Những điểm sáng trong tổ chức lễ hội mùa xuân

Thứ bảy - 09/03/2019 09:04 - 1090 lượt xem
Đoàn kiểm tra liên ngành UBND huyện Kinh Môn kiểm tra tại cơ sở và yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện tốt văn minh lễ hội
Đoàn kiểm tra liên ngành UBND huyện Kinh Môn kiểm tra tại cơ sở và yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện tốt văn minh lễ hội
Sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các địa phương; tiền công đức được quản lý chặt chẽ; người ăn xin không còn xuất hiện... là những điểm sáng trong tổ chức lễ hội mùa xuân.
Công tác tổ chức lễ hội mùa xuân năm nay ở tỉnh ta đã có chuyển biến tích cực. Nhiều thiếu sót, hạn chế từ những năm trước đã được khắc phục, góp phần tạo nên môi trường lễ hội ngày càng văn minh.​

Vắng bóng "cái bang"

Ghi nhận tại nhiều lễ hội dịp đầu xuân năm nay cho thấy hầu như người ăn xin không còn xuất hiện, gây phản cảm cho du khách như những năm trước. Có được điều này xuất phát từ sự quyết tâm của những người có trách nhiệm. "Hằng ngày, chúng tôi thu gom nilon, vỏ chai nhựa và tất cả những thứ thải loại có thể bán đồng nát được để cho những người ăn xin đem bán. Họ có được thu nhập nên cam kết không ăn xin nữa", ông Hà Quang Thành, Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng cho biết.

Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm nay vắng bóng người ăn xin dù lễ hội có nhiều hoạt động, lượng du khách về đông. Tại di tích đền Cao An Phụ (Kinh Môn), "cái bang" cũng không còn hoạt động như mùa lễ hội năm ngoái. Trước khi mùa lễ hội bắt đầu, huyện Kinh Môn đã sớm thông báo nếu tại di tích có người ăn xin thì sẽ tìm hiểu rõ thông tin. Người ăn xin đó thuộc xã nào trong huyện thì gọi chủ tịch UBND xã đó lên đưa về. 

Ngoài ra, nhiều lễ hội đầu xuân năm nay cũng không còn hiện tượng cờ bạc trá hình thông qua các trò chơi như bầu - cua - tôm - cá. Tình trạng du khách bị móc túi, mất cắp, việc nhũng nhiễu, chèo kéo người tham quan giảm hẳn. Lực lượng công an chính quy đã được tăng cường kết hợp với lực lượng an ninh địa phương, nhân viên ban quản lý các di tích trực 24/24 giờ để giải quyết các vấn đề phát sinh, cung cấp đường dây nóng, hỗ trợ du khách, phân luồng giao thông... Anh Phạm Văn Công ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) về dâng hương tại chùa Côn Sơn nói: "Gần như ở khu vực nào chúng tôi cũng thấy có lực lượng bảo đảm an ninh trật tự. Điều này khiến chúng tôi yên tâm dâng hương, ngắm cảnh mà chẳng lo bị móc túi như đi lễ ở một số tỉnh khác".

Qua tìm hiểu, lượng rác thải hằng ngày tại các di tích mùa lễ hội năm nay khá nhiều. Mặc dù vậy, cảnh quan tại các di tích được bảo đảm phong quang, môi trường sạch sẽ. Tại mỗi di tích, thùng đựng rác được bố trí ở tất cả các khu vực. Lực lượng làm công tác vệ sinh được tăng cường. Trong mùa lễ hội, mỗi ngày di tích đền Bia ở xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) thải ra 3-4 m3 rác các loại từ cốc nến, nilon, hoa, quả thối hỏng... Ban Quản lý di tích này bố trí 4 người thường trực hằng ngày để thu dọn rác, xây 1 bể để chứa các đồ rác thải rắn. Hoa tươi được ngắt cho các hộ dân địa phương làm thuốc, riêng thân và lá thì phơi khô để đốt. 

Việc hỗ trợ du khách về dự lễ hội mùa xuân năm nay được ban quản lý các di tích thực hiện khá chu đáo. Nhiều di tích bố trí nước uống, khay, mâm sắp lễ, trang phục cho nhân dân và du khách mượn miễn phí.

​Quản lý chặt tiền công đức

Công tác tổ chức lễ hội mùa xuân ngày càng nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh và có nhiều đổi mới. Những ngày đầu xuân Kỷ Hợi 2019, huyện Kinh Môn phân công lãnh đạo huyện tham gia trực, điều hành mọi công việc tại di tích đền Cao An Phụ. Công an huyện cử lực lượng thường trực, mỗi phòng, ban, cơ quan của huyện cử 1-2cán bộ, nhân viên tham gia ca trực, trong đó ngày cao điểm lên tới 32 người. Việc tăng cường lực lượng thường trực tại lễ hội giúp công việc điều hành trơn tru, các hoạt động hỗ trợ du khách được thực hiện bài bản, bảo đảm an ninh trật tự. Đặc biệt, việc quản lý tiền công đức cũng được thực hiện chặt chẽ, minh bạch hơn.

Bà Nguyễn Thị Kha, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kinh Môn cho biết mọi năm các tiền hòm công đức, tiền giọt dầu do Ban Quản lý di tích và Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện thực hiện thu gom, kiểm đếm. Năm nay, số tiền công đức tại di tích cũng được thu gom, niêm phong, ghi biên bản nhưng sau đó chuyển ngay về ngân hàng. Tại đây, huyện trưng dụng cán bộ các phòng, ban liên quan kết hợp với cán bộ ngân hàng tiến hành kiểm đếm và gửi vào ngân hàng luôn.

Cũng theo bà Kha, ngoài lễ hội đền Cao An Phụ, tại huyện Kinh Môn còn nhiều lễ hội gắn với các di tích quốc gia như: đình - chùa An Thủy (xã Hiến Thành), đình - chùa Huề Trì (xã An Phụ), đền Thiên Kỳ (xã Hoành Sơn), chùa Hàm Long (thị trấn Minh Tân), đình Phương Quất (xã Lạc Long), đình Xạ Sơn (xã Quang Trung)... Các lễ hội này do cấp xã tổ chức nhưng UBND huyện đều thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra công tác tổ chức lễ hội, yêu cầu thực hiện tốt nếp sống văn minh mùa lễ hội và quản lý chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả tiền công đức. 

Đại diện Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết công tác quản lý lễ hội năm nay tại các địa phương có sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Tiền công đức tại một số di tích được thu gom kịp thời, quản lý chặt chẽ, thu chi đúng mục đích. Đây là điểm tích cực cần phát huy và nhân rộng.

BM (Báo Hải Dương điện tử)

© Chí Linh quê tôi tổng hợp và sắp xếp các thông tin tự động bởi chương trình máy tính với sự hỗ trợ của Google Alerts, Skydoor & Baomoi. Tiêu đề và nội dung một số bài viết được Chí Linh quê tôi biên tập cho phù hợp. Link bài viết gốc được đính kèm dạng URL ở phần tác giả cuối mỗi bài viết.
Chí Linh quê tôi do Hội Người Chí Linh tại Đài Loan phát triển và quản lý. Phản hồi, đóng góp thông tin qua email: [email protected] 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây