Người dân cần hiểu đúng về bệnh dịch tả lợn châu Phi

Thứ ba - 26/03/2019 16:08 - 2174 lượt xem
Người dân cần hiểu đúng về bệnh dịch tả lợn châu Phi
Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm ở lợn và lợn rừng với tỷ lệ tử vong lên tới 100%, gây thiệt hại thương mại và thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi lợn toàn cầu. Tuy nhiên, không gây hại cho sức khỏe con người, người dân không nên quay lưng với thịt lợn.

Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại thành phố Chí Linh

Dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại phường Tân Dân, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Trong đêm 22, rạng sáng 23-3, toàn bộ đàn lợn gồm 136 con ở một trang trại đã được tiêu hủy.

Trước đó, sáng 21-3, tại trang trại gia đình ông Phạm Đức Biểu ở khu dân cư Giang Thượng, phường Tân Dân xuất hiện hai con lợn chết và 15 con có biểu hiện sốt, bỏ ăn không rõ nguyên nhân. Chiều cùng ngày, các đơn vị chức năng và gia đình đã tiêu hủy hai con lợn chết và phun thuốc tiêu độc khử trùng toàn bộ trang trại. Tối cùng ngày, tại trang trại của ông Biểu tiếp tục chết thêm ba con lợn.

Ngày 22-3, Chi cục Thú y tỉnh lấy mẫu máu gửi xét nghiệm và xác định lợn chết và ốm ở trang trại dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Ngay trong đêm 22, rạng sáng 23-3, toàn bộ đàn lợn gồm 136 con của gia đình ông Biểu đã được các cơ quan chuyên môn tổ chức tiêu hủy và tổ chức tiêu độc, khử trùng toàn bộ các trang trại chăn nuôi ở khu vực lân cận theo quy định.

Dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh cho người

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc tại Việt Nam (FAO Việt Nam) khẳng định không giống như cúm lợn, dịch tả lợn châu Phi không lây truyền và gây bệnh cho người.

Tuy nhiên, theo phó giáo sư Nguyễn Bá Hiên, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tả lợn không gây bệnh trên người nhưng lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ.

FAO Việt Nam khuyến cáo người dân cần nấu chín thịt lợn trước khi ăn; không tới tham quan khu chăn nuôi lợn, đặc biệt ở vùng dịch và bị ảnh hưởng; báo ngay cho cơ quan thú y khi phát hiện lợn chết.

Do dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Để lựa chọn thịt lợn ngon, sạch người dân nên dựa vào màu sắc của thịt. Loại thịt tươi sẽ có lớp màng khô, màu đỏ tươi, mặt cắt miếng thịt có màu hồng sáng, da trắng phớt hồng, mềm mại. Phần mỡ chắc, sáng bóng. Phần khớp xương láng, trong, tuỷ sương bám chặt vào thành ống. Đặc biệt, khi thấy miếng thịt có màu xanh nhạt hay thâm đen, da lợn màu đỏ thì người tiêu dùng tuyệt đối không nên mua vì đó là thịt lợn nhiễm bệnh.

Bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp và lan rộng ra nhiều địa phương trong tỉnh. Nhiều hộ chăn nuôi đã phải tiêu hủy lợn nhiễm bệnh. Nhưng cũng có không ít hộ gặp khó khăn vì dù lợn khỏe, không bị bệnh DTLCP nhưng không bán được do người tiêu dùng tẩy chay thịt lợn. Một số nơi tiểu thương đổ lỗi do dịch này để ép người chăn nuôi bán lợn khỏe với giá rẻ. Vì vậy, cùng với việc nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống bệnh DTLCP, các địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ bệnh này không gây hại cho sức khỏe con người, từ đó không quay lưng với thịt lợn.


Dấu hiệu nhận biết của bệnh dịch tả lợn châu Phi

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dấu hiệu đặc trưng để nhận biết bệnh dịch tả lợn châu Phi là: lợn có biểu hiện sốt rất cao trên 40 độ. Đối với một số bệnh khác thì chỉ xảy ra trên một số loại lợn, nhưng đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi thì xảy ra với tất cả các loại lợn (nái, đực, con, choai); tỷ lệ chết rất cao vì chưa có vắc xin điều trị. 

Để phòng tránh dịch bệnh lan rộng, người nuôi lợn cần:
+ Tăng cường sát trùng chuồng trại cả bên trong và bên ngoài chuồng trại, lối đi vào trại, nơi cân xe, khu vực xung quanh trạị, khu xử lý lợn chết…

+ Cổng xuất và cổng nhập phải có hố sát trùng và máy phun thuốc sát trùng, mỗi đầu trại phải có khay/hố sát trùng và thay nước hàng ngày.

+ Phương tiện ra vào trại như xe chở lợn, xe chuyển cám, xe 2 bánh,... cần phải được phun xịt sát trùng thật kỹ trước khi vào trại.

+ Hạn chế nhân viên ra khỏi trại khi không cần thiết. Hạn chế tối đa người vào trại, khi vào phải qua nhà sát trùng, tắm xà phòng và có thời gian cách ly ít nhất 24h mới được xuống trại.

+ Tăng cường chăm sóc đàn lợn chu đáo, phòng bệnh bằng vaccine đối với các bệnh do virus như: Dịch Tả, Tai Xanh (PRRS), Lở Mồm Long Móng, Giả Dại, Circovirus…tăng cường sức đề kháng cho heo, có thể bổ sung thêm vitamin C, vitamin nhóm B, Beta glucan…

+ Nhập lợn có nguồn gốc rõ ràng, phải có khu riêng nuôi cách ly lợn mới nhập, để theo dõi tình trạng sức khỏe, tuân thủ đúng quy trình nhập lợn. Giám sát tình hình sức khỏe toàn đàn lợn hàng ngày, để đưa ra giải pháp xử lý kịp thời nếu có nghi ngờ về bệnh này.

+ Có biện pháp diệt côn trùng, chuột trong trại. Không cho chó, mèo, gà, vịt vào trại lợn,...

Do bệnh dịch tả lợn châu Phi là bệnh mới, không lây lan sang người nên Cục Thú y cũng khuyến cáo người chăn nuôi không bán lợn bệnh và cần bình tĩnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch...

Mức hỗ trợ mới cho hộ chăn nuôi lợn bị thiệt hại do bệnh dịch

Ngày 21.3, UBND tỉnh phê duyệt mức hỗ trợ cho người chăn nuôi lợn bị thiệt hại khi phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, hỗ trợ với mức 32.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn con, lợn thịt các loại; 52.000 đồng/kg lợn hơi đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác. Thời điểm áp dụng mức hỗ trợ sau 3 ngày kể từ ngày quyết định này có hiệu lực. Đối với khối lượng lợn phải tiêu hủy trước thời điểm áp dụng mức hỗ trợ trên được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9.1.2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do dịch bệnh.

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây