Ngôi đền cầu tự nổi tiếng ở thành phố Chí Linh

Chủ nhật - 10/02/2019 07:22 - 3896 lượt xem
Đền Sinh - Đền Hóa tọa lạc trên sườn núi Ngũ Nhạc kỳ vĩ thuộc xã Lê Lợi, thành phố Chí Linh
Đền Sinh - Đền Hóa tọa lạc trên sườn núi Ngũ Nhạc kỳ vĩ thuộc xã Lê Lợi, thành phố Chí Linh
Ngoài việc cúng cầu may mắn, tài lộc, rất nhiều người tìm tới Đền Sinh - Đền Hóa để cầu xin được mụn con hay đưa con đến lễ tạ. Bởi lẽ đó, hàng ngàn năm nay, đền được mệnh danh là ngôi đền 'cầu tự'. Đặc biệt, ở đó có một phiến đá tự nhiên rất độc đáo, có một không hai của Việt Nam, phiến đá mang hình tư thế một người mẹ đang lâm bồn.

Phiến đá không được ghi hình

Đền Sinh - Đền Hóa tọa lạc trên sườn núi Ngũ Nhạc kỳ vĩ thuộc xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh (từ 1/3/2019 sẽ là TP Chí Linh), Hải Dương. Những ngày vào hội, suốt quãng đường vào tới đền, cờ hội đỏ thắm khắp nơi. Khách thập phương nườm nượp, rộn ràng đổ về thăm viếng. Những chiếc ô tô biển các tỉnh phía Bắc, thậm chí có cả biển hiệu miền Trung ken kín dãy sân để xe. Lẫn trong dòng người ấy, có không ít các gia đình cho những đứa trẻ đi cùng.

Người dân ở đây cho hay, ngoài việc cúng cầu may mắn, tài lộc, rất nhiều người tìm về đây để cầu xin được mụn con hay đưa con đến lễ tạ và xin cho gia đình sức khỏe dồi dào. Bởi lẽ, Đền Sinh - Đền Hóa được mệnh danh là ngôi đền “cầu tự” tồn tại hàng ngàn năm.

Đại diện ban Quản lý Đền cho biết: “Sở dĩ, ngôi đền này được nhiều người biết tới bởi có một phiến đá tự nhiên rất độc đáo, có một không hai của Việt Nam. Đó là phiến đá mang hình tư thế một người mẹ đang lâm bồn”.

Dẫn chúng tôi vào trong hậu cung của đền, vị này nhấn mạnh: “Đây là chốn linh thiêng. Là nơi thạch Mẫu sinh Đức Thánh Phi Bồng nên không phải ai cũng được vào trong này để chiêm bái. Và chỉ có khách nữ được vào chiêm bái”.

Nếu như các phiến đá ở những nơi khác có thể chụp hình, nhưng Thạch Mẫu thì không. “Phụ nữ vốn e thẹn, kín đáo. Có ai muốn người khác chụp mình trong lúc sinh hạ đâu. Thế nên, chụp ảnh Thạch Mẫu lâm bồn là một điều cấm kỵ ở đây. Ngay cả chúng tôi cũng không hề có bức ảnh nào của Thạch Mẫu”, đại diện ban quản lý đền lý giải.

Sau lớp rèm cửa màu vàng lấp lánh kim sa, phiến đá hiện ra dưới ánh đèn mầu hồng hư ảo. Phiến đá ấy cao chừng 3m, rộng khoảng 5m, ngự tại hậu cung ba gian rộng lớn. Khối đá tròn nằm ở vị trí trên cùng là đầu, khối đá phía dưới là bầu ngực, hai khối đá lớn, dài hai bên là đùi, ở giữa có hai khối đá nhỏ tượng trưng cửa bát nhã (nơi sinh nở của phụ nữ) và bào thai đang chào đời. Hai khối đá mé ngoài cùng là bàn chân. Toàn bộ khối đá có hình người phụ nữ đang trong tư thế sinh nở. Vì trong tư thế sinh nở, rất tế nhị, nên phiến đá được người ở Đền khéo léo che đậy qua làn voan mỏng màu đỏ tươi.

Theo “Thần tích Bia ký” thì xưa kia tại đầu khu đất trang Chi Ngại, Yên Mô, huyện Phượng Nhãn, xứ Kinh Bắc, có một hòn đá vuông như chiếc chiếu lớn, nơi đây địa thế sơn thủy hữu tình.

Bấy giờ là giờ Dần ngày 8 tháng 5 năm 542, khi mặt trời gác núi, trẻ chăn trâu thường tụ tập ở chốn này. Hôm đó, chúng chợt nghe thấy có tiếng trẻ nhỏ khóc ở dưới núi bèn gọi nhau đến đó. Chúng thấy một hài nhi dáng vẻ khôi ngô, nằm trên chỗ lõm của khối đá mà khóc vang như tiếng chuông lớn. Bọn trẻ bèn lấy tay làm kiệu, lấy nón làm lọng, lấy khăn làm cờ, bế bồng đón về.

Bỗng nhiên gió mưa sấm chớp đùng đùng, cát bay đá cuộn khắp nơi, hài nhi hét lên một tiếng rồi bay thẳng lên trời, chỉ nghe trên không trung có tiếng vọng lại: “Ta là Phi bồng Hạo Thiên Đại Tướng Quân giáng hạ”. Mọi người tụ họp ở nơi đó thấy hòn đá bị mài mòn khoảng hơn một thước, rất lấy làm kinh ngạc, liền lập miếu phụng thờ...

Đến triều Trần, tướng quân Phi Bồng Hạo Thiên đã âm phù giúp Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đánh giặc Nguyên Mông. Sau đó được nhà vua sắc phong Bách Thần Nguyên Tự Thần Hiệu “Phi Bồng Hạo Thiên tối linh Thượng Đẳng Thần”.

Đền Sinh được lập ngay tại nơi Đức Thánh Mẫu Thạch Bàn hạ sinh Đức Thánh Họa Thiên Phi Bồng. Còn Đền Hóa được lập ngay tại nơi Đức Thánh Phi Bồng hóa về trời. Hai ngôi đền cách nhau chừng 800m những gắn liền với nhau trong một không gian văn hóa tâm linh. Đền Sinh, đền Hóa, anh linh hiển ứng, bảo hộ cho dân làng được khỏe mạnh, giàu có, con cái phương trưởng.

Lối vào đền

Có đúng “cầu được ước thấy”?

Phiến đá hình người mẹ sinh con ấy càng được người dân tôn kính khi còn được gắn với tục xin cầu tự. Thế kỷ thứ 6, có hai vợ chồng ông Chu Thức và bà Hoàng Thị Ba ở trang Phấn Lôi (xã Thắng Cương, Yên Dũng, Bắc Giang ngày nay) đã ngoài 50 tuổi chưa sinh một mụn con. Một đêm, ông bà được báo mộng đến miếu gianh bên trang An Mô (sau này là đền Sinh) mà cầu.

Hai vợ chồng liền sắm lễ vật sang miếu. Sau khi làm lễ, bước ra đến cửa, hai vợ chồng thấy một dấu chân. Bà Ba ướm thử thấy vừa như in, vết chân cũng biến mất. Quả đúng như giấc mộng, sau khi làm lễ, về nhà bà có mang rồi hạ sinh một cậu con trai đặt tên là Phúc Uy mặt mũi khôi ngô.

Năm 15, 16 tuổi, Phúc Uy đã văn võ song toàn. Năm 19 tuổi, ông được vua Lý Nam Đến cử cầm quân đánh giặc Lương. Thắng giặc, ông được phong làm trấn thủ xứ Hải Dương. Sau, quân giặc lại kéo sang, ông tử trận bên Việt Yên, Bắc Giang và được lập đến thờ ở đó. Từ đó, những người hiếm muộn lại tìm về đền Sinh với mong muốn sinh được con.

Khi được hỏi số lượng khách thập phương tới xin cầu tự được bao nhiêu phần trăm như ý, đại diện đền Sinh chia sẻ: “Ở Đền chúng tôi không điều tra xã hội học nên chẳng dám chắc con số ấy chính xác tới đâu. Chỉ biết rằng, có nhiều gia đình đến đây lễ tạ. Tuy nhiên, việc họ có con, theo tôi, đó là do nguyên nhân khách quan đưa tới như họ có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, vận dụng y học hiện đại để chữa trị, thụ thai. Việc đến đền cầu khấn góp phần giúp họ có tâm lý thoải mái hơn. Việc chữa bệnh cộng với tâm lý, có lẽ đã giúp phần nào việc họ có con, đạt được ý nguyện”…

Phiến đá có hình khối độc đáo nằm phía sau bức rèm và theo đại diện đền thì chưa từng có ai được chụp hình

Lễ hội độc đáo

Ngoài cầu con, vào những ngày hội, du khách còn được hòa mình vào không khí lễ hội sống động của làng quê Bắc bộ. Đền Sinh được tổ chức lễ hội từ ngày 6 đến ngày 8 tháng Tư âm lịch hàng ngày năm, nhằm kỉ niệm ngày sinh của Phi Bồng đại tướng quân.

Trước đây, vào những năm chính hội, dân tổng Chi Ngại được mùa “Phong đăng hòa cốc” thì tổ chức lễ hội lớn; sắp đến ngày hội, Ban khánh tiết phân công việc cụ thể cho các giáp. Giáp thì sửa chữa đường xá, quét dọn đền thật sạch sẽ, giáp thì lo trang trí, bày biện trong đền; không khí chuẩn bị thật khẩn trương, người ta mua sắm và sửa sang những gì thiếu hoặc hư hỏng, tổ chức tập dượt việc rước xách, phân công việc tập luyện tế lễ, y phục, lễ phục… Tối ngày mồng 6, sau khi đội tế nam quan của làng thực hiện xong lễ cáo yết xin phép thánh cho dân làng được mở hội, sau lễ cáo yết.

Những người tham gia lễ mộc dục là những thành viên đội tế, có đạo đức được dân làng tin cậy và trong nhà không có tang. Sau khi được giao nhiệm vụ, những người này áo mũ chỉnh tề cùng nhau lên Đền Sinh - Đền Hóa làm lễ, thắp hương xin phép Mẫu và đức Thánh cho được hành sự. Nước để tắm rửa thần tượng, thần vị là nước sạch pha trầm hương hoặc ngũ vị cho thơm. Sau hai lần tắm bằng nước sạch, lần thứ ba bằng nước ngũ vị hương, thần tượng thần vị được bao lâu nhẹ nhàng bằng khăn bông, tiếp đến là lễ gia quan (thay áo thánh).

Sang ngày mồng 7 tiến hành lễ mộc dục, tắm rửa, lau chùi thần tượng, thần vị, áo mũ và khí tự. Ban tế gồm có vị chủ tế là cụ già cao niên, phúc hậu, có uy tín với dân làng. Các cụ trong vai “bồi tế”, “Đông xướng”, “Tây xướng” và “chấp sự”... đều mặc y phục đại lễ cổ truyền gồm quần trắng, áo... tím, xanh, đỏ tay thụng, chân đi hia, đầu đội mũ thêu kim tuyến có dải dài phía sau gáy. Cuộc đại tế của đội tế làng An Mô diễn ra trong bầu không khí linh thiêng và trọng thị, từ lúc khởi đầu với lời xướng của cụ Đông Xướng “cúc cung bái” đến câu xướng khi đọc hết bản văn tế cuối cùng “cẩn cáo”, “thượng hưởng” thường kéo dài chừng hơn một giờ đồng hồ.

Khi cử hành nghi lễ, mọi người phải có khăn điều bao hàm để tránh trần khí xông lên thánh cung, không cười nói trong khi làm mà mang tội bất kính. Sau lễ mộc dục, nước ngũ vị hương được để trong quán tẩy, mọi người dùng nước xoa lên mặt gọi là “quan chiêm thần huệ” để trừ bệnh tật; áo thánh thay ra được xé thành mụn nhỏ gọi là khước thánh chia cho dân. Một tục khá điển hình trong lễ phẩm dâng cúng ở Đền Sinh - Đền Hóa là xôi trắng- lợn đen.

Cùng với nghi thức lễ, phần hội cũng được quan tâm phục dựng lại các trò chơi như; hát chầu văn, cờ biển, đập niêu, chọi gà… khiến không khí lễ hội ngàn năm tuổi thêm tưng bừng, rộn rã…

Thùy Dương (Báo điện tử Pháp luật Việt Nam)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây