Các tác giả cổ ở Chí Linh (kì 3)

Thứ ba - 10/11/2015 13:12 - 4633 lượt xem

Mạc Đĩnh Chi

Mạc Đĩnh Chi
Chí Linh - miền đất sơn chầu thủy tụ, phong cảnh hữu tình đã từng là nơi dung dưỡng tâm hồn nhiều danh nhân, văn nhân tài tử từ xưa. Và nhiều người trong số đó đã để lại những tác phẩm rất có giá trị cho đời sau. NCL xin trân trọng giới thiệu loạt bài nghiên cứu của nhà giáo Đỗ Đình Tuân về các tác giả cổ ở Chí Linh.

11. NGUYỄN MINH TRIẾT (1577-1673)

               Nguyễn Minh Triết ngư­ời xã Lạc Sơn, tục gọi là làng Thiên, nay thuộc xã Thái Học huyện Chí Linh. Cụ tổ ông là Nguyễn Minh Thiện, đậu Tiến sĩ thời Mạc, làm quan đến chức Hiến sát ngự sử.
               Lúc nhỏ Nguyễn Minh Triết học rất giỏi, có chí nối nghiệp cha ông, đ­ược xem là thần đồng, như­ng đỗ đạt lại rất muộn. Tư­ơng tuyền có lần ông đã vào chùa Hư­ơng Hải(1), một chùa lớn trong huyện làm lễ cầu mộng, đ­ược thần linh báo rằng: “Độc th­ư đáo lão vị thành danh” (Đọc sách đến già mà chư­a thành danh). Ông giận giữ nói: “Ta sẽ gắng sức học hỏi, thần đ­ược nh­ư ta sao?”. Về nhà ông làm nhà bên cạnh núi đọc sách liên miên. Một hôm ông đem câu nói trong thần mộng kể với một ng­ười bạn, đ­ược ông bạn giải thích rằng: “Chữ vị cũng là chữ mùi, thế nào khoa Mùi cũng đậu”.
               Quả nhiên đến năm Tân Mùi, niên hiệu Đức Long năm thứ 3(1631) ông mới thi đỗ. Kỳ ấy, đến giờ ngọ đề mới ra, lại gồm những 12 đề mục. Các thí sinh khác thì cứ chiếu đủ các mục đối đáp qua loa cho kịp. Riêng ông lại chỉ làm kỹ 4 mục bỏ 8 mục. Vì thế khi chọn những quyển trúng cách lên ngự lãm đã không có quyển của ông. Rất may là nhà vua lại hỏi: “Có còn sót quyển nào nữa không?”. Quan trư­ờng bèn tâu rằng: “Còn một quyển có 4 mục rất hay, như­ng bỏ sót 8 mục, nên không dám lấy, vì lấy thì quyển ấy phải xếp hàng đầu”. Vua truyền: “Thơ một câu, phú một liên, nếu hay đều có thể lấy đ­ược, huống hồ lại 4 mục”. Kỳ ấy ông đỗ hội nguyên.
               Ở trư­ờng thi ra, ông làm một bài thơ nhật trình gửi nhà trọ và nhờ nhà trọ xem bảng giúp, nếu ông đỗ thì cứ theo con đ­ường ông kể trong bài thơ để tìm đường về báo. Không rõ bài thơ thực hư­ thế nào nh­ưng dân gian trong vùng vẫn truyền đọc là:
                        Ngo-Nghe-Ngụ-Triện lái sang Triền*
                        Qua Dâu-Nam Gián-Nẻo-Cùa-Thiên.
               Các làng: Ngo,Nghe,Ngụ Triện là thuộc bên Bắc Ninh, còn các làng Triền(tức Lý D­ương hoặcTriều D­ương), Dâu, Nam Gián, Nẻo, Cùa, Thiên là thuộc đất Chí Linh ngày nay. Tục truyền rằng, vừa đi thi về là ông đã cùng vợ ra đồng trồng đậu. Có điều đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến văn ch­ương và cứ nghĩ đến câu nào hay ông lại lấy cuốc vẽ một vành khuyên trên mặt đất, làm nát cả một thửa ruộng trồng đậu. Rồi một hôm ông đang làm đồng thì có ngư­ời nhà ông chủ trọ xuống báo tin. Từ xa trông thấy ông đã hỏi rối rít: “Đỗ thứ mấy?”. Ng­ười kia không nói chỉ giơ tay vỗ vỗ lên đầu ra ý: “đỗ đầu”. Kỳ ấy ông đỗ đầu hội nguyên. Sau vào thi đình ông đỗ Thám hoa. Sau đi làm quan đến chức Công bộ th­ượng th­ư, tư­ớc Dĩnh Xuyên hầu.
               Năm 70 tuổi ông viện lý do tuổi già xin về nghỉ như­ng không đ­ược nhà vua ư­ng thuận. Mãi đến năm ngoài tám mư­ơi tuổi ông mới nghỉ h­ưu.Tuy già như­ng ông rất khỏe mạnh. Năm 92 tuổi ông vẫn sinh thêm 2 ngư­ời con gái. Thời còn trẻ, ông sống rất gian khổ. Ngoài hai mươi tuổi vẫn chưa có vợ. Một hôm ông nằm mơ thấy một thần nhân bảo rằng “ Vợ anh sinh rồi đấy”. Ông tỉnh dậy thì quả trong làng có người vừa sinh con gái. Sau này quả nhiên cô gái ấy trở thành vợ của ông. Rồi ông cũng lại không giữ được vợ, bị một thổ hào xã Lạc Sơn chiếm đoạt và sinh với người thổ hào ấy một đứa con gái. Cho mãi tới khi người thổ hào ấy chết vợ ông mới được trở về sống với ông. Lúc trẻ, đời ông long đong là như vậy. Nhưng về già bổng lộc của ông rất nhiều.Tư­ơng truyền có lần ở chợ Thiên ng­ười ta có bán một con cá to.Thấy có cá ngon nên con cháu và học trò của ông ai cũng mua một miếng đem biếu ông. Ông sai ghép các miếng cá ấy lại vừa đủ nguyên cả con cá to. Sau chuyện ấy ông buồn rầu nói: “Lộc của ta quá hậu, không biết con cháu sau này thì ra sao?”. Ông mất năm 96 tuổi, đư­ợc tặng chức Hộ bộ th­ượng th­ư và vua ban tên hèm là Văn Đẩu.
               Theo Chí Linh phong vật chí thì “Văn chư­ơng sáng tác của ông rất nhiều, đến nay còn truyền lại rất ít. Không sách nào ông không đọc, không thể văn nào ông không làm, khí lực hùng hồn, ngòi bút rộng rãi...vư­ợt ra ngoài lề lối tạo ra một lối văn chư­ơng riêng biệt”.
               Sau đây là bài thơ quốc âm còn lại của ông:
                        Tiết kiệm
               Giầu thì ba bữa khó thì hai,
               Lần nữa cho qua tháng thiểu đài. (2)
               Nón đổi lá ngoài quần đổi ống,
               Dép thay da mặt túi thay quai.
               Dặn vợ có cà đừng gắp mắm,
               Bảo con bớt gạo cạo thêm khoai.
               Thế gian mặc kệ c­ười hà tiện,
               Ta chẳng phiền ai chẳng lụy ai.
 
Chú thích
               1. Chùa Hương hải : nay không còn, nhưng theo Lê Quý Đôn thì chùa đó đặt ở thôn Tiền, xã Phụ Vệ, huyện Chí Linh (cổ) nay là Tiền Trung thuộc huyện Nam Sách. Lê Quý Đôn từng đến chùa này và có làm một bài thơ tả cảnh chùa Hương Hải như sau : «Ngôi chùa cao rộng sáng sủa đã bao nhiêu năm xa cách cõi trần / Nước mùa thu, núi mùa xuân một bầu gương sáng mở ra / Trăng dòng sông không theo dòng nước chảy đi / Gió ngoài trời thường đưa sóng bể tràn lên... »
               2.Tháng thiểu đài:
               -Tháng thiểu: tháng âm lịch không đủ 30 ngày được gọi là “thiểu nguyệt” tức là tháng thiếu.
               -Tháng đài: tháng âm lịch đủ 30 ngày được gọi là “đại nguyệt” tức là tháng đủ. Chữ “đài” ở đây là do chữ “đại” đọc chệch âm sang thanh bằng cho hợp vần.
 

 12. PHẠM HUY LAN (?-?)

               Phạm Huy Lan, còn có tên gọi khác là cụ Kép Lan, vì cụ hai lần đỗ tú tài (tú kép). Không rõ cụ sinh, cụ mất năm nào, chỉ biết cụ là người trong Vụ Bản, Nam Định ra vùng Kiệt Đặc, Chí Linh dạy học và sinh cơ lập nghiệp ở đây. Năm 1930, nhân dịp mộ lễ khánh hạ trong đền Phượng Hoàng, cụ có làm bài Kiệt Sơn.  Bài thơ được người đời truyền tụng khá rộng rãi trong vùng Chí Linh, Nam Sách như một bài thơ dân gian vậy. Nguyên văn bài thơ được truyền tụng đó như sau :
                                               
               Kiệt Sơn
                       
Kiệt sơn thất thập nhị phong,1
Phượng Hoàng bậc nhất trong vùng Chí Linh.
Non Tường,2 non Mật 3 bao quanh,
Qua Hàm Ếch 4 trải Phượng ghềnh 5 tiến lên.
Bên Tháp Thánh 6, bên động Huyền,7
Xa xa Bãi Nhạn 8 gần miền Hang Giơi 9
Cảnh thanh riêng một bầu trời,
Cảnh thanh dành để đợi người cao thanh.
 
Chú thích
1-Thất thập nhị phong: dịch ra là 72 ngọn núi. Theo sách Chí Linh phong vật chí thì làng Kiệt Đặc có 12 ngọn núi. Nhưng theo Trần Quý Nha trong Công dư tiệp ký tục biên thì có 72 ngọn núi.
2-Non Tường: núi làng Trại Tường, nay là một thôn thuộc phường Văn An, thị xã Chí Linh.
3-Non Mật: núi làng Mật Sơn, nay là một thôn thuộc phường Chí Minh, thị xã Chí Linh.
4-Hàm Ếch :  tên một thôn nay thuộc phường  Cộng Hòa, thị xã Chí Linh.
5-Phượng Ghềnh: chỉ là cách gọi khác của núi Phượng Hoàng cho hợp vần.
6-Tháp Thánh: tức Tinh Phi cổ tháp, mộ của bà Nguyễn Thị Duệ, còn có tên là Nguyễn Thị Ngọc Toàn, người phụ nữ duy nhất đỗ tiến sỹ trong các triều đại phong kiến ở Việt Nam, người sáng lập ra lối dạy học từ xa đầu tiên ở Việt Nam.
7-Động Huyền: tức động Huyền Thiên, cũng thuộc vùng núi Kiệt sơn.
8-Bãi Nhạn: túc bãi cát Bạch Nhạn, thuộc địa phận làng Phao Sơn phường Phả Lại ngày nay. Đó là một bãi cát trắng có hình giống như con chim nhạn nên gọi là bãi Bạch Nhạn.Nay đã khai thác hết không còn nữa.
9-Hang Giơi: trên núi Phao Sơn có mấy hòn đá to xếp chồng lên nhau thành một cái hang, Giơi thường vào ở, nên thường gọi Hang Giơi hay Hang Hòn .
 
Phụ chép
                     Kỷ niệm về một bài thơ
 
Năm 1956, chúng tôi học ở phố Thiên. Học sinh lúc đó đa phần là người Nam sách. Tôi tuy ở Chí Linh, nhưng từ Cổ Thành xuống cũng xa nên tôi nhập bọn với các bạn Nam Sách cùng tìm chỗ trọ. Lúc đó ở ngay giữa phố, gần cầu Thiên có một ngôi nhà chủ nhân đi vắng cả, đang nhờ một người hàng xóm trông hộ. Đến hai chục người chúng tôi cùng trọ ở đó. Ngôi nhà vắng chủ bỗng trở thành một ký túc xá miến phí. Sinh hoạt trong «ký túc xá » ấy rất là vui vẻ và thoải mái. Sáng thì lên lớp, buổi chiều thì học bài rồi dọn dẹp, gánh nước nấu cơm...Buổi tối thì hôm nào cũng tắt đèn rất sớm. Nằm chuyện gẫu. Thôi thì đủ các thứ chuyện : cổ tích, ma thoại, tiếu lâm...Nhưng cũng có một buổi đọc thơ. Ai thích bài nào, thuộc bài nào thì đọc. Đọc tự phát thôi, chứ không có «thơ lệnh» hay người «dẫn chương trình ». Trong một buổi đọc thơ như thế, một bạn học của tôi tên là Nguyễn Văn An, người thôn Thụy Trà bên nam Sách đã đọc một bài thơ ca ngợi cảnh đẹp của vùng núi Phượng Hoàng Chí Linh như sau :
Mật sơn thất thập nhị phong
Phương Hoàng bậc nhất trong vùng Chí Linh
Non Tường, non Mật bao quanh
Qua Hàm Ếch trải Phượng ghềnh tiến lên
Bên Tháp Thánh, bên Động Huyền
Xa xa Bãi Nhạn gần miền Hang Giơi
Cảnh thanh riêng một bầu trời
Cảnh thanh giành để đợi người cao thanh.
Lúc ấy tôi mới có 14 tuổi và tôi thấy bài thơ ấy hay quá. Tôi nhập tâm ngay. Sau này đi học xa, nhưng cứ mỗi lần ngoái nhìn về hướng Chí Linh, thấy dãy núi Ông Sư trùng điệp dưới nắng chiều là trong lòng tôi lại khẽ ngân lên bài thơ đó.
Năm 1976, khi tham gia viết «Người Vạn Kiếp, Côn Sơn», tôi mới có dịp dùng bài thơ này để minh họa thêm cho cảnh đẹp Chí Linh. Khi « Người Vạn Kiếp, Côn Sơn » in ra, các cụ già Văn An đọc mới ý kiến phản hồi cho tôi hay có hai chi tiết trong bài thơ không đúng là :
-Hai chữ đầu của câu thứ nhất không phải là «Mật Sơn» mà là «Kiệt Sơn».
-Bài thơ có tác giả là cụ Kép Lan chứ không phải là khuyết danh.
Năm 1996, khi dạy học ở Phả Lại, tôi được cụ lang Di cho biết cụ thể về cụ Kép Lan : tên thật của cụ là Phạm Huy Lan, người Vụ Bản (Nam Định), hai lần đỗ tú tài nên mới gọi là cụ Tú Kép. Cụ ra Văn An dạy học, người Văn An mới gọi cụ là cụ Kép Lan. Cụ làm bài thơ này nhân dịp có lễ khánh hạ trong đền Phượng Hoàng vào năm 1930. Lần in này tôi xin sửa lại bài thơ mà tôi đã thuộc sai từ năm 1956, theo nhũng ý kiến đóng góp của bạn đọc và nhân dân. Cũng xem như một lời đính chính. Tôi xin trân trọng cám ơn.
 

13. MẠC ĐĨNH CHI (1284?-1236)

            Mạc Đĩnh Chi tự Tiết Phu, người làng Long Động, thuộc huyện Chí Linh, nay là thôn Long Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Năm 1304, ông đỗ trạng nguyên dưới thời vua Trần Anh Tông. Năm 1308, ông được cử sang sứ Trung Quốc, được vua Nguyên rất phục tài và phong là “Lưỡng quốc trạng nguyên”. Sau ông làm quan đến chức Nhập nội hành khiển, thăng Tả bộc xạ. Ông nổi tiếng là một viên quan thanh liêm. Có giai thoại kể rằng vua Trần Anh Tông thấy Mạc Đĩnh Chi tuy làm quan nhưng nhà vẫn nghèo, cuộc sống thường ngày rất thanh bần đạm bạc, bèn gọi một viên quan đến hỏi:
- Đĩnh Chi sống thiếu thốn, ta muốn trích kho mang tiền đến cho Đĩnh Chi, liệu có nên không?
 Viên quan nọ đáp:
 - Muôn tâu bệ hạ, thần biết rõ Đĩnh Chi vốn thanh liêm, cho người mang tiền đến e Đĩnh Chi không nhận. Giờ chỉ có cách đang đêm cho người lén bỏ vào nhà Đĩnh Chi may ra mới được.
Nhà vua cho thế là phải, bèn sai người đem mười quan tiền đang đêm bí mật bỏ vào nhà Đĩnh Chi. Sáng hôm sau, Đĩnh Chi thấy tự nhiên có tiền ở trong nhà, ông vội đem tiền đến và tâu với nhà vua rằng:
 - Muôn tâu bệ hạ, thần làm quan đã có lộc nước, nay tự dưng lại thấy có tiền trong nhà, thần xin mang đến nộp kho để dùng vào việc công ích.
 Nhà vua bảo với Đĩnh Chi rằng:
   - Tiền ấy không có chủ, cứ cầm lấy mà dùng.
 Đĩnh Chi đáp :
- Những đồng tiền này tuy không có chủ, nhưng không phải do thần làm ra, thần không dám nhận.
 Cuối đời khi đã hưu quan, Mạc Đĩnh Chi có mở trường dạy học tại quê nhà. Nơi ông mở trường dạy học, người đời sau suy tôn là cổ tích và gọi là “Trạng nguyên cổ đường” có nghĩa là nhà dạy học cũ của quan trạng nguyên.
 Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số tác phẩm của Mạc Đĩnh Chi:
 
Bài 1
Bài phú sen giếng ngọc1
 
Khách có kẻ:
Nơi nhà cao tựa ghế
Trưa mùa hạ nắng nồng.
Ao trong ngắm làn nước biếc
Nhạc phủ vịnh khúc phù dung.2
Chợt có người:
Mặc áo quê, đội mũ vàng
Tiên phong đạo cốt
Khác xa trần gian
Hỏi: “ở đâu lại?”
Rằng: “từ Hoa Sơn!” 3
Bèn bắc ghế, bèn mời ngồi
Dưa Đông Lăng đem cắt, quả Dao Trì đem mời 4
Bèn sang sảng nói, bèn ha hả cười.
Đoạn rồi, trông khách mà rằng:
“Anh cũng là người quân tử ưa hoa sen đó chăng?”
Ta có giống lạ trong tay áo này 5
Chẳng phải như đào trần lý tục 6
Chẳng phải như trúc cỗi mai gầy
Câu Kỷ phòng tăng khó sánh
Mẫu đơn đất Lạc nào bì 7
Giậu Đào lệnh cúc sao ví được 8
Vườn Linh quân 9 lan sá kể gì
Âý là giống sen giếng ngọc ở đầu núi Thái Hoa đây.
Khách rằng:
“Ngó như thuyền mà hoa mười trượng
Lạnh như sương mà ngọt như mật” đó ư?
Trước vẫn nghe tiếng, nay mới thấy thật
Đạo sỹ lòng vui hớn hở
Lấy trong tay áo trưng bày
Khách vừa trông thấy, lòng ngậm ngùi thay
Giấy mười thức 10 xếp sẵn
Bút năm sắc thấm(?) ngay 11
Làm bài ca rằng:
Thủy tinh  gác để làm cung
Cửa ngoài lóng lánh bao vòng lưu ly12             
Bùn thời tán bột pha lê
Hạt trai làm móc dầm dề tưới cây
Mùi thơm ngào ngạt lên mây
Ngọc Hoàng nghe cũng rủ đầy tình thương
Lạnh lùng hạt quế không hương
Tố Nga lại nổi ghen tuông bời bời
Bãi sông hái cỏ dạo chơi
Bến Tương luống những trông vời Tương Phi 13
Giữa dòng lơ lửng làm chi
Nhà xưa sao chẳng về đi cho rồi
Há rằng trống rỗng bất tài 14
Thuyền quyên lắm kẻ lỡ thời thương thay
Nếu ta giữ mực thẳng ngay 15
Mưa sa gió táp xưa nay cũng thường
Sợ khi lạt thắm phai hương
Mỹ nhân đến lúc muộn màng hết xuân.
Đạo sĩ nghe mà than rằng:
 “Sao anh lại ai oán như thế?”
Anh không thấy:
Hoa tử vi trên ao Phượng Hoàng 16
Hoa hồng dược trước thềm ngọc đường đó sao?
Địa vị cao cả, danh tiếng vẻ vang.
Triều minh thánh chúng đều là được quý
Cõi tao nhân anh đi mãi sao đang?
Khách bấy giờ:
Nghe lọt mấy lời, đem lòng kính mộ
Ngâm thơ Đình thượng của Thành Trai 17
Họa câu Phong đầu của Hàn Dũ 18
Gõ cửa thiền môn dãi tấc lòng
Kính dâng bài “Ngọc tỉnh liên phú”.
                                           Phan Võ dịch
Chú thích
 
1.Bài này Mạc Đĩnh Chi làm lúc thi đỗ trạng nguyên, nhà vua thấy ông tướng mạo xấu xí, không muốn lấy đỗ, ông dâng bài phú này để tỏ rõ phẩm giá thanh cao của mình. Nhà vua đọc bài phú hiểu rõ phẩm cách và tài năng của ông nên vẫn lấy đỗ.
2.Phù dung có hai nghĩa: một nghĩa chỉ hoa sen, một nghĩa chỉ hoa phù dung.
3.Hoa Sơn: một trong 5 núi lớn ở huyện Hoa âm, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc).
 4.Dưa Đông Lăng: Thiệu Bình đời Tần, được phong Đông Lăng hầu, sau mất quan về trồng dưa, dưa ông ngon có tiếng.
5.Quả Dao Trì: chỉ quả bàn đào của Tây Vương mẫu ở Dao Trì. Cây Bàn đào ba nghìn năm mới nở hoa, ba nghìn năm mới kết trái
6.Ưa sen: Chu Đôn Di, hiệu Liêm Khê, người đời Tống, rất thích hoa sen, cho hoa sen có phong cách quân tử, có làm bài “Aí liên thuyết”. Người đời gọi ông là quân tử yêu sen.
7.Đào trần lý tục: Hoa đào, hoa lý đầy núi đều là thứ trần tục, quê mùa, do câu: “Đào lý mãn sơn tổng thô tục”.
 8.Câu Kỷ phòng tăng, mẫu đơn đất lạc: Câu kỷ là một thứ cây có hoa dùng để làm thuốc. Lưu Vũ Tích đời Đường vịnh cây câu kỷ có câu: “Tăng phòng dược thụ ỷ hàn tỉnh”, nghĩa là: Cây thuốc của nhà chùa tựa bên giếng lạnh. Còn hoa mẫu đơn ở đất Lạc Dương(TQ) là đẹp hơn cả, người ta thường gọi là Lạc Dương hoa.
9.Giậu Đào Lệnh: Đào Lệnh tức Đào Tiềm, người đời Tấn, làm quan ở Bành Trạch được chưa đầy ba tháng thì xin bỏ quan về nhà dạy học.Thơ Đào Tiềm có câu: “Thái cúc đông ly hạ”(Hái hoa cúc ở nơi Giậu phía đông).
10.Vườn Linh Quân: Khuất Nguyên tên chữ là Linh Quân, viết thiên Ly Tao trong đó có câu: “Dư ký tử lan, chi cửu uyển hề, hựu thu huệ chi bách mẫu”, nghĩa là: Ta tưới tử lan chín uyển ( mỗi uyển=30 mẫu xưa của TQ), lại trồng huệ trăm mẫu.
11.Bút năm sắc: do tích Giang Uyên nằm mộng thấy có người cho cây bút năm mầu, từ đó văn chương nổi tiếng.
12.Cung thủy tinh, cửa lưu ly: Trong bài Hoa sen đình ngọc tỉnh của Dương Thành Trai, có câu: “Cư tiên sơ xuất một, chiếu nhật dĩ do khiếp, quán chi thủy tinh cung, hoàn dĩ lưu ly điệp”, nghĩa là ông tiên trong ao vừa mới lấp ló lên, còn non nên e sợ bóng mặt trời chiếu đến, cho vào ở trong cung thủy tinh, có tường thành bằng lưuly bao bọc.
13. Tương Phi: vợ vua Thuấn
14. Trống rỗng bất tài: Sách Trang Tử viết: quả bầu năm thạch, bổ ra mà làm cái bầu thì trống rỗng không đựng được gì.
15.Mực thẳng ngay: sợi chỉ nhúng mực đen của thợ mộc dùng để bật vẽ đường thẳng trên thân cây gỗ khi cưa xẻ .
16.Hoa tử vi ao Phượng Hoàng: Đời Tấn, đời Đường, tòa Trung thư ở trong cung cấm, gần vua, bên tòa có ao, nên người ta thường gọi tòa Trung thư là ao Phượng Hoàng(ý nói ở địa vị cao quý). Lại vì trong tòa trồng hoa tử vi, cho nên đời Đường còn có tên gọi là tòa Tử Vi.
 17.Thành Trai: tức Dương Vạn Lý, người đời Tống, có tập thơ Thành Trai, gồm 130 quyển do con là Trương Nhụ chép, lời thơ hùng tráng
18.Hàn Dũ: tức Hàn Xương Lê đời Đường. Thơ ông có câu:
Thái hoa phong đầu ngọc tỉnh liên,
Hoa khai thập trượng ngẫu như thuyền
Lãnh tỉ tuyết sương cam tỉ mật
Nhất phiến nhập khẩu trầm kha thuyên.
 
Nghĩa là:
Cây sen ở trong giếng ngọc trên nuí Thái Hoa
Hoa cao mười trượng ngỡ như thuyền
Mát lạnh như tuyết như sương,ngọt như mật
Ăn vào một miếng bệnh nặng cũng khỏi.
 
Bài 2
 
晚景
 空翠浮煙色
春蓝发水文
墙乌啼洛照
野鴈送歸雲
漁火前澜見
樵歌隔岸聞
旅人悲冷洛
借酒作为熏
 
 
Vãn cảnh
Không thúy phù yên sắc.
Xuân lam phát thủy văn.
Tường ô đề lạc chiếu.
Dã nhạn tống quy vân.
Ngư hỏa tiền lan kiến,
Tiều ca cách ngạn văn.
 Lữ nhân bi lãnh lạc,
Tá tửu tác vi huân.
 
Dịch nghĩa
Cảnh chiều
Màu khói nổi lên giũa bầu trời biếc.
Gợn sóng lăn tăn trên dòng nước xanh mùa xuân.
Quạ bên tường kêu khi bóng xế.
Nhạn ngoài đồng đưa đám mây về.
Lửa thuyền câu lập lòe vụng trước,
Tiếng ca chú tiều văng vẳng bên kia bờ.
Nét mặt người lữ khách ủ ê khá thương.
Mượn chén rượu ngà ngà cho khuây.
 
Dịch thơ
Trời biếc in sắc khói.
Dòng xanh gợn lăn tăn.
Quạ tường kêu chiều xế.
Nhạn nội tiễn mây ngàn.
Lửa chài nhìn bãi trước,
Ca tiều nghe vũng bên.
Lữ khách buồn chẳng nói,
Mượn rượu giải ưu phiền.
            Đỗ Đình Tuân dịch.
 

14. TRẦN TIẾN (1709-1770 )

               Trần Tiến ng­­ười xã Điền Trì, huyện Chí Linh (nay là thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dư­­ng). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa hoạn ở huyện Chí Linh. Cha là Trần Cảnh, tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718), làm quan đến Tham tụng - Th­ượng thư­, tư­ớc Diệu quận công. Ông nội là Trần Thọ, tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670), làm quan đến Bồi tụng - Tả thị lang bộ Lễ, tư­ớc Phư­ơng trì hầu.
               Năm 21 tuổi ông đỗ h­­ương cống; Năm Cảnh H­­ưng thứ 9 (1748) ông đỗ tiến sĩ, sau làm quan đến chức Hàn lâm viện thị giảng, Phó đô ngự sử. Trần Tiến có tên chữ là Khiêm Đường, hiệu là Cát Xuyên, tác giả các sách Đăng khoa lục s­ưu giảng, Cát Xuyên tiệp bút, Niên Phả lục. Trong lịch sử văn xuôi Việt Nam Trần Tiến đư­ợc xem là ng­ười sáng lập ra thể ký tự thuật. Trong tác phẩm Trần Khiêm Đư­ờng niên phả lục (1764), ngay mở đầu ông tự kể: “Tôi họ Trần, thuở bé tên là Tân, lớn lên tên là Kính, lại có tên là Tiến, tự là Khiêm Đư­ờng, con của thừa t­ướng Trần Công  và bà Quận phu nhân họ Nguyễn sinh ra”
               Theo Chí Linh phong vật chí, Trần Tiến có soạn sách địa phư­­ơng chí và làm thơ ca ngợi cảnh đẹp của huyện Chí linh. Bài thơ viết bằng chữ Hán, không thấy có tựa đề, chúng tôi xin chép lại:
 
碧水青山終秀氣
分明勝地征兼記
古今忨賞盡柳人
地設天排多勝置
   
Phiên âm
Bích thủy thanh sơn chung tú khí,
Phân minh thắng địa trư­­ng kiêm ký.
Cổ kim ngoạn thư­­ởng tận liễu nhân, 1(?)
Địa thiết thiên bài đa thắng trí.
 
Dịch nghĩa
Nư­­ớc biếc non xanh chung đúc khí tốt,
Thắng cảnh đã ghi trong sách rõ ràng.
Xư­­a nay làng thơ nhiều ng­­ời ngâm thư­­ởng,
Tạo hóa sắp bầy nhiều cảnh trí đẹp.
 
Dịch thơ
Khí lành chung đúc sơn khê
Sách xưa thắng địa từng ghi rõ ràng
Non xanh nước biếc vô vàn
Trời bày đất xếp một miền núi sông.
                          Đỗ Đình Tuân dịch
Ghi chú
1-Liễu nhân: theo các dịch giả (Nguyễn Huy Đại và Nguyễn Thanh Giản) thì hai chữ ấy phải là “tao nhân” mới hợp nghĩa.
 

15, HOÀNG XUÂN CẨM

 Không rõ năm sinh năm mất, cũng không rõ về thân thế ông, chỉ biết ông là một lão nông ở vùng núi Kiệt Sơn này, sống vào những triều vua đầu Nguyễn khoảng từ Gia Long đến Tự Đức. Hoàng Xuân Cẩm có thơ đóng góp cùng với 17 quan chức và nho sĩ khác được khắc ghi trong tấm bia dựng vào năm Tự Đức thứ 10 (1857) tại đền thờ Chu Văn An trên núi Phượng Hoàng. Tất cả các bài thơ khắc trong bia đều không có tựa đề mà chỉ ghi tên tác giả ở cuối mỗi bài thơ. Theo Di sản Hán Nôm (Phượng Sơn, văn bia) thì các tên tuổi ấy cụ thể như sau:
1-    Quế Châu
2-    Thọ Phong
3-    Lễ bộ lang trung Chi Điền Đặng…Dư
4-    Nam Chân Bái Dương tiến sĩ Ngô Thế Vinh
5-    Tập hiền viện thị giảng thám hoa Phan Thúc Trực
6-    Phú Yên tỉnh án sát tiến sĩ Nguyễn Văn Long
7-    Nam Sách phủ tri phủ chính tiến sĩ Tam Thanh Ngô Chân
8-    Hàn lâm viện biên tu đồng tiến sĩ Phú Lĩnh Trần Huy Đan
9-    Nam Sách phủ giáo thụ Du Viên Trần Năng Ái
10-  Nam Sách phủ giáo thụ Trịnh Bao
11-  Yên Phong huyện huấn đạo Ngô Đồng Nguyễn Huy Tấn
12-  Hoàng Giang cử nhân Trần Huy Xán
13-  Hương Khê cử nhân Nguyễn Giản
14-  Kiệt Sơn nông tẩu Hoàng Xuân Cẩm
15-  Chi Điền tú tài Đặng Huy Tốn
16-  Đột Lĩnh tú tài Bùi Văn Nghĩa
17-  Ngọc quan sĩ nhân Vũ Chuẩn
18-  Lương Tài ngọc quan tú tài Vũ Khải.
Dưới đây là bài thơ của ông:
荒涼石徑掩雲關
七斬遺章在两間
          陳晚綱維谁是主
          至靈山水托餘閒
          孤吟雨點流泉響
          暗淚霜凝翠竹班
          繼善豊碑懸日月
          千秋正氣仰高山
                   傑山農叟皇春錦
Phiên âm
Hoang lương thạch kính yểm vân quan
Thất trảm di chương tại lưỡng gian
Trần vãn cương duy thùy thị chủ
Chí Linh sơn thủy thác dư nhàn
Cô ngâm vũ điểm lưu tuyền hưởng
Ám lệ sương ngưng thúy trúc ban
Kế thiện phong bi huyền nhật nguyệt
Thiên thu chính khí ngưỡng cao san
                 Kiệt Sơn nông tẩu Hoàng Xuân Cẩm
Dịch nghĩa
Mây ngăn con đường đá hoang vắng rậm rạp
Để lại sớ thất trảm ngoài cuộc đời
Cuối nhà Trần rường mối ai là chủ
Non nước Chí Linh gửi thân nhàn
Tiếng cô ngâm hòa vào với tiếng mưa, tiếng suối
Giọt lệ rơi cùng với hạt sương đọng trên lá trúc xanh
Điều tốt lành ghi trên bia truyền mãi cùng năm tháng
Nghìn năm chính khí vẫn thấy chót vót cao như núi.
Dịch thơ
Con đường đá chặn cửa mây
Để chương thất trảm lại thầy ra đi
Cuối Trần giềng mối suy vi
Chí Linh sơn thuỷ thày về ung dung
Thơ ngâm hoà tiếng suối rừng
Lệ sa như giọt sương ngưng ngậm ngùi
Gương treo vằng vặc giữa trời
Nghìn năm chính khí non vời vợi cao.
                                   Đỗ Đình Tuân dịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây