Trùng tu tôn tạo di tích: Cần gần gũi với thiên nhiên
Thứ hai - 08/04/2019 21:40 - 2073 lượt xem
Trùng tu tôn tạo di tích: Cần gần gũi với thiên nhiên CHỦ NHẬT, 07/04/2019 12:55:10 Những năm qua, việc trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đã được tỉnh ta quan tâm đầu tư.
Tuy nhiên, một số di tích sau khi tôn tạo chưa được trồng bổ sung cây xanh, hoặc đã trồng nhưng chưa hợp lý, làm giảm đi sự cổ kính, thiếu không gian cho du khách nghỉ ngơi mỗi lần về dâng hương, chiêm bái.
Ít cây xanh
Đền thờ Khúc Thừa Dụ ở xã Kiến Quốc (Ninh Giang) xây dựng từ năm 2005, khánh thành năm 2009, thờ ba vị anh hùng họ Khúc: Khúc Thừa Dụ, Khúc Thừa Hạo và Khúc Thừa Mỹ. Di tích này rộng 3,5 ha với hệ thống các công trình được đầu tư xây dựng khang trang, bề thế. Hầu hết các hạng mục như cầu, giếng, sân, hè đến tượng linh thú, phù điêu ngoài sân… đều được làm bằng đá và bê tông, gạch. Tuy nhiên số lượng cây xanh ở đây được trồng khá ít và chưa thực sự hợp lý. Xung quanh tường bao của di tích đã có cây xanh nhưng khoảng sân rộng mênh mông trước đền thờ chính lại không có một bóng cây nào. Điều này khiến cho di tích thiếu đi sự mềm mại, cổ kính như nhiều di tích khác. Chị Trịnh Hà Linh, hướng dẫn viên du lịch của Công ty CP Cung ứng nghiệp vụ chất lượng cao quốc tế (Hà Nội) đưa khách về đền thờ Khúc Thừa Dụ nêu quan điểm: “Lẽ ra ở khu vực sân này phải có ít nhất 4 tán cây to, phía dưới có ghế đá để người dân và du khách về đây sau khi dâng hương ngồi nghỉ chân, ngắm cảnh”.
Ngay một nhân viên Ban Quản lý di tích đền Khúc Thừa Dụ cũng thừa nhận ngôi đền vẫn thiếu cây xanh tạo bóng mát và tăng thêm vẻ đẹp. Công trình được xây dựng theo thiết kế nhưng vẫn có thể nghiên cứu, bố trí diện tích phù hợp để trồng bổ sung cây xanh nhằm tạo cảnh quan di tích xanh - sạch - đẹp.
Đền thờ nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ (TP Chí Linh) đã được trùng tu với không gian khá rộng rãi và thoáng đãng. Dù vậy, ngoài hệ thống cây xanh được trồng dọc hai bên đường vào cổng ngôi đền thì ở sân chính diện đền thờ vẫn chưa có cây xanh. Hàng cây ở hai bên di tích gần như không có nhiều tác dụng cho du khách và nhân dân ngồi nghỉ ngơi khi về dâng hương, chiêm bái. Một số du khách về dâng hương ở đây cho rằng ở sân đền nên trồng cây xanh để tạo cảnh quan, về lâu dài sẽ trở thành cổ thụ để di tích thêm nét cổ kính.
Ở nhiều di tích khác, nhất là di tích do cấp xã quản lý, việc trồng cây xanh cũng chưa được quan tâm, hoặc đã quan tâm nhưng chưa phù hợp với cảnh quan. Không gian di tích bị “cứng" hóa trong khi cây xanh ít làm giảm đi sự thâm nghiêm, cổ kính, thiếu không gian nghỉ ngơi.
Tạo nhiều không gian xanh
Hệ thống cây xanh ở mỗi di tích tạo nên một không gian xanh, giúp các công trình bê tông, gạch, đá như hòa quyện mềm mại với thiên nhiên để trở thành tiểu cảnh gần gũi với con người. Đặc biệt, cây xanh giúp nâng cao giá trị cảnh quan, thẩm mỹ cho di tích, làm cho người đến tham quan thư thái hơn.
Khu di tích Côn Sơn đã được trùng tu, tôn tạo trong nhiều năm qua nhưng vẫn giữ được những cây thông cổ thụ trong khuôn viên. Không những vậy, nơi đây còn được trồng thêm nhiều cây mới, các loại hoa, tạo ra các tiểu cảnh… cho du khách và nhân dân nghỉ chân, thư giãn sau khi hành lễ. Nhiều bạn trẻ còn tranh thủ chụp ảnh lưu niệm vì thích thú trước khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp.
Theo anh Hoàng Công Phương, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch và sự kiện bầu trời Hà Nội, nhiều du khách quốc tế đến di tích để tìm hiểu nét cổ kính, lịch sử văn hóa, kiến trúc, con người ở nơi đó. Hải Dương có nhiều di tích giàu giá trị lịch sử, văn hóa, nhưng việc trùng tu, tôn tạo không song hành với trồng cây xanh, tạo cảnh quan gần gũi sẽ không hấp dẫn du khách. “Nên tạo thêm không gian cho du khách có chỗ chụp ảnh giải trí, tránh được sự nhàm chán sau khi thắp hương xong. Như khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, chùa Thanh Mai, đền Cao An Lạc… đã làm rất tốt. Du khách về có cảm giác được hòa mình vào không gian cổ kính, gần gũi với thiên nhiên”, anh Phương cho biết.
Ông Hoàng Văn Huân, Giám đốc Công ty CP Xây dựng tu bổ công trình văn hóa Hải Dương cho rằng: Việc quy hoạch và trồng cây xanh trong di tích là việc nên làm. Cần chọn các loại cây như si, xanh, đa hoặc các loại cây có tán lá rộng và sống lâu để trồng.
Các di tích không chỉ cần thực hiện tốt quy hoạch, trồng nhiều cây xanh trong khuôn viên mà nên thay thế kịp thời các cây già cỗi, còi cọc hay do thiên tai bị gẫy đổ. Những cây xanh cổ thụ hoặc quý hiếm nên được gắn bảng tên cây, tuổi cây... để giới thiệu giá trị cho du khách.