Nhạn Loan cổ độ trong Chí Linh bát cổ ở đâu?

Thứ năm - 29/10/2015 13:38 - 3812 lượt xem
Nhạn Loan cổ độ
Nhạn Loan cổ độ
Chí Linh xưa, có 8 di tích được mệnh danh là “Chí Linh bát cổ” đã có nhiều sách viết. Trong số đó, đến nay có những di tích trở thành phế tích. Người đời chỉ còn nhớ nó trong tâm tưởng, Ví như Phao Sơn Cổ thành, (thành cổ Phao Sơn) nay bị công trình xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại chiếm hết cả. Những bãi xỉ than, những kênh thải nước làm mát máy cho quá trình sản xuất, đã nuốt chửng vết tích thành quách xưa rồi. Bến đò Nhạn Loan cũng nằm trong số đó.
 
 
Thử tìm lại địa danh Nhạn Loan cổ độ?
Nghe câu này hẳn có người sẽ cho là thừa? Bởi từ lâu trong sách này sách khác, trong truyền ngôn, vẫn nói và viết rằng: Bến đò Nhạn Loan thuộc đất Chí Linh, có bến Triền Dương, đời nhà Trần có ông võ tướng Trần Khánh Dư bị cách chức làm thứ dân đã về đây quăng chài, bán than kiếm sống...
Thế nhưng trên trang Tri thức Việt (Vietgle) viết: Vào đời Minh, Gia Bình thuộc đất huyện An Định, châu Gia Lâm, phủ Bắc Giang. Đời Lê là huyện Gia Định. Năm Minh Mạng thứ nhất 1820 đổi thành Gia Bình, vì trùng tên với Gia Định (ở Đàng trong). Năm 1950 huyện Lương Tài sáp nhập với Gia Bình thành huyện Gia Lương,  năm 1999 lại tách ra như cũ .
Năm 1282, nhà Trần tổ chức hội nghị Bình Than, một bãi đất nằm giữa sông Lục Đầu giang thuộc đất xã Cao Đức huyện Gia Bình.
Còn đang phân vân thì mở trang Wikipedia -Bách khoa toàn thư mở, trong mục huyện Gia Bình, Bắc Ninh, lại thấy có đoạn viết “Năm 1282, nhà Trần tổ chức hội nghị Bình Than ở tổng Vạn Ti, nay thuộc xã Cao Đức, huyện Gia Bình (Bắc Ninh), để nhất trí toàn dân chống giặc Nguyên Mông. Ở hội nghị này Trần Quốc Tuấn được phong là Quốc công tiết chế tổng chỉ huy quân đội….
Lại  một lần trò chuyện với ông Tiến, chuyên viên Phòng Giáo dục Chí Linh, là người ở xã Nhân Huệ cũ. Ông cho biết, đã có bạn xem truyền hình viết thư hỏi rằng “Nhạn Loan cổ độ” là ở đâu? MC trả lời “Nhạn Loan thuộc đất Gia Bình”.
Xem như thế, vấn đề địa danh Nhạn Loan, vẫn còn phải có lời giải tiếp.
Giải mã  chữ Nhạn Loan.
Theo từ điển Đào Duy Anh, Nhà xuất bản Trường Thi xuất bản năm 1938 tại Sài Gòn,Nhạn là con ngỗng trời. Còn Từ điển Thiều Chửu (NXB Thành phố Hồ Chí Minh - 1998) chữnhạn là chim nhạn, bay theo thứ tự, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu - chim mùa. Còn gọi là chim mòng.
Tóm lại cả hai tác giả đều giải thích rằng đó là loài chim.
 Loan có tới 6 chữ với tự dạng khác nhau và nghĩa cũng khác nhau. Có chữ Loan là cái chuông, có chữ là dáng núi, là cong queo, là chuông đeo cổ ngựa, là tên một loài cây, là một loài chim phượng và có một chữ, nghĩa là chỗ hõm nước chảy vòng . Chúng tôi cho rằng, chữLoan trong Nhạn Loan phải là chỗ nước chảy  vòng, hõm vào bờ đất.
Như thế có thể yên tâm rằng, Nhạn Loan trong Nhạn Loan cổ độ, phải là vụng nước hõm vào, có những con ngỗng trời hay chim nhạn bay vờn trên mặt nước. Dứt khoát phải là một nơi có sông nước chứ không thể là trong đất liền. Nhưng như thế, vẫn chỉ là chung chung, bởi trên khu vực Lục Đầu Giang rộng lớn ấy có bao nhiêu chỗ hõm nước và những cánh chim trời thường lui tới vui đùa?
 
Địa danh Nhạn Loan có liên quan mật thiết tới võ tướng Trần Khanh Dư
Địa danh Nhan Loan có muộn nhất cũng cách đây hơn 700 năm, tức là cuối thế kỷ thứ 13. Điều này dễ thống nhất. Sách cũ chép sau khi bị cách chức làm thứ dân, Trần Khánh Dư về đốt than, chài cá kiếm sống trên sông Lục Đầu giang, rồi gặp vua Trần cho phục chức...Không rõ Trần Khánh Dư sống ở Chí Linh bao lâu, nhưng tên tuổi ông thì mãi mãi gắn liền với mảnh đất này. Có một đền Gốm thờ Trần Khánh Dư, và một xã Nhân Huệ mang tước vương của ông đến nay vẫn hiện diện trên bản đồ quốc gia.
Trở lại vấn đề địa danh Nhạn Loan. Bấy giờ ở khu đất mà Trần Khánh Dư sinh sống có một làng Triền, còn gọi là Lý Dương. Bến sông gọi là bến Triền Dương,  nơi Trần Khánh Dư thường lui tới đây để chài cá và mang than đến bán cho thương khách. Chính bến Triền này, mãi hơn ba trăm năm sau vẫn còn được nhắc lại trong câu chuyện về Thám hoa Nguyễn Minh Triết, thời Lê - Mạc ở thế kỷ 17. Ông lên Thăng Long thi hội, thi xong vội vã về quê vì hết tiền ăn. Ông được một chủ quán cơm cưu mang trong những ngày trọ trên kinh thành Thăng Long. Ngày về quê, ông đã gửi lại cho người chủ quán một bản lộ trình, kiểu như giấy đảm bảo, để sau này có dịp thì đền ơn.
Bản lộ trình kê ra danh tính, quê quán, nhưng đặc biệt là trong đó đã để lại những tên làng tên đất trên đường về quê ông:
                   Ngo, Nghe, Ngụ, Triện, lái sang Triền
                   Qua Dâu, Lang Giản, Nẻo, Cùa, Thiên...
Nghĩa là đường về làng Thiên (quê Nguyễn Minh Triết) phải đi tới làng Ngo, làng Nghe, làng Ngụ, làng Triện (thuộc đất Bắc Ninh) rồi mới sang làng Triền (Triền Dương). Rồi ven theo bờ đê sông Kinh Thầy, qua làng Dâu, làng  Nam Giản, làng Nẻo, làng Cùa rồi mới về tới làng Thiên. Dù đã gần bốn trăm năm đi qua, có biết bao nhiêu lần thay tên làng, xã, nhưng đến bây giờ các tên làng trong bản lộ trình vẫn còn, đó là làng Triền, Dâu, Lang Giản, Nẻo, Cùa, Thiên (thuộc thị xã Chí Linh).
Vậy là khá rõ: Từ kinh thành Thăng Long về bến Nhạn Loan, đến  Phú Thị, theo đường 282 qua Ngọ Xuyên, về thị trấn Gia Bình, qua Phú Gia, qua làng Ngo, Nghe, Ngụ, Triện, mới  tới Cao Đức thuộc đất Gia Bình, rồi gặp sông Lục Đầu.
Qua sông là đất làng Triền thuộc Chí Linh….
 Bến Nhạn Loan là một địa danh có từ thời vua An Dương Vương?
Cứ tưởng địa danh Nhạn Loan có khoảng tám trăm năm nay nhưng có ý kiến cho rằng địa danh này có từ thời Thục An Dương Vương. Sách Chí Linh phong vật chí, do gia đình họ Đào Ngọc, người xã An Lạc phụng sao năm Bính Tý - Bảo Đại 11 tháng 3 nhuận, hiện đang lưu trữ tại Thư viện tỉnh Hải Dương, có chép bài thơ chữ Hán:
              Triền Dương giang miếu cổ anh linh
               Quy trảo nga mao di cố lộ
               Lang Gián, Đông Hồ tích hiển linh
               (Miếu cổ sông Triền Dương linh thiêng lâu đời.
                Móng rùa, lông ngỗng để lại dấu con đường cũ
              Xứ Đông Hồ, Lang Gián xưa vẫn còn thiêng)
Trong một bài thơ khác với tiêu đề “Nhạn Loan cổ độ” của Nguyễn Tri Hoa được miêu tả rất sinh động hình ảnh “móng rùa, long ngỗng”. Trong bài thơ ấy có hai câu:
                                   Quy trảo nga mao vân thủy lộ
                                 Tướng quân thán phiệt thành danh độ
                                 Ngư lang thuỳ điếu địch ca nhàn
                                 Chu tử tế nhân thoa lạp cổ
                                 Giang trung quang cảnh thường như thử
                                 Minh nguyệt thanh thu kim kỷ độ
                                 Khách thuyền nhàn phiếm cổ giang thu
                                 Truy ký tiên triều nhất kỳ ngộ
Dịch thơ:            
Móng rùa lông ngỗng chuyện khôn bàn
Danh tiếng còn truyền bến Nhạn Loan
                   (Nguyễn Huy Đại và Nguyễn Thanh Giản dịch)
Chỉ xét hai câu thơ đầu đã thấy nói tới chuyện “lông ngỗng, móng rùa” trong chuyện Trọng Thuỷ - Mỵ Châu và vua An Dương Vương xung quanh chiếc nỏ thần. Lại còn liên quan tới Trần Khánh Dư qua chi tiết “Tướng quân thán phiệt” chỉ bè chở than của tướng quân Trần Khánh Dư làm cho bến đò thành danh tiếng.
Có thể hai cha con vua An Dương Vương trên đường trốn giặc, từ thành Cổ Loa men theo bờ sông Đuống về tới Nhạn Loan, rồi phóng về phía biển Đông. Dọc đường Mỵ Châu rắc lông ngỗng cho chồng đi tìm, nên đời sau có những bài thơ như thế.
Chuyện khá rõ ràng như vậy nhưng vì sao vẫn có chuyện cho rằng Nhạn Loan thuộc đất Gia Bình, Cao Đức?
Xưa nay, một bến sông bao giờ cũng có hai bờ. Thói quen người ta thường gọi địa danh hai bờ làm một. Ví như bến đò Bình, thì bên bờ bắc là thôn Trụ Thượng, thuộc đất Chí Linh, bờ nam thuộc thôn Linh Khê, huyện Nam Sách.. Nhưng dân gian chỉ gọi chung là đò Bình, bến Bình, chứ không ai tách bạch ra hai bờ bến.Với quan niệm như vậy, đã có người cho rằng bến Nhạn Loan thuộc về đất Gia Bình. Có điều Nhạn Loan không chỉ đơn thuần là một bến đò ngang cố định. Nó có không gian rộng lớn hơn nhiều.  
Để góp thêm phần làm sáng tỏ vấn đề này, chúng tôi xin nói kỹ thêm một chút về chữ “độ” trong “Nhạn Loan cổ độ”. Theo từ điển Thiều Chửu, sách đã dẫn, có 4 chữ độ khác nhau. Nay chỉ xét chữ ĐỘ có ba chấm thuỷ, là gần nghĩa với cổ độ nhất. Trong chữ Độ này có tới 4 nghĩa khác nhau:
- Độ là bến đò
- Độ là cứu vớt cho con người qua cơn khổ ải, như tế độ
- Độ là giao phó
- Độ là qua, đi qua sông từ bờ này sang bờ kia.
Trong nghĩa thứ tư, chữ ĐỘ có không gian rộng rãi hơn, chứ không hẳn là một bến đò. Chữ  độ  phải hiểu là  chỗ qua lại, chỗ từ bờ này sang bờ kia. Thế nhưng nó phải thoả mãn với chi tiết là thuộc đất thái ấp của Nhân Huệ hầu Trần Phó Duyệt, nơi cư trú, buôn bán, chài lưới sinh sống của Trần Khánh Dư sau khi bị cách chức. Đó là khúc sông đối ngạn với Cao Đức, Gia Bình, tức là bến Triền Dương, hay còn gọi là Lý Dương, hiện tại thuộc xã Cổ Thành, thị xã Chí Linh.
Những viện dẫn trên để làm rõ thêm Nhạn Loan cổ độ là di tích lịch sử gắn với một nhân vật lịch sử đời Trần, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, thuộc đất Chí Linh.
 Sau khi làm rõ địa danh của Nhạn Loan, nên có hình thức xây dựng tại đây một bia tưởng niệm. Ghi rõ địa danh và tóm tắt sự tích lịch sử để muôn sau còn tưởng nhớ. Đồng thời có thể là một điểm dừng chân của những du khách khi đi du lịch bằng đường thuỷ. Đồng thời phục hưng một di tích đã bị thời gian phủ mờ.
                                                                                              Khúc Hà Linh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bài viết được xem nhiều
CÔN SƠN - KIẾP BẠC:
HÀNH TRÌNH DI SẢN

qh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây