích còn lưu giữ được nhiều đạo sắc phong. 

Một vùng di tích

 



 Những khúc gỗ lim của đền thờ ngày trước 

 
Dẫn chúng tôi ra khu vực sân lọng nối giữa tòa tiền tế và hậu cung xem những phiến đá xanh lớn được xếp làm hè, ông Nguyễn Văn Vụ, thủ nhang cho biết, đây chính là dấu tích ngôi đền xa xưa. Năm 1997, khi nhân dân xây dựng lại ngôi đền, lúc đào đất còn bắt gặp nền móng cổ cùng gạch kích thước lớn. Chỉ rặng ổi phía sau đền, ông Vụ cho biết thêm: “Ngày trước chính tay tôi và một người khác moi đất ở đây đã bắt gặp nền móng kiến trúc với những viên gạch rộng tới 30cm. Chúng tôi đã lấp đất đi và đánh dấu cẩn thận, giờ chỉ cần moi lớp đất mặt sẽ tìm lại được. Còn nếu đào quanh khu vực di tích, chỗ nào cũng bắt gặp gạch, ngói”. 

Dưới gốc đa cổng đền có mấy khúc gỗ lim lớn hằn dấu vết bị cháy dở. Đây chính là những câu đầu của ngôi đền ngày trước bị quân Pháp hủy hoại mà năm 2002, nhân dân trong thôn đào lại ao đền đã tìm thấy. Qua thời gian, giờ những khúc gỗ đã mục và bị rễ đa ôm kín. Cùng với những khúc gỗ đó, khi đào ao, người ta còn tìm thấy rất nhiều mẩu gỗ cháy dở, gạch, ngói vỡ... 

Lạ nhất là hai đống đá cuội tròn, nhẵn trước cổng đền. Ông Trần Minh Diễn, 76 tuổi, cũng đang trông coi đền, tiết lộ: “Ai đến đây cũng ngạc nhiên vì hai đống đá này. Nhiều người tín còn mang cả hương ra đó thắp. Đây là đá từ con đường cái quan trước cổng đền qua thời gian bị lộ ra”. 

Theo ông Diễn, ngày trước thái ấp của ngài nằm đây, tách biệt hoàn toàn với khu dân cư. Việc đi lại đều dùng thuyền. Phía trước thái ấp có con đường cái quan dẫn ra bến sông Kinh Thầy được làm bằng loại đá cuội tròn. Khi được xây dựng thành đền thờ, con đường cái quan đó vẫn được dùng cho những người vào thắp hương. Ngày trước, khi chưa có trạm bơm, mùa lũ, nước ngập mênh mông, sóng vỗ làm lộ cả đường đá. Còn đường bộ đến khu di tích về sau này mới được mở.  

Dấu vết con đường cái quan giờ là một bờ nổi um tùm cỏ mọc chạy uốn lượn trước cổng đền dài khoảng 300m. Dẫn chúng tôi ra tham quan, ông Diễn khẳng định: “Giờ cứ moi xuống vài chục phân là sẽ gặp đá cuội tròn. Người dân ở quê tôi đi làm đồng bị mắc đá gãy cày bừa không phải chuyện hiếm”.

Gắn với cuộc đời vị quan Thượng tể còn có những địa danh đặc biệt vẫn được người dân địa phương gọi tên như: ao Vả tương truyền là nơi tắm gội của ngài, chùa đá, nơi neo đậu thuyền... Chỉ khu đất bên trái cách đền hơn 100m giờ đã được quy hoạch thành một khu gia trại, ông Diễn cho biết, đó chính là địa danh ao Vả. Ngày xưa ao Vả có ngòi Chám dẫn từ sông vào, là nơi thuyền bè ngược xuôi buôn bán. Trên bờ ngòi Chám còn có địa danh Đống Mắm và Đống Gỗ là do dân vùng biển thường mang mắm tới tập kết để bán cho dân trong vùng, sau đó mua gỗ của dân địa phương đi bán các nơi. Xung quanh di tích còn nhiều địa danh lạ lẫm như: Đống Đỏ với nhiều gạch đỏ như son nằm trên cánh đồng Giải Phướn bên phải di tích; Đống Lăng, nơi phát hiện nhiều gạch cổ thời Trần, nhiều khả năng liên quan tới một kiến trúc cổ thời Trần phía sau di tích…

 Là một trong tám di tích thuộc “Chí Linh bát cổ”, đền Quốc Phụ đã được tôn tạo, bảo vệ, đáp ứng nhu cầu tâm linh, sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương, tuy nhiên lượng khách chiêm bái chưa nhiều. Với những giá trị lịch sử to lớn, ngành văn hóa và địa phương cần quan tâm khai thác Thượng tể Cổ trạch, kết hợp với các danh thắng Côn Sơn -  Kiếp Bạc, Chu Văn An để phát huy thế mạnh du lịch".  

 
Quốc Chẩn là người tài đức nhưng cuộc đời lại chịu oan khiên. Theo thần tích và sử chép, Quốc Chẩn (1281-1328) là em vua Trần Anh Tông. Ông là một danh tướng kiệt xuất của nhà Trần, tài đức vẹn toàn. Năm Nhâm Tý (1312), Chiêm Thành xâm lấn biên giới phía Nam Đại Việt, ông cầm quân đi đánh dẹp, cùng tướng quân Đoàn Nhữ Hài dụ hàng địch, không mất một mũi tên. Năm Đại Khánh thứ 5 (1318), ông cùng Phạm Ngũ Lão tiếp tục đi đánh dẹp quân Chiêm Thành thu được thắng lợi lớn, giữ yên bờ cõi. Do có nhiều công lao, ông được phong chức: Nhập nội Quốc phụ Thượng tể, coi giữ lục bộ Thượng thư.
 
 
NGỌC HÙNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây